Phụ huynh choáng với tâm thư ‘con muốn mẹ đập nhẹ hơn trước’
Con muốn mẹ đập con nhẹ hơn, Ba đừng nhậu nữa, Mẹ đừng so sánh con với người khác … những dòng tâm thư khiến cha mẹ giật mình, cay mắt.
Thời điểm họp phụ huynh của lớp con tôi diễn ra đã 1 tuần, nhưng trong group của hội cha mẹ vẫn rôm rả những chuyện cười ra nước mắt.
Ấy là khi chúng tôi kể cho nhau nghe tâm thư của các con viết cho cha mẹ khi kết thúc một học kỳ. Những nét chữ vẫn còn sai chính tả, cách diễn đạt còn vụng về nhưng chất chứa những tâm tư mà lâu nay chúng tôi nghĩ “tụi này thì biết gì”.
Đầu tiên là lá thư của con trai tôi. Sau khi tổng kết những việc làm được và chưa làm được trong suốt học kỳ vừa qua như: các môn thi đều trên 5 điểm, đã tự giác học bài nhưng không thể tự giác hơn, vì cần thêm thời gian nghỉ ngơi…
Đọc ngang đấy, chúng tôi bật cười vì đều chung suy nghĩ “mấy cô mấy cậu học thì lười, suốt ngày ôm tivi, mà còn cần thời gian để nghỉ ngơi”. Nhưng tôi giật mình khi những dòng chữ tiếp tục hiện ra: “Con muốn mẹ đập nhẹ hơn trước, vì con biết mẹ nhiều gánh nặng trong cuộc sống nhưng con không muốn những gánh nặng đó lại chồng lên con” (đập nghĩa là đánh đòn- tiếng địa phương).
Tâm thư con trai gửi mẹ: “Con muốn mẹ đập nhẹ hơn trước”
Cứ ngỡ rằng ngày thường con ngô nghê, chơi và ăn không biết nhường em, gọi vào học bài thì khóc lên khóc xuống, tôi đâu ngờ con trai suy nghĩ già dặn như vậy. Đọc những lời mong mỏi của con, trong đầu tôi hiện lên những trận đòn mỗi khi anh chàng lười học. Dù đã nhiều lần cố kìm chế và tự hứa với lòng “bình tĩnh, không được đánh con”, nhưng khi mẹ khảo bài, con ú a ú ớ vài câu, “máu điên” trong tôi lại trỗi dậy.
Đánh con xong là mẹ im lặng vào phòng đánh lại mình để xem có đau không. Đúng là đau thật, rồi lại tự hứa với mình sẽ kiềm chế, sẽ nhẫn nại, nhưng rồi lại… đâu vào đấy. Giờ thì tôi mới hiểu ra, lâu nay con trai ít trò chuyện với mẹ là vì vậy!
Rồi đến câu chuyện của bé M.H. Tâm thư của con khiến mắt chúng tôi cay cay: “Ba ơi, ba đừng nhậu nữa có được không. Ba dành thời gian đó chơi với chị em con và dùng tiền ấy cho con nộp học”.
Buổi họp phụ huynh chùng xuống khi chúng tôi nghe cô chủ nhiệm kể về gia cảnh của H. Em là học sinh cuối cùng của lớp chưa nộp tiền bảo hiểm khi hạn cuối chỉ còn mấy tiếng đồng hồ. Tưởng phụ huynh quên nên cô giáo gọi điện, nào ngờ mẹ cháu biết mà không có tiền nên nhắm mắt mà làm lơ. Dịch COVID- 19 khiến gia đình cháu phải về quê nương nhờ nhà nội, mẹ đi làm giúp việc theo giờ. Ba cháu thất nghiệp lại ốm đau nên tìm đến rượu giải sầu…
Video đang HOT
Không muốn mẹ so sánh mình với ai là nội dung tâm thư của con chị Thảo. Cháu viết: “Lên cấp II, con thấy mình đã chững chạc … Con chỉ muốn mẹ không so sánh con với người khác, hiểu con hơn và không đặt nặng áp lực lên vai con. Con học trên lớp đã quá mệt mỏi rồi.”
“Mong mẹ đừng so sánh con với người khác và hiểu con hơn… con học trên lớp đã quá mệt mỏi”.
Nhìn điểm tổng kết 9,2 cuối kỳ của con, chị Thảo thấy hối hận hơn là hãnh diện. Nghe chị kể qua lịch học của cháu mà giật mình. Ngoại trừ các buổi chiều đi học chính khóa, tất cả các buổi sáng và ngày chủ nhật con chị kín mít lịch học. Nào là Ngữ văn, Toán, Lý, Anh văn. Trong đó tiếng Anh và Toán đi học những 2 nơi để vừa học kiến thức cơ bản, vừa làm bài tập nâng cao.
Đi cùng những tâm thư cười ra nước mắt, có những bí mật riêng tư cũng được “bật mí” ra. “Nửa cuối học kỳ I, con có thích một bạn gái ngồi bàn trên, nhưng con chưa dám thổ lộ” hay “có bạn trai đã gửi con một lá thư tỏ tình mà con chưa biết trả lời sao mẹ ạ, vì con cũng có tình cảm với bạn ấy…”.
Người mẹ ấy đã chạy đến cô chủ nhiệm để hỏi thăm xem “một nửa” của con mình là ai. Trong suy nghĩ của người lớn “em không nghĩ cháu lại biết đến chuyện này”.
Quả thật, có nhiều điều chúng ta không biết và không nghĩ rằng con mình đã lớn, đã có những chính kiến, suy nghĩ độc lập và mong được ba mẹ tôn trọng. Chỉ có điều, ba mẹ không hiểu hoặc không muốn tìm hiểu “con muốn gì, cần gì”…
Tôi đã đánh con vì áp lực cuộc sống, vì nôn nóng muốn con tiếp thu nhanh, làm bài tập đúng và đủ, để mẹ còn làm việc khác. Bạn tôi muốn con duy trì điểm số dẫn đầu như bao năm nay để lên bục nhận thưởng ở cơ quan mẹ. Có nhiều gia đình không khí cứ sôi lên sùng sục khi điểm của con dưới 8 hay cô bộ môn phê “chưa học bài cũ, nhưng cũng không hiếm cha mẹ bằng chân như vại khi nghĩ rằng “lên lớp bây giờ dễ như ăn cháo, không lo lưu ban đâu mà đầu tư cho lắm”.
Mỗi một nếp nghĩ của người lớn sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới con trẻ. Cha mẹ nào cũng thương và lo cho con, nhưng ít ai thực sự hiểu con mong muốn gì.
Đi họp phụ huynh về, chúng tôi vỡ ra nhiều điều. Trẻ cấp II đã lớn rồi, tâm tính thay đổi khác hẳn hồi tiểu học, cha mẹ buộc phải tìm cách tiếp cận và lắng nghe con, biết được điều gì đang diễn ra với đứa trẻ mình yêu thương, sau đó xử lý và sắp xếp mọi việc trên tinh thần tôn trọng con…
Tâm thư "bị lộ" được gửi trong nhóm kín của cô giáo đóng cửa không tiếp khách ngày 20/11, hàng xóm xì xào "chả biết dạy dỗ kiểu gì mà chả ai tới nhà"
Một bức tâm thư từ một hội nhóm lớp được lọt ra ngoài, danh tính cô giáo không được tiết lộ nhưng khiến ai cũng phải trầm trồ "cô giáo nhà người ta"...
Bức thư được cho là của cô giáo gửi tới phụ huynh trong nhóm riêng của lớp để giải thích cho nhiều cha mẹ yên tâm với việc không quà cáp ngày 20/11 mà không phải áy náy gì. Ai đọc cũng hiểu ngay đây hẳn là cô giáo "của hiếm" có tâm thực sự...
Tâm thư gây chú ý của cô giáo (Ảnh minh họa)
Cô giáo viết như sau:
"Gửi cha mẹ học sinh,
Như ngay trong cuộc họp phụ huynh đầu năm tôi đã từng nói: "Tôi xin từ chối tất cả những món quà dù lớn hay nhỏ cho các dịp lễ Tết, kể cả ngày 20/11 để tránh những bất tiện cho phụ huynh, những hiểu lầm có thể xảy đến sau này". Nhưng tôi biết nhiều phụ huynh vẫn áy náy và có phần ái ngại với việc cô giáo không nhận quà, nên tôi viết thêm điều này từ đáy lòng để giải thích cho cha mẹ học sinh của mình yên tâm. Tôi làm điều này là có lý do và nó hoàn toàn chính đáng. Các vị không phải có bất cứ gợn suy nghĩ nào vì điều này.
Vì đây là công việc dù tôi làm bằng tình yêu thương, bằng trái tim mình nhưng cũng được trả thù lao như công việc các vị làm ở công ty. Nên có 1 ngày được tri ân bằng vật chất là có phần không công bằng với nghề nghiệp của các vị. Nếu có hãy cứ yêu quý tôi bằng trái tim mình, thế là đủ rồi.
Chưa kể việc bấy nhiêu phụ huynh mất thời gian cho 1 người như tôi vào việc đi mua hoa, chọn quà hay đau đầu suy nghĩ tặng quà hay tiền rồi cất công chờ tặng quà, tặng hoa vào ngày này cũng là 1 sự lãng phí không cần thiết. Tôi biết cha mẹ phụ huynh ai cũng bận bịu và nhiều vất vả, hãy cho mình không phải thêm bận rộn vào ngày này.
Nghề giáo viên có áp lực hơn nghề khác không? Tôi cho rằng bản thân các vị cũng có lúc căng thẳng vô cùng, cũng có nhiều khi miệng muốn buột ra câu "xin nghỉ việc" nhưng áp lực của những hóa đơn, của vai trò trụ cột gia đình khiến các vị phải kìm lại. Tôi cũng vậy, nhưng tôi không cho rằng nghề nghiệp của mình có phần đặc biệt hơn để phải nhận được sự tri ân vào 1 ngày đặc biệt.
Ảnh minh họa
Hôm sinh nhật mình tôi đến lớp thấy "tổ ong vỡ" của mình im bặt lạ kỳ, vào lớp có vẻ trống trơn rồi lũ trẻ từ đâu bật dậy đồng thanh hô rõ to: "Chúc mừng sinh nhật mẹ yêu quý". Điều đó khiến tôi vỡ òa hạnh phúc. Tôi cá là không có thứ nghề nghiệp nào có thể cho người ta niềm hạnh phúc lớn lao như thế. Vì vậy, cảm ơn các con còn chưa hết, vậy cớ sao để bố mẹ chúng phải tất tả ngược xuôi giờ tan tầm lo lắng quà cáp chuẩn bị để tri ân thầy cô của con mình.
Đấy là nói thế thôi, không mấy ai biết tôi cũng có quà ngày 20/11, những thứ tôi luôn nâng niu để 1 góc phòng mà là bao tình cảm yêu thương của lũ học trò. Quà gì mà khiến người ta phát khóc, quà gì mà nguệch ngoạc hình vẽ và những dòng chữ chẳng thằng hàng... nó khiến tôi cảm thấy ngọt lịm hơn cả đường, thấy rằng thật đáng để làm giáo viên, để điều hành 1 "lũ giặc" ít khuôn phép mà dễ thương vô đối.
Nên ai đó bảo tôi không nhận quà có khi sai, thậm chí là quà to là khác. Thứ quà đủ khiến cho lúc tôi nghe được hàng xóm xì xào "chả hiểu dạy dỗ kiểu gì mà 20/11 chả ai tới nhà", nó cũng không làm tôi buồn. Quà của tôi đâu cần phải phụ huynh mang tới nhà, quà của tôi, tôi giấu cho riêng mình tôi, đâu cần ồn ào... Đó cũng là thứ quà duy nhất tôi muốn nhận, là tình cảm yêu thương của các con, những thứ không ảnh hưởng đến "ví" của cha mẹ chúng.
Khi tôi nói rằng tôi không nhận quà, một số phụ huynh vẫn "cố" tặng hoa, tặng quà cây nhà lá vườn vì nghĩ đó không hẳn là vật chất mà là tình cảm ắt tôi sẽ nhận. Tôi đã trả lại để tránh tạo thành tiền lệ vẫn có quà được "lách" qua. Hoa đẹp tôi luôn thích nhưng quá đắt đỏ vào ngày này. Quả đu đủ, con gà, cân măng... tôi cũng quý lắm, nhưng khi tôi nhận chúng thì các phụ huynh khác sẽ phải băn khoăn, sẽ phải gợn lên những nghĩ suy, lo sợ các con mình không được đối xử công bằng nếu cha mẹ học sinh khác tặng quà. Nó cũng trái ý nghĩa ban đầu, tôi muốn cha mẹ học sinh của mình được rảnh rang ngày này, các vị cũng khá vất vả rồi, không phải bận tâm thêm vào phần nghi lễ đặc biệt ngày này nữa.
Là phụ nữ tôi cũng mê tiền, cũng thích quà, thích được ca tụng, nhưng chỉ là cái thích nhất thời thôi còn 364 ngày còn lại thì như thế nào? Nhận quà rồi sao? Nó không làm tôi giàu lên hay nghèo đi, cũng chẳng có thể làm cho những ngày khác của mình kém vinh quang hơn. Vậy tôi bớt đi thứ hạnh phúc phù phiếm 1 ngày để tất cả chúng ta được hạnh phúc, tôi nghĩ nó thật xứng đáng.
Trong lớp ta không phải gia cảnh nhà ai cũng giống nhau, tôi nhận quà của người này, người kia điều kiện không cho phép sẽ cảm thấy áy náy rồi họ phải cố gắng bỏ ra 1 khoản, cắt đi 1 thứ gì đó trong khoản cần chi của gia đình để đẹp lòng tôi. Đó là điều không đáng. Giải quyết công việc của mình, đối mặt với hóa đơn, chăm sóc những đứa trẻ đã quá mệt mỏi rồi, hãy coi 20/11 là ngày bình thường thôi.
"Tôi đang rất hạnh phúc với lớp học và nghề nghiệp mình theo đuổi", cô giáo chia sẻ. (Ảnh minh họa)
Hãy cứ để mình tôi thấy nó là ngày trọng đại với chính mình, với nghề nghiệp tôi cảm thấy phần nhiều hơn là hạnh phúc. Hãy cứ để tôi có chút giây phút lắng lại, thấy mình cần phải cố gắng hơn với những gì tôi được nhận. Với niềm hạnh phúc rất riêng mà nghề nghiệp khác thực sự không có được. Như thế với tôi thật sự là đủ rồi.
Vì thế, đừng ái ngại, đừng áy náy vì tôi không nhận quà. Tôi đang rất hạnh phúc với lớp học và nghề nghiệp mình theo đuổi, đó là phần quà lớn nhất tôi nhận được mỗi ngày. Và khi phụ huynh hạnh phúc, học trò của tôi có cơ được hạnh phúc, đó thực sự là một món quà.
Ngày 20/11 cho tôi xin được gửi lời cảm ơn lại tới tất cả các phụ huynh và học trò của mình tình yêu thương vô bờ bến và lời cảm ơn từ đáy lòng vì những tình cảm quý mến đã dành cho tôi".
Bức thư đầy tình yêu thương với tư tưởng cực kỳ nhân văn, hiện đại và tích cực của cô giáo này hiện đang khiến bao cha mẹ và học sinh tấm tắc ngưỡng mộ.
Ông bố 'coppy' tâm thư nguệch ngoạc, sai chính tả của con gái lên tay: Có những điều nhỏ bé có tiền cũng chẳng mua được! Những dòng chữ nguệch ngoạc của con trẻ đôi khi lại là những dấu mốc quan trọng và đầy cảm xúc của các ông bố, bà mẹ. Mới đây, một ông bố đã quyết định xăm dòng thư nguệch ngoạc mà cô con gái nhỏ viết cho mình trên cánh tay để làm kỷ niệm. Bức thư ngắn được viết bằng những nét...