Phụ nữ luôn nghĩ chồng là con nít nên mới dễ bị ‘cướp’ mất
Cứ làm như ông chồng là con nít chẳng biết gì, đang sống yên ổn với vợ bị kẻ khác đến “cướp” hoặc “giật” một cái, bỏ vào bao tải xách đi mất. Hóa ra cái anh đàn ông bị cướp là vô tội?
Đánh ghen là một đòn rất nặng giáng vào tình cảm vợ chồng
Mấy chục năm trước cứ thấy ở đâu đánh ghen ầm ĩ là bọn trẻ con chúng tôi bỏ cả đá bóng chạy đi xem. Nhớ nhất là vụ có một chị xinh đẹp đang đi xích-lô qua phố Thụy Khuê, Hà Nội bị mấy bà hùng hổ lôi xuống đánh tơi tả, xé rách toang cả quần áo. Chị ta kêu cứu nhưng chẳng ai thương. Người qua đường hả hê bảo: “Cho đáng đời con cướp chồng người”. Sau vụ ấy, chị ta xấu hổ bỏ đi biệt xứ, còn bà kia giữ được chồng, gia đình lại đề huề hạnh phúc.
Mấy tháng sau, ông chồng bà ta lại có cô khác và cô này cũng bị bà ta “tiêu diệt” một cách dễ dàng. Lúc đó tôi thấy đánh ghen đúng là một biện pháp vô cùng hiệu nghiệm. Thấy kẻ nào định cướp chồng mình, cứ mai phục cho nó một trận tơi bời là phải cạch đến già.
Nhưng ngày nay cái bài đánh ghen theo “phong cách cổ truyền” mà ông bà ta để lại xem ra quá lỗi thời. Bà Võ Thị Liên trú tại xã Quang Vinh, thị xã Kon Tum phát hiện chồng chở chị Phan Thị Ngọc H sau xe máy, liền rủ mấy chị em đón lõng ngang đường xông vào đánh và làm nhục chị H. Thiếu tá Trần Xuân Động – Đội phó Đội điều tra Công an thị xã Kon Tum cho biết: “Bà Liên cùng các đối tượng trên đè chị H xuống đường, giẫm đạp lên người, lên ngực đồng thời xé quần áo chị H giữa thanh thiên bạch nhật.
Video đang HOT
Rồi dùng kéo xén hết tóc chị H. Những người này còn dùng muối trộn với ớt chà xát vào chỗ kín của chị H. Trận đòn dã man này làm chị H ngất xỉu và phải đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Hiện bà Liên đã bị bắt tạm giam. Vụ việc đang được Công an thị xã Kon Tum điều tra và xử lý theo pháp luật”.
Thông thường người bị đánh là kẻ thứ ba. Họ bị dư luận khép vào tội cướp chồng, người Sài Gòn gọi là giật chồng. Cứ làm như ông chồng là con nít chẳng biết gì, đang sống yên ổn với vợ bị kẻ khác đến “cướp” hoặc “giật” một cái, bỏ vào bao tải xách đi mất. Hóa ra cái anh đàn ông bị cướp là vô tội? Thực ra chính anh ta mới là kẻ gây ra tội lỗi. Anh ta đã có vợ còn đi theo đuổi, tán tỉnh người khác. Rồi mua chuộc, dụ dỗ, ép buộc người ta bằng đủ mọi kiểu.
Thế nhưng các bà vợ lại cho là chồng mình bị “cướp”. Cho nên việc đánh ghen trước nhất là nhằm vào cái đích sai. Người đàn ông đã tham lam như thế, theo đuổi cô này không được, họ cũng đến với cô khác. Không có khả năng chinh phục được ai thì họ đi “ăn bánh trả tiền”. Muốn ngăn chồng ngoại tình phải biết rõ nguyên nhân. Chứ cứ thấy chồng đi với ai là “tiêu diệt” kẻ ấy thì liệu bạn có làm thế mãi được không? Hay cuối cùng chính bạn bị pháp luật hỏi thăm ?
Bạn thử lấy một tờ giấy chia làm hai cột, một bên ghi “Đánh ghen được gì?” và cột kia ghi”Đánh ghen mất gì?”. Bạn sẽ thấy ngay làm thế có nên không? Cái được của sự đánh ghen chắc chắn là “đánh được người mặt đỏ như vang”, hả cơn tức. Thứ hai là phá được mối quan hệ đó. Tất nhiên không có gì bảo đảm rằng chồng bạn sẽ không có mối quan hệ khác.
Nhưng cái mất của sự đánh ghen là gì? Trước nhất đó là làm xấu đi hình ảnh của chính mình trong mắt mọi người. Nó là một đòn rất nặng giáng vào tình cảm vợ chồng. Nhiều đàn ông nói rằng, sau vụ đó họ không còn chút tình cảm nào với vợ, có chăng chỉ còn căm thù hoặc ghê sợ. Một ông giám đốc ở Hà Nội bị vợ nghi là “bồ bich” với cô thư ký. Bà ta bất ngờ đến cơ quan chồng, xông vào túm tóc cô này đánh một trận tơi tả trước hàng chục nhân viên, miệng gào lên: “Mày cướp chồng bà dễ thế cơ à?”. Ông chồng can không được phải gọi bảo vệ đẩy vợ lên taxi đưa về nhà.
Một ông ở Quảng Ninh làm chủ tịch công đoàn cơ sở, bị vợ nghi là “cặp” với cô phó chủ tịch. Hai “anh chị” đang ngồi trên ghế chủ tịch đoàn của Đại hội công nhân viên chức cơ quan thì bất ngờ bà vợ ở đâu xông vào nhảy lên bàn chủ tịch đoàn túm tóc cô kia tát lấy tát để, gào thét chửi bới. Từ hôm đó ông ta xấu hổ quá xin nghỉ việc không dám đi làm nữa. Còn bà vợ bị bảo vệ đưa ra đồn công an. Quan hệ vợ chồng đã đến nước này mà không bỏ nhau mới là lạ. Nhưng những bà vợ đó khi đi đánh ghen đều nêu cao khẩu hiệu: “Bảo vệ hạnh phúc gia đình”.
Nhiều vụ đánh ghen khiến con cái cũng xấu hổ, bỏ học không dám đến trường vì sợ các bạn chế giễu. Thậm chí cả ông bà, anh chị em cũng xấu hổ lây. Có thể thấy cái giá phải trả cho việc đánh ghen là vô cùng đắt. Không những thế. tội gây thương tích và làm nhục người khác là vi phạm pháp luật, nếu nghiêm trọng có thể bị phạt tù và bồi thường. Thử hỏi khi đã ngồi trong tù thì còn giữ được hạnh phúc nữa không? Nhiều trường hợp sau vụ đánh ghen là gia đình tan nát.
Gần đây nhất có vụ người phụ nữ nhảy lên nắp ca-pô xe ôtô đang đi giữa phố Lương Văn Can, Hà Nội, gào thét, đập phá cửa kính xe vì nghi người đàn ông đang lái xe chở cô gái khác, bỏ rơi mình. Cuộc đánh ghen làm ách tắc giao thông, khiến du khách nước ngoài trố mắt nhìn kinh ngạc. Chắc về nước, họ phải kể lại như một chuyện yêu đương kỳ quặc ở Việt Nam và có lẽ phải giơ ảnh ra chứng minh, mọi người mới tin.
Không bao giờ bạo lực lại là giải pháp hàn gắn tình cảm con người
Thực ra không bao giờ bạo lực lại là giải pháp hàn gắn tình cảm con người. Khi tình yêu bị mất hoặc bị san sẻ nếu bạn muốn níu kéo nó nên nhớ rằng chỉ có tình yêu mới chiến thắng được tình yêu. Càng dùng bao lực dữ dằn, nham hiểm thì phá càng nhanh và phần thua bao giờ cũng thuộc về bạn. Còn nếu không đáng để ta níu kéo thì buông tay chứ dùng bạo lực làm gì, gây tổn hại cho chính mình và cả những người thân của mình nữa.
Chị Quỳnh (tên đã thay đổi) là nhân viên ngân hàng. Một hôm trước khi đi làm chị phát hiện chồng có những dấu hiệu sắp tiếp bạn gái ở nhà. Từ lâu chị đã nghi ngờ mối quan hệ này nên buổi sáng đó làm việc đến giữa chừng chị thấy nóng ruột liền trở về nhà xem sao. Chị gửi xe, nhẹ nhàng dùng chìa khóa riêng lọt vào nhà không một tiếng động. Nghé mắt nhìn vào khe cửa sổ, chị thấy cảnh chồng mình và cô bạn gái đang ôm hôn nhau say sưa.
Chị chỉ muốn xông vào choảng cho nó một trận và làm ầm ĩ lên cho nó nhục nhã. Nhưng chị biết là hàng xóm sẽ kéo đến đầy sân, họ không chỉ chê cười nó mà còn cười cả mình, rồi hai đứa con chị sẽ xấu hổ không đi học nữa, chả nhẽ bán nhà đi chỗ khác mà ở?
Nghĩ như thế, chị nén lòng, chỉ khẽ ho lên một tiếng rồi lẳng lặng ra khỏi nhà đi đến chỗ làm. Tối hôm ấy cơm nước xong, đợi con đi ngủ, chị bảo chồng ngồi nói chuyện. Chị đã viết sẵn đơn ly hôn bảo anh ký vào nhưng anh quỳ xuống xin vợ tha tội và cám ơn vì đã không làm anh mất mặt với con cái và mọi người. Từ đó anh thực sự hối cải và thời gian trôi qua gia đình họ lại ấm êm hạnh phúc.
Anh Thức giảng viên đại học đang ở trường thì có người đòi quyển sách nên anh đột ngột quay về nhà lấy sách, không ngờ bắt gặp vợ đang nằm với tình nhân ở trong chăn. Hai kẻ ngoại tình hốt hoảng chưa biết làm thế nào thì anh với tay lấy quyển sách rồi khép cửa đi luôn. Hôm sau anh đưa đơn ly hôn cho vợ ký. Đến khi tòa hỏi lý do ly hôn, anh chỉ nói: “Chúng tôi không hợp nhau”.
Những câu chuyện của chị Quỳnh hay anh Thức không phải là hiếm nữa, nó đang có xu hướng ngày càng nhiều trong xã hội ta. Phải chăng những cách xử lý đó là dấu hiệu của một hệ thống ứng xử hòa nhập với thế giới văn minh, thoát ra khỏi lối đâm chém, cấu xé đậm chất “luật rừng” của một thời mông muội ?
Theo Phununews