Phù phép hàng trôi nổi
Các hoạt động gian lận thương mại thời gian gần đây rất tinh vi. Các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm soát, người tiêu dùng tỉnh táo để tránh bị lừa.
Giữa lúc hàng Việt chật vật để tồn tại khi người tiêu dùng ngoài thắt chặt chi tiêu thì ngày càng trở nên khó tính, thì hàng nhái, hàng giả lại ngang nhiên tồn tại, đội lốt hàng “xịn” qua mặt cơ quan chức năng, đánh lừa người tiêu dùng.
Không được bảo vệ
Theo bà Phan Thị Việt Thu, trưởng Văn phòng giải quyết khiếu nại – Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP.HCM, văn phòng chỉ tiếp nhận các trường hợp người tiêu dùng khiếu nại mua hàng có hóa đơn, chứng từ hợp pháp. Do đó, người tiêu dùng mua hàng gian, hàng giả (không được cấp hóa đơn chứng từ) sẽ không được bảo vệ.
Từ đơn giản đến tinh vi
Từ đầu tháng 8, khi báo chí phát hiện “nho Mỹ” bán rong tại các con đường trên địa bàn TP HCM với giá chỉ 40.000 đồng/kg, thực chất là nho Trung Quốc, khiến mặt hàng nho dỏm này vốn tồn tại khá lâu nay sức mua giảm hẳn. Và để tiếp tục tồn tại, loại trái cây này dạt về các tỉnh miền Tây. Ngày 13/8, lực lượng chức năng TP Cần Thơ đã kiểm tra các lô sạp bán “nho Mỹ” trên địa bàn Q.Cái Răng, kết quả kiểm tra hóa đơn chứng từ đã xác nhận nguồn gốc thực sự của loại trái cây này là từ Trung Quốc. Chưa nói tới mối nguy an toàn thực phẩm, vì loại nho đội lốt này đã được xác định có chứa chất bảo quản độc hại ảnh hưởng tới sức khỏe, thì người tiêu dùng lâu nay đã bị móc túi trắng trợn vì giá bán đã bị đội lên gấp mấy lần vì chiêu thay đổi gốc gác đơn giản của người bán.
Theo ông Nguyễn Lâm Viên, tổng giám đốc Công ty Vinamit, trong các đợt khảo sát thị trường tại Trung Quốc, cho thấy người tiêu dùng nước này ngày càng mất niềm tin với hàng nội địa, nhất là thực phẩm. Do vậy, khi xuất qua nước khác, hàng Trung Quốc cũng phải giấu đi xuất xứ của mình.
Nho Trung Quốc đội lốt nho Mỹ ngang nhiên bán tại các cửa hàng trái cây lớn ở Hậu Giang. Ảnh: Đặng Ngọc.
Còn bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết trong các chuyến khảo sát tại chợ truyền thống đã phát hiện nhiều mặt hàng có nguồn gốc Trung Quốc đang đội lốt hàng Việt bằng tem, nhãn giả. “Tôi biết có những hộ gia đình chuyên sống bằng nghề làm dịch vụ dán nhãn “made in Việt Nam” cho hàng Trung Quốc, điều này đẩy hàng Việt vào thế cạnh tranh không lành mạnh”, bà Hạnh bức xúc.
Video đang HOT
“Gan” hơn, có nơi còn dám mua hàng trôi nổi về dán nhãn chính cơ sở của mình tiêu thụ. Như trường hợp cửa hàng Bươm Bướm (208A Bà Hom, P.13, Q.6) bày bán rất nhiều loại bao cao su hiệu Durex trên bao bì ghi bằng tiếng nước ngoài, còn có nhãn phụ bằng tiếng Việt, trong đó có ghi: “nhà phân phối Bươm Bướm”, kèm theo địa chỉ cửa hàng dán lên sản phẩm. Điều này khiến người tiêu dùng ngỡ cửa hàng này nhập sản phẩm trực tiếp, nhưng thực tế đã bị hớ. Vì mới đây, đội Quản lý thị trường (QLTT) 3A, Chi cục QLTT TP HCM kiểm tra đầu vào của các sản phẩm này thì phát hiện không có hóa đơn chứng từ. Không những thế, chủ sở hữu thương hiệu Durex còn xác nhận toàn bộ lô hàng, lên đến 1.417 hộp (mỗi hộp 3 chiếc) đều là hàng giả.
Trước đó, QLTT cũng phát hiện nhiều công ty mua hàng trôi nổi, không có hóa đơn chứng từ nhưng lại bán một cách công khai với nhiều lời quảng cáo trên mây, thông qua các kênh bán hàng qua truyền hình.
Lập chuyên án điều tra
Theo ông Đặng Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TP HCM, tính đến giữa tháng 7, đơn vị này đã xử phạt 2.510 vụ; ước trị giá hàng tịch thu chưa bán gần 69 tỷ đồng, tăng 111% so với cùng kỳ năm 2011. Điều này cho thấy kinh tế khó khăn nhưng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại không hề giảm, thậm chí còn phức tạp hơn do hàng ế từ các nước lân cận đang tìm cách đổ lậu về thành phố. Ông Đức cũng cho biết có 13 vụ vi phạm rất nghiêm trọng, có tổng giá trị hàng hóa vi phạm trên 26,5 tỷ đồng, có dấu hiệu hình sự đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra xử lý.
Trước tình hình trên, UBND TP HCM vừa có văn bản yêu cầu UBND các quận, huyện tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn. Trong đó, lưu ý các cơ quan chức năng cần chủ động xây dựng chuyên án điều tra, phát hiện, đấu tranh với các tổ chức, cá nhân có hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; ngăn chặn các hành vi xuất nhập khẩu trái phép, buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại ở khu vực cảng biển, cửa sông, bến bãi, tàu thuyền…
Rất dễ phân biệt nho Mỹ giả
Ông Nguyễn Minh Đức, Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang), cho biết: Nho Trung quốc đội lốt nho Mỹ cũng đã tấn công người tiêu dùng tỉnh này. Khoảng nữa tháng nay, tình trạng bán nho giả này xuất hiện nhiều nhất các hộ bán lẻ nằm cập các quốc lộ 1A, thuộc hai huyện Châu Thành, Châu Thành A và một số nhóm bán ở hai ven đường ở gần cửa ngỏ vào TP Vị Thanh (Hậu Giang). Với giá chỉ bằng 1/3 so với nho Mỹ thật bán tại các cửa hàng, siêu thị. Chi cục QLTT Hậu Giang đã gửi mẫu sản phẩm giám định dư lượng thuốc trừ sâu và hóa chất bảo quản. Kết quả công bố chiều 15.8 xác định nho này có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập qua cửa khẩu Lào Cai, có dư lượng difenoconazole vượt ngưỡng 3-5 lần cho phép ở Việt Nam. Do vậy, nho được bày bán ngoài nắng suốt ngày nhưng vẫn không hư hỏng.
Theo ông Đức, rất dễ để so sánh và nhận diện nho “giả”. Nho giả thường có màu vỏ nhạt, trái to, có phấn trắng bên ngoài, ăn có vị chua và có nhiều hạt trong trái. Còn nho Mỹ thật trái to vừa phải, màu vỏ sậm hơn, ăn có vị ngọt đậm đà, đa phần nho Mỹ chỉ có 1-2 hạt trong trái, giá luôn bán ở mức cao. (Đặng Ngọc).
Theo Báo Đất Việt
Thâm nhập xứ sở rượu thuốc phiện
Ban đầu là ngâm để uống, sau đó thì dùng để cho và tặng nhau làm quà. Một đồn mười, mười lại đồn trăm, từ những lời đồn thổi thiếu căn cứ khoa học về tác dụng của rượu ngâm cây thuốc phiện... khiến khoảng 3 năm trở lại đây, loại rượu này rất được ưa chuộng trên thị trường.
Như ngọn lửa âm ỉ, vì lợi nhuận, vì thị hiếu của người tiêu dùng, các đối tượng vẫn lén lút hoạt động với thủ đoạn tinh vi hơn. Tại các quán ăn, nhà hàng, khách quen vẫn có thể dễ dàng mua được loại rượu này. Cuộc chiến chống tái trồng cây thuốc phiện vì thế còn vô cùng gian nan.
Tận mắt nơi "sản xuất"
Để tận mục sở thị, chúng tôi ngược núi tìm vào Nghĩa Lộ, Văn Chấn, địa bàn từng là xứ sở của rượu ngâm cây thuốc phiện. Dẫn đường cho tôi trong chuyến công tác này là một đồng nghiệp người Yên Bái, từng có nhiều năm lăn lộn ở mảnh đất phía Tây, từng là thủ phủ của cây thuốc phiện...
Vào tới Văn Chấn, khí hậu đã có sự thay đổi rõ rệt, không gian mát mẻ, tươi mới khác hoàn toàn với cái oi nồng, bức bối ở thành phố, anh bạn đi cùng tôi bật mý: "Văn Chấn là một trong những địa bàn có địa hình, khí hậu thích hợp cho cây thuốc phiện sinh sống và phát triển. Ở Yên Bái, ngoài Văn Chấn còn có các huyện như Trạm Tấu và Mù Căng Chải, dân trồng cây thuốc phiện chủ yếu là người Mông, sinh sống ở những vùng núi cao hiểm trở, dốc dựng đứng với những thung lũng hẹp. Dân bản thường đốt nương, làm rẫy trồng cây thuốc phiện... Cây thuốc đã gắn bó với tập quán canh tác và đời sống của đồng bào dân tộc Mông đến mức họ có câu: Ở đâu có tổng quả sùi (cây sống qua mùa đông) thì ở đó có người Mông, Giàng cũng thả cây thuốc phiện xuống mặt đất cho người Mông"...
Hà Văn Chơ và Sùng A Cha cùng tang vật bị bắt giữ tại cơ quan điều tra Công an tỉnh Yên Bái.
Mải vui câu chuyện, chúng tôi tấp vào một quán nhà sàn ven đường lúc nào không hay, theo lời giới thiệu của cậu bạn tôi thì đây là quán ăn khá nổi tiếng trong vùng. Chừng giữa trưa, quán đã khá đông khách, những món ăn mang đậm phong vị của người Thái được bày biện thơm lừng, mang đậm bản sắc dân tộc như món thịt nướng, món xôi bảy màu, dế và bọ xít rang...
Khi bàn tiệc được sắp xếp thịnh soạn, anh bạn tôi ghé tai một nhân viên phục vụ, ngỏ ý muốn thưởng thức một chút rượu 138. Ban đầu, nhân viên chối bay rằng nhà hàng chẳng có một bình rượu nào vì dạo này Công an làm gắt. Nếu bị phát hiện không chừng sẽ bị bóc lịch... Anh bạn tôi nài nỉ, giọng tha thiết: "Anh có cô bạn ở Hà Nội lên chơi muốn thưởng thức chút phong vị núi rừng. Chú em giúp anh, anh sẽ trả công xứng đáng. Kiếm cho anh cái bình chất một chút, quả chưa khứa nhựa".
Theo lời của anh bạn tôi thì công nghệ sản xuất rượu 138 (rượu ngâm cây thuốc phiện) trên thị trường hiện nay khá đơn giản. Thân cây thuốc phiện rửa sạch, một phần được đun lên để lấy màu, phần còn lại dùng để ngâm rượu vì thế trong các bình rượu này tỷ lệ thuốc phiện có hàm lượng rất thấp... các quả thuốc phiện chỉ được điểm vào cho đẹp mắt, sau đó đóng thành bình bán cho khách có nhu cầu. Hằng năm, vụ cây thuốc phiện thường từ tháng 10 đến đầu năm sau.
Vào thời điểm đầu năm 2012, một cân thuốc phiện tươi trên thị trường có giá khoảng 800 nghìn đồng/kg gồm thân, rễ, quả. Một kg thuốc phiện thường ngâm được 3 bình rượu nếu bán ra thị trường có giá 1,3 triệu đồng/ bình loại 5 lít. Đấy là còn mua được tại gốc chứ nếu mang ra đến TP Yên Bái hoặc về xuôi thì giá thành có thể lên tới gấp đôi, gấp ba... Vài ba cây thuốc phiện gập 3, gập 4 vào thì có thể kiếm được vài trăm nghìn đồng. Siêu lợi nhuận khiến các đối tượng không từ thủ đoạn nào để phạm pháp.
Câu chuyện của chúng tôi chợt bị ngắt khi một bình rượu chừng 2 lít cũng được nhân viên của nhà hàng đưa ra... và cái giá mà chúng tôi phải trả cũng không mềm chút nào, 1,3 triệu đồng/bình rượu. Cậu nhân viên lúc này cười xòa hóm hỉnh: Anh chị uống vào, biết ngay tác dụng. Rồi anh ta khoa môi, múa mép về tác dụng của loại rượu này như một loại thuốc đại bổ với các loại công dụng như sâm nhung làm bổ âm, bổ dương, tốt cho đường tiêu hóa...
Có cầu, ắt có cung
Số liệu thống kê của Công an huyện Văn Chấn (Yên Bái) cho biết, những tháng đầu năm 2012, Công an huyện đã phát hiện và bắt giữ 16 vụ, 20 đối tượng có liên quan đến việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép chất ma túy; trong đó có 3 vụ trồng cây thuốc phiện... So với những tháng đầu năm 2011 tăng 8 vụ bằng 12 đối tượng. Thực tế hiện nay cho thấy, không chỉ những người thiếu hiểu biết mới tham gia phạm tội, có trường hợp là cán bộ y tế xã cũng vì đồng tiền mà lóa mắt, tái phạm rất nhiều lần.
Phụng Thị Quyện, công tác tại Trạm y tế xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu là một trường hợp như thế. Trước đó, vào khoảng giữa năm 2011, Quyện đã bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép thân cây, quả thuốc phiện. Song hình thức xử lý đó cũng không làm Quyện lo sợ, Quyện vẫn lén lút mua bán thân, rễ, cây, quả cây thuốc phiện ngâm rượu, bán lại cho những người tiêu dùng có nhu cầu. Vào thời điểm bị lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy bắt quả tang (ngày 26/3), trong nhà đối tượng này có 13kg quả thuốc phiện, 34 thân, rễ cây thuốc phiện và 8 bình rượu ngâm thân cây. Vì lợi nhuận các đối tượng không từ thủ đoạn nào để hoạt động.
Trước đó, Công an huyện Văn Chấn cũng phục bắt quả tang hai đối tượng là Hà Văn Chơ (trú tại huyện Văn Chấn) và Sùng A Cha (40 tuổi, trú tại huyện Trạm Tấu, Yên Bái) khi đang vận chuyển 10,5kg quả thuốc phiện; 28kg thân, rễ cây thuốc phiện và 2 bình nhựa bên trong chứa 10 lít rượu ngâm thân, rễ và quả thuốc phiện tươi.
Theo quy định của pháp luật thì các đối tượng vận chuyển từ 5kg quả khô thuốc phiện trở lên sẽ bị khởi tố hình sự, trong trường hợp cơ quan Công an chứng minh được họ có mục đích mua bán. Điều đó có nghĩa là các trường hợp vận chuyển thân, rễ, lá thì chỉ xử phạt được hành chính.
Trường hợp phát hiện có rượu ngâm thân, rễ, lá và quả thuốc phiện thì chỉ xử lý được là rượu không có tem, dán nhãn và chuyển quản lý thị trường xử phạt hành chính. Chế tài xử lý chưa đủ mạnh, trong khi khoản lợi nhuận kiếm được từ việc sản xuất rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện lại quá lớn nên việc sản xuất và mua bán loại rượu này vẫn diễn ra một cách âm ỷ. Điều đó, vô hình trung đã thúc đẩy cho việc tái trồng cây thuốc phiện.
Một cán bộ y tế cho biết: Rượu là chất kích thích, có quả cây thuốc phiện tức là có hàm lượng morphin... vì thế một số người sẽ lập luận rằng đó là một loại thuốc chữa bệnh. Bởi nhựa cô đặc từ quả anh túc hay còn gọi là quả thuốc phiện vẫn được dùng như một biệt dược để giảm đau, chữa bệnh đau bụng và để kích thích tiêu hóa. Song trên thực tế, trong y học việc sử dụng cũng phải theo chỉ định của bác sỹ, nếu quá liều sẽ vô tình gây tác hại. Rượu ngâm rễ, thân, lá cây anh túc, không có tác dụng gì vì hàm lượng chất gây nghiện tuy có tất cả ở thân, lá và rễ nhưng rất thấp. Vì thế, nếu có ngâm rượu thì cũng không thể có tác dụng chữa bệnh như những lời đồn thổi. Nếu sử dụng liên tục trong một thời gian dài, rượu ngâm các sản phẩm của cây thuốc phiện như rễ, quả, thân cây sẽ làm cho người sử dụng bị tê liệt thần kinh. Nhiều người trong số đó có thể bị giảm trí nhớ đó là còn chưa kể đến việc lạm dụng rượu sẽ có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận và một số cơ quan nội tạng khác. Khi lạm dụng loại rượu này sẽ bị rối loạn về tiêu hóa, thậm chí có thể suy giảm về nhân cách.
Theo CAND
Lật tẩy những thủ đoạn giấu ma túy tinh vi: "vỏ quýt dày, móng tay nhọn" Sau 7 năm kiên trì bám trụ, đeo bám đối tượng, chuyên án 006N của cán bộ chiến sỹ Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về ma túy phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh đã kết thúc. Một chuyên án kéo dài 7 năm, lúc yên ắng, lúc bùng nổ nhưng phía sau đó là cả quá trình kiên trì...