Phụ nữ nông thôn sau ly hôn: Trắng tay, tha phương cầu thực
Lưu lạc xứ người sau ly hôn vì không chốn dung thân là thân phận của nhiều phụ nữ không có quyền đất đai, được chia sẻ tại hội nghị Dự án Tăng cường tiếp cận đất đai cho phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2, do Viện Nghiên cứu phát triển xã hội ( ISDS) tổ chức ngày 10.3.
Không đường về
Chị T.T.M lấy chồng được gần chục năm thì không chịu nổi người chồng thường xuyên say xỉn, đánh vợ nên phải ly hôn. Nhưng khi chị trở về nhà bố mẹ đẻ thì bố mẹ mắng chửi, cho rằng “con gái lấy chồng thì phải theo chồng cho dù chịu khổ nhục thế nào”. Bố mẹ cũng sống với em trai, em dâu nên chị M cũng thường xuyên chịu cảnh ghét bỏ của các em. Vì vậy, chị đã phải bỏ nhà, đi làm ăn xa ở Lạng Sơn. Nhờ có người mai mối nên chị sang Trung Quốc lấy chồng, không về nữa.
Video đang HOT
Nhiều phụ nữ lao động cật lực trên mảnh đất của gia đình nhưng khi ly hôn lại bị đuổi khỏi nhà, phải tha hương… (ảnh minh hoạ). Ảnh: Diệu Linh
Rào cản ngăn trở phụ nữ tiếp cận được với quyền đất đai, được thừa kế tài sản của bố mẹ đẻ, được đứng tên trong sổ đỏ với chồng là những định kiến như: Đàn ông thờ cúng tổ tiên nên được quyền thừa kế; con gái là con người ta; trọng nam khinh nữ… Do đó, phụ nữ càng có nguy cơ bị bạo lực, chèn ép, thiệt thòi”. TS Khuất Thu Hồng
Hai năm sau, em gái chị M cũng chịu cảnh khổ cực vì người chồng bạo lực nên bỏ chồng. Không chốn dung thân, em gái lại theo chị M sang Trung Quốc…
Đây là câu chuyện mà bà Đào Thị Tâm – Chi hội Phụ nữ xã Nhân Hoà, huyện Mỹ Hào (Hưng Yên) chia sẻ trong tâm trạng ngậm ngùi. Chuyện các cô gái trẻ ly hôn, phải đi Trung Quốc lấy chồng vì không có nơi ở không ít. Chỉ tính những hoàn cảnh bà Tâm biết đã lên đến gần chục cô.
Cũng sống trong tủi hờn, bà H.T.T đã ngoài 50 vẫn không thể trở về quê, dẫu chỉ để thắp cho bố mẹ nén hương. Bà T lấy chồng nhưng không có con nên bị gia đình chồng hắt hủi, đuổi đi. Bà không thể về nhà vì bố mẹ đã chết, em trai, em dâu đều không chấp nhận cho bà tá túc. Vì vậy, bà phải đi bạt xứ làm giúp việc cho người ta. Dịp lễ tết, bà muốn về thắp cho bố mẹ nén hương mà cũng không dám về.
Chia sẻ câu chuyện của bà T, bà Nguyễn Thị Bốn (xã Dương Quang) cảm thấy đau xót. “Cũng là con người, làm việc cực khổ, đóng góp cho gia đình không kém đàn ông, tại sao phụ nữ lại bị hắt hủi, bị đuổi đi như thể những kẻ ăn bám, vô dụng như vậy” – bà Bốn bức xúc.
Bà Nguyễn Thị Xưa – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Dương Xá, xã Dương Quang, cho biết, các câu chuyện phụ nữ ly hôn phải ra khỏi nhà chồng với tay trắng không hiếm. Có trường hợp một chị sinh được cô con gái, sau khi chồng chết thì chị đã bị gia đình nhà chồng đuổi đi vì “con gái không phải người thừa kế”.
Khảo sát 864 cặp vợ chồng ở hai tỉnh Long An và Hưng Yên do ISDS thực hiện năm 2014 cho thấy, chỉ 1% các mảnh đất được đăng ký với tên cả hai vợ chồng ở Long An. Hơn 70% được đăng ký dưới tên người nam giới, hoặc một mình hoặc với những người nam giới khác trong gia đình. Từ 22-26% các mảnh đất được đăng ký dưới tên phụ nữ, hoặc một mình hoặc với những người phụ nữ khác trong gia đình. Ở Hưng Yên, tỷ lệ này là 35 – 53% và 9%.
Không tài sản sẽ không có quyền
TS Khuất Thu Hồng – Viện trưởng ISDS nhận định, các cụ vẫn có câu “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, việc tăng cường tiếp cận đất đai cho phụ nữ không chỉ để “phòng thân” mà ngay khi gia đình ấm êm thì việc phụ nữ không đứng tên trong sổ đỏ nhà ở, đất đai thì bản thân họ cũng không có quyền quyết định trong việc xây hay mua nhà, cho thuê đất hay đi thuê đất”…
Theo TS Hồng, đối với những phụ nữ ly hôn, chồng chết mà không có con hoặc chỉ sinh được con gái càng thảm cảnh. Họ bị đuổi ra khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng. Nhưng khi trở về nhà mẹ đẻ thì cũng bị đuổi đi vì tài sản, đất đai bố mẹ đẻ đã chia cho con trai, còn con gái không có phần. Không nhà, không tài sản, nhiều phụ nữ còn mất cả quyền nuôi con khi ly hôn hoặc không dám nuôi con vì biết ôm con về đâu. Có gia đình, có quê hương, gốc gác, lao động quần quật kiếm sống, đóng góp cho gia đình, xã hội mà bỗng nhiều chị em trở thành người không gốc gác, không chỗ dung thân.
Bà Nguyễn Thị Xưa – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Dương Xá (xã Dương Quang, huyện Mỹ Hào) cho biết, sau một thời gian tuyên truyền, nhiều phụ nữ trong xã đã “đấu tranh” để được đứng tên trong sổ đỏ và các ông chồng cũng rất vui lòng. Còn bà Đào Thị Tâm – Chi hội Phụ nữ xã Nhân Hoà cho biết, đối với những trường hợp sổ đỏ cũ chỉ đứng tên nam giới thì nhiều người cũng không muốn thay đổi, nhưng đối với các cặp vợ chồng trẻ thì hầu hết đều tự giác ghi cả tên vợ và chồng vào sổ đỏ.
Theo Danviet