Phu thê dắt nhau ra đê như thể đổ nợ, hóa ra lại làm giàu
Ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập (Tân Yên, Bắc Giang) chẳng ai là không biết vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng, là hộ chăn nuôi giỏi nhất nhì xã. Đó nhờ gần 6 năm trời “cày ải”, họ đã biến khu đồng chiêm trũng ven đê, thành trang trại “hai trong một”, cho thu nhập vài trăm triệu/năm.
Sinh năm 1986, sau khi học xong cấp 3, anh Dũng theo thanh niên làng đi làm nghề mộc thuê khắp nơi. Công việc cưa đục vất vả, bấp bênh nên thu nhập không ổn định. Nhưng đáng lo nhất là thiếu an toàn, chính Dũng đã mất 2 ngón tay phải trong một lần cưa gỗ.
Trên vịt, dưới cá, con nào cũng sạch
Năm 2013, sau khi xây dựng gia đình, Dũng quyết định ở quê cùng vợ làm kinh tế. Lúc này, chính quyền xã có chủ trương chuyển đổi đất cấy lúa không ăn chắc ở cánh đồng của thôn Đồng Sen, sang nuôi thủy sản, phát triển kinh tế trang trại.
Nhà Dũng có mấy sào lúa ở cạnh đê thủy lợi, chỉ cấy được 1 vụ lúa, vụ còn lại nước lũ ngập trắng đồng. Anh mạnh dạn mua thêm một số ruộng của các hộ khác bên cạnh, thuê người đào được 1 mẫu ao thả cá và lấy đất tôn lên làm vườn.
Vụ đầu tiên, anh Dũng thả các loại cá rô phi, trắm, chép và một ít cá mè để tận dụng phù du, tạp chất trong ao. Trang trại của anh Dũng nằm ở “rốn” cuối đồng, gần cống thoát nước ra kênh mương.
Nhờ đó, việc lấy và thoát nước dễ dàng, nguồn nước thuận lợi, môi trường của ao rất trong sạch. Cá của anh Dũng lớn nhanh, ít dịch bệnh nên năng suất đảm bảo. Năm đầu tiên anh nuôi được 2 lứa, thu bán hơn 10 tấn cá. Trừ chi phí, anh lãi gần 100 triệu đồng.
Anh Nguyễn Văn Dũng cho biết: Nhờ nguồn nước thuận lợi, môi trường ao trong lành giúp cá lớn nhanh, ít bệnh
Tiền lãi ban đầu cùng với vay mượn thêm, anh Dũng tiếp gần 3 ha ruộng. Anh đào thêm 3 ao nuôi cá, nâng tổng diện tích ao lên 3 ha và mở rộng diện tích vườn lên gần 1 ha. 1 ao trong đó dùng để ươm nuôi cá giống, khi lớn khỏe mới chuyển sang các ao khác, giúp cá đạt tỷ lệ sống cao hơn.
Video đang HOT
Để đề phòng mùa lũ, nước to, chảy siết, Dũng đào ao sâu, đắp bờ cao, đồng thời kè, gia cố bờ, đường đi bằng bê tông, gạch chắc chắn. Nhờ nguồn nước ra vào chủ động, nên dù mật độ cá thả nhiều, ao nuôi không cần lắp đặt hệ thống bơm nước hay máy sục không khí. Nhờ đó giúp tiết kiệm vốn đầu tư và tiền điện.
Anh Dũng cấy 1 mẫu lúa để lấy thóc ngâm, ươm mầm làm thức ăn bổ sung, giúp vịt, cá thịt ngon hơn, lại tiết kiệm tiền mua cám.
Nhận thấy khu trang trại và đồng ruộng rộng rãi, anh Dũng nảy ra ý tưởng nuôi thêm vịt thịt. Anh xây chuồng cho vịt con cạnh bờ ao, khi chúng lớn thì chuyển sang chuồng trong vườn, tránh vịt thải nhiều phân xuống ao làm chết cá.
Mỗi năm, Dũng nuôi từ 4 đến 5 lứa, mỗi lứa từ 500 đến 700 con. Nhờ không phải nuôi nhốt mà vịt được chạy, bơi lội tự nhiên nên nhanh lớn, ít bệnh. Nếu giá ổn định, mỗi lứa anh lãi từ 10 đến 15 triệu đồng.
Để nuôi vịt hiệu quả, nhanh lớn, ít dịch bệnh, bí quyết của vợ chồng Dũng là khâu lựa chọn con giống. Theo đó, phải chọn những con vịt “không hở rốn”, nhìn dáng nhanh nhẹn, lông mượt đẹp, mắt linh hoạt…
“Trong vòng từ 2 tuần đầu, vịt cần được tiêm phòng đầy đủ vắc-xin H5N1 và tụ huyết trùng. Khu vực chuồng nuôi, sau khi xuất bán là phải sử dụng thuốc khử trùng, vôi bột diệt khuẩn, qua 10 ngày mới được vào đàn mới”, anh Dũng chia sẻ thêm.
Cả nuôi vịt và nuôi cá, phòng bệnh là chính, chứ một khi để bệnh lây lan thì rất khó chữa. Do đó, anh Dũng rất chú ý theo dõi quá trình phát triển, khả năng mắc bệnh của chúng. Bên cạnh đó, chọn hãng thức ăn phù hợp và tự chế biến thức ăn, bổ sung thêm chất.
Để làm điều này, anh Dũng dành riêng gần 1 mẫu ruộng dành để cấy lúa một vụ, mùa lũ ngập nước thì cho vịt bơi lội. Thóc thu hoạch được, một phần anh dùng để cho vịt ăn, còn lại ngâm ủ thành mầm như ươm mạ, rồi làm thức ăn cho cá trắm, chép… Cách này giúp vịt, cá cho thịt ngon hơn, lại tiết kiệm tiền mua cám.
“Mô hình trên vịt dưới cá này hiệu quả do ao của tôi thường xuyên cho nước ra vào, môi trường trong sạch, vịt khỏe, cá lớn nhanh. Mỗi năm gia đình thu trên 30 tấn cá và gần 3.000 vịt thịt, trừ chi phí cũng để ra trên dưới 300 triệu đồng”, anh Dũng tâm sự.
Trang trại “hai trong một” của anh Dũng là mô hình nông nghiệp cho hiệu quả cao nhất tại địa phương
Trước khi chia tay đôi vợ chồng nông dân trẻ Nguyễn Văn Dũng, phóng viên chú ý thấy ở góc vườn chất hàng chục kiêu gạch. Nghĩ họ dự định xây thêm chuồng trại, nhưng Dũng vui mừng giải thích: “Xã đã cấp phép đất ở một phần vườn nên vợ chồng em mua gạch tập kết trước, chuẩn bị để cuối năm nay xây nhà to ngoài này luôn”.
“Vợ chồng Nguyễn Văn Dũng rất chịu khó và giàu quyết tâm, là tấm gương phát triển kinh tế cho thanh niên trong xã học tập. Cá nhân anh Dũng đã được nhận bằng khen về sản xuất giỏi, có nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước tại địa phương”, anh Vũ Văn Chiến, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Việt Lập cho biết.
Theo Danviet
Ấn tượng Hưng Yên: Vào chi hội nuôi vịt lãi khủng trên 70 tỷ/năm
Vừa qua, Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi vịt Hội ND xã Phạm Ngũ Lão, huyện Kim Động (Hưng Yên) tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động của chi hội năm 2018.
Bên cạnh những thành tích nổi bật của chi hội, điều làm mọi người ấn tượng nhất là: Tổng thu lãi của tất cả các hội viên đạt trên 70 tỷ đồng.
Liên kết các hộ chăn nuôi
Mới thành lập được 1,5 năm nhưng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão đã có những bước tiến rất nhanh. Các thành viên trong chi hội đã cùng liên kết mở rộng diện tích trang trại lên gấp 1,5 lần và quy mô nuôi vịt, diện tích trồng cây ăn quả tăng gấp 2 lần so với thời điểm ban đầu thành lập.
Anh Ngô Đức Thắng - Tổ trưởng Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão cho biết: "Nghề chăn nuôi vịt đã có tại địa phương hàng chục năm nay. Tuy nhiên, trước đây, các hộ chăn nuôi manh mún, nhỏ lẻ, ít quan tâm tới KHKT nên hiệu quả chưa cao. Trong bối cảnh giá cả thị trường năm 2017 bấp bênh, xuống thấp, ngày 12.6.2017, Hội ND xã thành lập Chi hội Nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão. Ban đầu, chi hội có 31 thành viên tham gia, với diện tích sản xuất là 45ha, số vịt là 65.000 con vịt sinh sản. Đến nay, chi hội có 40 hội viên tham gia với diện tích là 60ha, đàn vịt sinh sản tăng lên là 120.000 con".
Lúc cao điểm, tổ trưởng chi hội nghề nghiệp Ngô Đức Thắng (ngoài cùng bên phải) tiêu thụ 60.000 -70.000 con vịt giống/ngày cho các thành viên. Ảnh: Thu Hà
Đáng chú ý, đầu năm 2018, để hạ giá thành thức ăn chăn nuôi, các thành viên trong chi hội đã cùng liên kết góp vốn trực tiếp mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi thô (ngô hạt, khô dầu đậu, bột cá và các khoáng chất khác). Sau đó, chi hội hợp đồng thuê nhà máy chế biến thành thức ăn chăn nuôi hoàn chỉnh cho các hội viên.
Chủ động đầu vào, bao tiêu đầu ra
"Trong năm 2018, chi hội đã chế biến và cung ứng cho các hội viên được hơn 6.000 tấn thức ăn chăn nuôi. So với việc mua cám công nghiệp từ các công ty, cách làm này đã giúp các thành viên giảm được 12 - 15% chi phí đầu tư thức ăn chăn nuôi vịt. Mặt khác, nhờ làm chủ được nguồn ngyên liệu chế biến, nên chất lượng thức ăn chăn nuôi luôn ổn định, giúp cho các đàn vịt bố mẹ sinh sản đều hơn, năng suất trứng đạt cao, tỷ lệ trứng đủ tiêu chuẩn ấp nở cao, giúp gia tăng thêm lợi nhuận từ 18 - 20%" - anh Thắng phấn khởi thông tin.
Với những thành tích đã đạt được năm qua chi hội đã được Ban Dân vận Tỉnh ủy Hưng Yên tặng bằng khen cho tập thể chi hội có thành tích dân vận khéo giai đoạn 2016 - 2018 và đã được Ban Thường vụ Hội ND tỉnh Hưng Yên tặng bằng khen cho chi hội có thành tích xuất sắc trong hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân năm 2018.
Ngoài ra, trong quá trình chăn nuôi, các thành viên trong chi hội đã chia sẻ, giúp nhau kịp thời nhiều bí quyết chăn nuôi vịt đẻ như: Với con vịt nuôi hậu bị: Ở giai đoạn 1 tháng tuổi cần cho ăn tốt, nhằm thúc cho con giống tăng trọng nhanh, trường mình, kháng bệnh tốt. Trong tháng thứ 2 chỉ cho ăn đủ để cơ thể vịt săn chắc, không phát sinh mỡ. Từ tháng thứ 3 - 5 cho ăn đói, để vịt rèn luyện sức dẻo dai. Sang tháng thứ 6 cần cho ăn đủ (220 - 230g cám/con/ngày), loại cám chuyên dùng cho vịt đẻ.
Một trong những nỗi lo và khó khăn lớn nhất của nông dân hiện nay là việc tiêu thụ sản phẩm, thì ở chi hội nghề nghiệp Phạm Ngũ Lão các thành viên đã chủ động được đầu vào và thị trường đầu ra. Cụ thể, về tiêu thụ sản phẩm, năm 2018 chi hội đã chủ động mở rộng thị trường liên kết với các hộ chăn nuôi trang trại trong cả nước, không phụ thuộc vào thương lái nhỏ lẻ ép giá. Giá vịt giống trong năm dao động từ 7.000 - 8.000 đồng/con.
Không chỉ là tổ trưởng chi hội, anh Thắng còn kiêm "bầu sô" tiêu thụ vịt giống cho các thành viên. Lúc cao điểm anh Thắng tiêu thụ 60.000 -70.000 con/ngày cho các thành viên. Anh Thắng cho biết: "Từ năm 2017, chi hội đã chủ động chuyển sang nuôi loại vịt siêu thịt (vịt lai super) cho sản lượng thịt cao, không cần nhiều kỹ thuật chăm sóc. Các loại vịt giống siêu thịt mua từ Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi vịt xã Phạm Ngũ Lão thường rất dễ bán do con giống khỏe mạnh và được tiêm phòng vaccine ngừa dịch bệnh đúng quy định. Sau nuôi 50 ngày đã có thể đạt 2,4 - 2,6kg".
Ngoài việc chăn nuôi, các hội viên trong chi hội còn có nguồn thu nhập từ trồng cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản. Tổng thu lãi của tất cả các hội viên trong năm 2018 đạt trên 70 tỷ đồng. Từ việc sản xuất kinh doanh của chi hội đã tạo việc làm ổn định cho trên 200 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân từ 4 - 5 triệu đồng /người/tháng. Trong năm 2018, chi hội cũng giúp được 10 hộ thoát nghèo.
Tìm giải pháp giúp nông dân thích ứng với thị trường
Trong khuôn khổ chuyến công tác Hưng Yên vào tháng 4.2018 vừa qua, đồng chí Thào Xuân Sùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã thăm và đặc biệt ấn tượng với mô hình chi, tổ hội nghề nghiệp nuôi vịt ở xã Phạm Ngũ Lão. Chủ tịch Thào Xuân Sùng đề nghị, thời gian tới các cấp Hội tiếp tục nâng cao và lan tỏa tính hiệu quả bền vững của các mô hình sản xuất mà Hưng Yên đã tạo dựng được thông qua việc thực hiện Đề án 61. Từ đó hình thành các chi, tổ hội nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã và doanh nghiệp; tìm những giải pháp để nông dân có khả năng thích ứng với nền kinh tế thị trường...
Theo Danviet
Thu nhập ổn định quanh năm từ nghề vỗ béo bò Để chủ động nguồn thức ăn đủ nuôi vỗ béo khoảng 15- 20 con bò trong điều kiện thời tiết như hiện nay quả thực rất khó. Tuy nhiên với anh Chu Văn Đoàn ở thôn Bùng, xã Nhã Nam, huyện Tân Yên, Bắc Giang thì có thể hoàn toàn chủ động được. Anh Đoàn nói: "Vỗ béo bò là nghề chính của...