Phóng viên bị công an xã bao vây, giật máy ảnh khi đang tác nghiệp
Khi phóng viên vừa chuẩn bị xuất trình giấy tờ để xin tác nghiệp, Phó Chủ tịch xã lập tức yêu cầu Trưởng công an xã đến đuổi phóng viên. Lực lượng công an xã đã xô đẩy, giật máy ảnh, ngăn cản phóng viên tác nghiệp.
Sáng ngày 22/9, ông Trần Trung Hiển – Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Đắk Lắk, cho biết, đơn vị đã nắm bắt được vụ việc anh Đỗ Thanh Hải – Phóng viên VTC News thường trú tại Tây Nguyên bị lực lượng công an xã Cư Kpô (huyện Krông Púk) bao vây, giật máy ảnh, ba lô khi đang tác nghiệp.
“Sở đã giao cho Phòng Báo chí – Xuất bản trực tiếp liên hệ với anh Thanh Hải để tiếp nhận vụ việc và hướng dẫn phóng viên làm các thủ tục theo quy định. Riêng Sở có trách nhiệm liên hệ với các đơn vị liên quan để có hướng giải quyết đúng quy định pháp luật”, ông Hiển cho hay.
Phóng viên Thanh Hải (mặc áo đen) bị công an xã và dân quân bao vây cản trở tác nghiệp
Trước đó, vào sáng ngày 21/9, anh Đỗ Thanh Hải cùng một số phóng viên báo khác đến đến khu vực chính quyền xã Cư Kpô cưỡng chế để lấy mặt bằng để xây dựng nhà văn hóa thôn Nam Tân. Tại đây, anh đã trực tiếp liên hệ với ông Nguyễn Viết Mùi – Phó Chủ tịch UBND xã Cư Pô (chủ trì buổi cưỡng chế) để xin phép tác nghiệp. Tuy nhiên, khi phóng viên chuẩn bị xuất trình giấy tờ thì ông Mùi bất ngờ dùng loa gọi cho ông Lê Tuấn Anh là Trưởng công an xã đến đuổi anh Hải ra ngoài.
“Vừa nghe lệnh của Phó Chủ tịch xã, ngay lập tức rất đông công an xã, dân quân vây kín tôi rồi xô đẩy giật lấy máy ảnh, ba lô tôi mang trên người làm rách ba lô và hư hỏng cả máy ảnh; hành động của họ vô cùng thô bạo nên tôi rất bất bình”, anh Hải bức xúc nói.
Video đang HOT
Máy ảnh của phóng viên bị hư hỏng sau khi bị công an giật lấy
Cũng theo anh Hải, sau khi anh phản ánh sự việc lên công an huyện vào chiều cùng ngày ông Nguyễn Văn Huệ – Chủ tịch UBND xã Cư Pô đã mời anh đến để chính thức xin lỗi trước hành động thái quá của công an xã cùng dân quân và hứa sẽ xử lý vụ việc. Tuy nhiên, việc người anh bị trầy xước và máy ảnh bị hư hỏng vị Chủ tịch đã từ chối giải quyết và lấy lý do anh tác nghiệp mà không xin phép ủy ban.
“Tôi muốn ông Phó Chủ tịch xã cùng công an phải chính thức xin lỗi tôi, đồng thời, phải đền bù những thiệt hại đã gây ra cả vật chất lẫn tinh thần”, anh Hải nói thêm.
Sau khi xảy ra xô xát tại buổi cưỡng chế, anh Hải đã được đồng nghiệp đưa đến Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ để theo dõi thêm.
Ông Đỗ Văn Xuyền – Trưởng Công an huyện Krông Púk, cho biết, anh Hải đã đến cơ quan công an để phản ánh về vụ việc và có trình bày clip ghi lại toàn bộ sự việc. Phía công an huyện sẽ tiến hành xử lý vụ việc theo quy định.
Thúy Diễm
Theo Dantri
Án tù cho một "quan huyện", bốn "quan" xã vì 302 suất đất cấp, bán trái phép
Trong thời gian từ năm 2006 đến 2014, lợi dụng chức vụ và quyền hạn khi thi hành công vụ. Bốn "quan" xã của xã Vũ Bản, và một "quan" của huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam đã cấp, bán đất, thu tiền bán đất trái phép cho hơn 302 hộ.
Trong 2 ngày, từ ngày 20 đến ngày 21/9, tại trụ sở UBND xã Vũ Bản, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam, TAND tỉnh Hà Nam tổ chức xét xử công khai, lưu động vụ án hình sự sơ thẩm về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với bốn "quan" xã và một quan "huyện".
Các bị cáo gồm: Trần Bá Toàn (SN 1954) nguyên là Chủ tịch UBND xã Vũ Bản, Đặng Hữu Phú (SN 1963) nguyên là cán bộ địa chính xã Vũ Bản, Khổng Quang Chư (SN 1959) nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Bản, Trần Thị Phượng (SN 1965) nguyên là kế toán, tài chính của UBND xã Vũ Bản và Nguyễn Quang Hưng (SN 1978) nguyên là Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Lục.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Nam, trong thời gian từ năm 2006 đến 2014, Trần Bá Toàn (lúc này là chủ tịch xã Vũ Bản) đã chỉ đạo cho Khổng Quang Chư, Đặng Hữu Phú và Trần Thị Phượng thực hiện việc cấp, bán đất, thu tiền bán đất trái phép tổng cộng với trên 302 hộ (301 hộ cấp bán chuyển nhượng, 1 hộ chuyển mục đích sử dụng).
Các bị cáo trước vành móng ngựa
Trong đó, các bị cáo đã giao đất cho 298 hộ với tổng diện tích gần 61.000 m2, 3 hộ chưa giao đất, 1 hộ chưa chuyển mục đích sử dụng đất. Tổng số tiền thu từ việc cấp, bán đất trái phép là gần 10 tỷ đồng, trong đó tiền thu có phiếu thu của UBND xã Vũ Bản là trên 7,15 tỷ đồng.
Cá nhân Đặng Hữu Phú và Khổng Quang Chư thu từ việc cấp, bán đất trái phép không sử dụng phiếu thu là hơn 3 tỷ đồng (Đặng Hữu Phú thu gần 2,55 tỷ đồng, Khổng Quang Chư thu trên 500 triệu đồng).
Đối với số tiền hơn 7,15 tỷ đồng, Trần Bá Toàn đã chỉ đạo Trần Thị Phượng làm thủ tục nhập quỹ và gửi vào tài khoản của UBND xã Vũ Bản là trên 5,7 tỷ đồng nhưng giấu nguồn thu để rút ra chi đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng và chi đền bù hết. Còn hơn 1,4 tỷ đồng, Trần Bá Toàn chỉ đạo Trần Thị Phượng để ngoài hệ thống sổ sách kế toán để chi cho các hoạt động thường xuyên của Đảng ủy, UBND xã Vũ Bản đã hết, đến nay không có khả năng thu hồi.
Để hợp pháp hóa việc cấp, bán đất trái phép làm thủ tục đề nghị cấp có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân, Trần Bá Toàn tiếp tục chỉ đạo Đặng Hữu Phú liên hệ với Nguyễn Quang Hưng là Phó Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Bình Lục, thẩm định hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Thấy hồ sơ chưa đảm bảo theo quy định nên Nguyễn Quang Hưng cùng với Phú lập khống các biên bản, giấy tờ... rồi lập tờ trình để trình Giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thẩm định hồ sơ đề trình UBND huyện Bình Lục ra quyết định cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Với những vi phạm nghiêm trọng trên, TAND tỉnh Hà Nam đã tuyên phạt Trần Bá Toàn 10 năm tù, Đặng Hữu Phú 10 năm, Khổng Quang Chư 8 năm, Trần Thị Phượng 6 năm và Nguyễn Quang Hưng 18 tháng.
Thanh Thủy
Theo Dantri
Nhập vai cửu vạn cõng hàng lậu Giáp tết, được tòa soạn giao đề tài về tình trạng buôn lậu qua biên giới, tôi suy nghĩ rất nhiều: Nếu chỉ phản ánh đơn thuần như các báo khác, như các năm khác thì sẽ khó gây được ấn tượng mà hiệu quả tuyên truyền, ngăn chặn không cao. Xâu chuỗi lại các thông tin, tôi nhận thấy mỗi năm, thủ...