Phụ huynh ‘mừng rơi nước mắt’ vì con sắp đi học
Được bạn bè gửi thông báo “ học sinh mầm non, tiểu học đi học từ 11/5″, chị Hồng Hạnh, 30 tuổi, mừng rỡ chia sẻ lên Facebook “sắp được sổ lồng”.
Cách đây ba tháng, khi Hà Nội cho học sinh nghỉ học, chị Hạnh ở quận Hoàng Mai cũng vui mừng như bây giờ. Con gái lớn 5 tuổi, con bé mới sinh hai tháng, chị lo nếu trong nhà có người bệnh rồi lây sang em bé, hậu quả sẽ khôn lường.
Trong thời gian nghỉ học, do ông bà nội ngoại đều ở xa, cô giúp việc đã về quê, một mình chị chăm sóc hai con, còn chồng vẫn làm việc tại một công ty truyền thông ngoài nhà nước. “Trông cả hai con một lúc rất vất vả, tuy nhiên tôi vẫn thấy mình may mắn hơn nhiều người khi không phải gửi con”, chị Hạnh chia sẻ.
Đầu tháng 3, khi Hà Nội lên lịch cho cấp THPT đi học, chị Hạnh hy vọng ngày trở lại trường của con không xa nữa. Nhưng chưa đầy một ngày sau thông báo đó, thủ đô ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, là “bệnh nhân 17″ của cả nước, lịch học của hơn 2 triệu học sinh Hà Nội tiếp tục bị hoãn vô thời hạn.
Bà mẹ hai con thừa nhận việc nghỉ học quá dài, cùng lúc chăm sóc hai con nhỏ khiến chị stress, nhiều khi như trầm cảm. Sống cùng chồng trong chung cư hơn 60 m2 tại Hoàng Mai, ba tháng qua chị Hạnh gần như không bước chân ra khỏi nhà vì sợ mang bệnh về cho con và cũng không có nhiều thời gian nghỉ ngơi.
Buổi sáng, chị tranh thủ khi em bé chưa tỉnh, dậy lúc 6h để chuẩn bị đồ ăn sáng cho bé lớn. Từ đó đến trưa, chị phải cùng lúc để mắt đến hai bé và nấu ăn, làm việc nhà. Chị Hạnh chia sẻ, lúc “kinh khủng” nhất là khi con bé thì khóc, con lớn không nghe lời, nằng nặc đòi cái nọ cái kia. “Nhiều đêm cùng chồng thức dỗ con ngủ, người uể oải gần như không còn chút sức lực, tôi nghĩ chắc không ai căm ghét nCoV hơn mình”, chị Hạnh đùa.
Con trở lại trường, chị Hạnh thừa nhận “yên tâm hoàn toàn thì chưa” vì tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp. Tuy nhiên, chị hiểu việc tiếp tục nghỉ học sẽ gây ra nhiều khó khăn cho hệ thống giáo dục và ảnh hưởng công việc của phụ huynh. “Thời điểm này trở lại trường là hợp lý, có lợi cho các con và nhà trường. Nếu trường và phụ huynh kết hợp tốt trong việc bảo vệ và dạy các con cách chống dịch, tôi cho rằng mọi việc sẽ được kiểm soát”, chị Hạnh nói.
Người mẹ này thấy may mắn vì ngày 11/5 con đi học cũng là ngày hết hạn nghỉ thai sản, phải quay lại làm việc tại phòng nhân sự của một đơn vị nhà nước. Sau đợt nghỉ lễ, chị sẽ đón bà ngoại lên trông con nhỏ để chị và chồng thay phiên đưa đón con lớn đi học.
Phụ huynh đưa con đi dự khai giảng năm học 2019-2020. Ảnh: Ngọc Thành
Video đang HOT
Cũng như chị Hạnh, chị Trần Thanh Thủy, 35 tuổi, quận Cầu Giấy, khấp khởi mừng khi đọc tin Hà Nội cho học sinh THCS, THPT đi học từ 4/5. Chị nhanh chóng bàn với chồng sáng 30/4 về quê Nam Định đón hai con trai lớp 11 và lớp 6 trở lại Hà Nội.
Vợ chồng chị Thủy lên Hà Nội lập nghiệp đã 10 năm. Gia đình bốn người sống trong căn hộ chung cư nhỏ tại Cầu Giấy. Vợ chồng chị thuê một cửa hàng rộng hơn 20 m2 trên đường Xuân Thủy để bán bún, phở từ 5h chiều đến 12h đêm. Từ đầu tháng 2 khi Hà Nội cho nghỉ học, vợ chồng chị cân nhắc rủi ro rồi quyết định gửi cả hai con về quê ông bà nội ở Nam Định.
Bà mẹ chia sẻ, do cửa hàng là thu nhập chính của cả nhà, chị không thể nghỉ bán. Việc hàng ngày tiếp xúc với nhiều khách hàng, kể cả đeo khẩu trang, chị cũng có nguy cơ mắc bệnh nên không muốn ảnh hưởng đến các con. Thời điểm số ca nhiễm ngoại nhập của Hà Nội tăng liên tiếp, chị Thủy đùa: “Giờ mà ai từ Nội Bài về ghé quán ăn, sau xét nghiệm mà họ nhiễm thì hàng quán cách ly hết”.
Ngày 1/4, Thủ tướng yêu cầu cách ly xã hội, chị Thủy chỉ dám mở he hé cửa hàng để bán online. Do phải trả tiền thuê nhà hàng tháng, đồng thời gửi tiền về quê cho ông bà nuôi cháu, chị cố vớt vát đồng ra đồng vào. “Vì nhà bán đồ ăn, trước kia nhiều khi buổi tối mỗi người làm một bán bún cũng xong bữa. Nay ngoài việc chi tiêu cho hai vợ chồng ở đất thủ đô, tôi vẫn phải gửi tiền cho ông bà để nuôi hai cháu suốt ba tháng nên gặp áp lực tài chính”, chị nói.
Khi hết hạn cách ly và Hà Nội có lịch học cho học sinh từ mầm non đến THPT, chị Thủy và chồng đều phấn khởi, một phần vì nhớ con, một phần vì khi cả nhà sống tập trung, gia đình sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí. Bà mẹ tin tưởng nhà trường sẽ có những giải pháp để đảm bảo an toàn phòng dịch cho trẻ. Chị cũng sẽ thường xuyên nhắc con đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn và hạn chế tụ tập.
Không gặp áp lực trong việc trông con và gánh nặng tài chính, chị Nguyễn Minh Hà, 37 tuổi, sống tại Hà Đông vui mừng khi con trở lại trường vì hy vọng con trai lớp 7 sẽ giảm được cân.
Chị Hà có hai con, bé trai lớp 7 và bé gái lớp 3. Trong thời gian nghỉ phòng dịch, chị và chồng vẫn phải đi làm nên đã dạy con lớn kỹ năng nấu ăn để hai anh em ở nhà tự chăm sóc nhau. Từ ngày con có thể nấu các món đơn giản, biết chăm sóc em thì chị có thời gian nghỉ trưa tại công ty, không còn vất vả như trước.
Tuy nhiên, việc này khiến chị không kiểm soát được việc ăn uống của con. Do không vận động nhiều như khi đi học, lại “thích gì ăn nấy”, con trai của chị tăng 8 kg trong ba tháng. Chị đã lên lịch đi bộ cùng con vào mỗi buổi chiều, dặn con ăn nhiều rau và trái cây nhưng không hiệu quả.
“Tôi e ngại nếu tiếp tục nghỉ lâu hơn, con sẽ chạm ngưỡng béo phì. Việc đi học, trở lại nhịp sinh hoạt như trước hy vọng sẽ giúp con giảm cân”, bà mẹ chia sẻ.
Trước đó chiều 29/4, tại cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19, Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Đức Chung quyết định cho học sinh bậc THCS, THPT, giáo dục thường xuyên, trung cấp, cao đẳng đi học từ ngày 4/5; riêng trẻ mầm non, tiểu học từ 11/5. Trừ Hà Giang, học sinh cả nước đi học từ cuối tháng 4, đầu tháng 5. Các lớp nhà trẻ ở TP HCM đi học từ ngày 1/6.
Năm học 2019-2020, Hà Nội có hơn 2 triệu học sinh. Giống như cả nước, học sinh thủ đô mới học hết tuần 20 thì nghỉ Tết và nghỉ phòng Covid-19. Từ tháng 3, các em chuyển sang học qua truyền hình và trực tuyến.
Đi học lại, học sinh TP.HCM được cấp khẩu trang miễn phí
TP.HCM sẽ cung cấp khẩu trang không thu phí đến học sinh, học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp công lập trên địa bàn TP ngay khi đi học trở lại.
UBND TP.HCM vừa có văn bản khẩn về kế hoạch hỗ trợ khẩu trang cho các đối tượng theo Nghị quyết số 02/2020/NQ-HĐND ngày 27-3 của HĐND.
Đối tượng được hỗ trợ khẩu trang gồm các thành phần sau:
Học sinh, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (học phổ thông) đang theo học tại các trường trên địa bàn TP.
Học viên, học sinh, sinh viên đang theo học tại các trường cao đẳng, trường trung cấp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và các trung tâm giáo dục nghề nghiệp khác.
Công nhân vệ sinh (thu gom rác, vận chuyển rác, quét đường, thoát nước) làm việc tại Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị thành phố, Công ty TNHH MTV Thoát nước đô thị thành phố, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích 22 quận, huyện.
Khẩu trang được cấp phát là khẩu trang vải có kháng khuẩn, có thể giặt và tái sử dụng 10 lần.
Số người cần hỗ trợ là 1.430.302. Trong đó học sinh, học viên trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (học phổ thông) là 1.255.423; sinh viên, học sinh, học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp: 168.030 người; công nhân vệ sinh: 6.849 người.
Mỗi người sẽ được hỗ trợ chín cái, trong thời gian ba tháng. Như vậy tổng số lượng khẩu trang cần hỗ trợ là 12.872.718 cái.
Để thực hiện kế hoạch trên, UBND yêu cầu các sở thực hiện một số nội dung sau:
Sở Công Thương phối hợp Sở Tài chính, Sở Y tế dự trù kinh phí và thực hiện quyết toán. Tổng hợp số lượng người được cấp khẩu trang không thu phí theo nghị quyết; thống nhất phương án cung cấp kịp thời đến các đối tượng được hỗ trợ. Sở phối hợp với Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP chuẩn bị đủ nguồn hàng khẩu trang, đảm bảo chất lượng; triển khai cung cấp kịp thời đến các đối tượng được hỗ trợ.
Về Sở Tài chính, yêu cầu thẩm định dự toán, bố trí nguồn kinh phí thực hiện, trình UBND TP xem xét, quyết định.
Đối với Sở Y tế, rà soát các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định pháp luật, hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư về chủ trương thực hiện chỉ định thầu đơn vị cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn không thu phí phục vụ phòng, chống dịch của Sở Công Thương. Sở Y tế hướng dẫn Sở Công Thương các thủ tục lựa chọn đơn vị cung cấp khẩu trang vải kháng khuẩn không thu phí phục vụ phòng, chống dịch theo quy định.
Sở GD&ĐT có trách nhiệm tổng hợp số lượng học sinh đang theo học trên địa bàn TP được cấp khẩu trang không thu phí; đảm bảo đúng đối tượng. Sở phối hợp với Sở Công Thương lập phương án và thực hiện cung cấp kịp thời đến các đối tượng được hỗ trợ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cần phải tổng hợp số lượng học viên đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP được cấp khẩu trang không thu phí, đảm bảo đúng đối tượng. Phối hợp với Sở Công Thương lập phương án và thực hiện cung cấp kịp thời đến các đối tượng được hỗ trợ.
Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP, Công ty TNHH MTV Thoát nước Đô thị thành phố, Công ty TNHH MTV Dịch vụ Công ích 22 quận, huyện phải tổng hợp số lượng công nhân được cấp khẩu trang không thu phí; đảm bảo đúng đối tượng.
NGUYỄN QUYÊN
Vĩnh Phúc đóng cửa nhà hàng, quán bar và cho học sinh nghỉ học Để phòng dịch COVID-19, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục đóng cửa với các nhà hàng, vũ trường, quán bar nhằm hạn chế ăn uống, tụ tập đông người tại nơi công cộng. Học sinh Trường THPT Nguyễn Thái Học, thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. (Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN) Sau 5 tuần nghỉ học để phòng dịch COVID-19, từ ngày 9/3, học sinh...