Phú Quốc được chọn là Hòn đảo có thiên nhiên hàng đầu thế giới
Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có hòn đảo được World Travel Awards (WTA) – “Oscar của ngành du lịch thế giới” vinh danh tại Oman ngày 11.11.
Phú Quốc, Kiên Giang đã xuất sắc vượt qua 6 “đối thủ” đến từ các châu lục khác trên thế giới, trong đó có nhiều hòn đảo từng được mệnh danh “thiên đường” như Zanzibar của Tanzania hay quần đảo Lofoten của Na Uy, để đạt danh hiệu này. Giải thưởng cũng khẳng định sức hấp dẫn đặc biệt của Phú Quốc, hòn đảo đang nổi lên như một điểm đến không chỉ có vẻ đẹp hoang sơ mà còn vô cùng đa dạng trải nghiệm.
“Thiên đường nơi hạ giới”
Phú Quốc là hòn đảo lớn nhất nước ta (567 km2) và cũng là hòn đảo đầu tiên trên cả nước chính thức trở thành thành phố biển đảo vào năm 2021. Hòn đảo này sở hữu điều kiện tự nhiên vô giá để phát triển du lịch như khí hậu ôn hòa, nắng ấm áp quanh năm, núi đồi trùng điệp và biển đảo rộng lớn với 28 hòn đảo lớn nhỏ, 150 km đường bờ biển, 14 bãi biển đa dạng cát vàng, cát trắng mịn như kem…. Trong đó, vườn Quốc gia Phú Quốc, Khu bảo tồn biển Phú Quốc chiếm hơn 2/3 diện tích tự nhiên là vùng lõi của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Kiên Giang.
Bãi Kem, Phú Quốc nằm trong top 50 bãi biển đẹp nhất hành tinh.
Nếu Phú Quốc được mệnh danh là một viên ngọc đẹp, thì Nam đảo là giác cắt hoàn hảo nhất. Những bãi biển ở phía nam có cát trắng mịn như bột ngọc trai và vùng biển xanh như ngọc. Nhiều bãi biển như Bãi Sao, Bãi Kem… từng được truyền thông quốc tế ca ngợi là “Bãi biển hoang sơ hàng đầu thế giới”, “Bãi biển quyến rũ nhất hành tinh”…
Đặc biệt, các rạn san hô nhiều màu sắc và hình thù phân bố chủ yếu ở phía Nam, cùng với đó là các loài cá và cỏ biển. Cụm đảo Hòn Thơm ở Nam đảo có diện tích bảo tồn san hô lớn nhất Phú Quốc, lên tới 9.720 ha. Trong đó, công viên bảo tồn san hô Namaste là điểm đến yêu thích của nhiều du khách, để được đi bộ khám phá dưới đại dương, chiêm ngưỡng 250 loài san hô cùng hàng trăm loài sinh vật biển sặc sỡ sắc màu.
Ông Huỳnh Quang Hưng – Chủ tịch UBND TP Phú Quốc cho biết: “Được nhiều tổ chức trong nước và quốc tế bình chọn Phú Quốc là điểm đến nhất nhì trong khu vực và thế giới, sánh với một số đảo lớn trên thế giới, có thể nói là điều kiện thuận lợi để Phú Quốc tiếp tục phát huy những kết quả, đặc biệt là tạo sức cạnh tranh về du lịch, dịch vụ.”
Lấy thiên nhiên làm gốc rễ để phát triển du lịch
Gần một thập niên qua, Phú Quốc đã không chỉ phát huy tiềm năng từ những tài nguyên thiên nhiên sẵn có, mà còn từng bước nâng tầm vẻ đẹp trời ban, với những công trình và sản phẩm du lịch đột phá, để có những bước phát triển mạnh mẽ thành ngôi sao sáng của ngành du lịch Việt Nam.
JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay tọa lạc bên Bãi Kem 3 năm liên tiếp đạt danh hiệu “Khu nghỉ dưỡng dành cho đám cưới hàng đầu thế giới”.
Năm 2015, huyện đảo chỉ đón vỏn vẹn khoảng 850.000 lượt khách. Từ năm 2016 tới 2019, chỉ trong 4 năm, lượng khách đến Phú Quốc tăng từ 1,45 triệu lên tới 5,1 triệu, tương đương 252%. 9 tháng đầu năm nay, thành phố đón hơn 6,1 triệu lượt khách, tăng 154% so cùng kỳ năm 2021, vượt 7,6% kế hoạch năm; tổng doanh thu đạt 5.136 tỷ đồng, tăng 161,8% so cùng kỳ, đạt 76% kế hoạch năm; trong đó, khách quốc tế đạt hơn 100 ngàn lượt, đạt khoảng 60% so với kế hoạch năm 2022.
Video đang HOT
Hòn Thơm là hòn đảo “miễn dịch” với nỗi buồn với tuyến cáp treo vượt biển dài nhất thế giới, công viên giải trí Sun World Phu Quoc và điểm ngắm san hô đẹp nhất Phú Quốc.
Trong khuôn khổ lễ trao giải năm nay, Phú Quốc cũng có những công trình du lịch được WTA vinh danh. Cụ thể, JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort của Sun Group đạt giải thưởng “Khu nghỉ dưỡng dành cho đám cưới hàng đầu thế giới” năm thứ 3 liên tiếp. Khu nghỉ này được xem là đã làm nên đẳng cấp cho đảo Ngọc trên thế giới, khi không ngừng được vinh danh bởi nhiều tổ chức, báo chí quốc tế và trở thành điểm đến được lựa chọn bởi nhiều tỷ phú thế giới. Năm 2019, resort này từng khiến thế giới trầm trồ ngưỡng mộ, khi được chọn là điểm diễn ra đám cưới kéo dài 7 ngày đêm của cặp đôi tỷ phú Ấn Độ, chú rể Rushang Shah và cô dâu Kaabia Grewal.
Sự cộng hưởng của danh hiệu cho điểm đến và cho sản phẩm du lịch tại Phú Quốc, trong lễ trao giải thưởng du lịch lớn nhất thế giới, đã khẳng định đảo ngọc không chỉ đơn thuần là điểm đến có thiên nhiên hấp dẫn hàng đầu thế giới, mà còn đang ngày càng tăng sức hút và đẳng cấp hơn, với những sản phẩm du lịch xứng tầm vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho hòn đảo.
Cầu Hôn dự kiến sẽ ra mắt vào cuối năm nay.
Dự kiến ra mắt vào cuối năm nay, cây cầu mang tên Cầu Hôn được kỳ vọng trở thành biểu tượng du lịch mới của Phú Quốc và Việt Nam. Lấy thiên nhiên và văn hóa làm gốc rễ để phát triển du lịch bền vững, song không thiếu hạ tầng và dịch vụ đẳng cấp, Phú Quốc đang dần khẳng định vị thế một thiên đường du lịch giải trí, nghỉ dưỡng, đầu tư xứng tầm quốc tế.
Thiên đường du lịch mở cửa nhưng không ai dám đến
Sri Lanka - hòn đảo thiên đường nằm ở Ấn Độ Dương từng lọt vào danh sách những điểm đến hàng đầu - nhưng giờ lại trở nên hiu quạnh.
Sri Lanka chưa thể lấy lại doanh thu từ ngành du lịch.
Mỗi ngày, Athula Nandana, sống tại thị trấn Dambulla (Sri Lanka), đều đứng đón những vị khách hiếm hoi ở bãi đỗ xe xung quanh các ngôi đền. Nandana chào mời họ ghé ăn trưa tại nhà hàng do gia đình anh quản lý ngay bên ven đường.
Nở nụ cười mừng rỡ, anh liên tục quảng cáo các dịch vụ nấu ăn tại nhà, bữa trưa miễn phí cho hướng dẫn viên, theo The Times.
"Trước đây, chúng tôi có khoảng 600 khách du lịch mỗi ngày, 40% là người Anh. Nhưng hôm nay chỉ có 6 người đến đây, họ mang quốc tịch Tây Ban Nha và không ai muốn dùng bữa. Tôi đến đây mỗi ngày vì đó là những gì có thể làm để kiếm sống. Nhưng có lẽ tôi chỉ cầm cự được 3 tháng", Nandana than thở.
Sri Lanka chưa thể hồi phục sau tác động của đại dịch và bất ổn kinh tế, chính trị. Ảnh: BBC.
Khung cảnh hiu quạnh
Cách Dambulla nửa giờ di chuyển, Chris Haslam - cây viết của tờ The Times - đến được Sigiriya - nơi có pháo đài đá Machu Picchu được xây dựng từ thế kỷ V.
Năm ngoái, 700.000 khách du lịch đã đến đây để chinh phục chuyến leo dốc lên đỉnh. Thế nhưng, chỉ sau một năm, địa điểm này trở nên vắng vẻ không một bóng người.
Tại bãi đậu xe dành cho người nước ngoài, 15 hướng dẫn viên chờ đợi trong vô vọng. Saman Bandeira, nhóm trưởng, cho biết mỗi ngày họ chỉ đón khoảng 10-15 khách, nhiều đồng nghiệp của anh đã bỏ nghề.
Việc quản lý nền kinh tế kém cỏi, cộng thêm tác động của đại dịch, đồng tiền lao dốc và chiến sự Ukraine đã khiến đất nước 22 triệu dân đến bờ vực sụp đổ.
Du lịch từng là ngành công nghiệp chủ chốt, đóng góp 12% GDP cho quốc gia Nam Á này.
Trước dịch, Sri Lanka thu hút không ít du khách đến tận hưởng nền ẩm thực, di tích lịch sử được UNESCO công nhận, những khu nghỉ dưỡng sang trọng và bãi biển trong vắt, đầy cát mịn.
Năm 2019, Sri Lanka còn lọt vào danh sách những điểm đến hàng đầu của Lonely Planet. Hòn đảo hình giọt lệ này được nhiều người gọi là thiên đường nghỉ mát.
Ít người muốn đến quốc gia Nam Á này trong thời điểm hiện tại. Ảnh: Travellers Isle.
Thế nhưng, ở hiện tại, hàng nghìn người dân phải xếp hàng trật tự trên phố Chatham, kiên nhẫn chờ đợi phép màu. Chính phủ các nước Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Canada và Anh đã khuyên mọi người không nên đến đây do bất ổn chính trị.
Vào cuối tháng 8, Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển đã hủy bỏ lời khuyến nghị này, cho phép người Anh đi du lịch Sri Lanka. Nhưng các công ty không dám mở tour vì hầu hết khách hàng đều sợ bị bắt, gặp sự cố khi đến đây.
Theo The Times, đó suy nghĩ hiển nhiên vì không một ai muốn nghỉ mát ở nơi đang trong tình trạng tồi tệ, mất an ninh xã hội và hàng loạt dịch vụ đóng cửa.
Ngoài ra, lạm phát còn ở mức 69%, dự trữ ngoại hối thấp nghiêm trọng đến nỗi khách sạn phải thanh toán bằng đồng USD để bổ sung kho bạc.
Ở một số khu vực, bệnh nhân phải chờ 3 năm mới được phẫu thuật. Báo cáo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Sri Lanka đứng thứ 44 trong danh sách 48 quốc gia dễ bị tổn thương nhất do tăng giá thực phẩm và phân bón vào năm 2023.
Vắng bóng du khách
Trong một khách sạn trên bãi biển ở Bentota, Haslam làm quen với Shehaan Thahir và Shenelle Rodrigo, 2 nhà làm phim đến từ Colombo. Họ vừa hoàn thành ngày thứ 42 của chuyến đi bằng xe đạp vòng quanh hòn đảo dài 43 ngày.
"Khi rời Colombo, bạn bè của chúng tôi đã cảnh báo rất nhiều. Nhưng bất cứ nơi nào đặt chân đến, tôi và Thahir đều cảm nhận được lòng tốt và sự quan tâm của người bản địa. Họ mời cả hai uống trà, nghỉ ngơi", Rodrigo nói.
Lái xe thêm 120 km đến Unawatuna, Haslam gặp được du khách người Anh đầu tiên tên là Jay Milner (22 tuổi, đến từ Essex). Milner đã tham quan vịnh nhỏ ở Hiriketiya khoảng 2 tuần trước đó. Mê đắm cảnh đẹp tại đây, anh quyết định ở lại đến khi hết tiền.
"Đây thực sự là thiên đường", chàng trai 22 tuổi thốt lên.
Bãi biển tuyệt đẹp ở Sri Lanka đã lâu không đón khách du lịch. Ảnh: Alamy.
Nhiều quán bar gần biển đã mở cửa trở lại để chào đón du khách thích lướt sóng, tiệc tùng. Nhưng chỉ có người Israel và một số ít khách du lịch đến từ Tây Ban Nha, Hà Lan.
"Tôi hoàn toàn thoải mái khi ở đây. Món món cà ri cua với giá 2.000 rupee (5 bảng Anh) thật tuyệt. Đặc biệt là được đi dạo trên những bãi biển vắng vẻ đẹp nhất mà tôi từng thấy", Henrik, một du khách, nói.
Bên cạnh đó, tiền thuê phòng khách sạn cũng rẻ hơn so với năm 2018 tới 40%. Mức chiết khấu sẽ giảm xuống khoảng 20% vào tháng 12. Kể cả chi phí sinh hoạt trong kỳ nghỉ - xe tuk-tuk, quà lưu niệm, vé vào cửa và ăn uống - cũng được tính bằng đồng rupee.
Ngân hàng Trung ương ước tính du lịch có thể mang lại 135 triệu bảng Anh mỗi tháng cho Sri Lanka, cung cấp khoản thanh toán cho việc nhập khẩu phân bón, thuốc men và khí đốt đang rất cần thiết.
Ở Pottuvil, Haslam gặp một bác sĩ 70 tuổi đã nghỉ hưu. "Tôi nghĩ Sri Lanka sẽ mạnh mẽ hơn sau thử thách này", ông nói.
Du khách Anh kể về vẻ đẹp thiên nhiên và lịch sử của Côn Đảo Côn Đảo có những vịnh cát đẹp mê hồn, rừng nhiệt đới, những rạn san hô khỏe mạnh và đặc biệt có bầu không khí hoàn toàn yên tĩnh "Ở Côn Đảo, tôi rất thích sự tĩnh lặng", đó là nhận định của tác giả Iain Stewart viết trên tờ báo Telegraph (Anh) sau chuyến thăm đến một trong những hòn đảo nổi...