Phóng xạ nguy hiểm hơn bom
Cục An toàn bức xạ và hạt nhân yêu cầu phải có hệ thống giám sát an ninh đối với các nguồn phóng xạ.
Chiều 7-4, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), Sở KH-CN tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng các bên liên quan đã tới Công ty Xử lý rác thải Kbec Vina (xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) để tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất theo tin nhận được từ đường dây nóng của Sở KH-CN.
Kho lưu trữ chưa bảo đảm
Anh Trần Văn Toàn, nhân viên xử lý rác thải của Công ty Kbec Vina, cho biết khoảng 7 tháng trước, anh nhìn thấy một vật giống với nguồn phóng xạ bị mất, bên ngoài bằng inox, trên có màu vàng nhưng không phải kíp giật, cân nặng khoảng 7 kg. Sau đó, anh đã thông báo cho Công an xã Tóc Tiên tới làm việc nhưng vì không phát hiện gì nên nó được ném trở lại bãi rác thải. Theo ông Dương Trọng Phương, Phó Công an xã Tóc Tiên, ngay khi nhận được thông tin, công an xã đã đến hiện trường để nắm thông tin về vật lạ trên. “Vì nghi ngờ là chất gây nổ nên chúng tôi đã yêu cầu không được đụng vào và sau đó báo cho huyện đội” – ông Phương nói.
Anh Trần Văn Toàn trình bày việc phát hiện một vật giống với nguồn phóng xạ bị mất Ảnh: NGỌC GIANG
Ông Phương cũng cho biết vật thể có đường kính khoảng 10 cm, dài 60 cm, màu trắng, bên trên không phát hiện kíp và ở giữa không thấy màu vàng cảnh báo như hình của nguồn phóng xạ bị mất. Ngoài ra, nguồn phóng xạ bị mất nặng 45 kg nhưng vật mà anh Toàn nhìn thấy lại chỉ nặng khoảng 7 kg. “Anh Toàn có cầm vật thể đó và đi bộ một đoạn khá dài nên nó không thể nặng tới 45 kg được” – ông Phương khẳng định.
Được biết, hiện vật thể trên đã bị chôn vùi dưới rác thải nên việc dò tìm gặp nhiều khó khăn và thiết bị dò tìm vẫn chưa có thêm thông tin gì về việc phát hiện ra nguồn phóng xạ.
Video đang HOT
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, cho biết sau khi xảy ra vụ việc mất nguồn phóng xạ ở TP HCM trước đây, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân đã có kiến nghị sửa đổi Thông tư 23/2010/TT-BKHCN về quản lý nguồn phóng xạ, trong đó yêu cầu các nguồn phóng xạ di động có hoạt động lớn, sử dụng trong chụp ảnh phóng xạ công nghiệp, khi vận chuyển phải có hệ thống giám sát an ninh. “Điều đó để bảo đảm trong bất kỳ tình huống nào, cơ quan quản lý cũng biết được nguồn phóng xạ đang ở đâu” – ông Tấn lý giải.
Theo ông Tấn, trước khi nhập nguồn phóng xạ, nếu không sử dụng cũng phải có giấy phép để đưa vào kho lưu giữ. Trong trường hợp tháo ra để sửa chữa thì phải thông báo cho bên quản lý biết và xem xét xem họ có chứng chỉ tháo lắp hay không. Nếu hết hạn sử dụng và muốn thay thế nguồn khác, thậm chí vứt bỏ, cũng phải có giấy phép. “Riêng đối với trường hợp của Công ty Pomina 3, kho lưu trữ nguồn phóng xạ của doanh nghiệp này chưa bảo đảm về an ninh” – ông Tấn nhận định.
Khẩn trương gắn thiết bị định vị
Cùng ngày, UBND TP HCM đã họp đột xuất về việc quản lý, giám sát, bảo đảm an toàn cho thiết bị chứa nguồn phóng xạ trên địa bàn.
Tại TP HCM cũng từng xảy ra việc mất thiết bị chứa nguồn phóng xạ dùng trong công nghiệp của Công ty TNHH Apave – châu Á – Thái Bình Dương (Chi nhánh TP HCM) vào ngày 15-9-2014. May mắn, thiết bị trên đã được tìm thấy ở khu vực đường Vườn Lài, phường Phú Thọ Hòa, quận Tân Phú sau 4 ngày bị mất. Sau đó, UBND TP HCM đã yêu cầu Sở KH-CN phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch – ICDREC (ĐHQG TP HCM) khảo sát và lắp đặt thiết bị định vị vào từng thiết bị chứa nguồn phóng xạ. Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại, việc này vẫn chưa được các đơn vị liên quan thực hiện.
Giải thích sự chậm trễ trên, TS Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC, cho biết kỹ thuật và phần mềm hệ thống lắp đặt đã chuẩn bị sẵn nhưng để triển khai thì đề nghị TP duyệt đề tài nghiên cứu. Phó Chủ tịch UBND TP Lê Mạnh Hà phản bác ngay: “Đề nghị làm đề tài gì nữa. Đã có sẵn kỹ thuật và phần mềm hệ thống thì phải triển khai trên thực tế luôn”. Ông Hà đặt vấn đề: “Giờ mà bị mất nữa thì tính sao? Để thiết bị có chứa nguồn phóng xạ lang thang ngoài đường là rất nguy hiểm, còn hơn quả bom. Phải làm ngay, không chậm trễ được nữa”. Ông Hà yêu cầu Sở KH-CN và ICDREC ngay trong ngày 8-4, phải đến từng nơi có chứa nguồn phóng xạ để gắn thiết bị định vị. “Chúng ta đừng loay hoay nữa. Sự nguy hiểm của việc nguồn phóng xạ bị thất lạc mới quan trọng vì nó ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân” – ông Hà lưu ý.
Theo Phó Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Khắc Nam, hiện trên địa bàn TP có hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ, trong đó có 124 thiết bị phóng xạ di động (thường xuyên di chuyển trong quá trình sử dụng). Lâu nay, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nắm đơn vị nào có, số lượng bao nhiêu, đặc tính từng thiết bị ra sao, còn việc kiểm soát hầu như do từng đơn vị sở hữu thiết bị tự đảm trách. “Đây là một nguy cơ về sự thiếu an toàn trong việc quản lý thiết bị đặc thù” – ông Nam nhận định.
Nguy cơ ung thư cao nếu tiếp xúc
Một nhà khoa học tại Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết Co-60 là một trong các đồng vị phóng xạ của Coban (Co). Đồng vị phóng xạ nhân tạo Coban-60 được sử dụng làm tác nhân kiểm tra phóng xạ và điều trị ung thư. So với vụ việc bị mất thiết bị có chứa phóng xạ Iridium 192 ở TP HCM thì thiết bị có chứa phóng xạ Co-60 ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nguy hiểm hơn. Đồng vị Co-60 là kim loại phóng xạ dùng trong xạ trị, nó tạo ra hai tia gamma với năng lượng lần lượt là: 1,17 MeV và 1,33 MeV. Nguồn Co-60 hữu dụng trong vòng khoảng 5 năm nhưng ngay cả sau thời điểm này, mức độ phóng xạ vẫn rất cao. Vì vậy, máy móc dùng Coban đã không còn được sử dụng rộng rãi ở phương Tây. Hiện nay, đồng vị Coban-60 dùng làm nguồn tạo tia gamma trong xạ trị, tiệt trùng thực phẩm theo phương pháp Pasteur hay dùng trong công nghiệp hạt nhân để tìm sai sót kết cấu của những bộ phận bằng kim loại. Bột kim loại Coban dễ bùng cháy khi tiếp xúc với lửa, các hợp chất của nó phải được xử lý cẩn thận do có độc tính nhẹ. Co-60 là nguồn phát ra tia gamma mạnh nên tiếp xúc với nó sẽ dẫn đến nguy cơ ung thư. Khi bị nhiễm xạ ngoại chiếu với Co-60 có thể bị bỏng, thậm chí tử vong. Khi tháo dỡ và mở nguồn phóng xạ này thì ngay lập tức sẽ bị nhiễm xạ ngoại chiếu, với nguồn lớn có thể gây tử vong. Mức độ ảnh hưởng của Co-60 tùy thuộc vào khoảng cách tiếp xúc, càng gần thì càng nguy hiểm.
Theo Người Lao Động
'Mất thiết bị phóng xạ nữa là... thôi rồi!'
Đó là lưu ý của Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà với lãnh đạo các sở ngành liên quan về mức độ nguy hiểm của việc mất thiết bị có chứa nguồn phóng xạ trên địa bàn
Ông Lê Mạnh Hà: "Mất thiết bị phóng xạ nữa là... thôi rồi!".
Sáng 7.4, UBND TP.HCM tổ chức cuộc họp đột xuất liên quan đến việc quản lý, giám sát, đảm bảo an toàn cho thiết bị chứa nguồn phóng xạ trên địa bàn thành phố.
Theo ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó giám đốc Sở Khoa học - Công nghệ, trên địa bàn thành phố thống kê có hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ của các đơn vị, trong đó có 124 thiết bị phóng xạ di động (thường xuyên được di chuyển trong quá trình sử dụng).
Lâu nay cơ quan nhà nước thường chỉ biết là đơn vị nào có, số lượng bao nhiêu thiết bị, đặc tính từng thiết bị ra sao..., còn việc kiểm soát hầu như do từng đơn vị sở hữu thiết bị tự đảm trách. Đường đi của thiết bị như thế nào trong tình huống bị mất, thất lạc thì không thể nào kiểm soát được. Do đó, đây là một nguy cơ về sự thiếu an toàn trong việc quản lý thiết bị có tính chất đặc thù.
Tại TP.HCM từng xảy ra mất cắp thiết bị chứa nguồn phóng xạ hạt nhân dùng trong công nghiệp của Công ty TNHH Apave Châu Á - Thái Bình Dương chi nhánh TP.HCM vào ngày 15.9.2014. Bốn ngày sau, thiết bị may mắn được tìm ra ở khu vực đường Vườn Lài, P.Phú Thọ Hòa, Q.Tân Phú.
Ngay sau đó, UBND TP.HCM đã yêu cầu Sở Khoa học - Công nghệ phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC, thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM) khảo sát và lắp đặt thiết bị định vị vào từng thiết bị chứa nguồn phóng xạ để quản lý, theo dõi.
Nhưng cho đến cuộc họp diễn ra vào sáng 7.4, việc này vẫn chưa được các đơn vị liên quan thực hiện theo chỉ đạo của UBND thành phố.
"Đụng chuyện thì sôi động lên, sau đó thì lại im lặng, chìm xuống. Vụ này cũng tương đối chìm. Giờ thì không chậm trễ được nữa", ông Hà nói.
Tiến sĩ Ngô Đức Hoàng, Giám đốc ICDREC cho biết kỹ thuật và phần mềm hệ thống lắp đặt đã chuẩn bị sẵn. Tuy nhiên, để triển khai, tiến sĩ Hoàng đề nghị thành phố duyệt đề tài nghiên cứu.
Ông Hà nói ngay: "Đề nghị làm đề tài gì nữa, đã có sẵn kỹ thuật và phần mềm hệ thống thì phải triển khai trên thực tế luôn".
Ông Hà yêu cầu Sở Khoa học - Công nghệ và ICDREC ngay trong ngày mai 8.4 đến từng địa chỉ cụ thể và gắn luôn thiết bị định vị, không chần chừ nữa.
"Để thiết bị lang thang ngoài đường là còn hơn quả bom. Mất thiết bị phóng xạ nữa là thôi rồi. Chúng ta đừng loay hoay nữa. Nguy hiểm nguồn phóng xạ nếu thất lạc mới là quan trọng, vì để ảnh hưởng đến sức khỏe người dân thì tiền nào lo cho đủ", ông Hà lưu ý.
Theo Dân Trí
Nguồn phóng xạ bị thất lạc đã bị đục để lấy chì? "Nguồn phóng xạ Co-60 có thể đã mất từ trước khi Công ty Pomina 3 trình báo khá lâu, nên nhiều khả năng đã bị đục để lấy chì", Ông Mai Thanh Quang, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận định. Ông Mai Thanh Quang, cho biết, 13h30 chiều nay (7.4), đoàn tìm kiếm nguồn phóng xạ Co-60 bị...