Phủ nhận chủ mưu ném xác, Nguyễn Mạnh Tường vẫn bị y án sơ thẩm
Tại tòa phúc thẩm, Nguyễn Mạnh Tường rút kháng cáo kêu oan, chỉ đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Phủ nhận vai trò chủ mưu việc ném thi thể chị Huyền xuống sông, Tường vẫn bị tòa phúc thẩm tuyên y án 19 năm tù cho 2 tội danh.
Bác sỹ Tường bị y án 19 năm tù
Bác sỹ Cát Tường phủ nhận vai trò chủ mưu ném xác
Phủ nhận vai trò chủ mưu
Sáng nay, 11/9, TAND Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Mạnh Tường (SN 1973, nguyên Giám đốc Thẩm mỹ viện Cát Tường) về hai tội: “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế thuốc, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”.
Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm gồm: chủ tọa Nguyễn Như Quang, hai thẩm phán của TAND Cấp cao tại Hà Nội là ông Hoàng Văn Hạnh và Phạm Ngọc Bích là. Đại diện Viện kiểm sát là ông Nguyễn Đăng An.
Nguyễn Mạnh Tường được áp giải đến phiên xử
Tỏ ra lạnh lùng trước vành móng ngựa, Nguyễn Mạnh Tường không yêu cầu thay đổi thành phần hội đồng xét xử. Đồng phạm của Tường là Đào Quang Khánh (SN 1996, bảo vệ Thẩm mỹ viện Cát Tường) không kháng cáo, được dẫn giải đến tòa với tư cách nhân chứng.
Sau khi kiểm tra căn cước bị cáo và những người liên quan, HĐXX công bố bản án sơ thẩm và đơn kháng cáo của bị cáo Tường. HĐXX tập trung xét hỏi Nguyễn Mạnh Tường, Đào Quang Khánh và những người liên quan để làm rõ nội dung vụ án.
Được HĐXX xét hỏi đầu tiên, Nguyễn Mạnh Tường thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt. Khai nhận về nội dung vụ án, Tường cho rằng nội dung vụ án là đúng, song Đào Quang Khánh mới là người đề xuất đem thi thể nạn nhân Nguyễn Thị Thanh Huyền ném xuống sông Hồng.
Đáp lại, Đào Quang Khánh khai, chính Nguyễn Mạnh Tường là người chủ động đưa ra phương án ném xác chị Huyền xuống sông Hồng. “Anh Tường bảo “Hay là đem vứt đi”" – Khánh khai.
Ngoài ra, Nguyễn Mạnh Tường cũng phủ nhận mình đã chỉ đạo các nhân viên trong thẩm mỹ viện Cát Tường thu dọn, phi tang các đồ vật liên quan đến vụ án trong cơ sở thẩm mỹ của mình. Tuy nhiên, những nhân chứng là nhân viên làm việc tại TMV Cát Tường đều khẳng định, Tường với vai trò Giám đốc TMV đã chỉ đạo các nhân viên của mình phi tang đồ đạc.
Nói về đơn kháng cáo, Tường cho rằng trong quá trình công tác tại Bệnh viện Bạch Mai, bị cáo luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, không để xảy ra sai sót. Bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, luôn cống hiến phấn đấu cho xã hôi nhưng chỉ vì sơ xuất đã để xảy ra sự cố đáng tiếc.
Video đang HOT
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh tại phiên xử sáng nay
Bác kháng cáo, y án sơ thẩm
Tại bản luận tội, đại diện Viện KSND cho biết, sau phiên sơ thẩm, bị cáo Tường kháng cáo toàn bộ bản án, nhưng tại phiên tòa này chỉ xin giảm án. Chị Nguyễn Thị Hằng, vợ Tường, kháng cáo về việc chiếc ô tô Tường sử dụng đưa xác chị Huyền đi phi tang là tài sản chung, xin tòa trả 1 nửa giá trị chiếc xe cho mình.
Đại diện VKS khẳng định, việc tòa án sơ thẩm tuyên án đối với Tường là đúng người, đúng tội và đề nghị giữ nguyên bản án sơ thẩm. Đối với kháng cáo của chị Hằng xin lại một nửa giá trị chiếc xe ô tô, đại diện VKS khẳng định không có cơ sở, đề nghị HĐXX bác kháng cáo của chị này.
Được nói lời sau cùng, Nguyễn Mạnh Tường bày tỏ sự đau xót và mong muốn HĐXX độ lượng, bao dung, giảm án cho mình.
12h, HĐXX tuyên án. Bản án khá dài đã lược lại nội dung vụ án, nội dung kháng cáo của Tường và chị Hằng, lời khai của bị cáo và những người liên quan tại tòa phúc thẩm. Đánh giá về vụ án này, HĐXX cho rằng, hành vi của Tường là đặc biệt nghiêm trọng, gây tổn thất cho gia đình bị hại, gây khó khăn cho quá trình điều tra, làm ảnh hưởng đến uy tín của BV Bạch Mai và cả ngành y tế.
Bị cáo Nguyễn Mạnh Tường nghe tuyên án
“Việc tòa sơ thẩm tuyên định khung với hành vi đặc biệt nghiêm trọng là đúng.” – chủ tọa phiên tòa Nguyễn Như Quang khẳng định và cho rằng, lý luận của Tường về việc phải xác định được nguyên nhân chị Huyền tử vong mới định tội được Tường là không chấp nhận được. Bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi, hậu quả mình gây ra, bất luận chị Huyền tử vong vì nguyên nhân nào.
Cũng theo HĐXX, mặc dù sau phiên sơ thẩm, gia đình bị cáo Tường có bồi thường thêm cho gia đình nạn nhân 126 triệu đồng nhưng tòa phúc thẩm xét thấy không có căn cứ để xem xét kháng cáo. Những tình tiết giảm nhẹ khác như bị cáo có nhân thân tốt, có cống hiến cho BV Bạch Mai, gia đình có người có công với cách mạng…, HĐXX ghi nhận nhưng cho rằng, việc áp dụng hình phạt của tòa sơ thẩm là tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của Tường.
Đối với kháng cáo của chị Nguyễn Thị Hằng, HĐXX nhận định, chiếc ô tô là tài sản chung của hai vợ chồng Tường song Tường đã sử dụng làm phương tiện thực hiện hành vi phạm tội. Chính Hằng biết và cùng Tường sử dụng chiếc ô tô trên để chở xác chị Huyền đi phi tang. Cho nên, theo HĐXX, chiếc xe trên phải được coi là phương tiện sử dụng vào việc phạm tội, phải tịch thu theo quy định.
12h20, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội tuyên bác toàn bộ kháng cáo của Nguyễn Mạnh Tường và chị Nguyễn Thị Hằng. Nguyễn Mạnh Tường bị tuyên y án sơ thẩm, chịu hình phạt 14 năm tù về tội “Vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất pha chế thuốc, cấp phát thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” và 5 năm tù về tội “Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt”, tổng hình phạt là 19 năm tù giam. Ngoài ra, Tường còn bị cấm hành nghề y thời hạn 5 năm sau khi chấp hành xong hình phạt.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Những dấu mốc quan trọng trong vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường
Liên quan đến việc xét xử phúc thẩm vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường, báo xin điểm lại một số dấu mốc quan trọng trong vụ án này.
Cách đây khoảng 2 năm, dư luận cả nước chấn động khi cơ quan Công an TP.Hà Nội phát giác vụ việc Nguyễn Mạnh Tường, bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc thẩm mỹ viện Cát Tường là người gây ra cái chết cho chị Lê Thị Thanh Huyền rồi ném thi thể xuống sông Hồng phi tang. Báo xin điểm lại những dấu mốc quan trọng của vụ án từng khiến người dân cả nước hoang mang, gia đình nạn nhân "ăn không ngon ngủ không yên" này.
Trưa 19/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đi xe máy đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để hút mỡ bụng và nâng ngực thẩm mỹ theo hợp đồng đã thỏa thuận trước. Sau khi ca mổ, kết thúc khoảng 30 phút, chị Huyền có biểu hiện co giật, sùi bọt mép. Tường đã tiêm thuốc chống sốc, trợ tim và thực hiện các biện pháp cấp cứu khác nhưng chị Huyền đã tử vong.
Do sợ trách nhiệm, bác sĩ Tường đã cho nhân viên về, thu dọn máy móc, đồ đạc đưa đi cất giấu để xóa. Tối cùng ngày, ông Tường cùng nhân viên bảo vệ mang xe máy (của nạn nhân) sang bỏ ở phố Cổ Linh và sử dụng ô tô chở thi thể nạn nhân lên cầu Thanh Trì, vứt xuống sông Hồng.
Sau đó, Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh bị bắt.
Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường khi bị bắt.
Ngày 23/10/2013, nhận được tin báo có thi thể một phụ nữ trôi trên sông Hồng khu vực bến đò Hồng Vân (Thường Tín, Hà Nội), người nhà nạn nhân lê Thị Thanh Huyền cùng lực lượng chức năng tức tốc đến hiện trường để tìm kiếm. Tuy nhiên, khi đến nơi thì không có xác chết như tin báo trước đó.
Chiều 26/10/2013, người dân xã Vạn Phúc, Thanh Trì, Hà Nội cũng phát hiện một xác chết đang phân hủy trôi trên sông Hồng nằm cách cầu Vĩnh Tuy khoảng 10km. Xác chết mang quần áo màu đen. Ngay sau khi nhận được thông tin, gia đình chị Huyền cũng đã có mặt để nhận dạng. Tuy nhiên, họ vẫn phải thất vọng ra về.
Cũng trong chiều 26/10/2013, tại khu vực cầu Tân Đệ (nối Nam Định - Thái Bình) cũng xuất hiện một xác chết. Thi thể này được người dân phát hiện nổi lên tại đoạn sông Hồng chảy qua xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội, cách cầu Thanh Trì khoảng 1 km. Ngay lập tức được cơ quan chức năng và gia đình tiến hành xác minh nhưng đều không phải là xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền.
Gia đình chị Huyền thuê thợ lặn tìm kiếm nạn nhân.
Ngày 14/11/2013 lại rộ lên thông tin một nông dân trong lúc đi làm vườn, đã phát hiện một ngôi mộ mới đắp ở bãi ven sông Hồng. Người này về bị "nhập hồn", tự xưng là chị Huyền, báo rằng mình bị bác sĩ Tường chôn chứ không phải bị vứt xác xuống sông. Tuy nhiên qua xác minh, đây chỉ là những thông tin đồn thổi.
Ngày 19/11/2013, gia đình nạn nhân đã cùng lực lượng chức năng đến trụ sở TMV Cát Tường để kiểm tra xem Nguyễn Mạnh Tường có giấu xác nạn nhân trong TMV hay không nhưng không tìm thấy dấu vết.
Đầu tháng 12/2013, các giáo sư thuộc Liên hiệp các hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam cũng tham gia tìm kiếm thi thể chị Huyền bằng phương pháp đo từ trường kết hợp phương pháp phân tích mẫu nước. 5 điểm nghi vấn được chỉ ra nhưng các thợ lặn vẫn không thể tìm thấy xác nạn nhân. Từ Nghệ An, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cần Thơ..., các nhà ngoại cảm tìm về Hà Nội để tham gia tìm kiếm xác chị Huyền nhưng không có kết quả.
Mặc dù chưa tìm được xác nạn nhân nhưng gia đình chị Huyền vẫn tổ chức tang lễ cho đúng phong tục
Ngày 15/12/2013 gia đình chị Huyền đã tổ chức tang lễ cho nạn nhân tại Nhà tang lễ Bệnh viện Thanh Nhàn dù thi thể chị Huyền chưa được tìm thấy.
Ngày 14/4/2014, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Nguyễn Mạnh Tường và Đào Quang Khánh. Tuy nhiên do có một số vấn đề phát sinh về chuyên môn mà Hội đồng xét xử không thể giải quyết được tại phiên tòa, nên đã quyết định tạm dừng phiên tòa, trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.
Tháng 5/2014, cơ quan điều tra, công an TP. Hà Nội đã tống đạt bản kết luận điều tra bổ sung vụ TMV Cát Tường. Theo cơ quan điều tra cho biết, Sở Y tế Hà Nội khẳng định quy trình và phương pháp tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ của Nguyễn Mạnh Tường cơ bản phù hợp với quy định của ngành y. Trên cơ sở đó, cơ quan CA đã giữ nguyên nội dung bản kết luận điều tra ban đầu.
Ngày 18/7/2014, người dân phát hiện có một thi thể có nhiều đặc điểm giống với chị Huyền. Thi thể này nằm trong bọc có chứa chất rắn như bê tông, gần bến đò Vân Đức (huyện Gia Lâm, Hà Nội), cách nơi bác sĩ Tường khai ném xác nạn nhân xuống sông khoảng 3km. Cơ quan chức năng đã gửi mẫu thi thể đi xét nghiệm AND để xác định tung tích nạn nhân.
Ngày 5/8/2014, cơ quan chức năng cho biết kết quả giám định ADN của thi thể này trùng với mẫu ADN của của bố mẹ đẻ chị Lê Thị Thanh Huyền.
Ngày 30/8/1014, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội hoàn tất quá trình điều tra bổ sung và chuyển đề nghị truy tố sang phía Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội.
Ngày 15/10/2014, VKSND TP Hà Nội đã hoàn tất bản cáo trạng lần 2. So với bản cáo trạng lần 1 thì bản cáo trạng lần 2 vẫn giữ nguyên quyết định truy tố 2 bị cáo về các tội danh nêu trên. Tuy nhiên, bản cáo trạng lần 2, cơ quan tố tụng điều chỉnh điều khoản của tội danh truy tố bị cáo Tường ở khung hình phạt cao hơn.
Ngày 4/12/2014, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án xảy ra ở Thẩm mỹ viện Cát Tường ra xét xử cấp sơ thẩm.
Nguyễn Mạnh Tường và bảo vệ Đào Quang Khánh được đưa ra xét xử.
Chiều 5/12/2014, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Mạnh Tường 14 năm tù về tội Vi phạm các quy định về khám bệnh, chữa bệnh và 5 năm tù về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Tổng cộng hình phạt là 19 năm tù. Bị cáo bị cấm hành nghề 5 năm sau khi thực hiện xong hình phạt tù. Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Mạnh Tường có trách nhiệm bồi thường cho gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền số tiền 585 triệu đồng. Bị cáo Tường còn phải chu cấp nuôi hai con của chị Huyền mỗi cháu 1 triệu đồng/tháng cho đến khi các cháu trưởng thành.
Bị cáo Đào Quang Khánh - bảo vệ thẩm mỹ viện Cát Tường - nhận mức án 24 tháng tù về tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, 9 tháng tù về tội Trộm cắp tài sản.
Ngày 23/12/2014 (12 ngày sau khi tuyên án), TAND Hà Nội đã nhận được đơn khán cáo toàn bộ bản án của Nguyễn Mạnh Tường - 19 năm tù về các tội Xâm phạm thi thể, mồ mả, Vi phạm quy định về khám chữa bệnh.
Sáng 11/9/2015, Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại Hà Nội mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường.
Theo Kiên thưc
Vụ TMV Cát Tường: Gia đình chị Huyền mong sự ăn năn của bác sĩ Tường Liên quan phiên xét xử phúc thẩm vụ thẩm mỹ viện Cát Tường, gia đình nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền mong thấy được thái độ ăn năn, hối cải của bác sỹ Tường tại tòa. Như tin tức đã đưa, hôm nay 11/9, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ thẩm mỹ viện Cát Tường sẽ được diễn ra. Trước phiên tòa...