Phú Yên: Loài cua gạch xuất lộ ở đầm Ô Loan, có con to như cái bát tô, hàng trăm người lội bắt cả đêm
Từ mùng 1 Tết Nhâm Dần đến nay, người dân các xã An Ninh Đông, An Hòa Hải, An Hiệp, An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) sống quanh đầm Ô Loan được hưởng lộc từ đầm.
Mỗi đêm có hàng trăm người xuống đầm bắt tôm đất, hàu, cua gạch…
Sáng sớm, trở về từ đầm Ô Loan với thành quả là tôm, cua các loại, ông Nguyễn Văn Bình ở xóm Đá, xã An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) cho hay: Những ngày tết vừa qua, cua gạch xuất hiện nhiều ở đầm Ô Loan. Có con to bằng cái tô, càng to bằng ngón chân cái. Mỗi đêm có người bắt 2-3kg.
Người dân bán cua gạch khai thác từ đầm Ô Loan (huyện Tuy An, tinh Phú Yên) cho thương lái. Ảnh: MẠNH LÊ TRÂM
Ban đêm đánh lưới về, sáng người trong xóm ngồi trói cua (dùng dây chuối quấn chặt không cho cua bò, dùng càng kẹp) bán cua gạch cho thương lái với giá 120.000-150.000 đồng/kg, tùy loại lớn nhỏ.
Cua gạch là loại cua lớn, khi hấp hoặc luộc, nướng gạch có vị béo. Còn tôm đất ở đầm Ô Loan có 2 loại: tôm bạc và tôm rằn (còn gọi là tôm he); trong đó tôm bạc thịt chắc, ngon hơn.
Video đang HOT
“Tôm mới xuất hiện số lượng ít, mỗi đêm tôi bắt trên dưới 1kg, bán 200.000 đồng/kg”, ông Bình khoe.
Còn bà Nguyễn Thị Duyên ở xã An Ninh Đông đang cạy hàu, chia sẻ: Đặc sản của đầm Ô Loan là tôm đất, cua gạch, hàu.
Hàu sống trong môi trường tự nhiên, bám vào các bờ đá, xếp vào loại thượng hạng. Loại đặc sản này có vị ngọt thanh tao, không chế biến cầu kỳ mà chỉ cần hấp, nướng, chấm với muối tiêu. Hàu xuất hiện nhiều, nhưng con còn nhỏ. Tôi cạy hàu ruột bán 150.000 đồng/kg.
Theo nhiều người dân sống ven đầm Ô Loan, nhờ cửa An Hải được khai thông mở rộng, nước biển tràn vào nên tôm đất, cua gạch, hàu xuất hiện trở lại.
Trước đây do cửa biển này bồi lấp khiến nước trong đầm ô nhiễm nặng, cộng với tình trạng đánh bắt hủy diệt của một số người nên gần 5 năm qua tôm đất trong đầm vắng bóng.
Bà Phan Thị Nhung, nhà ở cạnh mép đầm thuộc xã An Hòa Hải, cho hay: Trước đây, nhiều năm liền đầm Ô Loan cạn kiệt nguồn lợi thủy sản, còn nay thì đầm hồi sinh với nhiều loại tôm cá, cua.
Từ mùng 1 Tết Nhâm Dần đến nay, vào ban đêm nhiều người dùng đèn pin soi bắt tôm, cua, mặt đầm sáng rực. Nhiều nhất là đèn đóng chấn bắt tôm đất. Tuy không nhiều nhưng tết năm nay, người dân sống quanh đầm được hưởng lộc từ đầm.
Trước đây, đầm Ô Loan bị ô nhiễm nặng, có lúc rong giẻ, rong nhớt nổi lên từng đám dày phủ kín mặt đầm; lưới, lờ giăng kín, cản trở dòng chảy…
Với quyết tâm làm đẹp Thắng cảnh quốc gia Đầm Ô Loan, hai năm qua, huyện Tuy An thành lập đoàn kiểm tra, sử dụng ca nô tiến hành kiểm tra và tổ chức tháo dỡ 3.082 hàng cọc tre, thu hủy 4.173 lờ bóng Thái Lan, giải tỏa trả lại hiện trạng ban đầu 119 hồ, với diện tích trên 58ha.
Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng NNPTNT huyện Tuy An (tỉnh Phú Yên): Sau khi xử lý tình trạng lấn chiếm, giải tỏa cọc tre do người dân tự ý cắm dưới đầm, địa phương đã phân định vùng nuôi, chia bốc thăm lại trong diện tích quy hoạch hơn 200ha các khu nuôi tôm.
Ngành Nông nghiệp đã có dự án quy hoạch, thả nuôi 102ha sò huyết. Hiện nay, đầm Ô Loan thoáng rộng, nước trong xanh trở lại, cá tôm hồi sinh, tạo kế sinh nhai bền vững cho người dân ven đầm.
Nông dân miền núi Phú Yên thu hoạch mía trong niềm vui được mùa, được giá
Những ngày này, nông dân các huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh (Phú Yên) đang tất bật thu hoạch mía niên vụ 2020-2021.
Vụ mía năm nay không những năng suất tăng mà mía đang được các nhà máy thu mua với giá rất cao 1,2 triệu đồng/tấn mía 10 trữ đường khiến nông dân trồng mía rất phấn khởi.
Nông dân xã Suối Bạc (Sơn Hòa, Phú Yên) thu hoạch mía.
Gia đình ông Ngô Văn Khánh, thôn Tân An, xã Suối Bạc, huyện Sơn Hòa đang tất bật thu hoạch 10 ha mía, sản lượng ước đạt 800 tấn. Những ngày này, giá mía được Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCP Việt Nam thu mua với mức 1,2 triệu đồng/tấn đối với mía có 10 trữ đường nên gia đình đã thuê thêm 50 nhân công tất bật thu hoạch mía nhập cho nhà máy.
"Đây là vụ mía có lãi cao, mặc dù trữ đường của ruộng mía không đat ở mức cao nhất, nhưng với việc mía được thu mua cao nhất kể từ thời điểm nhà máy KCP liên kết trồng mía với nông dân Phú Yên và sản lượng mía tăng cao, trừ chi phí vụ này gia đình tôi lãi hơn 300 triệu đồng". Ông Khánh nói.
Tại xã Sơn Phước, gia đình ông So Minh Hùng, cũng đang tất bật thu hoạch 3 ha mía. Theo ông Hùng, năm đầu tiên gia đình áp dụng trồng mía theo mô hình đào hố, tưới nước, nhờ chủ động nước tưới, không trông chờ nước trời như các trước do vậy cây mía phát triển rất tốt, đạt năng suất cao khoảng 80 tấn/ha. Với giá thu mua mía hiện tại gia đình lãi trên 100 triệu đồng trong vụ mía năm nay. Đây là lợi nhuận cao nhất từ trước tới nay.
Không chỉ hộ ông Khánh, ông Hùng mà hầu hết các hộ trồng mía ở huyện miền núi Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân vui mừng vì cây mía được mùa, được giá. Các nông hộ cho biết, giá thu mua mía đầu vụ đã được nâng cao nên nông dân rất phấn khởi, vụ mía năm nay trừ các chi phí nông dân Phú Yên sẽ thu lãi từ 30 đến 40 triệu đồng/ha. Hiện sau Tết lượng lao động thu hoạch mía ở các địa phương của tỉnh cũng khá dồi dào, mía thu hoạch đến đâu được vận chuyển đến các nhà máy tiêu thụ đến đó.
Theo Alê Y Bớ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Sơn Hòa, niên vụ mía 2020-2021, toàn huyện có 12.400 ha mía. Cây mía được trồng nhiều tại các xã Sơn Nguyên, Sơn Hà, Suối Bạc, Ea Chà Rang.
"Năm 2021, mặc dù gặp bất lợi do khô hạn trong tháng 6/2021 khiến gần 300 ha mía bị cháy lá và gần 3.000 ha bị héo, khô nhưng cây mía được người dân chăm sóc phục hồi ngay sau đó, đồng thời do thời tiết thuận lợi mưa nhiều trong các tháng cuối năm giúp cây mía sinh trưởng phát triển rất tốt, cho năng suất cao hơn so với những năm trước. Hiện diện tích mía có nguồn nước tưới ổn định tại huyện (khoảng 2.400 ha) đạt năng suất 100 tấn/ha, diện tích mía không có nước tưới cũng đạt từ 58-60 tấn/ha". Ông Alê Y Bớ nói.
Tại Phú Yên, Công ty Trách nhiệm hữu hạn KCP Việt Nam liên kết với nông dân đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu mía gần 16.000 ha. Từ vụ mía 2021, nhà máy đường KCP đã đưa máy thu hoạch về hỗ trợ thu mía cho người dân. Thu hoạch bằng máy giúp nông dân tiết kiệm được được 60.000 đồng/tấn so với chặt tay. Vụ mía năm nay, Công ty KCP còn đầu tư xây dựng, tu sửa các tuyến đường giao thông nội đồng để thuận lợi trong khâu áp dụng cơ giới hóa; ngoài ra, công ty còn đầu tư giống mía mới, phân bón; hỗ trợ giàn trồng mía, máy thu hoạch để phụ vụ phát triển vùng nguyên liệu.
Theo ông SUBBAIAH -Tổng Giám đốc Công ty KCP Việt Nam, năm 2021 KCP hỗ trợ không hoàn lại cho nông dân 40 tỷ đồng để trồng, chăm sóc mía. Công ty cũng đã cố gắng thu mua mía giá cao giúp nông dân có thêm thu nhập, để nông dân nhận thấy được hiệu quả và gắn bó với cây mía. Niên vụ mía năm 2022-2023, công ty dự kiến sẽ đầu tư 50 tỷ đồng cùng nhiều chính sách ưu đãi để hỗ trợ nông dân trồng mía.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, mía là một trong những trồng chủ lực của các huyện miền núi của tỉnh. Phú Yên hiện duy trì phát triển 21.369 ha mía. Ngoài việc trồng thuần, nông dân các địa phương ở Phú Yên đang áp dụng các biện pháp cơ giới hóa trong trồng mía, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm. Vụ mía năm 2021, nông dân trồng mía liên kết với các nhà máy được hỗ trợ nhiều trong trồng, chăm sóc, thu hoạch, cây mía đạt năng suất cao lại bán được giá đây là tín hiệu vui giúp nông dân miền núi nâng cao thu nhập, gắn bó lâu dài, ổn định với cây mía.
Tìm thấy thi thể cô gái mất tích sau khi "cầu cứu" mạng xã hội Cơ quan chức năng xác định, thi thể cô gái được phát hiện ở mương nước là người mất tích vào tối 19/2. Ngày 21/2, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tây Hòa (Phú Yên) cho biết đã hoàn thành việc khám nghiệm hiện trường và tử thi cô gái trôi dưới kênh thủy nông qua địa phận thôn Phú Khánh, xã Hòa...