Phụ nữ Afghanistan bị cấm đi xa nhà nếu không có nam giới đi cùng
Tại Afghanistan, phụ nữ muốn đi xa nhà phải có một người thân là nam giới đi cùng, nếu không sẽ bị cấm sử dụng phương tiện giao thông đường bộ.
Tay súng Taliban đi qua một cửa hàng làm đẹp đã bị xịt sơn che hình ảnh của người phụ nữ tại Kabul. Ảnh: AFP
Chính quyền do Taliban điều hành ngày 26/12 tuyên bố phụ nữ Afghanistan không được di chuyển quãng đường quá 72km nếu không có một nam giới trong gia đình đồng hành. Bên cạnh đó, họ yêu cầu các chủ phương tiện không cho phụ nữ không đeo khăn trùm đầu lên xe.
Bộ quy tắc mới đang được chia sẻ rộng rãi trên các trang mạng xã hội này cũng đề nghị người dân không bật nhạc khi đang lái xe.
Video đang HOT
Theo hãng thông tấn AFP, động thái trên được đưa ra sau khi Taliban không cho phép nhiều phụ nữ ở lĩnh vực công quay trở lại làm việc sau vụ giành kiểm soát ngày 15/8. Ngoài ra, phần lớn trẻ em gái cũng bị cấm đến trường trung học cơ sở.
Những quy tắc trên vẫn diễn ra bất chấp việc phong trào Hồi giáo này đang tìm cách thể hiện hình ảnh ôn hòa trên quốc tế nhằm nỗ lực khôi phục nguồn viện trợ bị đình chỉ.
Vài tuần trước, Bộ Khuyến khích đạo đức và ngăn ngừa đồi bại cũng đề nghị các kênh truyền hình Afghanistan dừng chiếu phim và kịch có nữ diễn viên tham gia. Mặt khác, các nữ phóng viên truyền hình cũng phải đeo khăn trùm đầu khi lên sóng.
Kể từ khi Taliban lên nắm quyền ở Afghanistan hồi tháng 8, hàng tỉ USD viện trợ và tài sản của nước này đã bị phương Tây phong tỏa. Theo Liên hợp quốc, đây là “cú sốc tiền tệ chưa từng có” đối với nền kinh tế Afghanistan vốn dựa vào nguồn viện trợ.
Liên Hợp Quốc nói Taliban thất hứa
Quan chức Liên Hợp Quốc nói rằng Taliban không giữ lời hứa về đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và không trả thù người của chính quyền Afghanistan cũ.
"Trái ngược với cam kết rằng Taliban sẽ duy trì quyền của phụ nữ, trong ba tuần qua, phụ nữ đã dần bị loại khỏi các nơi công cộng", Cao ủy Nhân quyền Michelle Bachelet cho biết hôm 13/9, bày tỏ lo ngại về quyền lợi phụ nữ Afghanistan dưới chính quyền Taliban.
Bà Bachelet nói thêm đã nhận được thông tin rằng ở một số nơi, trẻ em gái Afghanistan trên 12 tuổi bị cấm đến trường, trong khi phụ nữ bị yêu cầu ở nhà, gợi nhớ về sự cai trị hà khắc của Taliban giai đoạn năm 1996 - 2001.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc Michelle Bachelet trong cuộc họp tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 13/9. Ảnh: Reuters.
Quan chức Liên Hợp Quốc cũng chỉ ra các cáo buộc Taliban đã không giữ lời hứa ân xá cho những cựu quan chức, nhân viên an ninh có liên hệ với chính quyền cũ và không khám xét từng nhà.
Bà Bachelet cho biết Liên Hợp Quốc đã nhận được nhiều thông tin rằng người từng làm việc cho các công ty, lực lượng an ninh Mỹ bị khám xét nhà, trong khi một số nhân viên của Liên Hợp Quốc còn bị tấn công và đe dọa.
Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc kêu gọi xây dựng cơ chế giám sát các quyền của người dân Afghanistan. "Tôi nhắc lại lời kêu gọi Hội đồng Nhân quyền thực hiện hành động quyết liệt và cứng rắn, tương xứng với mức độ quan trọng của cuộc khủng hoảng này", bà Bachelet nhấn mạnh.
Sau khi nắm quyền kiểm soát đất nước, Taliban thông báo lệnh ân xá chung cho toàn bộ quan chức chính phủ Afghanistan và kêu gọi những người này quay lại làm việc. Lực lượng này cũng tuyên bố sẽ đảm bảo quyền lợi của phụ nữ trong khuôn khổ luật Sharia.
Taliban cho phép phụ nữ học đại học kèm một số điều kiện Ngày 12/9, tân Bộ trưởng giáo dục đại học Afghanistan Abdul Baqi Haqqani tuyên bố phụ nữ nước này sẽ được phép học đại học nhưng phải học tách biệt với nam giới. Một lớp học được ngăn đôi bằng tấm rèm để phân riêng nam sinh và nữ sinh tại trường đại học tư thục ở Kabul, Afghanistan, ngày 7/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN...