Phú Quốc ô nhiễm trầm trọng: Thanh niên ra quân chống rác thải nhựa
Sáng 11.5, Huyện đoàn Phú Quốc (Kiên Giang) đã tổ chức lễ ra quân chống rác thải nhựa. Sau lễ ra quân, gần 150 đoàn viên thanh niên đã ra quân làm sạch bãi biển Dinh Cậu.
Thanh niên Phú Quốc dọn rác bãi biển Dinh Cậu . HOÀNG TRUNG
Đây là chương trình nhằm góp phần tuyên truyền đến xã hội, cộng đồng nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, giảm thiểu áp lực ngày càng gia tăng đối với hệ sinh thái tự nhiên của Trái đất. Đồng thời chương trình cũng nhằm hưởng ứng chiến dịch “Nói không với rác thải nhựa” và “Cùng chung tay giữ màu xanh của biển”.
Phát biểu tại lễ ra quân, anh Huỳnh Thanh Trông, Bí thư huyện đoàn Phú Quốc cho biết lâu nay, các sản phẩm từ nhựa đang được sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, do bị vứt bừa bãi vào môi trường sau khi sử dụng mà không được thu gom, xử lý nên rác thải nhựa hiện nay đang trở thành gánh nặng cho môi trường.
Anh Trông thông tin, theo thống kê, tại Việt Nam, rác thải nhựa chiếm 7% tổng lượng rác thải rắn thải ra, tương đương 2.500 tấn/ngày, đa số được chôn lấp hoặc vứt bỏ khắp nơi và biển và điểm đến cuối cùng của chúng gây độc hại cho các loài sinh vật biển.
“Tôi kêu gọi toàn thể cán bộ, đoàn viên thanh niên trong huyện Phú Quốc hãy tích cực tuyên truyền, vận động người dân và du khách gìn giữ môi trường Phú Quốc xanh – sạch – đẹp, đồng thời từng bước sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế túi, bao bì bằng ni lông”, anh Trông nói.
Theo ghi nhận thực tế của PV Thanh Niên, môi trường Phú Quốc hiện nay đang ô nhiễm trầm trọng, nhất là khu vực sông Dương Đông mà gần đây Báo Thanh Niên đã liên tục phản ánh. Sự ô nhiễm này đã và đang lan dần ra biển khiến nhiều du khách ngao ngán.
Video đang HOT
Theo Thanhnien
Du khách phàn nàn 'đảo ngọc' Phú Quốc... hôi
Dòng sông Dương Đông đang "chết" và biển ngập rác báo động vấn nạn môi trường ô nhiễm ở thiên đường du lịch phía Nam.
Hàng ngàn cư dân và doanh nghiệp ở Phú Quốc bắt đầu gánh chịu hậu quả từ vấn nạn môi trường nước, không khí bị ô nhiễm dọc dòng sông Dương Đông và bãi biển lân cận. "Các cơ sở dịch vụ ăn uống ven sông Dương Đông bắt đầu ế ẩm bởi tình trạng ô nhiễm từ con sông này. Đang ăn uống, chỉ cần một ngọn gió từ sông Dương Đông thổi đến thì chỉ có nước nôn ra hết" - anh Lê Văn Trung, một cư dân ở Phú Quốc, mô tả.
S ông Dương Đông thoi thóp
Giữa tháng 4-2019, một nữ du khách người Hàn Quốc đến đảo Phú Quốc (Kiên Giang) du lịch. Chị đã quay clip 13 giây và tải lên trang Facebook cá nhân của mình hình ảnh một miệng cống rộng gần 2 m đang nhả dòng nước cuồn cuộn đen như mực ra biển. Người xem clip giật mình, nhìn lại môi trường Phú Quốc và không thể không tự hỏi sông Dương Đông chết thật rồi sao.
Từ mấy năm qua, cứ vào cuối hạn đầu mưa, bầu không khí thị trấn Dương Đông, nơi vốn dĩ thu hút khách du lịch đông đảo lại luôn phảng phất một mùi hôi thối gây buồn nôn.
Ông Vũ Trọng Quang, ngụ TP.HCM, đưa gia đình đi du lịch Phú Quốc đầu tháng 5, lắc đầu khi nhận xét về "đảo ngọc". "Môi trường ở đây xuống cấp nhanh quá. Tôi đã chứng kiến sau trận mưa, nước cống trên con đường chính Trần Phú trào lên, bốc mùi hôi thối thật khó chịu. Còn nhiều bãi biển thì ngập rác mà chủ yếu là túi, chai nhựa quá nhiều" - ông Quang nói.
Các hàng quán cặp sông Dương Đông vốn dĩ là nơi đắt khách bởi khung cảnh hữu tình, không gian thoáng đãng nhưng nay du khách hay nhắc nhau tránh xa vì mùi hôi từ dòng sông.
Anh Nguyễn Văn Tuấn, cư dân sống lâu năm tại thị trấn Dương Đông, cho biết: "Các con sông ô nhiễm trong nội ô Phú Quốc đang gây nhiều hệ lụy. Dịch vụ ăn uống gần sông đang ế ẩm. Tôi cũng đã nghe các du khách cằn nhằn rằng sau khi tắm biển bị ngứa ngáy. Ái ngại nhất là cảnh dòng nước đen thui chảy ra biển cứ đập vào mắt du khách khắp thế giới".
Ngày 9-5, PV Pháp Luật TP.HCM đến ghi nhận thực tế và thấy nước sông Dương Đông đen như mực. những ngày nắng nóng, nước ròng như sệt lại, bốc mùi hôi khiến người đi gần sông phải bịt mũi.
Quán giải khát xinh đẹp này nằm cạnh sông Dương Đông, chung quanh vây bọc nhiều rác thải. Ảnh: TRẦN VŨ
Một miệng cống xả thẳng nước thải màu đen ra biển ở thị trấn Dương Đông. Ảnh: TRẦN VŨ
Cấp bách cứu sông
trao đổi với PV Pháp Luật TP.HCM, ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, xác nhận tình trạng ô nhiễm sông Dương Đông nói riêng và đảo Phú Quốc đã ở mức độ trầm trọng.
Từ tháng 4-2019, cơ quan chức năng huyện Phú Quốc đã ráo riết vào cuộc. Cảnh sát môi trường tỉnh Kiên Giang cũng đã cử một đội công tác xuống địa phương nắm tình hình, truy tìm các nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm. Nhiều mẫu nước được Phòng TN&MT huyện Phú Quốc và cảnh sát môi trường tỉnh lấy đi xét nghiệm, hiện chờ kết quả cụ thể.
Tuy nhiên, ông Nghiệp khẳng định: "Chúng tôi đã xác định nguyên nhân ô nhiễm các dòng sông là từ rác, nước thải sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của cư dân sinh sống ven sông, bãi biển. Trước đây số lượng hộ này ít, nay rất nhiều và ngày càng nhiều hơn. Trong khi đó, nguồn nước từ các con suối để đẩy nước sông Dương Đông ra biển ngày càng giảm. Ngoài ra, còn nguyên nhân khác liên quan đến xây dựng, phát triển đô thị".
Cũng theo ông Nghiệp, huyện Phú Quốc đã quan tâm đặc biệt đến các giải pháp cứu sông Dương Đông. Các giải pháp đưa ra thì nhiều, tuy nhiên theo ông Nghiệp thì di dời toàn bộ dân cư, doanh nghiệp khỏi bờ sông là giải pháp căn cơ nhất.
Ông Nghiệp cho biết: "Việc này tốn rất nhiều tiền, có thể lên hàng ngàn tỉ đồng nhưng thiết nghĩ phải làm và làm sớm. Chúng tôi đã trình với cơ quan cấp trên giải pháp này".
Giải pháp trước mắt cứu "đảo ngọc"
Ông Phạm Văn Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc, cho biết giải pháp trước mắt cứu lấy môi trường "đảo ngọc" Phú Quốc là tập trung xử lý cục bộ tình trạng ô nhiễm sông Dương Đông. Các công việc đang tiến hành cấp bách là tăng cường kiểm soát hệ thống xả thải trái pháp luật của các cơ sở sản xuất, kinh doanh ra môi trường, khi phát hiện sẽ xử lý nghiêm. "Đồng thời tuyên truyền pháp luật về môi trường cho người dân, đề xuất tỉnh cho đầu tư một số hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt ở các khu phố, khu dân cư tập trung..." - ông Nghiệp nói.
sông Dương Đông dài 22 km vắt ngang thị trấn Dương Đông đang "chết" dần bởi dọc hai bờ sông có khoảng 10.000 hộ sinh sống, kinh doanh dịch vụ ăn uống và vài trăm cơ sở sản xuất nước mắm. Trên mặt sông thường xuyên có hàng ngàn tàu cá neo đậu.
TRẦN VŨ
Theo PLO
Kiên Giang: Trở thành tỷ phú nhờ nghề..."đỡ đẻ" cho tôm Với quyết tâm cung cấp nguồn tôm giống chất lượng cho nông dân địa phương, 2 lão nông ở vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đã kiên trì tìm tòi và thành công trong việc nhân giống tôm sú và tôm càng xanh. Từ việc mát tay "đỡ đẻ" cho tôm, mỗi năm 2 lão nông dân cùng chung chí hướng này lãi...