Phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con vì áp lực lớn
Ngày càng nhiều lao động nữ tại Trung Quốc không muốn có con vì áp lực công việc và nuôi dạy trẻ quá nặng nề.
Áp lực công việc cùng với áp lực nuôi dạy con cái khiến nhiều phụ nữ Trung Quốc không muốn sinh con. Ảnh minh họa: SCMP
Mặc dù chính phủ Trung Quốc đã nới lỏng chính sách sinh đẻ, cho phép các gia đình có con thứ hai, nhiều lao động nữ tại nước này không muốn có thêm con, thậm chí không muốn sinh con, theo SCMP.
Khảo sát do trang tuyển dụng trực tuyến lớn nhất Trung Quốc Zhaopin.com thực hiện năm ngoái cho thấy 40% số lao động nữ tại quốc gia đông dân nhất thế giới không muốn sinh con, 2/3 số người đã có con không muốn sinh thêm bé thứ hai.
Tại những thành phố lớn như Bắc Kinh hay Thượng Hải, sinh hoạt phí đắt đỏ, giờ làm việc kéo dài và những chi phí liên quan tới việc nuôi dưỡng trẻ tăng cao khiến ngày càng nhiều phụ nữ không muốn sinh con.
Việc nuôi con cũng ảnh hưởng tới điều kiện kinh tế, thậm chí có nguy cơ khiến người lao động mất việc. Khảo sát của Zhaopin cho thấy 33% số phụ nữ bị giảm lương sau sinh, còn 36% bị giáng chức. Hai lý do hàng đầu cho việc không sinh con là “không đủ thời gian và sức lực”, “nuôi trẻ quá tốn kém”.
Tình trạng lao động nữ không chịu sinh con đang trở thành vấn đề cấp bách hơn tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bởi lẽ dân số Trung Quốc đang già đi nhanh chóng.
Sau hơn 30 năm duy trì chính sách một con, dân số trẻ ở Trung Quốc có xu hướng ít hơn so với dân số già đang tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh và tăng gánh nặng lên hệ thống phúc lợi xã hội.
Video đang HOT
Một ông lão bế cháu trai ra chơi ở trung tâm thương mại Bắc Kinh sau khi Trung Quốc tuyên bố cho phép mỗi gia đình có hai con vào tháng 10/2015. Ảnh: China Daily
Sau khi xóa bỏ chính sách một con vào tháng 10/2015, giới chức Trung Quốc ước tính sẽ có thêm 4 triệu trẻ sơ sinh mỗi năm cho tới năm 2020, nhưng thực tế, số trẻ sơ sinh năm ngoái chỉ tăng thêm 1,31 triệu. Chính phủ Trung Quốc đang cân nhắc các biện pháp trợ cấp sinh đẻ và xã hội để khuyến khích người dân sinh con.
Tuy nhiên, so với những quốc gia có nhiều chế độ khuyến khích sinh như Singapore hay Đức, Trung Quốc vẫn còn hạn chế trong việc đưa ra các chính sách hỗ trợ và giúp đỡ những gia đình không có khả năng chi trả cho giáo dục và chăm sóc sức khỏe trẻ em.
Hồng Hạnh
Theo VNE
30 triệu phụ nữ 'vô hình' ở Trung Quốc
Nghiên cứu mới do đại học Trung Quốc và Mỹ thực hiện cho thấy khoảng 30 triệu trẻ gái không được đăng ký khai sinh do bố mẹ sợ bị phạt vì chính sách một con.
Trung Quốc có thể có thêm 30 triệu phụ nữ trong thống kê dân số dựa theo nghiên cứu mới. Ảnh: SCMP
Nghiên cứu cho thấy trong nhiều thập kỷ thực hiện chính sách một con ở Trung Quốc, khoảng 30 triệu trẻ gái không được đăng ký khai sinh hoặc đăng ký muộn vì bố mẹ lo sợ bị phạt, theo SCMP.
John Kennedy, phó giáo sư ngành chính trị học ở đại học Kansas, Mỹ và Shi Yaojiang, giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển xã hội Tây Bắc, thuộc đại học Sư phạm tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đã cùng thực hiện nghiên cứu trên.
Các nhà nghiên cứu so sánh số trẻ sinh ra năm 1990 với lượng nam giới và phụ nữ 20 tuổi ở Trung Quốc năm 2010. Họ phát hiện sau hai thập kỷ, lượng người nhiều hơn 4 triệu, trong đó số phụ nữ nhiều hơn nam giới một triệu.
"Sau 25 năm kể từ năm 1990, có thể có khoảng 25 triệu phụ nữ không được đăng ký khai sinh", Kennedy cho biết.
Các nhà nghiên cứu bắt đầu thu thập dữ liệu từ năm 1996 khi tới phỏng vấn một người dân làng ở tỉnh Thiểm Tây. Người này có hai con gái, cho biết một cô được coi là "không tồn tại" vì không đăng ký khai sinh với chính quyền. Những người không đăng ký sẽ không có tên trong "sổ hộ khẩu", do đó sẽ không được hưởng bảo hiểm y tế và giáo dục miễn phí của nhà nước dành cho trẻ em.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí China Quarterly hôm qua. Ông Kennedy và Shi giải thích hiện tượng này theo khoa học chính trị. Họ cho rằng có thể do quan chức địa phương đã làm ngơ để người dân sinh con nhằm duy trì ổn định xã hội trong cộng đồng. Chính quyền đã không báo cáo "số ca sinh con ngoài kế hoạch" mà kết quả đã ảnh hưởng tới số liệu thống kê dân số cả nước.
"Người ta vẫn nghĩ rằng dân số Trung Quốc mất khoảng 30 triệu trẻ gái. Đó là dân số cả bang California", Wangshington Post dẫn lời Kennedy. "Hầu hết mọi người đưa ra những giải thích theo nhân khẩu học, cho rằng nạo phá thai là nguyên nhân chính dẫn tới số trẻ biến mất trong điều tra dân số. Tuy nhiên, chúng tôi đã đưa ra giải thích theo khoa học chính trị".
"Nếu 30 triệu phụ nữ này thật sự mất tích, tức là sẽ có nhiều nam hơn nữ trong độ tuổi kết hôn", Kennedy nói. "Lúc này xã hội sẽ không thể ổn định khi mà hàng triệu người mang hormone testosterone (hormone nam giới) không có chỗ nào để đi".
Một người bà ôm cháu mới sinh trong bệnh viện ở Trung Quốc. Ảnh: AP
Các nhà nhân khẩu học Trung Quốc từng đưa ra giải thích tương tự. Liang Zhongtang, một nhà nghiên cứu ở Thượng Hải, phát hiện từ đầu những năm 1980 khi chính sách một con có hiệu lực, nhiều phụ huynh đã không báo cáo với nhà chức trách nếu sinh con thứ hai là gái.
Tuy những đứa trẻ này không được nằm trong số liệu điều tra dân số ban đầu nhưng sau khi lớn lên, chúng sẽ được đăng ký muộn để hưởng các phúc lợi xã hội như y tế và giáo dục.
"Mất cân bằng giới tính có tồn tại nhưng không xấu như số liệu thống kê. Nhiều phụ nữ có tồn tại dù không được khai sinh. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính không nghiêm trọng sau khi họ trưởng thành", Liang nói.
Trong ba thập kỷ duy trì chính sách một con, Trung Quốc cho phép người dân nông thôn sinh con thứ hai nếu con đầu là gái, nhưng không cho phép sinh thêm nếu con đầu là trai. Người nào vi phạm sẽ phải trả khoản tiền phạt lớn, thậm chí có nguy cơ mất việc nếu họ làm việc trong chính phủ hoặc các doanh nghiệp nhà nước.
Chính sách một con được nới lỏng năm 2012 và chấm dứt vào tháng 10/2015, cho phép các cặp vợ chồng sinh hai con, trong bối cảnh xã hội đang đối mặt với tình trạng già hóa dân số và thiếu hụt lao động tương lai.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính ở Trung Quốc tăng cao bắt đầu từ năm 1982, với tỷ lệ bé trai trên bé gái là 108:100, đạt đỉnh năm 2004 với tỷ lệ cứ 121 bé trai mới có 100 bé gái. Ở một số tỉnh, tỷ lệ này lên tới 130:100.
Hồng Hạnh
Theo VNE
Trung Quốc gánh hậu quả vì chính sách một con kéo dài Tư tưởng sinh một con đã ăn sâu bám rễ vào xã hội Trung Quốc, áp lực kinh tế và học hành đè nặng lên các bậc phụ huynh và con trẻ khiến nhiều người không muốn sinh con thứ hai. Gia đình Han Jing. Ảnh: Washington Post Con trai của Han Jing bắt đầu học thêm khi mới 5 tuổi. Cậu bé...