Phụ nữ gốc Việt trượt top 5 ứng viên thẩm phán tối cao Mỹ
Nhà Trắng đang phỏng vấn 5 ứng viên tiềm năng vào Tòa án Tối cao Mỹ nhưng trong số này không có bà Jacqueline Nguyen, nữ thẩm phán gốc Việt ở California.
Bà Jacqueline Nguyen. Ảnh: Federal Court
Reuters dẫn một nguồn tin thông thạo vấn đề cho hay những người đang được cân nhắc gồm các thẩm phán liên bang Sri Srinivasan, Jane Kelly, Ketanji Brown Jackson, Paul Watford và Merrick Garland. Họ là những cái tên có khả năng thay thế ông Antonin Scalia, thẩm phán tối cao qua đời đột ngột hồi giữa tháng hai.
5 người được cho là lọt vào danh sách các ứng viên tiềm năng rút gọn, nhưng nguồn tin trên cho hay họ chỉ là những người hiện được xem xét.
Trước đó, bà Jacqueline Nguyen, 50 tuổi, được kỳ vọng là một trong các ứng viên mà Tổng thống Barack Obama có thể cân nhắc lựa chọn vào chiếc ghế thẩm phán tối cao đang bỏ trống.
Bà Nguyen sinh năm 1965 ở Đà Lạt, Việt Nam. Bà theo gia đình sang Mỹ định cư khi mới 10 tuổi. Bà tốt nghiệp chuyên ngành tiếng Anh và luật, từng công tác tại Văn phòng Chưởng lý Mỹ và Tòa Cấp cao hạt Los Angeles.
Video đang HOT
Tháng 5/2012, sau khi được ông Obama đề cử, bà Nguyen được thượng viện phê chuẩn làm thẩm phán Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực 9, bao gồm toàn bộ miền Tây nước Mỹ với 9 bang và hai vùng lãnh thổ. Bà là phụ nữ gốc Á đầu tiên phục vụ ở vị trí này và là nữ thẩm phán liên bang gốc châu Á-Thái Bình Dương đầu tiên tại California.
“Thẩm phán Nguyen là một người tiên phong, thể hiện lòng tận tụy xuất sắc cho dịch vụ công trong suốt sự nghiệp của mình”, ông Obama nói khi đề cử bà.
Theo đánh giá của Vox, tuy nhận được nhiều lời khen ngợi từ tổng thống và đồng nghiệp, bà Nguyen có bất lợi so với các ứng viên khác là bà chưa đưa ra nhiều quyết định lớn trong sự nghiệp công tác. Ngoài ra, bà từng nhận một số chỉ trích từ những người theo chủ nghĩa tự do khi bảo vệ cho một cảnh sát sử dụng súng điện với người vô tội năm 2008.
Tòa án Tối cao là toà án liên bang cấp cao nhất tại Mỹ, có thẩm quyền trong việc giải thích Hiến pháp và có tiếng nói quyết định đối với các tranh tụng về luật liên bang. Tòa bao gồm 8 thẩm phán và một chánh án (người đứng đầu tòa). Họ được bổ nhiệm trọn đời bởi tổng thống Mỹ và do thượng viện phê chuẩn.
Các nhóm quan sát bên ngoài cho rằng ông Obama có khả năng cân nhắc một phụ nữ hoặc một thành viên từ nhóm người thiểu số ở Mỹ, và người này trước đó phải được phe đa số trong thượng viện phê chuẩn lên làm thẩm phán.
Việc tuyển chọn người thay thế ông Scalia đang gây ra một cuộc chiến phe phái ở Mỹ. Lãnh đạo phe đa số tại thượng viện Mitch McConnell tuyên bố ông sẽ không tổ chức điều trần bất kỳ ứng viên nào do Obama, một thành viên đảng Dân chủ, đề xuất.
Phe Cộng hòa đang kiểm soát thượng viện không muốn ý thức hệ của tòa tối cao thiên tả và cho rằng việc lựa chọn nên diễn ra sau cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 8/11 tới.
Trong khi đó, các nghị sĩ Dân chủ tại thượng viện yêu cầu tổ chức bỏ phiếu về đề cử của ông Obama.
Bà Kelly, một luật sư ở bang Iowa, được xem là ứng viên mạnh nhất nhờ được thượng nghị sĩ Cộng hòa Charles Grassley ủng hộ. Ông này là chủ tịch Ủy ban Tư pháp Thượng viện, cơ quan tổ chức điều trần các ứng viên tiềm năng.
Anh Ngọc
Theo VNE
Tổng thống Obama: Thẩm phán mới sẽ có phẩm chất không thể phủ nhận
Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng người được ông đề cử cho vị trí thẩm phán tối cao đang bị bỏ trống sẽ có phẩm chất không ai có thể phủ nhận.
Tổng thống Obama phát biểu sau hội nghị Mỹ-ASEAN tại California - Ảnh: Reuters
Tổng thống Obama nói rằng toà án tối cao là nơi mà những người được chọn phải có khả năng vượt lên cả những quan điểm chính trị thường ngày. Ông nói đây sẽ là cơ hội để các thượng nghị sĩ làm việc nghiêm túc trong quá trình phê chuẩn một vị thẩm phán tối cao mới, theo Los Angeles Times ngày 16.2.
Một cuộc đấu tranh chính trị diễn ra sau khi thẩm phán tối cao Mỹ Antonin Scalia qua đời hồi tuần trước. Đây cũng là chủ đề chi phối cuộc họp báo kết thúc hội nghị Mỹ-ASEAN của Tổng thống Obama tại California.
Ông Obama không trả lời chi tiết việc ông sẽ chọn lựa ứng cử viên cho vị trí còn trống như thế nào. Nếu không thể chọn ra người phù hợp, vị trí của ông Scalia có thể bị bỏ trống đến 11 tháng và tổng thống tiếp theo của Mỹ sẽ đề cử vị trí này.
Ông Obama cho biết sẽ tìm kiếm một người nào đó có phẩm chất tư pháp xuất sắc, người có thể quan tâm sâu sắc đến nền dân chủ và luật pháp Mỹ. Tổng thống Mỹ cũng mong muốn có một cuộc bỏ phiếu công bằng cho vị trí thẩm phán còn trống.
Ông Obama đưa ra bình luận sau khi có những tín hiệu cho thấy phe Cộng hoà muốn trao quyền chọn thẩm phán mới cho tổng thống kế tiếp của Mỹ.
Thượng nghị sĩ Charles E. Grassley, chủ tịch Uỷ ban tư pháp Mỹ cho hay không loại trừ khả năng sẽ mở phiên điều trần đối với người được ông Obama đề cử. Tuy nhiên, ông Grassley cũng giữ quan điểm rằng để cho tổng thống tiếp theo của Mỹ chọn thẩm phán tối cao là phương pháp đúng đắn duy nhất.
Các quan chức Nhà Trắng thông báo rằng Tổng thống Obama sẽ công bố việc lựa chọn ứng cử viên một cách kịp thời, nhưng phải đến khi Thượng viện Mỹ làm việc trở lại vào tuần tới. Các cuộc thảo luận nội bộ tại Nhà Trắng đã được tiến hành cùng các thượng nghị sĩ nhưng đó được cho mới chỉ là bước đầu tiên. Một quan chức cấp cao cho hay sẽ tiếp tục đẩy nhanh sau khi Tổng thống Obama trở về từ hội nghị Mỹ-ASEAN.
Bảo Vinh
Theo Thanhnien
Nghi ngờ quanh cái chết đột ngột của thẩm phán tối cao Mỹ Cách xử lý của quan chức địa phương và cảnh sát liên bang trước sự ra đi bất ngờ của thẩm phán tối cao làm dấy lên nhiều nghi vấn. Thẩm phán tối cao Mỹ Antonin Scalia qua đời ở tuổi 79. Ảnh: Reuters Theo Washington Post, thẩm phán của tòa án tối cao Mỹ Antonin Scalia cuối tuần trước qua đời trong...