Phong tước cho Hoàng thân Anh: Cơn ‘ác mộng’ của Thủ tướng Úc Abbott
Câu chuyện ‘ác mộng tước Hiệp sĩ’ giờ đã thành cơn ‘ác mộng’ thực sự cho Thủ tướng Úc Tony Abbott. Nhiều cơ quan truyền thông nước này đồng loạt nhắc đến chuyện phế truất ngôi vị lãnh đạo của ông.
Đảng Tự do ở Úc đang “đẩy mạnh các phương án thay thế lãnh đạo” trong bối cảnh Thủ tướng Tony Abbott đứng trước quá nhiều áp lực dư luận, trang Sydney Morning Herald (SMH) ngày 29.1 cho biết.
Câu chuyện tưởng chừng hài hước xung quanh việc ông Abbott đề nghị phong tước Hiệp sĩ cho Hoàng thân Philip trong ngày Quốc khánh Úc 26.1 rốt cục đã trở nên nghiêm trọng hơn người ta nghĩ.
Chuyện “nhỏ mà không nhỏ”
Cũng trong ngày 29.1, trang news.com.au của Úc giật dòng tít “Ác mộng hiệp sĩ của Tony Abbott: Ai có thể thay thế Thủ tướng?”. Bài báo phân tích điểm mạnh, yếu của một số nhân vật đủ uy tín để thay ông Abbott trong tương lai, trong đó có Ngoại trưởng Julie Bishop và cựu lãnh đạo Malcolm Turnbull. Dù khẳng định vị trí của ông Abbott vẫn “an toàn vào thời điểm này”, song ông sẽ phải đối mặt với không ít khó trên cương vị hiện tại.
Ông Abbott đối mặt áp lực lớn hơn dự kiến – Ảnh: Reuters
Theo thông tin từ SMH, các nghị sĩ đảng Tự do đang bàn thảo về người thay thế Thủ tướng. Còn Fairfax Media cho biết các nghị sĩ liên tục gọi điện cho nhau “trong trạng thái kích động về những diễn biến gần đây trong chính quyền Abbott”.
Tại Anh, tờ The Guardian thậm chí đăng bài viết có tựa đề “Những ngày nguy khốn cho Tony Abbott sau quyết định &’cực kỳ ngốc nghếch’ chọc giận người ủng hộ”.
Câu chuyện “nhỏ mà không nhỏ” của ông Abbott đã nhanh chóng thành chủ đề cho người dân đàm tiếu, qua đó các đảng đối lập nhanh chóng chộp cơ hội thổi phồng câu chuyện và báo chí vào cuộc mạnh mẽ.
Nói như The Guardian, từ chỗ tạo điều kiện cho phe bảo thủ lên tiếng, ông Abbott đã khiến ngay đảng Tự do của chính mình cảm thấy mất niềm tin vào ông.
Video đang HOT
Hai điểm đáng lo cho ông Abbott
Trên cương vị lãnh đạo, không phải ai cũng hoàn toàn miễn nhiễm với sự soi mói của nhiều phía qua từng hành động, phát biểu của mình. Tuy nhiên, ông Abbott đã vô tình tạo ra sóng gió và khiến sóng gió lớn hơn tưởng tượng khi chạm vào 2 yếu tố nguy hiểm: Tính thời điểm và những người lên tiếng.
SMH cho rằng ông Abbott sẽ phải đối mặt với nhiều phán xét trong thời gian tới, vì đây là lúc nước Úc diễn ra nhiều cuộc họp quan trọng. Đầu tiên là cuộc họp của CLB Báo chí quốc gia (National Press Club – NPC) tổ chức vào ngày 2.2 tới. Đây là lần đầu ông Abbott tham dự NPC dưới tư cách Thủ tướng. Ông Abbott sẽ đưa ra những hoạch định chính sách trong năm nay. Tuy vậy, các nhà phê bình đang lo ngại uy tín giảm sút của ông Abbott sẽ ảnh hưởng không tốt cho các chương trình ông đưa ra.
NPC cũng ảnh hưởng lớn đến một sự kiện khác diễn ra sau đó: Cuộc bầu cử ở tiểu bang Queensland, nơi đảng Tự do Newman đang cố gắng giành quyền kiểm soát, nhưng ông Abbott sẽ không được mời đến tham dự. Quan trọng hơn, ngày 9.2 Úc sẽ họp quốc hội.
Điểm thứ hai, góp phần tác động quan trọng cho những ngày khó khăn của ông Abbott nằm ở hai cái tên: Rupert Murdoch và Andrew Bolt.
Andrew Bolt là cựu phó tổng biên tập tờ Herald Sun ở Melbourne, một nhà bình luận tiếng tăm bậc nhất ở Úc. Cụm từ “cực kỳ ngốc nghếch” mà The Guardian sử dụng chính là trích từ phát biểu của Bolt.
Trong khi đó, ông trùm truyền thông thế giới Rupert Murdoch cũng ra mặt chỉ trích cách ông Abbott đòi phong tước Hiệp sĩ cho Hoàng thân Anh, theo tờ Daily Mail hôm 27.1.
Murdoch, ông chủ tập đoàn News Corporation, từng là người ủng hộ ghế Thủ tướng của ông Abbott năm 2013, đã lên Twitter nói thẳng hành động của Abbott là “một trò đùa đáng xấu hổ”. Việc Murdoch thay đổi thái độ có liên quan tới chuyện ông Abbott lờ đi bức xúc của dư luận Úc, trong đó có cả ông Murdoch, trước hàng loạt sai lầm của bà Peta Credlin, Chánh văn phòng Thủ tướng.
Một dòng trên Twitter của ông trùm truyền thông Rupert Murdoch (phải), cũng có thể thay đổi “cuộc chơi” của ông Abbott – Ảnh: Reuters
Cùng lúc “chọc giận người ủng hộ” gồm những cái tên đình đám ở lĩnh vực truyền thông như Murdoch và Bolt, rõ ràng dù đúng hay sai, uy tín của ông Abbott cũng gặp ảnh hưởng cực xấu.
The Guardian chốt câu chuyện: “Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Nhiều trong số các yếu tố chính trị là sự tổng hòa bản năng bao gồm cảm xúc và phản ứng. Sau tất cả, đây là một thời đại mà một dòng Twitter 23 chữ có thể thay đổi hoàn toàn cuộc chơi”.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Bi hài chuyện Thủ tướng Úc phong tước cho Hoàng thân Anh
Thủ tướng Úc Tony Abbott đang hứng chịu cơn bão dư luận sau đề nghị phong tước hiệp sĩ cho Hoàng thân Anh Philip, tức phu quân của nữ hoàng Elizabeth II.
Phát biểu trong ngày Quốc khánh Úc 26.1, ông Abbott cho rằng Hoàng thân Philip sau những "phục vụ và cống hiến" xứng đáng được tôn vinh. Về động cơ, ông Abbott không có vẻ gì quá đáng khi tôn vinh Hoàng thân Anh, nhưng lại vấp phải chỉ trích vì cách ông làm.
Hoàng thân Philip bên cạnh nữ hoàng Elizabeth II - Ảnh: Reuters
Báo chí nước ngoài như BBC, Irish Independent, CNN... dùng cụm từ "knightmare" để nói về vụ Thủ tướng Úc đề nghị phong tước hiệp sĩ cho Hoàng thân Philip. Họ chơi chữ khi kết hợp giữa "knight" (hiệp sĩ) và "nightmare" (cơn ác mộng).
BBC dẫn một bài xã luận trên Australia Day với tiêu đề: "Ông Thủ tướng đang nghĩ gì vậy?" để nói về những dấu hỏi quanh việc phong tước hiệp sĩ của ông Abbott.
Bài viết mô tả Hoàng thân Philip "không chỉ là biểu tượng vượt thời gian mà còn vượt biên giới", là một người "được dân Anh tung hô qua các hành động la hét và những phát biểu vạ miệng".
Hoàng thân Philip năm nay 93 tuổi, nổi tiếng là người ăn nói hào sảng. Tính cách này cũng dẫn đến việc ông hay bị bắt lỗi trong khâu phát biểu. Hôm 26.1, tờ The Independent (Anh) giật dòng tít: "Hoàng thân Philip được phong tước Hiệp sĩ tại Úc: Hãy chúc mừng bằng cách đọc lại những phát biểu gây sốc nhất của ông".
Đối với người Úc nói riêng, việc đề nghị phong tước của ông Tony Abbott mắc phải một vấn đề khác: Thái độ chính trị.
"Với quyết định kỳ lạ trong việc đề cao một thành viên của chế độ quân chủ Anh, ông Abbott đã tạo điều kiện để bản thân nhận lấy sắc chỉ châm biếm của hoàng gia", trích bài viết trên Australian.
Ông Tony Abbott đối mặt dư luận - Ảnh: Reuters
Trong cuộc khảo sát được chốt vào ngày 26.1 của tờ Sydney Morning Herald, có tới 93% độc giả cho rằng việc phong tước hiệp sĩ cho Hoàng thân Prince đã "đưa nước Úc trở lại thế kỷ 18".
Nhiều người Úc phản đối hành động của ông Abbott vì cho rằng nó làm liên tưởng tới những năm tháng nước này còn là thuộc địa của Anh.
Trên Twitter, ông trùm truyền thông Rupert Murdoch cũng không đồng ý với việc làm của Tony Abbott. "Việc phong tước của Abbott là một trò đùa xấu hổ", Daily Mail trích dòng trạng thái của ông Murdoch hôm 27.1. Cần biết rằng, Murdoch là người đã ủng hộ ông Abbott trong đợt bầu cử liên bang gần đây nhất.
Vụ việc lần này càng khiến ông Abbott cảm thấy áp lực hơn trước dư luận và các đảng đối lập trong cách ăn nói, hành động. Tháng 11 năm ngoái trong lúc tham gia Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), ông Abbott cũng nhận nhiều yêu cầu phải "nói chuyện" với Tổng thống Nga Vladimir Putin thế nào cho phải phép, xung quanh vụ máy bay MH17 làm chết 38 người Úc.
Nhật Đăng
Theo Thanhnien
Kiểu gì cũng tai hại Một phần cơn ác mộng đối với EU về diễn biến ở Hy Lạp đã trở thành sự thật khi chính phủ mới ở nước này không đồng tình với tuyên bố chung của EU phê phán Nga và tăng cường trừng phạt Nga. Tân Thủ tướng Alexis Tsipras cho biết đã không được tham vấn trước nên không nhất trí với tuyên...