Phụ nữ Hàn bối rối giữa con cái và sự nghiệp
Với tấm bằng thạc sỹ cùng kinh nghiệm làm tư vấn cho tập đoàn nước ngoài danh tiếng, nhưng Yoon Kyung lại sắp phải ở nhà dù cô mới 37 tuổi vì buộc phải lựa chọn giữa con cái và sự nghiệp.
Theo thống kê, trong năm ngoái, chỉ một nửa số phụ nữ trên 15 tuổi tại Hàn Quốc đi làm. Ảnh: Bloomberg
“Tôi phải lựa chọn hoặc là công việc hoặc là con cái”, Yoon Kyung nói. Cô giải thích rằng sẽ chẳng ai thuê cô sau 5 năm nghỉ việc ở nhà nuôi con. “Tôi rất muốn quay lại làm việc nhưng sẽ chẳng có chỗ nào nhận cả”.
Trong khi đó Hàn Quốc là một trong những nước có dân số đang già đi nhanh nhất thế giới. Theo số liệu thống kê, năm ngoái, chỉ một nửa số phụ nữ trên 15 tuổi tại Hàn Quốc đi làm và nước này cũng là nước có tỷ lệ phụ nữ học sau đại học thấp nhất trong số 34 thành viên của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OCED).
“Phụ nữ vẫn còn phải lựa chọn giữa con cái và công việc”, Kim Tae Hong, giám đốc nghiên cứu Viện Phát triển phụ nữ Hàn Quốc, một cơ quan thuộc nhà nước cho biết. “Các chính sách không thôi chưa đủ để thay đổi những định kiến xã hội rằng người mẹ phải chịu trách nhiệm chăm sóc con cái”.
Theo một báo cáo hôm 13/ 6 vừa rồi của Ngân hàng Hoàng gia Scotland (RBS), dân số Hàn Quốc trong độ tuổi lao động sẽ bắt đầu giảm vào năm 2016 và khiến cho tốc độ tăng trưởng của nước này giảm xuống 1,7 đến 2,5% vào năm 2015.
Kéo các bà mẹ quay trở lại làm việc có thể giúp ngăn chặn sự sụt giảm đó, RBS cho biết. Theo ngân hàng này, nếu Hàn Quốc có thể đưa tỷ lệ phụ nữ đi làm ngang bằng với tỷ lệ này ở Anh, tiềm năng tăng trưởng cũng như thu nhập bình quân theo đầu người sẽ tăng đến 0,3% vào năm 2050. Một báo cáo đưa ra hồi tháng 5 của OECD đã chỉ ra rằng phụ nữ có vai trò then chốt trong việc tạo ra phép lạ cho sự phát triển kinh tế của quốc gia này.
Video đang HOT
Cơ hội công bằng
“Các biện pháp của chính phủ trong việc khuyến khích phụ nữ làm việc vẫn chưa hiệu quả”, theo nhà kinh tế Kim Jae Won của Viện nghiên cứu kinh tế Samsung. “Hàn Quốc cần những biện pháp nhằm triển khai và giám sát các chương trình hành động một cách mạnh mẽ, cũng như để kiểm tra các công ty xem liệu họ có thật sự tạo ra những cơ hội thăng tiến công bằng giữa nam giới và nữ giới hay không”.
Số phụ nữ tham gia vào lực lượng lao động vẫn còn thấp hơn so với nam giới, dù nguyên lãnh đạo Đảng Mặt trận mới của nước này, Park Geun Hye, đã trở thành nhân vật tiên phong khi tham gia tranh cử để trở thành nữ tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc. Bà Park, con gái của nhà cựu độc tài Park Chung Hee, đã dẫn đầu các cuộc thăm dò trong vòng 12 tuần qua và sẽ công bố việc tranh cử vào đầu tuần này, các quan chức của đảng cho biết.
Miễn phí trông trẻ
Chính quyền của Tổng thống Lee Myung-bak vừa cố gắng khuyến khích phụ nữ tiếp tục làm việc với các biện pháp được áp dụng trong năm nay như miễn phí trông trẻ đối với trẻ em dưới hai tuổi. Đây là một trong những thay đổi mới nhất trong hàng loạt các nỗ lực nhằm đảm bảo bình đẳng giới kể từ khi Luật cơ hội công bằng ra đời năm 1987. Năm 2006, chính phủ cũng đã quy định rằng tất cả các công ty có số lao động từ 1.000 trở lên cần có các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới. Con số này sau đó đã được hạ thấp xuống 500 vào năm 2008.
Mặc dù vậy, theo OECD, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động vẫn không biến chuyển trong suốt hai thập kỷ qua. Trong khi đó phụ nữ ở các nước thành viên khác có mức thu nhập bình quân thấp hơn nam giới 16%, ở Hàn Quốc con số này là 39%.
“Trước đây, sự gia tăng lực lượng lao động đã đóng góp vào sự phát triển kinh tế mạnh mẽ của Hàn Quốc”, theo báo cáo của OECD. “Hàn Quốc cần sử dụng nguồn nhân lực một cách hiệu quả hơn để giải quyết các thách thức đối với việc giảm lực lượng lao động được và không được trả lương, bởi nước này từ trước đến nay có lượng người nhập cư rất thấp”.
Vấn đề này, một phần là do các biện pháp của chính phủ không nhất quán, với các chính sách quy định về điều kiện để được hưởng các lợi ích xã hội như miễn phí trông trẻ, thay đổi theo mỗi nhiệm kỳ của chính phủ, ông Kim, nhà kinh tế của Viện nghiên cứu kinh tế Samsung cho biết.
Những ưu đãi bất hợp pháp
Một lý do nữa là một số công ty vẫn ưu tiên tuyển chọn nam giới, Anthony Modrich, giám đốc tại Hàn Quốc của cơ quan giới thiệu việc làm London Robert Walters nói. “Đôi khi chúng tôi gặp khó khăn khi giới thiệu việc làm cho những phụ nữ có kỹ năng tốt”, ông Modrich cho biết. “Hàn Quốc vẫn là một thị trường bất bình thường bởi các công ty vẫn đặc biệt ưu tiên tuyển các lao động là nam giới”.
Theo luật của Hàn Quốc, việc đưa ra tiêu chí về giới trong tuyển dụng là bất hợp pháp, theo bà Ym Young Mi, Giám đốc chính sách về việc làm cho phụ nữ, Bộ Lao động và việc làm Hàn Quốc. “Chúng tôi đã có luật bảo vệ các lao động nữ”, bà Ym nói. “Tuy nhiên thực thi các luật này lại là chuyện khác”.
Những thất bại trong nỗ lực xóa bỏ định kiến về giới có thể thấy rõ tại các vị trí cấp cao của các công ty. Chỉ có 1,9% số thành viên hội đồng quản trị tại các công ty Hàn Quốc là phụ nữ, theo báo cáo hồi tháng 3 vừa rồi của công ty GMI Ratings, một công ty có trụ sở tại New York thường xuyên tiến hành các nghiên cứu độc lập về quản trị doanh nghiệp. Tỷ lệ này ở Mỹ là 12.6% và ở Na Uy là 36.3%.
Năm 1960, trung bình mỗi phụ nữ Hàn sinh 6 con. Tỷ lệ này đã giảm xuống 1,15 vào năm 2009 và trình độ giáo dục của phụ nữ tăng lên. Hiện nay, phụ nữ và đàn ông Hàn Quốc có trình độ giáo dục, cũng như cơ hội ngang nhau, khi bắt đầu đi làm, theo bà Ym.
Một trong những trở ngại lớn cho lao động nữ là phải làm việc ca đêm. Sống trong một căn hộ sang trọng hướng ra sông Hàn tại Seoul, Yoon Kyung cho biết, những yêu cầu đối với công việc của cô đồng nghĩa với việc cô không thể quay lại làm việc mặc dù hai vợ chồng có đủ tiền thuê người trông trẻ riêng vào ban ngày.
“Công việc của tôi đòi hỏi phải thường xuyên làm ca đêm, đi công tác hoặc có những khóa tập huấn cấp tốc. Các yêu cầu này không thể thương lượng được”, cô cho biết thêm. “Vấn đề chỉ thực sự bắt đầu khi phụ nữ lấy chồng và sinh con. Truyền thống Nho giáo vẫn khiến người ta nghĩ rằng công việc chăm sóc trẻ hoàn toàn thuộc về trách nhiệm của người mẹ”.
Những người mẹ khác
Trong khi đó, một bà mẹ trẻ là Hwang Soon Yi cho rằng cô có thể hiểu được những áp lực xã hội đó. Hwang hiện sống tại Seoul và đảm nhiệm vị trí quản lý tại một bưu điện trong khi cả hai đứa con cô còn nhỏ. Cô đã quyết định không làm việc toàn thời gian khi con gái lớn của cô bắt đầu vào trường tiểu học.
“Ngày nào con gái tôi cũng khóc, bởi những đứa trẻ khác được mẹ đưa đón đi học”, Hwang nói. “Vì vậy, tôi quyết định nghỉ chăm con mặc dù điều đó đồng nghĩa với việc tôi mất đi cơ hội thăng tiến”. Hwang, hiện 38 tuổi, nói rằng có thể cô sẽ nghỉ việc hoàn toàn. “Không ai trong gia đình tôi vui vẻ vì tôi đi làm”, cô cho biết thêm.
Những năm 60 và 70, tỷ lệ phụ nữ đi làm còn lớn hơn cả nam giới. Đó là thời kỳ phụ nữ làm trong các xưởng sản xuất giày và đồ may mặc, theo ông Kim Tae Hong, Giám đốc nghiên cứu Viện phát triển phụ nữ Hàn Quốc. Tỷ lệ này giảm xuống khi nền kinh tế chuyển hướng từ công nghiệp nặng sang công nghiệp kỹ thuật cao và các nhà sản xuất chuyển hướng đầu tư ra nước ngoài để tận dụng giá nhân công rẻ, ông Kim cho biết.
Trích dẫn số liệu của Liên Hợp Quốc trong báo cáo của mình, RBS cho biết tỷ lệ sinh ở Hàn Quốc giảm xuống dưới mức mỗi phụ nữ có trung bình 2 con, ngay từ đầu những năm 80. Quốc gia Bắc Á này hiện là đất nước có cơ cấu dân số lão hóa nhanh nhất thế giới.
Lao động đang ngày một già đi
Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất đang phải đối mặt với việc lão hóa lực lượng lao động. OECD dự báo rằng trong vòng 20 năm tới lực lượng lao động tại Đức và Nhật cũng sẽ giảm hơn 10%.
Tại Nhật, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động đã bắt đầu tăng, khi số lao động trở nên ngày càng ít. Trong năm 2010, 42% những người có công việc tại Nhật là phụ nữ. Đây là tỷ lệ cao nhất kể từ khi Bộ Lao động nước này công bố số liệu so sánh lần cuối cùng năm 1973. Năm đó tỷ lệ này là 38.5%. Theo dự báo của OECD, vào năm 2050, Hàn Quốc sẽ là quốc gia thứ hai, sau Nhật Bản, có tỷ lệ người già cao nhất trong cơ cấu dân số.
Đối với Kang Seong In, sự lựa chọn thật rõ ràng. Cô đã từng làm việc cho KT, một công ty cung cấp dịch vụ viễn thông từ năm 1996, và hiện nay đang làm trưởng chi nhánh, quản lý 14 nhân viên dưới quyền, tại một khu phố tài chính.
“Tôi không thể tưởng tượng làm thế nào mà những phụ nữ đã kết hôn và có con nhỏ có thể đảm bảo được sự nghiệp của mình”, Kang nói. Người phụ nữ 41 tuổi này thường phải đi ăn tối với khách hàng hoặc tham dự các buổi tiệc với nhân viên 2-3 lần một tháng. “Tôi chắc chắn không thể tham gia được các sự kiện như thế nếu tôi có con”.
Theo VNExpress