Phỏng vấn: “Công ty có cuộc họp không thể vắng nhưng bố mẹ phải nhập viện, bạn sẽ làm gì?”, nam sinh tỉnh bơ đáp trả cực phũ phàng
Nếu bị đặt trong tình huống phải trả lời câu hỏi trên, bạn sẽ làm gì?
Mục tiêu của một công ty khi tuyển dụng không chỉ để tìm ra nhân viên, mà còn một người thích hợp ngồi vào vị trí còn khiếm khuyết để phát huy hết tài năng Và khi ứng viên đi săn việc làm cũng là một quá trình lựa chọn 2 chiều, không chỉ để thể hiện ưu điểm mà cũng là tìm hiểu kỹ hơn về nhà tuyển dụng.
Bởi vậy, không chỉ đơn giản xoay quanh việc nhìn CV và đôi ba câu hỏi nằm lòng như thông tin cá nhân – kinh nghiệm làm việc…, mà nhà tuyển dụng ngày nay thường lồng ghép các câu hỏi xử lý tình huống khéo léo. Tuy nhiên, câu hỏi phải sao cho liên quan đến công ty, nếu không dễ trở thành “trò cười” trong group làm việc như trường hợp dưới đây.
Một anh chàng tâm sự tìm thấy bài đăng tuyển dụng quản lý cửa hàng thời trang thì đã appy thử. Sau đó, nam sinh nhận được email phản hồi của HR yêu cầu làm phỏng vấn online trước. Tuy nhiên trong đơn khảo sát lại xuất hiện 2 câu hỏi khá khó hiểu:
Câu 1: “ Tổng tài sản của bạn đang sở hữu hiện tại là bao nhiêu” với 4 phương án: Dưới 100 triệu – Từ 100 triệu đến dưới 500 triệu – Từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ – Trên 1 tỷ.
Câu 2: Hôm nay có cuộc họp rất quan trọng với công ty mà không ai được phép vắng mặt, nhưng bố/mẹ bạn phải vào viện cấp cứu đột xuất, bạn sẽ làm thế nào?
(Ảnh: NB Nguyen)
(Ảnh: NB Nguyen)
2 câu hỏi đều ở dạng bắt buộc phải trả lời. Nam sinh tâm sự thêm đây là cửa hàng thời trang cao cấp và mức lương đang apply rơi vào khoảng 15-20 triệu đồng. Nam sinh cũng cho biết, ngoài 2 câu trên thì mẫu đơn còn khá dài, thiên về các câu hỏi xử lý tình huống khá bình thường.
Rất nhiều dân mạng đã bình luận vào bài đăng của chàng nam sinh này. Phần lớn đều cảm thấy vô cùng khó hiểu trước nội dung của 2 câu hỏi. Ở câu thứ nhất, tổng tài sản là vấn đề khá nhạy cảm không phải ai cũng tiện nói ra, thậm chí với gia đình cũng chưa chắc sẵn sàng bày tỏ.
Ở câu thứ 2 lại càng lạ đời hơn khi đặt một bên là công việc – một bên là tính mạng của cha mẹ là điều không nên mang ra so sánh. Câu hỏi cũng đưa ứng viên vào thế khó: Nếu chọn đi làm thì bị coi bất hiếu, nhưng nếu đến với cha mẹ trong bệnh viện thì bị coi không làm tròn trách nhiệm với công ty.
Cũng có bình luận cho rằng, mẫu đơn này dài và khó hiểu nhưng thực chất chỉ là “cú lừa”. Đơn này chỉ mang tính chất xem ứng viên nào thực sự tâm huyết với công ty thì sẽ hoàn thành chúng. Nam sinh cho biết đã không hoàn thành đơn và kể cả nếu được vào phỏng vấn trực tiếp cũng sẽ không đi làm cho công ty đó.
Một số câu hỏi khác. (Ảnh chụp màn hình)
Rất nhiều giả thiết và câu trả lời hài hước của dân tình góp ý cho nam sinh này.
Bạn Trinh Nhi cho hay có thể mẫu đơn là “cú lừa” để nhà tuyển dụng lọc ra ứng viên tâm huyết: “ Mình vừa thử form theo link bạn gửi, thực ra nó là 1 bản khảo sát online khá sơ sài thì đúng hơn. Và nếu xét theo góc độ của người làm nhân sự thì form này chưa đúng mẫu, nên bạn cứ thoải mái theo cách mình nghĩ.
Cấu trúc vàng của 1 bản khảo sát là 70/30, trong đó 70% đánh vào chủ đề chính, 30% câu hỏi vờn. Vì thế mà trong các bản khảo sát có một số câu cảm giác không được liên quan cho lắm. Chúc bạn sớm tìm được công việc yêu thích“.
Còn bạn Hà Minh lại cho biết có thể câu số 2 lấy ngay trong tình huống thực tế đã từng xảy ra trước đó: “Câu 1: Trên 1 tỷ. Câu 2: Dùng tiền để gọi dịch vụ cấp cứu tốt nhất đưa bố/mẹ đi bệnh viện sau đó gọi Trưởng bộ phận xin phép nghỉ. Câu 2 đã có trường hợp xảy ra bên ngoài rồi nhé. 1 anh có vợ đi đẻ gọi điện cho nhân sự thông báo, nhân sự này kêu phải quay clip trực tiếp vợ anh đó đẻ. Rất nhanh nhẹn, anh đã gọi điện thông báo nghỉ việc luôn. Mạng người quan trọng, đừng nên mang ra đùa kiểu đó“.
Những câu hỏi tuyển dụng khiến ai đọc cũng bối rối. (Ảnh minh họa)
Bạn Bùi Tuấn chia sẻ cách đáp trả lại phía công ty cực gắt:
“ Câu 1: Công ty thời trang cao cấp và trả bạn mức lương 15 – 20 triệu. Thì yêu cầu với nhân sự cũng phải khác với công ty trung cấp và bình dân. Họ hỏi tổng tài sản của bạn để có thể xem tổng quan về bạn, có phù hợp đẳng cấp công ty không. Dĩ nhiên tất cả đáp án đều ổn, trừ cái trên 1 tỷ. Vì dễ khiến nghĩ bạn đi làm vì đam mê, hoặc có ý cợt nhả với công ty.
Câu 2: Một câu hỏi mở, với nhiều đáp án. Quan trọng là bạn xử lý tình huống thế nào, có phù hợp cân đối được cả chuyện công và riêng không? Bạn mà trả lời kiểu: ‘Tôi kệ bố mẹ tôi, tôi vẫn ngồi họp vì trách nhiệm với công ty’ cũng chưa chắc được nhận vì bất hiếu quá.
Mình không nghĩ công ty thời trang cao cấp có kinh nghiệm lại bắt bạn phải ngồi họp trong trường hợp đó. Vì bạn ngồi đấy tinh thần bất ổn nhưng lại lo lắng ở chỗ khác, họp sao được, ảnh hưởng người khác. Suy cho cùng bài test này cũng hay ho ghê”.
Còn bạn, bạn thấy sao về màn tuyển dụng “lạ đời” này?
Video đang HOT
Nghe 2 bạn trẻ kể chuyện từng tự tử và trải nghiệm cảm giác cận kề cái chết: Muốn chết cũng khó lắm, cứ chai mặt sống đi rồi mọi việc sẽ ổn cả
"Bây giờ, em không còn tư duy phán xét khi thấy báo chí đưa tin có bạn này, bạn kia tự tử nữa." - K. chia sẻ.
"Bố mẹ nuôi lớn bằng từng này rồi mà lại tự tử, bất hiếu quá!"
"Bọn trẻ con thời nay bồng bột và thích bi kịch hóa mọi chuyện thật. Chẳng hiểu chúng nó có thương bố mẹ không mà lại hành động như vậy!"
"Chúng nó chết rồi thì còn biết gì nữa, chỉ có gia đình khổ thôi..."
Đây là những lời bình luận, chia sẻ mà chúng tôi ghi nhận được từ cộng đồng mạng sau khi thông tin về những trường hợp người trẻ tự tử, dù vì bất cứ lý do gì: tình yêu, sự nghiệp, hay bế tắc cuộc sống chất chồng.
Người lớn thì lắc đầu ngán ngẩm, những người trẻ khác thì bông đùa cười cượt "đúng là trẻ con chưa trải sự đời". Nhưng hình như chúng ta đã quên mất một sự thật rằng cuộc đời của mỗi người là khác nhau và nỗi đau hay sự tuyệt vọng, vì thế cũng sẽ khác.
Trong đám trẻ mà tôi quen, có 2 đứa em đã từng "thử chết" không dưới 2 lần vào những năm tháng 20 của chúng.
Khi được hỏi các em có ngại chia sẻ về trải nghiệm ấy của mình không, chúng buông thõng một câu " úi giời", kèm theo lời nhắn nhủ " có gì đâu mà ngại, chị đừng cho mặt em lên báo là được!"
Vậy là chúng tôi gặp nhau, để xem " lũ bồng bột ấy nghĩ cái gì mà lại hành động như vậy?"
"Chẳng có tác động nào mang tính châm ngòi cho hành động của em đâu"
Tôi quen H. từ 4 năm trước, khi em mới 20 tuổi, trong một nhóm kín dành cho những người có bất ổn về tâm lý. Câu hỏi "chị ơi khám trầm cảm thì nên tới đâu nhỉ" đã khiến chúng tôi chơi với nhau đến tận giờ.
Từ một thằng nhóc hễ cứ mở miệng là than "đời em như hạch", H. đã trở thành một thanh niên khá bảnh trai, và quan trọng hơn là em đang tận hưởng cuộc sống của mình, thay vì chửi nó như những tháng ngày trước kia.
" Ban đầu, em không cũng không biết mình bị làm sao mà cứ cảm thấy chán nản với cuộc sống. Cho đến khi cảm giác ấy gây ra những hậu quả mà em không thể kiểm soát được nữa, ví dụ như một dãy F trong bảng điểm, em quyết định đi khám."
H. bị chẩn đoán mắc trầm cảm và tăng động giảm chú ý. Có những đợt, em kể mình đang điều trị bằng đơn thuốc bác sĩ kê, nhưng em luôn dùng từ "bị điên" để nói về mình thay cho bất cứ cái tên khoa học nào.
" Em nghĩ bị điên nghe đỡ nặng nề hơn, và nghĩ thì nó cũng vui mà."
Miệng thì nói "vui" nhưng bản thân H. đã từng nung nấu ý định tự kết liễu cuộc đời mình không dưới 3 lần.
" Dùng thuốc được kê, em ngủ mê man cả ngày. Em biết đó là tác dụng phụ và ít nhất phải 2 tuần, nó mới hết nhưng em không chịu được nên em bỏ thuốc.
Em cũng không nhớ rõ ý nghĩ muốn chết xuất hiện như thế nào, vào lúc nào vì trí nhớ em kém mà. Em từng ngồi trên đường tàu hồi em đi du học ở Pháp, nhưng em không nhảy xuống một phần vì em nghĩ chết vậy rồi sao về quê được.
Có lần khác, em trèo hẳn ra ban công tầng 26 của chỗ em ở. Em đứng ở ngoài rồi, tay cũng không bám víu vào đâu cả nhưng hôm đó trời lặng gió, nên em không rơi."
H. bình thản và có phần cười cợt khi kể lại câu chuyện của em, cứ như thể đó là việc đi ăn, đi chơi chứ không phải những khoảnh khắc em chuẩn bị từ bỏ cuộc sống.
" Lúc đó, em chẳng nghĩ được đến ai hay điều gì đâu và cũng chẳng có tác động nào to tát khiến em bị kích động quá mà hành động bồng bột cả. Sự chán nản, ức chế tích tụ từng ngày, đến một khoảnh khắc em thấy cuộc đời mình không có lối thoát được, sống mệt quá nên em muốn chết cho đỡ mệt thôi.
Cũng có lần em viết thư cho ông bà và một vài người bạn thân trước khi định "nhảy". Nhưng đến giờ những lá thư ấy vẫn chưa đến tay người cần nhận."
Khi được hỏi những sự chán nản tích tụ từng ngày mà em đề cập là gì, H. kể đó là chuyện làm sao mà học lại được 6,7 môn dính điểm F trong danh sách tín chỉ, là những câu hỏi gây khó chịu từ hàng xóm, như kiểu "cháu đi làm chưa, lương bao nhiêu" và cả những lần cãi vã với bạn gái.
" Thành thật mà nói, em chưa bao giờ hy vọng sẽ có người hiểu được cảm giác của mình. Em chỉ mong đừng ai nói với em những câu sáo rỗng như mày phải vui lên, cố gắng lên,... Không nói gì và ôm em một cái là em đã thấy cảm kích và biết ơn lắm rồi. Nhưng không có ai như vậy cả."
Đến đây, tôi hiểu những ức chế của H. đúng là một sự tích tụ từ ngày này qua tháng khác. Cảm giác chán sống, cùng cực tuyệt vọng đâu phải đột nhiên mà xuất hiện chình ình trong em được. Dẫu vậy, thật may là giờ em vẫn ngồi trước mặt tôi, cười đùa khi kể lại câu chuyện của mình và nguyên nhân của sự may mắn này cũng khiến tôi giật mình vì bất ngờ.
" Em nuôi một con mèo, rồi em nghĩ giờ mình chết thì bố mẹ, bạn bè cũng buồn đấy nhưng rồi kiểu gì họ cũng sống tiếp được thôi. Còn con mèo của em mà không có em thì không sống được, không ai cho nó ăn, nó đói mà chết mất.
Với cả, có nhiều kinh nghiệm chán đời rồi nên em biết được những tác động khiến em sợ sống để mà tránh. Em cũng hack được não em rồi, giờ em chán đời thì em biết là não em đang thiếu endorphins đấy. Cái đó thì khắc phục được bằng cách hoạt động mạnh như chạy bộ chẳng hạn."
Chán đời đến mức biết cách để sống vui, quả thực dù đã quen H. hơn 4 năm nhưng tôi không nghĩ cậu em của mình lại có lối tư duy... thú vị đến mức này.
" Em không dám tự tin là mình sẽ từ bỏ hẳn được ý định kia đâu. Nếu có sự việc nào quá sức chịu đựng mà em không cách nào tránh được, thì chắc em cũng sấp mặt đấy! Nhưng để nói là có tự tin đối mặt với cuộc sống và những điều không như ý hay không, thì câu trả lời là có. Giờ em tự tin sống hơn nhiều rồi!"
"Cảm giác chết thất bại ám ảnh gấp trăm lần việc phải sống trong sự buồn chán tuyệt vọng, nên em chọn sống!"
Bằng tuổi H. và hai đứa cũng biết nhau, nhưng câu chuyện của K. - cô em 24 tuổi có phần ám ảnh hơn với em.
K. thừa nhận việc chia tay người yêu là khởi nguồn của cú rơi tự do trong cuộc sống của em.
" Mối quan hệ của em với bố mẹ không tốt, bố mẹ chiều em lắm chứ không bao giờ ép uổng em làm gì cả. Nhưng không hiểu vì sao, em không bao giờ tâm sự được với bố mẹ. Hồi đó, người yêu vừa là bạn, vừa là chỗ dựa, vừa là người hỗ trợ em trong mọi mặt của cuộc sống.
Thế nên, chia tay người yêu xong, em cảm giác mình mất tất cả, không còn lại gì hết.
Nhưng em chưa có định chết ngay lúc đó đâu.
Em thấy các bạn em vượt qua chuyện chia tay dễ lắm, còn em thì hơn 1 năm vẫn vật vờ, mỗi ngày mở mắt ra là thấy sợ, không biết nên làm gì để ngày hôm nay ngắn lại. Đến 1 ngày, em muốn kể hết câu chuyện của mình cho người khác nhưng em không tìm được ai chịu nghe mà không khuyên này khuyên kia, chỉ đơn giản là nghe em kể thôi. Vậy là em tìm một chuyên gia tâm lý, trả tiền cho họ với cái giá 400k/1h trò chuyện chỉ với mong muốn là có người nghe mình nói.
Nhưng chuyên gia khuyên em nên đi khám tâm thần. Em cũng nghe. Em khám ở Viện Tâm thần Bạch Mai. Kết quả là em bị trầm cảm nặng. Em mua hết 1.500.000đ thuốc nhưng em bỏ sau 3 ngày. Uống thuốc vào em bị chóng mặt đến mức không đứng được vững, tay chân luc nào cũng run trừ lúc ngủ."
K. kể, bỏ thuốc xong em vẫn sống "bình thường" sau khi tách khỏi chỗ dựa duy nhất của mình.
Không có người yêu, một ngày của K. bắt đầu vào lúc 11h trưa, vì đêm nào em cũng đi pub và nốc rượu cho say khướt đến 1-2h sáng mới về. Buổi chiều em đi làm kiếm tiền để phục vụ cho nhu cầu giải tỏa nỗi buồn của mình. Vòng tròn ấy lặp đi lặp lại suốt hơn 1 năm.
" Người ta bảo đi đêm lắm có ngày gặp ma đó chị. Có một hôm tối, em qua nhà thằng bạn thân uống rượu. Bạn thân 2-3 năm rồi mà, em tin bạn em chứ. Nhưng cuối cùng, em bị xâm hại. Thân xác em thì không bị thương chút gì, bạn cũng xin lỗi em sau đó.
Nhưng em cảm thấy niềm tin của em vào mọi thứ bị vỡ vụn. Người em yêu nhất bỏ em. Bạn thân mà em rất tin tưởng cũng làm như vậy. Lúc đó, em không còn biết tìm cách nào để có niềm tin sống tiếp nữa."
Tôi bất chợt không biết phải tiếp tục cuộc trò chuyện với K. ra sao sau khi biết sự việc này. Bất cứ câu hỏi nào cũng có thể cứa vào vết thương trong quá khứ của em.
" Chị không cần cảm thấy thương hại em đâu. Thực ra em cũng có lỗi khi quá tin tưởng vào bạn mình. Nhưng mãi sau này, khi em sợ chết hơn sợ sống, em mới hiểu được rằng mọi chuyện xảy ra với mình, dù có như ý mình hay không thì cũng đều có một phần lỗi của mình trong đó."
Sự cố xảy ra với cậu bạn thân là giọt nước tràn ly, khiến K. quyết định vỗ 5 viên Seduxen vào miệng sau khi đã uống đầy một bụng rượu.
" Đây là thuốc ngủ tác dụng mạnh, bình thường người ta chỉ uống nửa viên thôi và nó có tác dụng phụ với rượu. Em biết nên em dùng cả 2 vì em nghĩ vậy thì mình chết nhanh và dễ hơn.
Nhưng tưởng tượng với thực tế khác nhau một trời một vực. Cảm giác ám ảnh em nhất chính là em nhận thức được em đang mở mắt nhưng em không nhìn được gì cả, cũng không hô hấp được bình thường nữa. Em đọc trên mạng, thấy người ta viết là trước khi tắt thở mình sẽ hồi tưởng lại những kỷ niệm vui của đời mình rồi từ từ chìm vào thế giới khác.
Có thể em chọn cách không tự nhiên nên cảm giác tuyệt diệu đó không đến với em. Đến giờ em vẫn nhớ cảm giác mắt thì mở nhưng đột nhiên "bị đui" như vậy. Em không rõ khoảng thời gian đó thực sự kéo dài bao lâu nhưng em cảm giác nó lê thê bằng 20 năm cuộc đời mình.
Chết đáng sợ với khó hơn sống trong tuyệt vọng, em không dám thử lại lần nữa nên em vẫn sống nhăn răng đến giờ."
Không biết có phải hai đứa em này của tôi đều trải nghiệm những thứ "không bình thường" nên thái độ của chúng với những sự kiện này cũng không được bình thường hay không.
Kể về những "lần chết hụt" của chính mình mà như kể chuyện hôm qua em đi mua sắm nhưng không tìm được cái váy nào ưng ý nên em đi về vậy!
Giải đáp thắc mắc của tôi, K. kể: " Với em, trải nghiệm đó đáng sợ nhưng nếu không có nó thì chắc em không được như bây giờ. Em muốn chết vì em chán sống nhưng nếu không thử, em cũng không nhận ra chết còn khó hơn gấp nhiều lần.
Nhận ra rồi em mới sống ổn dần lên đấy chứ!"
K. của hiện tại là cô gái với gương mặt xinh xắn, hồng hào sức sống chứ không xanh bợt như em của 4 năm trước - thời điểm những chuyện không như ý xảy ra.
" Tự nhiên một ngày nhìn mình xơ xác, nát bươm trong gương, em thấy không thể như vậy được nữa. Em bắt đầu đi tập gym, ăn uống lành mạnh hơn. Chị đừng hỏi em là làm sao mà em ổn được, em cũng không biết trả lời như thế nào đâu, ngoài việc là chán đời quá lâu nên em chán luôn cả sự chán đời."
Nghĩ lại về khoảng thời gian đó, K. thừa nhận trong lúc tuyệt vọng em chẳng nghĩ được đến gia đình hay điều gì khác ngoài bản thân mình. Em chỉ muốn thoát khỏi sự tuyệt vọng dai dẳng mà thôi.
Đến giờ, khi thoát được và ngồi nghĩ lại, em mới nghĩ tới gia đình và bạn bè, những người yêu thương em.
"Chỉ cần hít thở, rồi mọi thứ chắc chắn sẽ ổn thôi!"
Những chia sẻ của H. và K. khiến tôi chợt nghĩ đến một câu nói của Nam Cao: " Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa."
Tâm hồn của 2 em cũng đã từng phải chịu những nỗi đau tưởng chừng là bình thường với người khác, nhưng với những người đang chập chững trưởng thành, chúng chẳng khác nào một trận cuồng phong.
" Ngày xưa, nghe câu mọi chuyện sẽ ổn thôi, em thấy tức lắm vì em đã sống gần 3 năm trong tuyệt vọng mà đâu thấy có gì ổn hơn. Nhưng 3 năm hay bao nhiêu năm đi nữa, miễn là cứ sống thì đúng là chuyện gì cũng ổn. Giờ em vui lắm, và cũng không còn quá tuyệt vọng nếu bị đàn ông đá. Sau mọi chuyện, em biết cách sống dựa vào bản thân mình chứ không phải người khác." - K. khẳng định.
Cuộc trò chuyện cứ ngỡ sẽ buồn và nặng nề, hóa ra, lại toàn tiếng cười. Trước khi chào tôi và K. để về nhà cho mèo ăn, H. đùa: " Giờ chị đã hiểu cái gì diễn ra trong đầu của bọn chán sống chưa? Em nghĩ bọn em đều có 1 điểm chung là chúng em chán ghét những lời cổ vũ sáo rỗng của mọi người."
Câu nói này như một cú đánh vào tiềm thức của tôi, khiến tôi chợt nghĩ rằng cậu em này "sống được nhờ con mèo của nó" vì mèo thì chẳng biết nói, nó chỉ biết dụi đầu làm nũng bọn "sen" thôi.
Tôi và K. ngồi lại trò chuyện thêm một chút sau khi H. về, và em có nói với tôi một câu mà tôi tin rằng nó phù hợp làm lời kết cho bài báo này:
" Sau những trải nghiệm của mình, em không còn giữ tư duy phán xét khi thấy có ai đó tự tử nữa. Không phải đến lúc chết vì tự tử, bọn em mới bị phán xét. Người ta dị nghị, bĩu môi chê bai những đứa sống buồn, sống chán từ khi bọn em còn sống cơ mà.
Trẻ thì không được buồn, không được tuyệt vọng và lúc nào cũng phải tràn trề nhựa sống hay sao?"
___
Và có lẽ chẳng có sự can thiệp nào hữu dụng hơn sự sẻ chia của những người xung quanh. Với điều kiện cần là chúng ta thật sự tinh tế để hiểu có những thứ không ổn đang diễn ra; còn người trong cuộc, mong rằng hãy đủ tỉnh táo để tìm đến người bên cạnh mình.
Không có liều thuốc nào hữu dụng với những người chấp chới cạnh ham muốn sống, ngoài kết nối giữa người và người.
Một website review công ty bị tố lừa đảo, "ăn tiền", đưa ra gói xoá bình luận không tốt: Có nên tin "sái cổ" vào các comment bóc phốt công ty không? Trên thực tế, bản thân công ty nào cũng có những vấn đề và mỗi nhân viên lại tiếp nhận theo những cách nhìn khác nhau. Chọn công ty nào, bạn nên dựa vào tầm nhìn của công ty đó hơn là những lời review ẩn danh chưa được kiểm tra tính xác thực. Website R.C.T vốn là một nơi tin cậy của...