Phụ nữ Nhật Bản đấu tranh để được ‘giữ họ tên’ sau khi lấy chồng
Quy định vợ chồng phải trùng nhau phần họ của Nhật Bản khiến không ít phụ nữ cảm thấy “đánh mất chính mình”, thậm chí hy sinh chuyện hôn nhân để không phải thay đổi tên khai sinh.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, phản ánh câu chuyện phụ nữ Nhật Bản muốn lập gia đình buộc phải đổi tên theo họ nhà chồng. Nhiều người coi đó là hành động “đánh mất bản thân”, “không được công nhận”.
Yuri Koizumi và Hiroshi Tanaka đã sinh sống bên nhau suốt 26 năm và cùng nuôi dạy một người con trai.
Giữa họ chưa từng có đám cưới chính thức nào. Cả hai đơn giản chỉ sống như vợ chồng.
Nguyên nhân cốt lõi được Yuri đưa ra là “ Luật pháp Nhật Bản quy định các cặp vợ chồng phải có phần họ giống nhau”.
Người phụ nữ cho biết không thể chấp nhận việc phải thay đổi cái tên vốn đã gắn liền với cô từ lúc chào đời.
“Nếu phải đổi tên, đó không còn là con người tôi nữa”, cô nói.
Yuri chỉ là một trong hàng nghìn phụ nữ ở đất nước mặt trời mọc đang đứng lên đòi quyền được giữ nguyên tên khai sinh, thay vì phải đổi theo họ nhà chồng sau hôn nhân.
“Chúng tôi như đánh mất chính mình”
Theo số liệu của chính phủ Nhật Bản, mỗi năm có khoảng 600.000 đôi nam nữ kết hôn, tức là từng ấy trường hợp cần “thay tên đổi họ” để hai vợ chồng có một cái họ thống nhất.
Trên lý thuyết, những người chồng hoàn toàn có thể đổi sang họ vợ. Tuy nhiên, thực tế, chỉ có khoảng 4% đàn ông Nhật Bản chịu làm điều đó.
Luật pháp Nhật Bản quy định hai vợ chồng phải có phần họ giống nhau. Ảnh: SBS.
Hiroshi là một nhà nghiên cứu khoa học lâm nghiệp có tiếng.
Quyết định chung sống không hôn thú của cả hai một phần đến từ nỗi lo ngại của anh về việc danh tiếng của mình sẽ bị ảnh hưởng trong giới học thuật nếu đổi theo họ vợ.
“Tôi sẽ không còn được sử dụng cái tên cũ trong các cuốn sách xuất bản trước đó, còn mọi người sẽ chẳng nhận ra tác giả là ai nữa”, Hiroshi cho hay.
Mặt khác, cả Hiroshi và Yuri không thể tận dụng các khoản khấu trừ thuế giống như các cặp vợ chồng hợp pháp. Về mặt pháp lý, chỉ một người có quyền nuôi con trai.
Video đang HOT
Ngoài ra, cả hai cũng gặp khó khăn khi phải liên tục giải thích về mối quan hệ của họ với bạn bè mới hay đồng nghiệp. Thậm chí, nhiều người còn thắc mắc liệu con của hai người có đúng là con ruột.
Với nữ giới Nhật Bản, việc buộc phải thay đổi họ tên nguyên gốc khiến họ có cảm giác bị “xóa sạch danh tính” sau khi lập gia đình. Chưa kể, việc gây dựng sự nghiệp và tạo danh tiếng của riêng bản thân sẽ càng khó khăn hơn.
“Chuyện bắt buộc phải đổi tên vi phạm trắng trợn quyền con người”, Miki Haga, người đang có kế hoạch du học Anh, cho hay. Miki lo lắng về việc bằng cấp học thuật sẽ gặp khó khăn khi công nhận ở nước ngoài vì tên cô đã thay đổi.
Hai năm trước, sau khi chồng cô không đồng ý đổi sang họ vợ, tên hợp pháp của cô trở thành Miki Ishizawa.
Không kết hôn vì phải đổi tên
Nữ giới Nhật Bản ngày càng gay gắt hơn trong việc phản đối điều luật cấm các cặp vợ chồng có họ khác nhau. Họ cho rằng quy định này chỉ càng khoét sâu thêm về tình trạng nam nữ bất bình đẳng tại đất nước mặt trời mọc.
Phụ nữ có tiếng nói yếu ớt trong giới kinh doanh và chính trị tại Nhật Bản. Tỷ lệ nữ giới nắm giữ các vị trí quan trọng tại các công ty, tập đoàn lớn chỉ rơi vào khoảng 4%. Con số phái yếu góp mặt trong các hội đồng quản trị còn thấp hơn, dừng ở mức 2%.
Nữ giới Nhật Bản ngày càng khó chấp nhận quy định buộc phải đổi tên sau khi kết hôn. Ảnh: SCMP.
Trong nhóm các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD, Nhật Bản đứng thứ ba trong danh sách những quốc gia chênh lệch về tiền lương giữa hai giới.
Liên Hợp Quốc từng phải gây áp lực lên chính phủ Nhật Bản để dỡ bỏ các hạn chế về quy định tên họ của một người.
Các hợp đồng hôn nhân xuất hiện nhiều hơn, tỷ lệ ly dị tăng lên, trong khi các đôi yêu nhau lại quyết định không “về chung một nhà”.
Thay vào đó, họ chọn sống chung nhà như vợ chồng, nhất quyết không để tờ giấy đăng kí kết hôn ràng buộc. Chưa kể, nhiều rắc rối nảy sinh khi mỗi người bị đưa vào hoàn cảnh buộc phải lựa chọn tên họ của mình.
Khi lập gia đình vào năm 2001, Yoshihisa Aono, người đứng đầu một công ty phần mềm, quyết định đổi theo họ vợ. Nhưng trên các giấy tờ kinh doanh, anh vẫn sử dụng họ cũ của mình.
Điều này khiến công việc làm ăn gặp không ít rắc rối. Các nhà đầu tư thường nhầm lẫn và thắc mắc tại sao giám đốc lại không xuất hiện trong các cuộc họp hay nghi ngờ tính minh bạch của công ty.
Nhiều người vừa sử dụng tên cũ trong cuộc sống hàng ngày, vừa lấy tên đã thay đổi để điền vào các giấy tờ hành chính, khiến tình hình càng rối rắm và phức tạp hơn.
Các cơ quan nhiều lần gặp tình trạng đặt nhầm chuyến bay hoặc phòng khách sạn cho nhân viên vì tên tuổi lẫn lộn, khó nhớ.
“Đơn giản là truyền thống”
Câu chuyện thay đổi tên họ trở thành vấn đề gây tranh cãi trong nhiều tuần qua, khi bình đẳng giới trở thành chủ đề để các đảng đối lập đưa ra chất vấn Thủ tướng Shinzo Abe và Đảng Dân chủ Tự do do ông đứng đầu.
“Luật hiện hành bình đẳng cho cả nam và nữ, và điều cốt lõi ở đây là yếu tố truyền thống”, ông Shinzo Abe khẳng định.
Trên thực tế, đây không phải là tập tục tồn tại hàng nghìn năm trong xã hội Nhật Bản. Trước khi luật được thông qua vào năm 1898, người Nhật thường chỉ sử dụng độc nhất mỗi phần tên.
Vào năm 1948, việc chồng có thể mang họ vợ trở nên hợp pháp, song đồng nghĩa với việc luôn có một người buộc phải thay đổi tên khai sinh khi kết hôn.
Nhiều đôi không ai chịu chấp nhận đổi phần họ của mình nên quyết định không hôn thú, chỉ sống như vợ chồng. Ảnh: DW.
Theo khảo sát của chính phủ Nhật Bản, có khoảng 42,5% số người được hỏi cho biết họ ủng hộ thay đổi luật, và ngược lại, 29,3% phản đối hành động này.
Toshihiko Noguchi, luật sư phụ trách mảng hôn nhân, gia đình, cho hay điều luật vẫn tiếp tục có hiệu lực là ví dụ tiêu biểu cho quan niệm lâu đời rằng “cá nhân chỉ có vai trò mờ nhạt” ăn sâu trong xã hội Nhật Bản.
Giải pháp được chính phủ đưa ra là cho phép các đôi sử dụng cả tên khai sinh nguyên gốc. Tháng 11 năm ngoái, người đã kết hôn được phép ghi cả hai họ khác nhau vào thẻ căn cước công dân, nhờ đó dễ dàng hơn trong nhiều việc cần sử dụng tên chính chủ.
Tuy nhiên, đây chỉ là cách giải quyết tạm thời. Miki cho biết cô từng bị lực lượng hải quan ở sân bay thẩm vấn khi thấy có đến hai họ riêng biệt được liệt kê trong hộ chiếu.
“Mỗi lần tôi phải điền vào các tờ đơn để chuyển đổi tên hợp pháp trên tài khoản ngân hàng, hộ chiếu, thẻ tín dụng hay nhiều thứ khác, tôi cảm thấy con người mình không được công nhận”, Miki than phiền.
“Chồng tôi nói rằng anh thông cảm về tất cả các thủ tục phức tạp mà tôi phải trải qua và tin rằng luật sẽ thay đổi. Nhưng anh ấy nhất quyết giữ nguyên tên họ của mình và chẳng phải xử lý ‘mớ bòng bong’ này chút nào cả. Điều đó thật không công bằng”, Miki bức xúc nói.
Theo Zing
Phụ nữ Nhật Bản phản đối quy định mang giày cao gót khi đi làm
Hơn 18.700 người ký tên kêu gọi chính phủ Nhật Bản làm việc với các công ty trong nước để bãi bỏ quy định phụ nữ đi giày cao gót tại nơi làm việc.
Một nhóm nam giới được yêu cầu mang giày cao gót 5 cm và đi lại tại một sự kiện vừa diễn ra ở Tokyo, Nhật Bản. Người chới với, kẻ không dám bước.
"Bình thường nếu ai đó yêu cầu tôi mang thứ này, tôi sẽ rất khó chịu", Jun Ito, 34 tuổi, nói khi đang cố giữ thăng bằng trên đôi giày màu đen.
Ở phía khác, những người phụ nữ quan sát chăm chú. Họ hiểu cảm giác của các "đấng mày râu" lúc này.
Sự kiện nằm trong chương trình mở rộng của phong trào online có tên KuToo.
Theo Kyodo News, KuToo đượclấy cảm hứng từ kutsu (nghĩa là giày trong tiếng Nhật), kutsuu (đau) và phong trào #MeToo kêu gọi bảo vệ phụ nữ khỏi quấy rối tình dục, bạo lực trên toàn cầu.
Phong trào này truyền đi thông điệp hãy giải thoát phụ nữ khỏi những đôi giày cao gót tra tấn họ tại nơi làm việc.
Giày cao gót là đồng phục bắt buộc đối với phụ nữ ở nhiều công ty, tập đoàn Nhật Bản.
Cuộc bỏ phiếu kêu gọi hủy bỏ quy định nữ giới phải mang giày cao gót tồn tại ở hầu hết văn phòng, công ty Nhật Bản được tổ chức trên trang web Change.org.
Yumi Ishikawa, 32 tuổi, người phát động phong trào KuToo, cho biết: "Tôi hy vọng phụ nữ sẽ không còn phải mang giày cao gót khi đi làm. Tại sao chúng ta phải làm tổn thương đôi chân của mình trong khi đàn ông lại được phép đi giày bệt?".
Đầu tháng 1/2019, Ishikawa chia sẻ trên trang cá nhân việc cô phải đi giày kín ngón và cao từ 5-7 cm tại nơi làm thêm. Kết thúc ngày làm việc, ngón chân của cô sưng tấy, thậm chí bị trầy xước, chảy máu.
Bài viết của Ishikawa thu hút hơn 67.000 lượt thích và gần 30.000 lượt chia sẻ. Phong trào KuToo do cô khởi xướng nhận được hơn 18.700 chữ ký.
Nhiều phụ nữ phản đối quy định mang giày cao gót vì cho rằng nó bất bình đẳng và ảnh hưởng sức khỏe.
Một số người ủng hộ chiến dịch chia sẻ: Việc buộc phụ nữ đi giày cao gót tại Nhật Bản, đất nước thường xuyên phải hứng chịu các thảm họa động đất, sóng thần, có thể đe dọa sự an toàn của họ.
Nhật Bản hiện có luật cấm phân biệt đối xử theo giới tính tại nơi làm việc dựa trên một số tiêu chí như tuyển dụng, thăng chức, đào tạo và gia hạn hợp đồng.
Tuy nhiên, không có quy định cụ thể về trang phục. Việc mang giày cao gót từ lâu được mặc định là quy tắc giao tiếp, cũng như một loại đồng phục công sở đối với nữ giới.
Những phong trào tương tự Kutoo từng diễn ra ở một số nước khác. Năm 2015, lễ tân một công ty tài chính ở Anh đệ đơn yêu cầu chính phủ thay đổi luật trang phục sau khi bị sa thải không lương vì không đi giày cao gót theo quy định.
Tại Liên hoan phim Cannes năm 2016 ở Pháp, Julia Roberts và nhiều diễn viên khác đi chân trần hay giày thể thao trên thảm đỏ để phản đối việc một số phụ nữ bị cấm tham dự sự kiện do không đi giày cao gót vào năm trước đó.
Theo Zing
Sinh viên Huế diện Yukata, hoá thiếu nữ Nhật Bản trong bộ ảnh kỷ yếu Không muốn lặp lại ý tưởng cũ, nhóm sinh viên Đại học Ngoại Ngữ, Đại học Huế đã chọn cho mình trang phục truyền thống Yukata để chụp bộ ảnh kỷ yếu, kỷ niệm ngày ra trường. Trước khi rời xa Đại học Ngoại Ngữ - Đại học Huế, với mong muốn lưu lại kỷ niệm với mái trường thân thương, đồng thời...