Phụ thuộc kỹ sư Trung Quốc, Philippines lo bị ngắt lưới điện quốc gia
Các nhà lập pháp Philippines lo ngại khả năng cả nước chìm trong bóng tối nếu các kỹ sư Trung Quốc ngắt lưới điện quốc gia thông qua hệ thống vận hành từ xa ở Nam Kinh.
Các thượng nghị sĩ Philippines kêu gọi điều tra rủi ro an ninh từ quyền sở hữu một phần mạng lưới năng lượng quốc gia của Trung Quốc sau khi các quan chức cho biết các kỹ sư ở Bắc Kinh có thể khiến cả nước chìm trong bóng tối với một cú tắt.
Melvin Matibag, chủ tịch Tập đoàn Truyền tải quốc gia (TransCo), xác nhận “khả năng” xảy ra tình trạng như vậy trong các cuộc thảo luận tại Thượng viện ngày 20/11 về ngân sách chính phủ cho năm 2020.
Theo South China Morning Post, Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc nắm giữ 40% cổ phần trong Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines (NGCP), tập đoàn tư nhân nhượng quyền thương mại năm 2009 để vận hành lưới điện.
Các công nhân dựng lưới gia cố thanh sắt cho bức tường bê tông của một trạm biến áp ở Manila. Ảnh: AFP.
TransCo từng điều hành hệ thống và hiện giám sát NGCP nhưng Matibag nói với các thượng nghị sĩ rằng trên thực tế, “quyền truy cập vào hệ thống của họ bị hạn chế”.
Quyền lực to lớn của các kỹ sư Trung Quốc
Thượng nghị sĩ đảng Tự do đối lập Risa Hontiveros đặt câu hỏi về phạm vi kiểm soát của Bắc Kinh giữa cuộc xung đột lãnh thổ của hai nước ở Biển Đông.
Bà nói rằng “Trung Quốc là một phần trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta mỗi phút, mỗi giờ, mỗi khoảnh khắc chừng nào hoạt động của hệ thống được điều khiển và quản lý bởi các kỹ sư Trung Quốc. Quả thực là quyền lực to lớn”.
“Nếu ai đó ở Bắc Kinh tắt nó đi thì sao?”, bà hỏi các quan chức năng lượng trong suốt 10 giờ tranh luận tại Thượng viện để phê duyệt ngân sách.
Thượng nghị sĩ đảng Tự do Risa Hontiveros. Ảnh: SCMP.
Video đang HOT
Ông Sherwin Gatchalian, chủ tịch ủy ban năng lượng của Thượng viện, người được giao nhiệm vụ bảo vệ ngân sách chính phủ cho bộ phận năng lượng, trả lời:
“Chủ tịch của TransCo cho biết họ đang nghiên cứu khả năng này. Tôi được cho biết rằng việc vận hành thủ công các đường dây tải điện là có thể. Việc Bắc Kinh tiếp quản có thể xảy ra nhưng TransCo, với khả năng kỹ thuật của họ, sau đó có thể tiếp quản thủ công”.
Ông Gatchalian, người gốc Hoa sinh ra tại Philippines, nói thêm: “Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia an ninh quốc gia và Hội đồng An ninh Quốc gia để đảm bảo họ có kế hoạch dự phòng”.
Ông cũng nhắc nhở các nhà lập pháp rằng một điều khoản trong thỏa thuận nhượng quyền đã trao cho tổng thống Philippines quyền đòi lại tất cả tài sản năng lượng trong trường hợp “gây nguy hiểm cho người dân”, nói thêm rằng an ninh quốc gia sẽ “được bảo vệ 100 phần trăm”.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Miguel Zubiri, một đồng minh của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết điều khoản này sẽ chỉ áp dụng “chừng nào chúng ta không bị xâm chiếm”.
“Nếu chúng ta bị xâm lược và họ ngắt điện thì đó là vấn đề”, ông nói.
Các quan chức năng lượng cho biết quyền lực đối với lưới điện chỉ có thể được khôi phục bởi phía Philippines thông qua việc tái vận hành thủ công “trong vòng 24 đến 48 giờ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng” của tình hình.
Các bài báo gần đây cho biết chỉ các kỹ sư nước ngoài mới có thể khắc phục sự cố, vận hành và kiểm soát mạng truyền tải điện NGCP do hệ thống giám sát và điều khiển từ xa, đặt tại Trung Quốc thuộc Tập đoàn Nari, có trụ sở tại Nam Kinh.
Ngoài ra, có thông tin các hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Trung Quốc và các kỹ sư người Philippines không thể vận hành hệ thống.
Hontiveros thừa nhận các thông tin này và yêu cầu các quan chức của TransCo xác minh xem liệu thiết lập từ xa có cho phép Bắc Kinh tắt lưới điện hay không.
Bài học từ Kenya, Indonesia và Thái Lan
Hệ thống của Tập đoàn Nari cũng cung cấp các hệ thống điều khiển từ xa cho các lưới điện ở Kenya, Indonesia và Thái Lan, các quốc gia “có thể cung cấp bài học cảnh báo quan trọng về an toàn cho chúng ta”, theo bà Hontiveros.
Ông Gatchalian đã trao đổi với các quan chức năng lượng trong phiên họp Thượng viện và sau đó nói với bà Hontiveros: “Tôi được chủ tịch TransCo báo cáo rằng nó được vận hành bởi những gì họ gọi là Scada và có thể được vận hành từ xa”.
Scada là viết tắt của kiểm soát giám sát và thu thập dữ liệu, một hệ thống máy tính được sử dụng trong các ngành công nghiệp khác nhau để theo dõi và kiểm soát thời gian thực.
Tập đoàn Lưới điện Nhà nước Trung Quốc nắm giữ 40% cổ phần của Tập đoàn Lưới điện Quốc gia Philippines. Ảnh: Tân Hoa Xã.
Ông Gatchalian nói thêm rằng theo các quan chức, hướng dẫn sử dụng tiếng Trung đã được dịch sang tiếng Anh. “Tôi được thông báo rằng các kỹ sư người Philippines đang vận hành lưới điện”, ông nói.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Richard Gordon khẳng định vấn đề cần được xác minh thêm. Ông nói rằng nếu một thượng nghị sĩ chuẩn bị đến thăm NGCP và các giám đốc điều hành người Philippines ở đó không cho phép các nghị sĩ tiếp cận vì sợ bị sa thải thì Philippines không thực sự nắm quyền kiểm soát”.
Lo ngại về an ninh quốc gia được đặt ra khi các thượng nghị sĩ chờ quyết định từ Bộ Quốc phòng về việc cho phép Tập đoàn Dito Telecommunity do Trung Quốc hậu thuẫn, trước đây gọi là Mislatel – doanh nghiệp viễn thông thứ ba và mới nhất của Philippines – lắp đặt các tháp truyền thông trong các trại quân sự.
Tuần trước, Chủ tịch đảng Tự do đối lập Francis Pangilinan nhắc lại những lo ngại của Thượng viện trong những tuần gần đây về những rủi ro an ninh quốc gia có thể xảy ra trong đề xuất này, mà ông cho rằng sẽ cho phép Trung Quốc nghe lén quân đội Philippines.
Ông tiết lộ một đánh giá rủi ro do Lực lượng Vũ trang Philippines thực hiện đã kết luận rằng hệ thống liên lạc cố định hiện tại được sử dụng để liên kết tất cả các trại và căn cứ quân sự trên toàn quốc “dễ bị nghe lén điện tử và cắt đứt”.
Tuy nhiên, Thượng nghị sĩ Panfilo Lacson, cựu sĩ quan quân đội, chủ tịch ủy ban quốc phòng Thượng viện, cho biết các quan chức quốc phòng và quân sự đã đảm bảo với ông rằng chính phủ sẽ có thể đơn phương chấm dứt mọi thỏa thuận với Dito bất cứ lúc nào.
Tuy nhiên, bộ quốc phòng hứa sẽ đệ trình lên Thượng viện trước cuối tháng 11 bất kỳ bản ghi nhớ thỏa thuận nào được ký với hãng này.
Tuyết Mai
Theo news.zing.vn/South China Morning Post
Nga có cần căn cứ quân sự ở châu Phi?
Các chuyên gia đưa ra nhận định về tuyên bố của Tổng thống Cộng hòa Trung Phi nói về khả năng thiết lập căn cứ quân sự Nga tại nước này.
Tin tức từ Sochi (Nga), nơi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh Nga-châu Phi, gây chấn động giới quan sát quân sự. Tổng thống Cộng hòa Trung Phi (CAR) Faustin-Archange Touadera phát biểu trước báo giới tại đây rằng, đất nước ông " đang xem xét khả năng thiết lập một căn cứ quân sự Nga ở nước này". Ông khẳng định vấn đề này " đang được Bộ Quốc phòng hai nước xem xét giải quyết".
Ông Touadera cũng tuyên bố rằng, CAR mong muốn được nhận từ Nga những lô vũ khí mới để bổ sung cho những khí tài hiện đang có. Câu hỏi đặt ra là: Cộng hòa Trung Phi và Nga sẽ nhận được những lợi ích gì nếu căn cứ của Nga xuất hiện ở trung tâm châu Phi?
Sau sự sụp đổ của Liên Xô, các vị thế chính trị, kinh tế và quân sự của Matxcơva ở châu Phi đã bị suy yếu, hay thậm chí sụp đổ. Và giờ đây, đánh giá về những gì diễn ra tại Hội nghị thượng đỉnh ở Sochi có thể thấy rằng, Nga đang quay trở lại khu vực quan trọng này, nơi Mỹ và Trung Quốc vốn "cố thủ" từ lâu.
Cộng hòa Trung Phi tuyên bố đang xem xét khả năng thiết lập căn cứ quân sự Nga tại nước này. (Ảnh: kp.ru)
Người Mỹ thậm chí còn thành lập Bộ Tư lệnh đặc trách AFRICOM để chỉ huy 36 căn cứ quân sự tại 24 quốc gia châu Phi. Trên thực tế, đang có "cuộc tranh đấu" ngầm vì lục địa giàu tài nguyên này. Và Nga không có ý định đứng sang một bên.
" Nếu chúng ta muốn có được chỗ đứng vững chắc ở châu Phi, chúng ta sẽ làm điều đó tại những nơi mà chính phủ hợp pháp yêu cầu sự giúp đỡ của chúng ta. Tôi nghĩ rằng căn cứ Nga tại Cộng hòa Trung Phi là tương đối cần thiết để hòa giải các bên tham chiến - giống như những gì mà sự hiện diện của Nga tại Syria mang lại" - chuyên gia quân sự và là nhà phân tích chính trị nổi tiếng người Nga, Alexander Perendzhiev nhận định.
Trong khi đó, nhà nghiên cứu châu Phi Alexander Zdanevich lại cảnh báo: " Khi xây dựng quan hệ với Cộng hòa Trung Phi, Nga nên cẩn thận. Nếu triển khai căn cứ quân sự tới đó, khả năng cao là chúng ta sẽ phải giải quyết các vấn đề của chính CAR. Những gì tương tự chúng ta đã thấy ở Afghanistan. Đúng là về mặt địa lý, Cộng hòa Trung Phi là nơi rất có lợi cho Nga. Đây là một quốc gia có trữ lượng tài nguyên dồi dào, mà đặc biệt là uranium. Thêm vào đó, khu vực này còn là nơi rất nhiều tuyến đường thương mại bắc qua".
" Nga rồi sẽ có được một điểm ảnh hưởng địa chính trị ở khu vực này. Về lâu dài sẽ là đặc quyền trong các dự án kinh tế. Bên cạnh đó, việc cung cấp vũ khí cho Cộng hòa Trung Phi là một lợi ích không thể bỏ qua đối với nền công nghiệp quốc phòng của chúng ta" - ông Zdanevich cho biết thêm.
Trước khi nhóm cố vấn quân sự Nga đến thăm Cộng hòa Trung Phi vào năm ngoái, Tư lệnh AFRICOM, Tướng Thomas Waldhauser phải thốt lên rằng: " Người Nga ở bên cạnh chúng ta. Họ đang cố gắng gây ảnh hưởng đến các sự kiện. Chúng tôi đang theo dõi sát sao những gì họ đang làm".
Tuy nhiên, theo lời Thư ký báo chí Tổng thống Nga Dmitry Peskov, trong cuộc họp cá nhân giữa ông Vladimir Putin và Tổng thống Cộng hòa Trung Phi Touadera tại Sochi, chủ đề thiết lập căn cứ quân sự Nga vẫn chưa được đề cập đến.
(Nguồn: Komsomolskaya pravda)
VĂN ĐỨC
Theo VTC
Vụ tàu Địa chất hải dương 8: Phó tổng thống Mỹ lên tiếng Đó là cáo buộc của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đối với chính quyền Bắc Kinh liên quan đến những hành vi của Trung Quốc ở biển Đông trong thời gian qua. Hôm 24-10 (giờ Mỹ), Phó tổng thống Mỹ Mike Pence có bài phát biểu dài 40 phút tại một sự kiện do Trung tâm Wilson, một tổ chức phi chính...