Phú Thọ: Chủ tịch xã lấn đất, dùng bằng giả?
Báo NTNN nhận được đơn của ông Cao Đại Sơn ở xã Cao Xá, huyện Lâm Thao tố cáo ông Cao Ngọc Hoành- Chủ tịch UBND xã Cao Xá lấn chiếm đất công và có dấu hiệu dùng bằng giả?
Dấu hiệu dùng bằng giả
Trong đơn gửi Báo NTNN, ông Cao Đại Sơn cho rằng ông Cao Ngọc Hoành đã không trung thực trong thi cử học hành và có dấu hiệu sử dụng bằng giả. Trao đổi với chúng tôi, ông Hoành cho biết: Tôi sinh năm 1970, năm học lớp 7 (hệ 10 năm) do bị ốm nên phải nghỉ học, sau đó tôi vào bộ đội; năm 1998 sau khi ra quân tôi về học lại bổ túc văn hóa tại Trường THCS Thụy Vân.
Sau 2 năm tôi đã dự kỳ thi tốt nghiệp THCS và được cấp bằng. Tuy nhiên khi chúng tôi hỏi trong quá trình học, ai là giáo viên chủ nhiệm lớp, ai là Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Vân lúc đó, ông Hoành không thể nhớ ra. Ông Tạ Đức Minh – Hiệu trưởng Trường THCS Thụy Vân cho biết: Thứ duy nhất còn lưu trữ tại Trường THCS (về các lớp bổ túc thời 1998) là một sổ ghi điểm tốt nghiệp bản photo có tên ông Cao Ngọc Hoành.
Tuy nhiên theo quan sát của chúng tôi, phần ghi Cao Ngọc Hoành thì chữ Hoành có dấu hiệu bị tẩy sửa. Đặc biệt, tấm bằng tốt nghiệp THCS bổ túc của ông Hoành cũng có nhiều điểm nghi vấn. Cụ thể phần ghi quê quán chỉ vẻn vẹn 1 dòng: Phong Châu, nơi theo học cũng ghi cộc lốc: Thụy Vân…
Căn nhà ông Hoành đang ở được cho là xây trên đất lấn chiếm
Làm việc với phóng viên NTNN, ông Phạm Văn Sinh – Chánh Thanh tra Sở GDĐT Phú Thọ đưa cho chúng tôi xem (bản photo) sổ ghi điểm tốt nghiệp bổ túc văn hóa 1998 có tên ông Cao Ngọc Hoành. Tuy nhiên ở bản lưu này phần ghi tên ông Hoành không hề bị tẩy xóa!
Video đang HOT
Bao che cho sai phạm?
Kết luận số 17 (ngày 8/8/2012) của Thanh tra tỉnh Phú Thọ chỉ rõ: Ông Cao Ngọc Hoành đã lấn chiếm 160m2 đất vườn, chiếm dụng 750m2 đất, làm nhà lấn chiếm hành lang đường công… Thanh tra tỉnh cũng kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh giao Chủ tịch UBND huyện Lâm Thao rà soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính với diện tích 160m2 đất vườn của ông Hoành.
Thu hồi 712m2 đất do ông Hoành lấn chiếm đang sử dụng không phép; truy thu nghĩa vụ tài chính với 1.230m2 đất ao vượt so với diện tích giao khoán… Gần 1 năm sau, UBND huyện Lâm Thao chỉ ra được Báo cáo 108 (ngày 24.7.2013). Theo đó: Đối với diện tích ao tăng so với hợp đồng, huyện cho phép ông Hoành ký hợp đồng bổ sung. Về diện tích 712m2 sử dụng trái phép, UBND huyện đã ra văn bản thu hồi, trả lại hiện trạng ban đầu nhưng theo ghi nhận của chúng tôi hiện tại ông Hoành vẫn… vô tư sử dụng.
Việc ông Hoành bị nghi sử dụng bằng giả cũng chỉ được Công an tỉnh Phú Thọ kết luận: “Kỳ thi tốt nghiệp bổ túc THCS khóa thi ngày 28 – 29/10/1998 là có thật; Sở GDĐT Phú Thọ đã tổ chức kỳ thi này đúng quy trình…”. Tuy nhiên việc họ tên ông Hoành ghi trong “Bảng ghi điểm kỳ thi tốt nghiệp” có sự tẩy sửa lại không được xem xét một cách thấu đáo.
Về việc xử lý “hậu thanh tra” với ông Hoành, trao đổi với chúng tôi, ông Cao Sơn Hải – Phó Chủ tịch UBND huyện cũng chỉ cung cấp cho phóng viên Văn bản số 108 và ông Hải cho rằng mọi sai phạm của ông Hoành đã được huyện xử lý rốt ráo. Còn ông Nguyễn Văn Khỏe – Bí thư Huyện ủy Lâm Thao cho rằng: Đối với trường hợp của đồng chí Hoành, những sai phạm như trong kết luận chưa đủ yếu tố để kỷ luật về Đảng.
Tuy nhiên, với những sai phạm về lấn chiếm, chiếm dụng đất, cùng với dấu hiệu sử dụng bằng giả, dư luận ở huyện Lâm Thao cho rằng, các cấp uỷ ở đây cần vào cuộc, xem xét để có hình thức kỷ luật ông Hoành đích đáng.
Theo Hồng Phong (Dân Việt)
Dựa vào đâu bây giờ?
Từ rất lâu rồi dân gian đời mới đã có câu mang tính tổng kết như một kinh nghiệm: "Đấu tranh thì tránh đâu", giành cho những ai dám chống tiêu cực.
Chống tiêu cực... (Ảnh minh họa)
Nguy cơ cái câu cửa miệng bỗ bã ấy trở thành một thứ "tục ngữ", như một di sản tinh thần đáng hổ thẹn truyền cho con cháu là điều hoàn toàn có thật nếu cả xã hội không cảm thấy xấu hổ về điều đó để cùng vào cuộc, ít nhất cũng làm chỗ dựa cho người nào đó dám đương đầu với các loại tệ nạn, trong những cuộc chiến mà ai cũng biết là tuyệt đối không cân sức.
Cần phải nói ngay rằng hiện tượng người chống tiêu cực bị trù dập đang xảy ra ở hầu hết mọi nơi. Những vụ "ầm ỹ" dư luận, chỉ là số nhỏ, thậm chí rất nhỏ so với những vụ diễn ra âm thầm, chả mấy người biết, hoặc có biết nhưng không thành sự kiện báo chí, nên cũng coi như không. Giờ đây khi chuyện động trời ở bệnh viện đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội bị phơi bày ra ánh sáng, thì mọi người mới biết có những cán bộ xuýt nữa tàn đời chỉ vì dám nói lên sự thật. Giả sử bọn người phạm tội có bàn tay đủ to để che đèn công lý, đủ dài để luồn lách vào mọi ngóc ngách thao túng quyền lực biến phải thành trái, đổi trắng thay đen...thì những người như chị Hoàng Thị Nguyệt chỉ còn duy nhất con đường bán xới đi chỗ khác, thậm chí phải bỏ nghề.
Nổi tiếng hơn cả vụ "nhân bản" kết quả xét nghiệm, xảy ra từ mấy năm trước, là vụ gian lận thi cử ở xã Vân Tảo huyện Thường Tín, gắn với ông thầy "dại dột" Đỗ Việt Khoa. Chỉ vì không nỡ nhìn thấy danh dự nhà giáo bị làm cho vấy bẩn theo kiểu chợ giời, thầy Khoa gặp bao nhiêu là sự khốn đốn, cô độc ngay tại ngôi trường của mình. Thế lực hắc ám rất mạnh, câu kết với nhau thành một sức mạnh ghê gớm, trong khi những người chân chính thì chưa biết cách làm theo lời của đại văn hào Nga Lép Tônxtôi "Cũng phải liên kết lại y như vậy".
Nói vậy để thấy vụ "trù dập vì dám chống tiêu cực" đang làm nhiều báo chí phải vào cuộc, dư luận phân tâm, xảy ra ở sở y tế tỉnh Bình Phước cũng chỉ là "Chuyện thường ngày" ở đất nước này, rất thường ngày trong ngành y tế đang khủng hoảng y đức và y luật trầm trọng. Chị Trần Thị Kiều Oanh hoàn toàn có thể yên tâm chị không phải là nạn nhân đơn độc (nếu chị thực sự là nạn nhân). Nếu không tin chị cứ thử vào google, đánh cộc lốc hai chữ: "Trù dập" thôi, cũng đủ cho ra một lô vụ việc mà nạn nhân giống như hoàn cảnh của chị, xảy ra trên khắp các tỉnh thành.
Nhưng trường hợp của chị Trần Thị Kiều Oanh vẫn có chỗ đặc biệt hơn người: Ấy là khá nhiều cơ quan biết rõ chị chống tiêu cực và vì thế mà bị trù dập, cả trong nội bộ tỉnh lẫn bên ngoài. Với Bình Phước ít nhất có hai cơ quan đưa ra kết luận bênh chị: từ bé tí là phòng tổ chức Sở y tế Bình Phước, đến cơ quan lớn hơn là Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ khối Cơ quan dân chính Đảng tỉnh Bình Phước. Có không dưới chục tờ báo đưa tin về trường hợp của chị, cũng với ý bênh vực, bảo vệ. Nhỏ là những trang báo điện tử chuyên ngành, lớn hơn là các báo giấy phát hành cả chục vạn tờ, những tờ báo mạng có lượng truy cập khủng mỗi ngày. Lớn hơn nữa, thuộc loại mạnh nhất hiện nay về sức lan toả và quyền lực dư luận, chính là Đài truyền hình Việt Nam. Ngoài ra thái độ chia sẻ của hàng vạn cá nhân.
Nhưng chị Trần Thị Kiều Oanh vẫn không thoát thân phận của kẻ thấp cổ bé họng, vẫn bị đuổi việc như thường.
Chưa phải đến đấy là tính chất đặc biệt trong vụ việc của chị Oanh chịu dừng lại. Tuy chỉ là chuyện một dược trình viên hai lần không được vào biên chế, bị buộc thôi việc, mà khiến liên luỵ cả đến Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Phước vốn trăm công ngàn việc lo cho đời sống dân lành. Chưa xong. Hai lần Thủ tướng chính phủ phải đưa ra yêu cầu lãnh đạo tỉnh trả lời. Có nghĩa là ngay cả Thủ tướng cũng không yên tâm tin vào cấp dưới của mình. Nhưng, với kết luận dựa trên báo cáo của sở Y tế, lãnh đạo tỉnh Bình Phước cả hai lần đều đã quyết tâm đứng về phía ông Đoàn Đức Loát, cấp trên trực tiếp của chị Oanh, cũng chính là người bị chị Oanh tố cáo đã mắc dăm bảy tiêu cực, trong đó có tội nhũng nhiễu, nhận hối lộ, chi sai nguyên tắc tài chính... (Toàn những tội đáng đi tù và việc ông Loát sống chết bảo vệ mình là điều hoàn toàn bình thường).
Vậy là theo lãnh đạo tỉnh thì ông Loát đúng, chị Oanh sai. Lãnh đạo tỉnh đương nhiên là to nhất, to hơn mấy cái cơ quan đứng về phía chị Oanh. Vì thế, đâu là sự thật, lãnh đạo tỉnh Bình phước đáng tin hay Uỷ ban kiểm tra Đảng uỷ khối cơ quan dân chính tỉnh đáng tin, là điều nên tiếp tục được làm rõ bởi một cơ quan cao hơn? Việc này cũng dễ thôi mà. Chả lẽ lại không tìm đâu ra những người vô tư, liêm chính? Mong chị Oanh cứ tiếp tục bình tĩnh. Chúng ta, những khán giả, độc giả, thính giả cũng không nên để cho tình cảm đơn thuần chi phối mà oan cho người ngay, lọt tội kẻ gian. Bản thân tôi khi viết những bình luận này, quả thật cũng chưa đủ sự thuyết phục về chứng lý để tin hẳn vào bên nào.
Nhưng có một việc tôi nhất định đứng về phía nguyên đơn Trần Thị Kiều Oanh: Đó là quyết định của lãnh đạo sở Y tế Bình Phước giao quyền xử lý kỷ luật chị cho ông Đoàn Đức Loát, người bị chính chị tố cáo? Liệu đây có phải là chuyện đùa theo kiểu tiếu lâm! Nếu không phải chuyện đùa thì cần lập tức xem lại một cách nghiêm túc và nghiêm khắc cái quyết định vô nguyên tắc đó. Bởi vì nếu chị Oanh đặt điều, tố cáo sai, thì người đưa ra phán xét chị phải là toà án, hoặc một cấp có thẩm quyền khác, chứ không phải ông Đoàn Đức Loát. Bất kỳ là ai trong trường hợp ông Đoàn Đức Loát thì cũng sẽ "xuống tay" thẳng thừng cho thoả cơn căm hận như ông đã làm với chị Oanh. Thậm chí, trong trường hợp ấy mà ông Loát chỉ đuổi việc nhân viên cấp dưới tố cáo mình, thì ông cũng còn đức độ chán! Phải người khác mà có cơ hội to lớn quý giá như vậy, với một danh nghĩa công nhiên như vậy, được "chống lưng" chắc chắn như vậy thì chưa chắc chị Oanh đã "ngon lành" như bây giờ, tức là chỉ bị mất chức! Cuộc đời chị có thể đã bầm giập, khốn nạn hơn nhiều. Tôi nhắc lại là tôi chưa đủ chứng cớ để khẳng định lẽ phải thuộc về chị Oanh hay ông Loát. Việc này chắc chắn còn phải chờ thêm. Nhưng tôi không cần bất cứ bằng chứng nào cũng có thể kết luận chị Oanh bị đối xử một cách sai trái, cả về pháp lý và đạo lý, thậm chí có thể nói chị đã bị xử ác, bị hại ngầm, bị trả thù cũng không có gì quá đáng.
Có ba câu hỏi lớn nảy ra trong vụ việc này.
Câu hỏi thứ nhất: Ngần ấy cơ quan, với biết bao nhiêu con người khoác đủ thứ áo sang trọng, bao gồm cả những nhân vật có nghĩa vụ phải đóng vai chuẩn mực về sự ngay thẳng, công chính đã vào cuộc giải quyết một sự vụ bé tí, nhưng đến giờ này chúng ta có thể tin vào ai bây giờ? Tin chị Oanh hay ông Loát? Tin hơn chục tờ báo, linh cảm của dư luận hay tin vào nội dung bản thông báo (cũng là bản kết luận) của trưởng phòng GĐYK sở Y tế Bình Phước? Tin vào cơ quan dân chính Đảng hay lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh? Bởi vì tin vào bên này thì có nghĩa là bên kia không đáng tin? Bên này đúng, thuộc về phía tử tế, thì bên kia nhất định là bất nhân, bất nghĩa, bất tín, đểu giả.
Câu hỏi thứ hai: Với cách hành xử như những gì đang xảy ra trong vụ mất việc của chị Trần Thị Kiều Oanh, những người dám đứng lên chống tiêu cực còn có thể dựa vào đâu bây giờ để không bị trao lại "làm mồi" làm "vật hiến tế" cho chính kẻ mà mình tố cáo?
Và câu hỏi thứ ba: Liệu những gì đang diễn ra có phải là thông điệp của chính quyền tỉnh Bình Phước gửi đến những ai sắp sửa theo chân chị Trần Thị Kiều Oanh?
Những câu hỏi như vậy nhất định phải có câu trả lời thoả đáng, vì quyền lợi của công dân, vì sự công chính và cũng còn vì cái nguyên tắc đạo đức tối thiểu: Cần phải bảo vệ sự tử tế ở đời, bằng mọi giá, khỏi nanh vuốt của cái ác, để nó không bị biến mất vì bất cứ lý do gì.
Theo Xahoi
Thu hồi 700 bản sao bằng tốt nghiệp có lỗi chính tả Ngày 18/7, trao đổi với báo Pháp Luật TPHCM, ông Nông Quốc Chinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học (ĐH Thái Nguyên), đã xác nhận việc trường này vừa để xảy ra sai sót chính tả trong bản sao bằng tốt nghiệp cấp cho sinh viên. Theo đó, bản sao này đã mắc lỗi chính tả ở phần chức danh: "KT Hệu trưởng..."...