Phụ huynh, học sinh bất ngờ khi bị dừng xe vì lỗi đầu trần
Ngày 6/4, nhiều phụ huynh và học sinh đi xe đạp điện ở Hà Nội tỏ ra ngạc nhiên khi bị CSGT dừng xe do lỗi không đội mũ bảo hiểm.
Sáng 6/4, Phòng CSGT Hà Nội ra quân tuyên truyền nhắc nhở phụ huynh đội mũ cho trẻ em khi tham gia giao thông. Tại các tuyến phố như Hai Bà Trưng, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt… nhiều trẻ em ngồi trên xe máy không đội mũ. Có phụ huynh đội mũ cho con nhưng bản thân thì đầu trần lái xe.
Nhiều phụ huynh bất ngờ khi bị lực lượng CSGT dừng xe. Có biết về kế hoạch xử phạt song, theo chị Đào Kim Dung, trú phố Lò Đúc (Hai Bà Trưng) do vội vàng, chị chưa mua được mũ cho con gái. Người phụ nữ trạc tứ tuần khẳng định sẽ dẫn con đi mua mũ ngay sau khi tan học buổi chiều.
Ghi nhận tại nút giao Hai Bà Trưng – Ngô Quyền, lực lượng cảnh sát tuần tra nhắc nhở hàng chục trường hợp học sinh đầu trần lái xe đạp điện.
Nhiều nữ sinh chở bạn chủ động chuyển từ làn xe máy sang làn ôtô khi phát hiện lực lượng chức năng từ xa.
Video đang HOT
Bị dừng xe tại nút giao Giải Phóng – Đại Cồ Việt, Phạm Phương Anh (lớp 10, trường THPT Đống Đa) tỏ ra ngỡ ngàng. Nữ sinh này cho biết, em cùng bạn vừa rời cửa hàng tạp hóa mua đồ liên hoan cho lớp chưa kịp đội mũ bảo hiểm. “Em không hề biết quy định người điều khiển xe đạp điện sẽ bị phạt tiền do không đội hoặc đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn”, Phương Anh nói.
Một chiến sĩ đội CSGT số 4 cho biết, trong buổi sáng, tổ công tác dừng xe nhắc nhở hàng chục trường hợp vi phạm. Đa số là học sinh đi xe đạp điện không đội mũ. Một số trường hợp phụ huynh đầu trần lái xe đưa đón con đi học. Trong ảnh: Tài xế xe ôm có mũ nhưng không đội cho khách là học sinh. Với các trường hợp này, lực lượng CSGT sẽ phạt tiền tài xế.
Em La Vinh Anh (lớp 8 trường THCS Phương Mai) giật mình đứng giữa đường khi phát hiện cảnh sát ra tín hiệu dừng xe. Dắt xe vào lề đường, nam sinh cho biết, từ trước tới nay em lái xe chưa bao giờ đội mũ vì nhà gần trường. Em cũng chưa biết về quy định mới. “Nếu bị gửi về trường, em sẽ bị kiểm điểm trước lớp, trước toàn trường”, nam sinh lo lắng.
Nhiều học sinh mang mũ bảo hiểm nhưng chỉ móc trên xe cho có lệ.
Kế hoạch tuần cao điểm tuyên truyền và xử lý vi phạm về đội mũ bảo hiểm cho trẻ em được triển khai trên toàn quốc và chính thức phạt tiền từ ngày 10/4.
Theo quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ hoặc mũ không đạt chuẩn thì người điều khiển sẽ bị phạt từ 100-200.000 đồng về hành vi không đội mũ bảo hiểm đúng quy cách. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát sẽ gửi thông báo về trường học để đơn vị này sẽ có hình thức giáo dục, phê bình nhưng không làm ảnh hưởng tới tâm lý, áp lực cho trẻ. Trẻ em dưới 6 tuổi hoặc các trường hợp đi cấp cứu sẽ không bị xử phạt.
Theo thống kê của Ủy ban ATGTQG năm 2014, 94,6% người lớn đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em đội mũ chỉ 23,6%. Mỗi năm có 1.800-1.900 trẻ tử vong do tai nạn.
Năm 2014, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 771.000 trường hợp vi phạm không đội mũ bảo hiểm trên toàn quốc. Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất là hơn 116.000 trường hợp. TP. HCM có gần 50.000 trường hợp.
Theo Tri Thức
CSGT thừa nhận gặp khó khi phạt trẻ em không đội mũ bảo hiểm
Dù tuần tới việc nhắc nhở, xử phạt đối với phụ huynh không đội mũ bảo hiểm cho con mới tiến hành, song, lực lượng cảnh sát đã nhìn nhận trước những khó khăn khi thực thi.
Từ tuần tới, việc tuyên truyền và xử lý vi phạm về đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em được Sở GTVT các tỉnh, thành áp dụng. Theo thượng tá Nguyễn Viết Chức (Phó trưởng phòng hướng dẫn tuần tra kiểm soát - Cục cảnh sát giao thông), lực lượng CSGT sẽ tập trung tại các tuyến đường có nhiều trường học để hướng dẫn, tuyên truyền cho người điều khiển đội mũ cho trẻ em khi tham gia giao thông.
Kế hoạch thực hiện trên cả tất các các tuyến đường khác. Tuy nhiên, cảnh sát chủ yếu nhắc nhở người lái xe, phụ huynh nâng cao ý thức để đảm bảo an toàn cho chính con em họ.
Ngoài ra, cảnh sát cũng sẽ nhắc nhở, xử phạt đối với học sinh trung học, phổ thông điều khiển xe đạp điện, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm hoặc đội không đúng quy cách.
Ngoài phạt tiền, cảnh sát sẽ gửi thông tin vi phạm về trường học để có hình thức giáo dục, tuyên truyền cho trẻ em. Ảnh: Lê Hiếu.
Theo thượng tá Chức, mũ bảo hiểm dành cho trẻ em cũng phải đạt các tiêu chuẩn như có tem chất lượng, đầy đủ quai, 3 lớp. Các hành vi đội mũ nhưng không cài quai, đội mũ không phải mũ bảo hiểm đều bị nhắc nhở, xử phạt.
Khi thực hiện kế hoạch này, ngoài Sở GTVT, Sở Giáo dục các tỉnh, thành phố sẽ cùng phối hợp để giáo dục ý thức của học sinh ngay trong các buổi học ngoại khóa.
Đánh giá về kế hoạch, thượng tá Chức thừa nhận, lực lượng CSGT sẽ gặp nhiều khó khăn. "CSGT khó có thể xác định tuổi trẻ em trên xe máy khi tham giao thông vì chưa đến tuổi làm chứng minh thư nhân dân, đặc biệt trên các tuyến đường không có trường học", vị Phó trưởng phòng nói.
Quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm diễn ra vào buổi sáng, đầu giờ chiều. Thời gian trước giờ vào lớp rất hạn hẹp nên việc nhắc nhở, xử phạt sẽ khó khăn. Theo thượng tá Nguyễn Viết Chức, phản ứng từ phụ huynh, học sinh là điều cần phải tính đến.
"Quá trình xử phạt có thể dẫn tới việc các em đồng thời phải chịu quy chế xử phạt của trường, lớp khi đi học không đúng giờ", thượng tá Chức nhìn nhận.
Trong khi đó, trao đổi với Zing.vn, cán bộ Đội tham mưu (Phòng CSGT Hà Nội) cho biết, đơn vị đang hoàn thành kế hoạch tổ chức các phương án thực hiện. Dự kiến, các tổ tuần tra kiểm soát tại các tuyến phố trung tâm. Khi phát hiện vi phạm, lực lượng cảnh sát sẽ yêu cầu dừng xe nhắc nhở người điều khiển đội mũ đạt chuẩn, đúng quy cách.
"Nếu tái phạm hoặc cố tình vi phạm, phụ huynh sẽ bị phạt tiền 100.000-200.000 đồng. Ngoài ra, cảnh sát sẽ gửi thông tin vi phạm tới trường học trên địa bàn để đơn vị này phối hợp tuyên truyền, giáo dục các cháu", lãnh đạo đội tham mưu cho biết.
Theo Cục Cảnh sát giao thông, ngày 6/4, lực lượng CSGT trên cả nước sẽ ra quân tuyên truyền, nhắc nhở tại các trường học. Từ 10/4, nhà chức trách sẽ chính thức phạt tiền. Theo quy định, trẻ em từ 6 tuổi trở lên ngồi trên xe gắn máy, xe đạp điện không đội MBH thì người điều khiển sẽ bị phạt 100.000 - 200.000 đồng.
Ngoài ra, lực lượng cảnh sát sẽ gửi thông báo về trường học để đơn vị này sẽ có hình thức giáo dục, phê bình nhưng không làm ảnh hưởng tới tâm lý, áp lực cho trẻ. Trẻ em dưới 6 tuổi hoặc các trường hợp đi cấp cứu sẽ không bị xử phạt.
Theo số liệu thống kê năm 2014 của Ủy ban ATGTQG, cả nước có 94,6% người lớn đội MBH khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ em đội mũ chỉ 23,6%. Mỗi năm có khoảng 1.800-1.900 trẻ tử vong do tai nạn.
Năm 2014, lực lượng cảnh sát giao thông đã xử lý hơn 771.000 trường hợp vi phạm không đội MBH trên toàn quốc. Hà Nội chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 116.000 trường hợp, TP HCM gần 50.000 trường hợp.
Theo Tri Thức
Mở cao điểm xử phạt người chở trẻ em không đội mũ bảo hiểm - Từ ngày 6 đến 10-4, Ủy ban ATGT Quốc gia mở đợt cao điểm tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý hành vi chở trẻ em trên sáu tuổi không đội mũ bảo hiểm (MBH) trên cả nước. Phòng CSGT Công an TP.HCM cho biết sẽ bí mật ghi hình những phụ huynh chở học sinh hoặc cá nhân học sinh không đội...