Phú Yên: Công an vào cuộc điều tra vụ phá 2,7 ha rừng tự nhiên
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên chỉ đạo Công an tỉnh, Sở NN-PTNT tỉnh, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên làm rõ việc người dân phá rừng trồng sắn và trồng keo.
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên (thứ 3 từ phải qua), cùng các cơ quan chức năng đến kiểm tra hiện trường phá rừng
ĐỨC HUY
Sáng 2.9, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cùng lãnh đạo công an tỉnh, sở NN-PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, UBND H.Sơn Hòa và Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa đến kiểm tra hiện trường khu vực rừng bị phá tại H.Sơn Hòa.
Hiện trường một vạt rừng bị phá để trồng keo. Ảnh ĐỨC HUY
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên, khu vực rừng bị phá thuộc tiểu khu 162, xã Sơn Hội, H.Sơn Hòa do Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa quản lý.
Tại hiện trường, diện tích bị chặt phá ban đầu xác định khoảng 2,7 ha cây rừng tự nhiên, trong đó, rừng sản xuất hơn 0,7 ha và rừng phòng hộ hơn 1,9 ha. Các khu vực rừng bị phá gồm: Dốc Cốc (khoảnh 4), Sối Dĩ (khoảnh 6) và Cheo Reo (khoảnh 8).
Những cây rừng tự nhiên còn sót lại sau khi bị phát dọn, đốt thực bì. Ảnh ĐỨC HUY
Rừng bị phá không nằm tập trung mà rải rác ven các suối. Hiện trường đã đốt xong thực bì, trồng cây con keo lai.
Ông Đặng Việt Dũng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa, cho biết khi phát hiện rừng bị phá, Ban quản lý đã lập biên bản, chuyển công văn đến UBND xã, nơi có rừng bị phá, để phối hợp xác minh nhưng không xác định được người vi phạm. “Việc xác minh ra người phá rừng là rất khó”, ông Dũng nói.
Gốc cây bị cháy còn sót lại. Ảnh ĐỨC HUY
Video đang HOT
Sau khi nghe ông Dũng báo cáo, ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, đã chỉ đạo công an tỉnh, sở NN-PTNT tỉnh, chi cục Kiểm lâm làm rõ, xử lý việc phá rừng.
“Để phục vụ việc này, trước mắt giám đốc Sở NN-PTNT ra quyết định tạm ngưng công việc điều hành của ông Đặng Việt Dũng, Phó trưởng ban phụ trách Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa”, ông Thế yêu cầu.
Phá rừng để trồng cây keo lai. Ảnh ĐỨC HUY
Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cũng đã chỉ đạo Công an tỉnh Phú Yên vào cuộc điều tra, làm rõ có ai đứng đằng sau tiếp tay cho việc phá rừng này hay không để xử lý theo quy định của pháp luật.
Vạt rừng bị phá để lấy đất trồng keo lai. Ảnh ĐỨC HUY
Cũng từ vụ việc này, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đề nghị Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Phú Yên làm việc với tất cả các ban quản lý rừng về việc quản lý bảo vệ rừng. “Cứ để như thế này, dân thì lấn, còn ban quản lý rừng thì xử lý không được, thiếu trách nhiệm. Chính quyền địa phương không chịu xử lý thì sao còn rừng? Nhìn đi, bây giờ ở đây có còn rừng tự nhiên nữa không?”, ông Thế nói.
Từ đầu năm 2021 đến nay lực lượng chức năng của H.Sơn Hòa (Phú Yên) đã phát hiện 18 vụ phá rừng trái pháp luật với diện tích hơn 29 ha. Khoảng 41,9 ha đất lâm nghiệp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa thuộc địa bàn xã Sơn Định và Sơn Hội bị lấn chiếm. Công an H.Sơn Hòa và Hạt kiểm lâm huyện đang điều tra, xử lý 16 vụ với diện tích rừng bị phá hơn 22 ha.
Đốn hạ rừng phòng hộ đầu nguồn để... trồng keo
Hàng loạt cây mằng lăng, bìn lin, muồng, ké... 1-2 người ôm bị đốn hạ, đốt cháy nham nhở trong các cánh rừng phòng hộ thuộc xã Sơn Hội (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên), nhưng ban quản lý bảo vệ rừng lại nói 5-6 năm nay không có vụ phá rừng nào.
Từ phản ánh của người dân, ngày 30-8, Tuổi Trẻ Online đã vượt hơn 6km con đường nhão nhoẹt, đồi dốc khó đi để vào sâu trong rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương thuộc thôn Tân Thành (xã Sơn Hội) và chứng kiến nhiều khoảnh rừng nơi đây bị đốn hạ không thương tiếc.
Keo non 'hạ đẹp' rừng già
Từ cột mốc ghi "BQL rừng phòng hộ Sơn Hòa, loại rừng: phòng hộ, số hiệu mốc: 716", chúng tôi đi theo lối mòn có sẵn chừng 300m vào trong khu rừng dân gọi là rừng dốc Cốc, đã nhìn thấy cảnh tượng xót xa của sự tàn phá.
Những cây bằng lăng, muồng, cốc da đá 1-2 người ôm, trên thân còn dấu sơn đỏ đánh chéo cùng dòng chữ "cấm phá rừng" bị cưa đổ ngổn ngang.
Nhựa cây nơi vết cắt còn chưa khô, lá cây còn xanh chứng tỏ việc tàn phá này mới xảy ra vài ngày. Ngay bên cạnh những cây bị đốn hạ này đã được trồng nhiều cây keo non.
Một góc rừng suối Dĩ thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương bị tàn phá. Trên nền rừng bị phá là những cây keo non vừa mới được trồng vài ngày - Ảnh: DUY THANH
Vào sâu trong rừng, nằm giữa một số cây bằng lăng, cốc... còn sót lại, là những khoảnh rừng bị phát "trắng", bên cạnh những gốc cây lớn bị đốt cháy đen đã mọc lên những cây keo non, cây đỗ...
Ở khu vực này, người phá rừng không phá tập trung khu vực lớn, mà chỉ làm từng khoảnh vài ngàn mét vuông kiểu "da beo".
Ở khu vực rừng suối Dĩ cách đó khoảng 3km, mức độ tàn phá rừng diễn ra kinh hoàng hơn khi có khoảng rừng rộng hàng hecta tiếp giáp với các rừng keo lai khoảng 2 năm tuổi đã bị cưa hạ, đốt dọn "sạch sẽ".
Vết tích của rừng chỉ còn là những gốc cây lớn 20-70cm, có nơi còn nguyên thân cây dài hàng chục mét chưa được chở đi. Thay những cây rừng tự nhiên bị hạ là cả rừng keo non vừa được trồng vài ba ngày.
Một gốc cây to bị đốn hạ - Ảnh: DUY THANH
Để vào được khu vực rừng bị tàn phá này, chúng tôi được người dân dẫn băng qua các rừng keo bạt ngàn mà đất bên dưới chúng còn nhiều gốc cây lớn nhỏ đã bị chặt phá, đốt dọn, rải rác vẫn có những gốc cây to cả người ôm không xuể đã bắt đầu mục.
Người dân cho hay 2 năm trước, đây là rừng tự nhiên, nhưng cũng bị chặt phá, phát dọn trái phép rồi trồng lên rừng keo nhưng không thấy ai xử lý.
Những khu rừng suối Sổ, suối Cheo Reo cũng thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương ở xã Sơn Hội cũng đang bị tàn phá dữ dội từ đầu năm đến nay. Rừng phá đến đâu, keo được trồng đến đó.
"Người ta cứ trồng xen cây keo vô rừng, sau đó chặt hạ cây rừng tự nhiên dần dần. Khi rừng keo lớn dần, họ tiếp tục chặt phá rừng phòng hộ giáp ranh đó để mở rộng rừng keo. Cứ vậy, rừng phòng hộ "teo" dần, rừng keo lớn ra" - người dẫn đường cho biết.
Chủ rừng: 5-6 năm không có vụ phá rừng nào!
Làm việc với phóng viên chiều 30-8, ông Đặng Việt Dũng - phó giám đốc phụ trách Ban quản lý Rừng phòng hộ huyện Sơn Hòa - cho biết đơn vị này quản lý lâm phần 14.372ha rừng thuộc 5 xã Sơn Long, Sơn Định, Sơn Xuân, Sơn Hội và Phước Tân, trong đó có 9.860ha rừng phòng hộ, phần lớn tập trung ở hai xã xã Phước Tân, Sơn Hội.
Một gây rừng được sơn dấu cảnh báo cấm phá rừng bị chặt hạ ở rừng dốc Cốc thuộc rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương bị đốn hạ - Ảnh: DUY THANH
Khi được hỏi từ đầu năm đến nay có phát hiện vụ phá, lấn chiếm rừng phòng hộ nào ở xã Sơn Hội hay không, ông Dũng nói ngay: "5-6 năm nay chưa phát hiện phá rừng, hay lấn chiếm rừng ở đó".
Ông Dũng nói nhờ giai đoạn 2016-2020 giao rừng cho các tổ nhận khoán, bảo vệ rừng theo Nghị định 75 của Chính phủ, các tổ này phối hợp với lực lượng của Ban quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa đi tuần tra, kiểm tra thường xuyên nên không có việc phá rừng hay lấn chiếm rừng phòng hộ.
Ông Dũng cũng nói rừng phòng hộ nếu phá 2.000-3.000m2 là bị khởi tố, phạt tù, cộng thêm lực lượng bảo vệ rừng kiểm tra kỹ, chỗ nào có nguy cơ là xịt sơn lên cây cảnh báo.
Lời của ông lãnh đạo phụ trách quản lý rừng thật khác xa với những gì chúng tôi đã chứng kiến. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 31-8, ông Lê Văn Bé - chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Phú Yên - cho hay sẽ kiểm tra lại thông tin rừng đầu nguồn sông Trà Bương thuộc xã Sơn Hội bị phá và sẽ thông tin lại cho báo chí sau.
Một số hình ảnh rừng đầu nguồn sông Trà Bương bị tàn phá được Tuổi Trẻ Online ghi lại được:
Rừng phòng hộ ở thôn Tân Thành (xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) bị tàn phá - Ảnh: DUY THANH
Một gốc cây lớn bị chặt hạ - Ảnh: DUY THANH
Phá rừng tự nhiên để trồng keo lai - Ảnh: DUY THANH
Một gốc cây cốc lớn bị lâm tặc cưa một nửa - Ảnh: DUY THANH
Dấu tích còn lại của rừng là một gốc cây mục trong rừng keo khoảng 2 năm tuổi - Ảnh: DUY THANH
Lĩnh 10 năm tù vì hoạt động lật đổ chính quyền Với tội danh "Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân", Ngô Công Trứ (trú huyện Tây Hòa) đã bị TAND tỉnh Phú Yên tuyên phạt 10 năm tù giam. Ngày 25/8, TAND tỉnh Phú Yên mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bị cáo Ngô Công Trứ (sinh năm 1988, trú xã Hòa Bình 1, huyện Tây Hòa)...