Phòng xét nghiệm ADN: Người đàn ông định chối bỏ 5 con đẻ vì nghi ngờ vợ
Dù đặt máy ghi âm, giám sát điện thoại và thuê cả người theo dõi vì nghi ngờ vợ, nhưng ông Hùng không thể ngờ cả 5 đứa con đều là con đẻ.
Một trong những trường hợp mà ThS.BS Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) đau đầu nhất là vụ việc xảy ra vào năm 2019 về một “ông bố kỳ lạ” ở Lạng Sơn.
Ông bố này ngoài 50 tuổi, giàu có, có vợ đẹp và 5 đứa con, nhưng thường xuyên bị ám ảnh bởi quá khứ của vợ. 20 năm trước, trong lần liên hoan cơ quan ông Nguyễn Văn Tâm gặp chị Lê Minh Hoa, người phụ nữ tiếp thị thuốc lá tại quán bia nơi ông và đồng nghiệp ngồi.
Chị Hoa khi đó mới 20 tuổi, xinh đẹp, khéo ăn, khéo nói khiến người đàn ông tên Tâm xao xuyến và đem lòng yêu. Đám cưới hơn một năm sau đó là kết quả cho tình yêu đẹp của hai người.
ThS.BS Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT). (Ảnh: HQ)
Người đàn ông đa nghi
Lập gia đình, chị Hoa bỏ làm tiếp thị, chuyển sang làm cho doanh nghiệp nhỏ gần nhà. 20 năm chung sống, vợ chồng ông Tâm, chị Hoa có với nhau 5 người con ngoan ngoãn.
Nhưng sau khi sinh đứa con thứ 5, ông Tâm không còn tin tưởng vợ. Nguyên nhân, bạn bè xúi giục, nói vợ làm nghề tiếp thị nên quá khứ “sẽ rất lăng lơ”, có thể qua lại với nhiều người đàn ông. Thậm chí, có người còn nói ngay cả khi lấy ông, cô ta vẫn qua lại với người cũ. Họ còn ác miệng nói rằng cả 5 đứa con đều là của tình cũ chứ không phải con ông.
Ban đầu ông Tâm không tin, xuề xòa cho qua, nhưng dần dần, ông thấy khó chịu và tin đó là thật.
Video đang HOT
Ông Tâm tìm đủ mọi cách để theo dõi vợ, từ chuyện đặt máy ghi âm ở nhà những lúc ông đi vắng đến kiểm tra điện thoại của vợ. Thậm chí, ông còn thuê riêng người theo dõi từng đường đi, nước bước của vợ.
Sau nhiều ngày giám sát không có kết quả, nhớ lại lời bạn bè xúi giục về chuyện 5 đứa con không phải ruột thịt, ông Tâm lén lút thực hiện kế hoạch kiểm tra ADN. Ông bí mật thu thập móng tay, tóc của các con mang tới Trung tâm phân tích ADN và công nghệ di truyền (CGAT) để xét nghiệm nhân thân.
Không thể chối bỏ
Ngày nhận kết quả, ông Tâm một minh từ Lạng Sơn xuống Hà Nội. Cầm tờ giấy kết luận từ ThS. BS Nguyễn Thị Nga – Giám đốc Trung tâm, ông Tâm không tin vào mắt mình – cả 5 đứa trẻ đều là con đẻ ông.
“ Liệu, kết quả này có sai không chị?” ông Tâm hỏi lần nữa.
“Tôi khẳng định kết luận chính xác gần như tuyệt đối. Phải 7 tỷ người may ra mới có 2 người trùng gene nhau. Như vậy, anh chính là cha đẻ của cả 5 đứa trẻ. Anh có mang mẫu sang Nhật, Mỹ hay bất cứ nơi nào trên thế giới để xét nghiệm thì họ cũng khẳng định là con anh”, bà Nga đáp lời ông.
Ông Tâm vẫn chưa tin lắm, một mực cho rằng có kết quả xét nghiệm có sai sót.
(Ảnh minh họa)
“Tôi có bằng chứng, trước khi đến với tôi, cô ta có quan hệ với người này người kia. Đứa con đầu tiên của chúng tôi còn ra đời khi chưa đủ 9 tháng 10 ngày”, vừa nói ông Tâm vừa dở mấy sổ sách ghi chép của mình chỉ trỏ.
Phòng xét nghiệm ADN: Người đàn ông định chối bỏ 5 con đẻ vì nghi ngờ vợ
Thấy ông Tâm có vẻ mất bình tĩnh, bà Nga động viên, khuyên nhủ và nghe người đàn ông kể về “hoàn cảnh” của mình. Sau đó bà Nga khẳng định: “Kết quả mà anh nhận được trên tay khẳng định 5 đứa trẻ là con ruột của anh đều dựa trên cơ sở khoa học. Chuyện phụ nữ sinh con thiếu ngày, thiếu tháng là bình thường, có người còn sinh thiếu tới 1,2 tháng”.
Sau khi nghe lời giải thích khoa học của bà Nga, tâm trạng của ông Tâm vui vẻ hơn hẳn. Ông biết mình đã hiểu lầm vợ. Thiếu chút nữa những lời khích bác độc ác của bạn bè cộng với sự nghi ngờ vô căn cứ khiến gia đình ông tan nát. “May mà có ADN”, ông nói. Ông Tâm xin phép về Lạng Sơn.
Kể từ đó, người đàn ông này dành nhiều thời gian cho gia đình, vợ con hơn. Ngoài thời gian đi làm, ông gần như “đoạn tuyệt” hẳn với bia rượu. Ông nói: “Ai cũng đều có quá khứ, quan trọng là người ta biết vượt lên nghịch cảnh để hoàn thiện số phận mình. Và trong hạnh phúc gia đình, sự đa nghi chính là thủ phạm giết chết tình yêu”.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Em bé bị bỏ rơi cổng chùa được bố mẹ đến nhận
Sau gần hai tháng cô đơn chiến đấu với bệnh tật bẩm sinh, bé trai được bố mẹ đến tìm lại, làm các thủ tục nhận con.
Trưa 16/9, bác sĩ Kim Phúc Thành, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Quận Thủ Đức, cho biết, bệnh viện đã cho gia đình nhận lại bé trai bị bỏ rơi khi kết quả ADN chứng minh quan hệ huyết thống.
Trước đó, giữa tháng bảy, người dân phát hiện một em bé chừng đầy tháng tuổi, sứt môi, mắt lồi, trước cổng chùa An Lạc. Ngoài chiếc áo đang mặc có in logo Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, bé không có bất kỳ giấy tờ, vật dụng tùy thân nào. Vào viện, bé nguy kịch, hôn mê sâu, nhịp tim và mạch rời rạc, trên cánh tay chi chít vết tiêm còn mới, cổ đặt sẵn ống nội khí quản (dụng cụ hỗ trợ hô hấp bằng máy thở).
Bệnh viện vừa điều trị, vừa chủ động liên hệ với các cơ sở y tế trong khu vực, đăng thông tin tìm kiếm người thân cho bé nhưng gần hai tháng không có hồi đáp. Đến ngày 24/8, gia đình biết thông tin con còn sống mới tìm đến Bệnh viện quận Thủ Đức. Mất hai tuần để hoàn tất các thủ tục giám định ADN, chứng minh nhân thân.
Bất ngờ gặp lại sau khi tưởng con đã qua đời, bố mẹ bé quyết định để con tiếp tục điều trị tại Bệnh viện quận Thủ Đức thay vì đưa về bệnh viện gần nhà ở Vĩnh Long. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Theo bác sĩ bệnh viện, khi gặp lại con, anh Nguyễn Chánh Thức (26 tuổi, ngụ Vĩnh Long) kể, bé sinh non và mắc bệnh lý võng mạc ở trẻ sơ sinh nên gia đình đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng 2 chữa trị. Tại đây, bác sĩ đã đề nghị bố hoặc mẹ ký vào biên bản xét nghiệm chọc dò tủy sống, tiên lượng tình trạng rất xấu. Nghĩ rằng bé không qua khỏi, lại thêm đau đớn khi phải chọc dò tủy sống nên gia đình xin đưa bé về nhà. Trên đường về, bé rất yếu, có lúc ngừng thở.
"Tôi cùng người anh ruột mang bé tới chùa An Lạc và gửi cho một ông tên Tâm nhờ lo hậu sự. Trong lòng tôi muốn con được thanh thản nơi cửa Phật, ngày đêm nghe tiếng gõ mõ, đọc kinh để ra đi một cách nhẹ nhàng", bác sĩ thuật lại lời người cha.
Vì sao gia đình đã "gửi cho ông Tâm lo hậu sự", nhưng hôm sau phật tử và trụ trì lại thấy bé bị bỏ rơi, cơ quan chức năng đang xác minh.
Các bác sĩ Bệnh viện Thủ Đức chia sẻ, họ rất thương và khâm phục sức sống mãnh liệt của bé. Bởi, dù rất yếu ớt, suốt một đêm nằm ngoài trời, không được hỗ trợ hô hấp nhưng bé vẫn tự thở qua ống nội khí quản.
"Mọi nỗ lực đã được đền đáp xứng đáng khi hôm nay bé khỏe hơn, trở về trong vòng tay của bố mẹ", bác sĩ Thành nói.
Theo bác sĩ Nguyễn Hà Phương, đại diện Đơn vị Hồi sức nhi, hiện tại em bé có nhiều bệnh nền như viêm phổi mạn, vàng da tắc mật, dị tật bẩm sinh, sinh non. Tròn hai tháng điều trị tích cực, tổng trạng bé cơ bản cải thiện. Cân nặng tăng 1 kg, đạt 2,5 kg. Tuy nhiên, bệnh phổi trở nên mạn tính, bé chỉ tự thở được vài ngày lại phải hỗ trợ thở máy trở lại. Lượng đàm nhớt trong phổi nhiều, khó kiểm soát dù được dùng kháng sinh tốt nhất.
"Tiên lượng bệnh nhi còn khá dè dặt về khả năng rút ống nội khí quản tự thở và điều trị bệnh nền", bác sĩ Phương nói.
Chiếc áo in logo Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ bé mặc khi được tìm thấy. Ảnh: Bệnh viện cung cấp.
Mỗi năm, Bệnh viện quận Thủ Đức tiếp nhận vài ca trẻ bị bỏ rơi tương tự. Có hai trường hợp, sản phụ đau bụng, vào khám, buộc mổ cứu thai. Em bé sinh non, suy hô hấp, thiếu cân phải tách mẹ chuyển lên Đơn vị Hồi sức nhi. Tuy nhiên, mẹ các bé lẳng lặng bỏ đi, để lại con. Các bác sĩ, điều dưỡng thay nhau chăm sóc, góp tiền mua sữa, áo quần. May mắn, quá trình điều trị các bé thuận lợi. Mọi bệnh lý do sinh non được kiểm soát tốt, bé hồi phục và phát triển tốt. Một bé được bà ngoại đón về, một bé không tìm thấy gia đình, chuyển đến trung tâm bảo trợ xã hội.
Hàng trăm hũ tro cốt ở chùa Kỳ Quang 2: Phí xét nghiệm ADN lên tới 5 tỷ đồng? Theo Trung tâm xét nghiệm ADN Genplus, với giá khoảng 6 triệu đồng/ca xét nghiệm ADN hài cốt, tổng chi phí cho 775 ca tại chùa Kỳ Quang 2 có thể lên tới 5 tỷ đồng. Chi phí xét nghiệm ADN có thể lên tới 5 tỷ đồng Những ngày qua, vụ việc hàng trăm hũ tro cốt bị chất xó, di ảnh...