Phú Yên Bản tình ca trong vắt giữa nắng và gió
Với tớ, một cô gái đam mê núi rừng và luôn cố gắng lấp đầy bản đồ du lịch của mình bằng những vùng đất cao chìm trong mây hay những con đường đèo uốn lượn trên sườn núi, việc lựa chọn Phú Yên lần này quả thật là một quyết định bất chợt mà tớ chưa bao giờ nghĩ đến.
Hành trình 3 ngày rong chơi ở vùng đất này đã khiến tớ dường như thay đổi mọi suy nghĩ của mình, tớ bây giờ đã thật sự yêu Phú Yên và yêu luôn cả biển, cũng như giúp tớ trả lời thắc mắc bấy lâu “Phú Yên nên đi đâu”.
Phú Yên những ngày cuối tháng Tư ngập tràn nắng và gió
Chuyến đi của tớ bắt đầu bởi chuyến xe kéo dài 10 tiếng, khởi hành vào lúc 8 giờ 30 tối và đến nơi vào 6 giờ 30 sáng. Tớ lựa chọn nhà xe Phúc Thuận Thảo, một trong những nhà xe nổi tiếng trong tuyến Sài Gòn – Phú Yên, với giá vé 220.000 VND / chiều. Một lí do khác mà tớ chọn Phúc Thuận Thảo là vì nhà xe này dừng ngay tại bến xe trong thành phố, chỉ cách homestay của tớ khoảng 2 km thôi.
Lần này tớ ở phòng dorm tại Góc Phú Yên, giá 100.000 VND / giường, xinh xắn, sạch sẽ và đầy đủ tiện nghi, tủ khóa đồ cũng dùng bằng loại chìa khóa cảm ứng xịn nên rất an tâm. Tầng trệt của Góc Phú Yên là một quán cà phê trang trí theo kiểu cổ xưa nhưng mang hơi hướng hơi Tây một chút, anh chủ lại hay mở nhạc Trịnh nên lại càng thích. Ở đây cũng có dịch vụ cho thuê xe máy, 100.000 VND / xe số, nhưng các cậu nhớ báo trước để anh chủ đưa xe về nhé.
Giờ thì bắt đầu cuộc dạo chơi Phú Yên cùng tớ nào!
Phú Yên nên đi đâu? Nhất định là Mũi Điện
Giá vé vào cổng hiện tại của Mũi Điện là 20.000 VND
Điểm đến đầu tiên của tớ chính là ngọn hải đăng huyền thoại ở mũi Điện – nơi từng là điểm đón bình minh đầu tiên trên đất Việt.
Ngọn hải đăng mũi Điện.
Mũi Điện cách trung tâm thành phố chừng hơn 30 km, khoảng cách cũng gọi là khá xa, nhưng với khung cảnh dọc đường thì tớ chắc chắn các cậu sẽ muốn đi hoài đi hoài luôn cho mà xem. Con đường đến Mũi Điện uốn lượn theo triền núi, một bên là vách núi cao sừng sững, một bên là màu xanh ngắt của nước biển, thi thoảng bắt gặp những đồi cát trắng cao ơi là cao, rồi lại đổ thêm một vài con dốc với núi non trập trùng “tình” hết sức.
Nước biển xanh ngắt.
Các cậu mua vé rồi giữ xe và nghỉ mệt, tiếp nước các kiểu để chuẩn bị đi bộ và leo bậc thang khoảng chừng 20 phút mới tới hải đăng nha. Đoạn đường này với tớ khá gian nan, vì trời nắng và hầu như không có gió, nhưng lúc lên đến nơi thì gió mát rượi nên các cậu yên tâm nha.
Mũi Điện chụp từ trên đỉnh ngọn hải đăng.
Núi non trập trùng trên đỉnh ngọn hải đăng.
Và nếu đã lên tới đây thì cũng đừng ngần ngại đi tiếp thêm khoảng 100 bậc thang xoắn ốc để lên đến đỉnh ngọn hải đăng nhen. Từ đây nhìn xuống mũi đá và biển xanh ngát bên dưới thích lắm luôn.
Bãi Môn – bãi biển ngay dưới chân mũi Điện.
Nông trại B&U
Nông trại này nằm ngay sát mũi Điện luôn, cách chưa đến 1 km, các cậu có thể chọn đến đây trước hoặc sau khi leo mũi Điện để nghỉ ngơi. Mình thì chọn đến trước, tranh thủ uống nước và chụp vài chiếc hình, chờ nắng tắt dần và trời dịu hơn thì mới sang mũi Điện.
Sống ảo thỏa thích luôn nha.
Trước tớ có đọc thông tin, vé vào nông trại là 20.000 VND, nhưng hôm tớ đến không thấy người ta bán vé nên chỉ phải trả tiền nước thôi. Theo tớ thì nông trại này không có gì đặc biệt, nhưng nếu chọn làm điểm nghỉ chân thì cũng khá ổn đấy, vì ở đây gió thổi siêu mát, có vài chiếc võng cho các cậu nằm ngắm mây trời nữa. À điểm đặc biệt ở B&U là cây sung lên đến hơn cả trăm tuổi, được thiết kế thêm xích đu và vườn hoa, tha hồ cho các cậu sống ảo luôn nhen.
Khu vườn ở sau sẽ được trồng hoa theo mùa.
Cây sung hàng trăm năm tuổi.
Bãi Xép
Video đang HOT
Giá vé vào Bãi Xép là 20.000 VND
Bãi Xép là điểm mà tớ mong chờ nhất trong chuyến đi Phú Yên lần này, không chỉ bởi những cảnh quay đẹp đến nao lòng trong bộ phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” hơn 3 năm về trước, mà còn là vì lời khen không ngớt từ cậu bạn địa phương đi cùng.
Màu trời và màu biển như hòa vào nhau.
Một bụi cây bàn chải ở bên ngoài bãi đá.
Hôm đó là một ngày cực nắng của Phú Yên, nhiệt độ ngót nghét lên đến 40 độ, nhưng đó lại là lần đầu tiên mà tớ không ngại nắng gió, tự tin đứng chênh vênh trên vách núi cao, thả mình giữa mây trời, hàng cát dài và màu biển xanh ngọc bích trong veo. Đã lâu rồi tớ mới lại thấy mình tự do đến thế!
Bậc thang lên vách núi đầy hoa rất xinh.
Một lưu ý nhỏ nhưng cực quan trọng là các cậu nhớ mang theo dù nhé, vì dù có ra bãi đá hay lên đến vách núi với nhiều cây bàn chải thì cũng không có bất kì mái che hay bóng râm nào đâu nhen.
Ở phía dưới có quầy bán nước, có bàn ghế để các cậu ngồi nghỉ. Bên cạnh là chỗ bán quà lưu niệm luôn. Nếu đi vào buổi chiều có thể tắm biển và tại chỗ bán nước có dịch vụ tắm nước ngọt nữa nha.
Màu nước xanh từ vách núi.
Bụi cây bàn chải dọc theo vách núi.
Khung cảnh tuyệt đẹp của bãi Xép mà các cậu sẽ khó có thể tìm thấy ở bất cứ nơi nào khác.
Khi mà người ta vẫn nhắc đến Phú Yên với những vẻ đẹp thiên nhiên do tạo hóa ban tặng thì nhà thờ Mằng Lăng chính là một điểm nhấn kiến trúc độc đáo do chính bàn tay con người xây dựng lên. Khoảnh khắc bước vào đây, các cậu sẽ có cảm giác loáng thoáng quen quen như từng thấy ở đâu đó trong những bức hình về nước Pháp, Tây Ban Nha,… đó là khung cảnh nhà thờ với kiến trúc Gothic đặc trưng châu Âu, chìm vào giữa một khoảng trời xanh ngắt.
Toàn cảnh bên trước nhà thờ.
Khu hành lang của nhà thờ.
Nhà thờ không chỉ thu hút khách du lịch bởi lối kiến trúc rất Tây, mà còn bởi bề dày lịch sử lên đến hàng trăm năm, đặc biệt đây còn là nơi lưu trữ cuốn sách Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam luôn đấy.
Bên trong là nơi cầu nguyện.
Mặt trước bên trong nhà thờ.
Cầu gỗ Ông Cọp
Phí qua cầu gỗ là 5.000 VND / lượt xe, nhưng hầu như chỉ thu phí đối với khách du lịch, dân địa phương – người đã “quen mặt” thì qua lại bình thường.
Các cậu có muốn thử cảm giác chạy xe máy trên cây cầu gỗ dài nhất Việt Nam không? Dù có hơi sợ nhưng cũng là một trải nghiệm mà các cậu nên thử khi đến Phú Yên.
Cầu gỗ dài nhất Việt Nam.
Cả cây cầu dài 400 m tất cả đều được làm từ gỗ, kể cả chân cầu, thành cầu được nối bằng các thanh tre, duy chỉ có đinh tán bằng sắt. Vì vậy cầu không được cố định chắc chắn, có chút rung lắc, thỉnh thoảng lại bị hụt bởi các khoảng trống do các thanh gỗ không liền nhau tạo thành, nên nếu các cậu không chắc tay lái thì không nên chạy xe máy qua nhé, nguy hiểm cho mình mà cũng cản trở giao thông của người dân tại đó nữa nhen.
Không gian rất tình của đồng ruộng và hòa cùng màu nước xanh của đầm Ô Loan.
Hiện tại có hai lối để vào cây cầu này, nhưng tớ khuyên các cậu nên đi từ hướng quốc lộ vì đường vào dễ dàng hơn hẳn so với đầu cầu bên kia. Ở đây cũng có một đồng ruộng bao la và một căn nhà thu phí nhỏ nhỏ rất xinh.
Căn nhà nhỏ bên cầu.
Nhà thờ Bác Hồ
Nhà thờ Bác Hồ nằm khá xa trung tâm thành phố, cách khoảng chừng 50 km. Để đến được đây, các cậu sẽ chạy qua Cao nguyên Vân Hòa – nơi mà tớ gọi là “Đà Lạt giữa lòng Phú Yên”, bởi độ cao hơn 400 m với mây trời và đồi núi trập trùng trải dài hai bên đường.
Núi non trập trùng của cao nguyên Vân Hòa.
Cung đường xanh ngắt.
Nhà thờ không chỉ là nơi gắn liền với lịch sử trong kháng chiến chống Mỹ mà còn là một công trình kiến trúc đẹp giữa một khu vườn rợp bóng mát với hàng cây xanh phủ khắp sân vườn và bao trọn lấy cả khuôn viên nhà thờ.
Toàn cảnh bên ngoài cổng nhà thờ Bác Hồ.
Gian nhà chính.
Không gian mát rượi đằng sau nhà thờ.
Các cậu đừng quên ghé vào quán nước đối diện nhà thờ để nghỉ ngơi và nạp thêm một chút năng lượng để tiếp tục chinh phục cao nguyên Vân Hòa nhé. Đây cũng có một chiếc xích đu xinh xắn giữa núi rừng cho các cậu sống ảo nữa đấy.
Đây là xích đu sống ảo nè.
Tranh thủ nghỉ ngơi một chút giữa rừng núi.
Nhà thờ Trà Kê
Từ nhà thờ Bác Hồ, các cậu chạy thêm khoảng 15 km nữa sẽ đến nhà thờ Trà Kê. Vì không phải là địa điểm tham quan được nhiều người biết đến nên lúc tớ đến cả nhà thờ vắng tanh, chỉ có mỗi một mình tớ thôi. Nhìn từ xa, nhà thờ nổi bật với tone màu cam và mái đỏ cao vút giữa nền trời xanh thăm thẳm.
Nhà thờ Trà Kê nổi bật giữa trời xanh.
Khu hành lang phía trước của nhà thờ.
Từ nhà thờ nhìn ra sẽ thấy cả một dãy núi phía trước luôn nha.
Khoảng sân rộng giữa núi rừng.
Ngay trong khuôn viên nhà thờ là một căn nhà sàn nhỏ xây dựng theo kiểu người Ê đê. Dân tộc Ê Đê là một cộng đồng dân tộc sinh sống lâu đời ở Phú Yên, tuy theo thời gian, người Ê Đê đang dần xây dựng những căn nhà gạch hiện đại thì đâu đó vẫn còn tồn tại những căn nhà gỗ đơn sơ và mộc mạc như thế này, cũng là một điểm nhấn độc đáo giữa lối thành thị ngày nay.
Nhà sàn Ê Đê ngay trong khuôn viên nhà thờ.
Và một buổi hoàng hôn thật đẹp!
Hoàng hôn Phú Yên là một khoảnh khắc chắc chắn không thể nào quên được đối với tớ. Ngồi sau con xe, cậu bạn đèo tớ một vòng quanh thành phố, dọc theo con đường bờ kè ven biển lên đến cầu Hùng Vương, khi mặt trời bắt đầu chuyển dần sang đỏ rực và dần hút sau bóng núi, tất cả đều thật đẹp.
Cầu Hùng Vương chụp từ bờ kè.
Tàu thuyền đánh cá neo đậu dọc xuyên suốt bờ kè.
Hoàng hôn trên cầu Hùng Vương.
Chuyến đi lần này đến Phú Yên thật sự là một bước ngoặt trong hành trình khám phá Việt Nam xinh đẹp của tớ. Mọi thứ ở Phú Yên, từ cảnh quan, đến ẩm thực hay con người, mọi thứ đều thật gần gũi và đáng yêu. Tớ giờ đây chẳng còn ngại cái nắng và gió của biển hay chẳng ngại để làn da của mình tối màu đi một chút nữa, bây giờ tớ đã đủ tự tin để tự mình đi hết biển đảo Việt Nam. À, và nhất định tớ cũng sẽ quay lại Phú Yên nữa chứ!
Theo blog.traveloka.com
Đẹp nao lòng Phú Yên
Phú Yên là địa phương giàu tiềm năng phát triển du lịch của khu vực miền Trung với giao thông thuận lợi, bờ biển dài, nhiều đầm, vịnh, ghềnh mang vẻ đẹp tự nhiên hoang sơ, kỳ thú cùng 22 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, danh thắng cấp quốc gia.
Ghềnh Đá Đĩa - biểu tượng du lịch của tỉnh Phú Yên. Nhìn từ xa, nơi này giống một tổ ong thiên tạo khổng lồ vô cùng kỳ vĩ. Đây là điểm đến không thể bỏ qua khi du khách đặt chân tới Phú Yên.
Bãi tắm Bãi Xếp với bờ cát trải dài trắng muốt bên biển xanh êm đềm.
Mũi Điện, còn có tên mũi Đại Lãnh, thuộc xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, là một nhánh nhỏ của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển. Nơi đây có Hải đăng Đại Lãnh và bãi tắm Bãi Môn - nơi đón bình minh sớm nhất trên đất liền của cả nước.
Ngoài ghềnh Đá Đĩa, bãi Xép hay mũi Điện, Hòn Yến là địa điểm "sống ảo" mới của giới trẻ tại Phú Yên và du khách với màu nước biển xanh biếc và hệ sinh thái rặng san hô nổi mang vẻ đẹp huyền ảo như những bông hoa của biển với nhiều màu sắc và hình dạng khác nhau.
Hòn Yến đẹp đến nao lòng vào buổi sớm bình minh.
Ghềnh đèn Phú Yên thuộc huyện Tuy An, cách thành phố Tuy Hòa 30 km về phía Bắc với điểm đến nổi bật là hải đăng ghềnh Đèn, giúp tàu thuyền hoạt động trong vùng biển tỉnh Phú Yên, định hướng ra vào vịnh Xuân Đài và vụng Chảo.
Làng chài An Hải nằm cách TP Tuy Hòa 25 km về hướng Bắc, thuộc thôn Phước Đồng, xã An Hải, huyện Tuy An. Khu vực làng chài là bến cá với những con thuyền nhỏ đặc trưng và người dân thân thiện. Với vẻ đẹp hoang sơ cùng với làn nước trong vắt, du khách có thể đến thăm và nghỉ tại các Homestay ngay trên bãi biển.
Ngư dân Phú Yên đánh bắt cá cơm ở làng chài An Hải.
Vịnh Vũng Rô, một vịnh nhỏ nhưng rất đẹp thuộc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, nằm ngay sát rìa dãy núi Đèo Cả. Vịnh là ranh giới tự nhiên trên biển giữa Phú Yên với Khánh Hòa.
Hình ảnh choáng ngợp với hệ thống lồng nuôi tôm hùm trên vịnh Xuân Đài ở thị xã Sông Cầu.
Nhà bè trên vịnh Vũng Rô về đêm.
Theo TTXVN
Check-in Phú Yên nhanh kẻo phí hoài thanh xuân! Ở Phú Yên, người ta tìm thấy nhiều thái cực của cuộc sống. Nếu Quy Nhơn là nàng công chúa ngủ trong rừng thì Phú Yên chắc hẳn là người đẹp vừa tỉnh giấc, phô bày hết tất cả vẻ đẹp thơ mộng, mỹ miều và hoang dại nhất trên vùng biển nắng gió và quá đỗi yên bình. Những người từng đặt...