Phụ nữ thông minh đừng chỉ thấy đàn ông giàu mà ham
Phụ nữ có chồng giàu dĩ nhiên rất tốt. Nhưng nếu người đàn ông đó tính toán, so đo với vợ từng đồng, từng hào một thì không gì khổ bằng. Phụ nữ muốn sướng hãy lấy người có mười đồng mà chẳng tiếc cho bạn 9 đồng.
Phụ nữ may mắn lấy được chồng giàu là tốt. Khi phụ nữ có một người chồng tài giỏi, giàu có, làm ra tiền, kinh tế tốt, cuộc sống hôn nhân cũng sẽ dễ dàng hơn, không phải lo nỗi lo tiền bạc, cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, không phải bất cứ người đàn ông nào giàu cũng có tính cách phóng khoáng và chiều chuộng vợ. Thậm chí có nhiều người đàn ông mặc dù giàu có nhưng tính toán bủn xỉn từng đồng từng hào, vợ đừng mơ mà động vào tiền của anh ta.
Phụ nữ hiện đại vốn thực dụng, thế nhưng đừng chỉ nhìn thấy đàn ông giàu mà hám mà quan trọng bản chất của anh ta là người như thế nào. Giàu mà keo kiệt, bủn xỉn, coi trọng tiền bạc, vật chất, tự cho mình là trung tâm vũ trụ, gia trưởng, coi thường vợ liệu làm vợ của một người đàn ông như vậy phụ nữ có sướng?
Ảnh minh họa: Internet
Người phụ nữ trong hôn nhân chỉ thực sự sung sướng khi lấy được một người chồng dù có thể giàu sang hay không nhưng yêu thương, chiều chuộng vợ hết mực. Đối với anh ta vợ là số 1, tiền bạc, vật chất chỉ là thứ yếu. Người đàn ông mà có 10 đồng mà chẳng tiếc cho bạn tới 9 đồng, không tính toán, bủn xỉn, không đay nghiến, so đo hơn thiệt chứ không phải người đàn ông có 10 đồng cũng không muốn cho bạn dù chỉ 1 đồng, mà có cầm được tiền của họ cũng chẳng vui vẻ, thỏa mái gì. Cuộc sống hôn nhân như vậy, bạn chẳng khác gì “người ở” cho họ, gia đình họ, bảo sao làm vậy, cho đâu được đấy, không có quyền, không có tiếng nói.
Bạn tôi vỡ mộng bởi vì lấy chồng được gắn cái mác nhà giàu. Anh ta là chủ một công ty nhỏ. Có xe hơi, có nhà đẹp. Bạn tôi ngoại hình cao ráo, dễ nhìn, vì thế hai người đúng là “trời sinh một cặp”. Bạn bè, người thân ai cũng nghĩ bạn tôi có số sướng, từ nay yên tâm làm bà chủ, chẳng phải cong lưng lo cơm áo gạo tiền.
Nhưng cưới nhau về rồi, bạn tôi mới biết anh chồng thuộc dạng “đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành”. Anh có một tuổi thơ rất nghèo khó và cơ cực. Đói ăn, thiếu mặc là chuyện như cơm bữa. Lớn lên, có cơ hội ra thành phố làm việc. Nhờ nhanh nhẹn, giỏi giang mà tích lũy được một số vốn rồi cuộc sống mới khá lên từ đó.
Video đang HOT
Ảnh minh họa: Internet
Nhưng khi người ta có tiền, lẽ ra sẽ sống thoải mái hơn nhưng anh thì không. Anh trân trọng từng đồng tiền kiếm được đến mức keo kiệt. Anh sợ mất những gì mình đổ mồ hôi mới có được. Bạn tôi nấu ăn, anh tỏ vẻ khá chịu vì bạn mua nhiều thứ đắt tiền. Bạn có thói quen hay ngồi uống nước, cà phê với bạn bè anh cũng bảo phí tiền, không cần thiết. Mọi vật dụng trong nhà nếu bạn tự ý mua sẽ bị anh than phiền, càu nhàu cả tháng.
Mang danh giám đốc nhưng anh ăn uống kham khổ. Buổi sáng anh ăn mì tôm hoặc bánh mì, trưa về và tối về nhà ăn cơm. Anh bảo vợ nấu ăn đơn giản thôi, chỉ cần luộc rau, chiên trứng, thỉnh thoảng thì mua thịt cá. Tiền khổ sở kiếm được không được tiêu xài hoang phí, để dành cho tương lai sau này.
Bạn cũng đi làm, bạn lấy tiền của chính mình mua sắm quần áo, son môi, túi xách nhưng chồng nhìn thấy cũng càm ràm. Anh bảo bạn sống phung phí như thế chẳng mấy hồi ra đường mà ở. Bạn nghe nghẹn đắng mà không nói nên lời. Hiếm khi hai vợ chồng ra ngoài ăn. Thỉnh thoảng bạn muốn đi du lịch, đi chơi xa để giải trí nhưng chồng bạn không hề có suy nghĩ đó. Bạn biết, số tiền tiết kiệm trong sổ của anh lên đến tiền tỷ nhưng để làm gì khi ngay một đồng anh cũng ki bo với vợ của mình?
Ảnh minh họa: Internet
Đàn ông hơn nhau không phải trong ví anh ta có bao nhiêu tiền, mà hơn nhau ở chỗ anh ta sẽ vì bạn mà tiêu bao nhiêu tiền…
Vật chất với đàn ông rất quan trọng. Khi yêu thương một người phụ nữ thật lòng, họ cho đi chẳng tiếc. Khi và chỉ khi sống với một người đàn ông sẵn sàng cho đi như thế, phụ nữ mới có hạnh phúc thật sự.
Phụ nữ có chồng giàu dĩ nhiên rất tốt. Nhưng cưới chồng có một trăm đồng mà dè xẻn với vợ từng đồng một thì không gì khổ bằng. Đàn ông có muôn vàn tật xấu như nhậu nhẹt, cờ bạc, hút thuốc, lười biếng… Những thứ đó còn có thể hiểu và thông cảm được. Còn một người đàn ông ki bo, keo kiệt thì không đáng mặt nam nhi cho lắm.
Phụ nữ đừng ham lấy chồng giàu. Hãy lấy người có mười đồng mà chẳng tiếc cho bạn 9 đồng. Vật chất với đàn ông rất quan trọng. Khi họ yêu thương một người phụ nữ thật lòng, họ cho đi chẳng tiếc. Khi và chỉ khi sống với một người đàn ông sẵn sàng cho đi như thế, phụ nữ mới có hạnh phúc thật sự. Đàn bà khôn ngoan chính là ở sự chọn lựa người chồng như vậy.
Theo phunuvagiadinh.vn
Ráng yêu mà sống
Quanh tôi, nhiều lắm những người đàn bà đang góp vào một nửa của cuộc hôn nhân muộn phiền, loay hoay cố gắng, nửa cam chịu nửa uất ức, tự hỏi vì sao mình cam chịu.
Trong cơ quan, chúng tôi có một "nhóm" thân thiết trên hệ thống trao đổi thông tin. Từ công việc cho tới các sự kiện kỷ niệm, sinh nhật này nọ, rồi cả những buồn vui cuộc sống cũng được "phang" lên đó. Cuối tuần rồi, Ngà đăng ảnh chụp màn hình các tin nhắn qua lại của vợ chồng cô ấy. Không cần nhiều lời giải thích, chỉ đọc thoáng qua nội dung đủ hiểu: vợ chồng Ngà đang "có vấn đề".
Không còn ai ở độ tuổi "trẻ trâu" để thúc nhau "ly hôn đi, ngay và luôn", chê trách "chồng Ngà tệ quá" hay sợ thiên hạ xầm xì. Cánh đàn bà trên dưới 40 tuổi lặng đi một chút, rồi dè dặt buông vài câu an ủi. Chắc do ông xã của Ngà công việc đang căng thẳng, mệt mỏi nên nặng lời thế thôi, đừng để ý. Vợ chồng lúc này lúc khác, phải biết bỏ qua mới sống đời với nhau được. Mai ghé tớ ăn trưa nhé, tớ đi du lịch về, có phần cho Ngà mấy miếng mặt nạ dưỡng da loại tốt nè...
Tuyệt không thấy xúi bẩy hay bàn ra, càng chẳng có những thì thầm sau lưng kiểu Ngà phải như thế nào thì chồng mới có khẩu khí gây hấn và nhuốm mùi coi thường vợ như vậy chứ. Chỉ là nhờ chồng xốt cà giùm chảo cá đã chiên sẵn cho con ăn, vì Ngà bận họp công đoàn về trễ, mà chồng Ngà thẳng thừng: "Tự về mà làm, thứ đàn bà chỉ giỏi việc bao đồng ngoài đường, chứ ở nhà thì vô tích sự".
Ngà bảo, bạn đã bật khóc trước sự cay nghiệt ấy. Cũng như nhiều năm sau này, Ngà vẫn âm thầm rơi nước mắt khi chồng ngày càng hờ hững, mặc kệ mẹ con Ngà tự xoay xở với nhau. Anh không đưa đón con, chẳng phụ đỡ bao nhiêu về kinh tế, dù làm ra tiền, luôn đòi hỏi phải cơm nóng canh sốt lẫn đáp ứng "chuyện ấy" khi cần. Còn lại chỉ là một bức tường lạnh lẽo - không trò chuyện, chẳng mấy khi quan tâm nhau, ngay cả một chút tôn trọng vợ cũng họa hoằn...
Chồng như vậy, còn gì để Ngà phải nuối tiếc mà chẳng dám dứt một lần? Đằng nào thì cũng chẳng giúp gì được cho Ngà lẫn hai đứa trẻ còn ở độ tuổi tiểu học. Thà đau một lần rồi thôi, Ngà đâu phụ thuộc kinh tế hay sợ hãi điều chi mà không thể quyết? Trả lời cho thắc mắc đó, Ngà chỉ cười buồn. Bây giờ lớn, chính xác là... già như vầy rồi, thay đổi liệu có mang lại điều gì tốt đẹp hơn hay lại tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, rồi lại ngồi đó mà thầm ước, giá như mình cứ cố chấp nhận cuộc hôn nhân đang "yên ổn" đó. Dù chỉ còn cái vỏ để che đi sự mục ruỗng, cũng là một mái nhà cho con cái lớn lên, đủ cha mẹ, không bị sốc tâm lý hay mang cảm giác đổ vỡ, chia cắt khi bước ra đời. Cuộc sống đã quá nhiều bất trắc, khốn khổ rồi, sao còn phải cố tạo thêm biến cố.
Ngà có thử dốc sức thay đổi mối quan hệ đã quá ơ hờ này chưa ư? Nhiều lắm, nhưng khi lòng người cạn kiệt thì cái gì cũng bế tắc cả. Một bàn tay vỗ chẳng nên kêu. Thế đề nghị "dứt điểm" thì sao? Chồng chửi "khùng", đang yên đang lành lại muốn... kiếm chuyện. Mà chồng cũng chẳng có lỗi lầm gì - không ngoại tình hay bạo hành, chỉ là tồn tại bên nhau như chiếc bóng trầm cảm. Chẳng lẽ mình phải đi tìm kiếm niềm vui "cải thiện" như ai đó đã làm?
Tôi giật mình trước lý lẽ của Ngà. Phải chăng đấy cũng là suy nghĩ của tôi lẫn nhiều chị em ở độ tuổi chín muồi khác, cả về "thâm niên" hôn nhân lẫn thanh xuân đã ở bên kia con dốc? Đành nhìn vào các điểm tốt của chồng để mà an phận, tự ru ngủ mình với lý lẽ "biết chấp nhận sẽ dễ sống hơn" hoặc "ai cũng có mặt này mặt khác, mình có hoàn hảo đâu mà đòi hỏi hay yêu cầu cao". Rồi cứ thế mà trải đời với sự tẻ nhạt, ngày càng giống ở trọ chung với người đàn ông mình gọi là chồng. Giống như một người đứng giữa ngã ba, phân vân chọn hướng nào cũng thấy dở, chẳng có gì bảo đảm là phía trước không hụt bước. Mà giậm chân tại chỗ thì thấy không cam lòng, luôn muộn phiền và tự chán ghét bản thân.
Cái tâm lý sợ thay đổi, chẳng dám bước qua sự bình ổn giả tạo, không còn thời gian lẫn cơ hội đó dường như là căn bệnh lây lan không thuốc chữa, mà chỉ có dăm ba phụ nữ đủ mạnh mẽ, cá tính và thần kinh thép mới dám bước qua. Làm lại từ đầu ư? Xin thưa là quá ngán ngẩm, ê chề rồi. Vả lại, chắc gì có ai muốn dấn thân vào canh bạc với người đàn bà một lửa hai lửa, cùng khẩu hiệu "mua một tặng một" (hoặc hơn) con. Sống một mình với bọn nhóc, tự gánh vác mọi thứ khi trong nhà không có bóng đàn ông quả là một viễn cảnh không mấy hấp dẫn, chẳng đủ để chị em mạnh dạn làm mới đời mình, dẫu chỉ là để "sống cho ra cái hồn người", không phải thắc thỏm chờ cửa mỗi khuya, muốn đi đâu cũng phải nhẹ giọng xin phép rồi đợi phê duyệt, tự lăn xả ra kiếm tiền để guồng gia đình có thể "chạy" một cách trơn tru...
Quanh tôi, nhiều lắm những người đàn bà đang góp vào một nửa của cuộc hôn nhân muộn phiền, loay hoay cố gắng, nửa cam chịu nửa uất ức, tự hỏi vì sao mình cam chịu.
An Nhiên
Theo phunuonline.com.vn
Cách giúp vợ trở thành 'thỏi nam châm' dính như sam nhưng chồng vẫn không cảm thấy chán Dưới đây là cách giúp phụ nữ biến thành thỏi nam châm dính chặt lấy chồng như sam nhưng không khiến anh ấy cảm thấy chán, ai làm được đích thị là cao thủ. Phụ nữ hơn nhau ở cách giữ chồng sao cho khéo. Chỉ cần áp dụng những chiêu thức này thì dù bạn kè kè bên cạnh 24/24 nhưng vẫn...