Phụ huynh xin chuyển lớp cho con vì… giáo viên già
“ Sức khỏe này chắc cũng không ổn, quan vừa tha ma đã đến bắt rồi. Nay tăng tuổi nghỉ hưu, học trò lại thiệt thòi thôi thầy ạ”.
Chuyện phụ huynh học sinh chọn trường, chọn lớp là chuyện xưa như … trong giáo dục Việt Nam. Trong dịp lễ gặp mặt trao quyết định giáo viên nghỉ hưu, được nghe tâm sự của cô giáo S. dạy Tiểu học, thật sự mới ngậm ngùi cho nghề giáo.
Cô giáo kể, nước mắt lưng tròng “Mấy năm rồi, em đi dạy vừa buồn vừa tủi; những ngày tuyển sinh đầu năm, nhà trường phân công trực tuyển sinh, cứ ngày em trực là y như rằng không có phụ huynh đăng ký; nhiều phụ huynh đã vào trường rồi, thấy em là họ quay xe ra về.
Thấy lạ, em tò mò đến nhà đứa học trò cũ, hỏi thật nó “ Sao con không vào đăng ký học cho cháu mà quay xe về vậy?”.
Ngần ngừ mãi nó đành nói thật: “Con biết cô dạy nhiệt tình, trách nhiệm, nhưng mấy năm nay cô già rồi, sức khỏe yếu; chân bị giãn tĩnh mạch, ngồi nhiều hơn đứng, nói nhỏ học trò không nghe; bọn trẻ con nó không thích cô giáo già nên … con quay xe về.
Cô hỏi mà con không nói thật thì mang tội, cô đừng buồn con nghe”.
Mấy năm gần đây, em xin không chủ nhiệm, chỉ đứng lớp dạy mấy môn phụ. Mình biết, mà lực bất tòng tâm, không làm được, cứ mong từng ngày qua mau để được về hưu, nghỉ ngơi.
Sức khỏe này chắc cũng không ổn, quan vừa tha ma đã đến bắt rồi. Nay tăng tuổi nghỉ hưu, học trò lại thiệt thòi thôi thầy ạ”.
Nếu sức khỏe không còn đáp ứng công việc, nghỉ hưu trước tuổi cũng là giải pháp mà thầy cô giáo cần tìm hiểu. (Ảnh minh họa trên Báo Nghệ An)
Thầy T. hiệu trưởng chia sẻ “Lúc đầu phân công các cô lớn tuổi không chủ nhiệm, cũng có người phản đối, kiện cáo. Chỉ đến khi em ghi âm các cuộc nói chuyện với phụ huynh đến xin chuyển lớp cho con, cho các cô nghe, các cô mới thông cảm với sự sắp xếp chuyên môn của nhà trường.
Video đang HOT
Nói thật, trong túi xách các thầy cô cận tuổi hưu, nào là nước, sữa, kẹo sâm… thuốc tây; hỏi làm sao mà “nhiệt huyết” được?
Tăng tuổi nghỉ hưu thì còn căng nữa; nghề giáo thật ra vô cùng vất vả, bán phổi mà sống; nên em đang có đề xuất lên Phòng giáo dục, san sẻ các giáo viên già giữa các trường, để phân công chuyên môn cho hợp lý, giảm bớt tác động tiêu cực cho học trò”.
Một thực tế đau lòng, khi đến các trường học, nhìn giáo viên trực tiếp đứng lớp cận tuổi nghỉ hưu hiện nay, đại đa số đều có vấn đề trầm trọng về sức khỏe. Bệnh phổ biến là xơ thanh quản; khô tuyến nước bọt; giãn tĩnh mạch; tim mạch, tiểu đường, huyết áp v.v…
Việc nhìn thấy giáo viên nghỉ hưu vẫn còn “phong độ” là rất hy hữu.
Gừng càng già càng cay, giáo viên càng già sức khỏe càng tàn tạ. Dẫu muốn cống hiến cũng khó lòng thực hiện được.
Không ít giáo viên đã xin về hưu trước tuổi vì tự trọng, vì mong muốn được “hưởng lương hưu”; cũng không ít giáo viên về hưu trước tuổi nhưng sống ở bệnh viện nhiều hơn … ở nhà.
Để đảm bảo cho thầy cô lớn tuổi cống hiến, phải làm sao đây?
Với bậc Trung học, sắp xếp thời khóa biểu phù hợp, không xếp lịch dạy liên tục, mỗi buổi chỉ tối đa 3 tiết, cứ hai tiết là phải có tiết trống để nghỉ ngơi.Với Mầm non, Tiểu học, không nên bố trí giáo viên lớn tuổi chủ nhiệm lớp; chọn công việc phù hợp với sức khỏe, tuổi tác bố trí cho họ.
Chọn các công việc kiêm nhiệm, cần kinh nghiệm hơn sức khỏe như tư vấn tâm lý, hoạt động hướng nghiệp, coi thi, coi kiểm tra, tuyển sinh đầu năm… để đảm bảo giáo viên vẫn đủ tiết quy định.
Việc tăng tuổi hưu có cân nhắc với giáo viên mầm non, tiểu học là chuyện của Quốc hội. Nghỉ hưu là quyền của mỗi người, nếu sức khỏe không còn đáp ứng công việc, nghỉ hưu trước tuổi cũng là giải pháp mà thầy cô giáo phải tìm hiểu, tính đến vì bản thân, cũng vì cộng đồng, vì học sinh thân yêu.
Hồ Oanh
Theo giaoduc.net
Tăng tuổi nghỉ hưu : '60 tuổi giáo viên mầm non biết múa hát thế nào'?
Nhiều lao động trực tiếp trong các ngành nghề khác nhau, trong đó có cả giáo viên đều lo ngại, không muốn nâng tuổi nghỉ hưu.
Sáng nay (15/5), tại Hội thảo lấy ý kiến tham gia dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu và phòng chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, nhiều đại diện người lao động đã đưa ra quan điểm, nguyện vọng về vấn đề tuổi nghỉ hưu.
Gắn bó 15 năm trong ngành giáo dục mầm non, cô Đinh Bích Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị (Hà Nội) bày tỏ sự lo ngại trước vấn đề nâng tuổi nghỉ hưu. Cô Hà cho biết, không chỉ riêng cô mà nhiều cán bộ quản lý, giáo viên mầm non đều không muốn nâng tuổi nghỉ hưu.
Toàn cảnh hội thảo.
"Khi chúng tôi lấy ý kiến giáo viên về vấn đề này, đa số giáo viên mầm non cho rằng rất khó để làm việc đến 55 tuổi chứ đừng nói là 60 tuổi. Nếu làm việc đến năm 55 tuổi, thì chúng tôi cũng đã có hơn 30 năm công tác.
Ngày nào cũng bắt đầu từ 7h sáng với các công việc từ dọn lớp, đón trẻ, hoạt động giáo dục, hoạt động ngoài giờ, đến trưa lại cho các con ăn rồi ngủ. Các cô cũng chỉ có khoảng nửa tiếng để nghỉ trưa. Tính ra mỗi ngày phải làm việc từ 10-11 giờ chứ không phải 8 giờ như quy định.
Với cường độ lao động như vậy, giáo viên cần rất nhiều năng lượng để mỗi ngày đến trường của trẻ là một ngày vui. Chưa kể đến trong bối cảnh hiện nay, giáo viên phải thường xuyên cập nhật công nghệ thông tin, ngoại ngữ, mỗi tháng tổ chức sự kiện bên ngoài cho các con 1 lần", cô Hà nói.
Cô Hà cũng lo ngại rằng với những áp lực công việc và đòi hỏi sự năng động, nhanh nhẹn giáo viên mầm non rất khó để về hưu đúng tuổi.
"Trong nghề 15 năm, đến nay tôi chưa thấy giáo viên nào trong trường có thể nghỉ đúng tuổi mà hầu hết là nghỉ sớm để về làm thêm việc khác. Đến tuổi 60, chúng tôi biết múa, hát thế nào, liệu còn có thể hát hay, múa giỏi để dạy các con. Do đó, tôi mong muốn có những quy định linh hoạt về tuổi nghỉ hưu cho giáo viên mầm non", cô Hà đề nghị.
Cô Đinh Bích Hà chỉ ra những bất cập nếu tăng tuổi nghỉ hưu với giáo viên mầm non. (Ảnh: NLĐ)
Tương tự, chị Nguyễn Thị Bích Hiền, công nhân may tại Thái Nguyên cũng bày tỏ nguyện vọng giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay do đặc thù nghề may yêu cầu tinh mắt, nhanh nhạy. "Tăng tuổi nghỉ hưu, người lao động trực tiếp như chúng tôi sẽ không thể theo được. Dù kéo dài thời gian làm việc thì thu nhập cũng vẫn sẽ thấp vì sức khỏe giảm sút, năng suất lao động giảm. Bản thân người lao động chúng tôi không hề mong muốn tăng tuổi nghỉ hưu", chị Hiền bày tỏ.
Với vai trò Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Linh kiện điện tử tại KCN Thăng Long, Hà Nội, chị Phạm Hải Hà đã tổ chức lấy ý kiến của hơn 6.000 công nhân lao động, cả trực tiếp và gián tiếp tại công ty về vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu nhằm góp ý cho Bộ Luật Lao động sửa đổi.
Tuy nhiên hầu hết các ý kiến đều cho rằng không nên tăng tuổi nghỉ hưu. Có hơn chục năm làm việc tại công ty, chị Hà cho biết, đến nay mới gặp 2 trường hợp người lao động tại công ty chị làm việc đến đúng tuổi nghỉ hưu. Nhưng đây đều là những nhân viên khối văn phòng, không lao động trực tiếp.
Theo chị Phạm Hải Hà, người lao động không muốn tăng tuổi nghỉ hưu do lo ngại không đủ sức khỏe để đáp ứng yêu cầu công việc, cũng như lo ngại chủ doanh nghiệp sẽ không nhận lao động lớn tuổi. Do đó, đại diện này cho rằng rất khó để người lao động trực tiếp đáp ứng được những nội dung về tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo.
Về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông Lê Đình Quảng, Phó ban quan hệ Lao động cho rằng, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đồng ý với quy định tuổi nghỉ hưu trong dự thảo bộ Luật Lao động sửa đổi.
Song vấn đề này cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình, giải quyết việc làm và thất nghiệp, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động; bảo đảm số lượng và chất lượng cơ cấu dân số, bình đẳng giới, cân đối quỹ BHXH trong dài hạn; phù hợp với xu hướng già hóa dân số và tính chất của từng loại hình lao động.
"Tổng liên đoàn cũng băn khoăn cân nhắc, xem xét tuổi nghỉ hưu với nhóm lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất, dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù. Cần xem xét bổ sung một số nhóm đối tượng, ngành nghề cần có chế độ tăng tuổi nghỉ hưu linh hoạt hoặc tăng chậm hơn để đảm bảo quyền lợi cho người lao động", ông Quảng cho biết.
NGUYỄN TRANG/VOV.VN
Theo VTC
Huyện Vĩnh Thuận họp hỏa tốc vụ "Nhà giáo nước mắt chan cơm" Ngày 8/10/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đã gửi giấy mời hoả tốc để giải quyết trường hợp cô Nguyễn Thị Cảnh. Ngày 8/10/2019, Ủy ban Nhân dân huyện Vĩnh Thuận (tỉnh Kiên Giang) đã gửi giấy mời số 151/GM-UBND tới các ngành chuyên môn có liên quan, mời họp "hỏa tốc" để bàn biện pháp đề xuất...