Phong trào sống tối giản trong các gia đình trẻ ở Nhật
Ngày càng nhiều gia đình trẻ ở Nhật chọn lối sống đơn giản nhất có thể để giảm bớt sự lệ thuộc vào vật chất.
Naoki Numahata và con gái Ei, 4 tuổi, trong căn hộ tại Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Washington Post
Anh Naoki Numahata cùng vợ và con gái nhỏ sống trong một căn hộ có diện tích 40 m2 tại thủ đô Tokyo, Nhật Bản. Theo Washington Post, lối sống của gia đình người đàn ông 42 tuổi này còn đơn giản hơn cả các nhà tu hành.
Căn hộ của gia đình Numahata gần như trống trơn. Trong ngăn kéo tủ bếp có ba đôi đũa và hai bộ đồ ăn dành cho trẻ nhỏ. Tủ đựng thực phẩm chỉ có một ổ bánh mỳ và một hũ thủy tinh đựng mật ong.
Phòng khách không có gì ngoài một bàn uống nước, một ghế gỗ và một băng ghế dài đủ chỗ cho hai người ngồi. Cả gia đình ba người ngủ chung trên một chiếc giường. Đó gần như là tất cả đồ đạc trong nhà. Chiếc TV treo tường dường là ngoại lệ duy nhất vì anh Numahata cần sử dụng nó cho công việc thiết kế trang web.
Là người kiên trì theo chủ nghĩa sống tối giản đã nhiều năm nay, anh Numahata chỉ có một đôi quần dài, 4 chiếc áo sơ mi, 4 cái áo phông, 4 đôi tất và 5 bộ đồ lót. Con gái nhỏ Ei, 4 tuổi, cũng chịu ảnh hưởng từ lối sống của người cha. Cô bé chỉ có hai bộ váy dành cho dịp đặc biệt và hai ngăn kéo nhỏ đựng quần áo mặc hàng ngày. Tất cả đồ chơi mà Ei có gói gọn trong một chiếc rổ, bao gồm một con búp bê, một hộp thiếc in hình nhân vật hoạt hình Minion, một cái yo-yo, một con quay và vài chiếc ôtô chạy cót.
‘Sống đơn giản cho đời thanh thản’
Danshari, trong tiếng Nhật có nghĩa là tiến tới lối sống tối giản, bao gồm ba ký tự Dan (từ chối), Sha (vứt bỏ), và Ri (tránh xa). Phong cách sống Danshari bắt đầu trở nên phổ biến ở Nhật từ sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011 cướp đi hàng nghìn sinh mạng.
“Khoảng 30-50% thương vong trong các trận động đất xảy ra do đồ đạc rơi vỡ. Nếu sống trong các phòng ít đồ, mọi người sẽ bớt được nỗi lo này”, Numahata nói.
Nhiều người theo đuổi cách sống Danshari với mục đích giúp cuộc sống trở nên đơn giản, không mất nhiều thời gian cho việc dọn dẹp và mua sắm đồ đạc.
Video đang HOT
Một số khác nhận thấy sau khi rũ bỏ vật chất, những điều họ thật sự yêu thích và trân trọng trong cuộc đời sẽ thật sự trở nên rõ ràng. Chẳng hạn như họ sẽ gặp gỡ bạn bè nhiều hơn hoặc đi du lịch thường xuyên hơn thay vì lãng phí thời gian vào việc mua sắm liên miên và chất đầy nhà những thứ mình không thực sự thích hoặc cần.
“Con người trong xã hội hiện đại lúc nào cũng thèm muốn sở hữu vật chất nhiều hơn nữa mà không thực sự cân nhắc đến hoàn cảnh sống của mình”, Hideko Yamashita, người cổ vũ cho chủ nghĩa Danshari suốt nhiều năm qua, nhận định.
“Khi sống theo chủ nghĩa Danshari, bạn sẽ phải quyết định rũ bỏ những thứ khiến mình vướng bận”, bà Yamashita so sánh việc dọn dẹp nhà cửa cũng giống như dọn dẹp tâm trí.
Theo bà, lối sống Danshari đơn giản, khiêm tốnvà thân thiện với môi trường ảnh hưởng sâu sắc bởi tôn giáo phương Đông, nhất là Thiền định trong Phật giáo. Thế hệ người Nhật sinh ra sau Thế chiến II như bà Yamashita thường có thói quen tích trữ đồ đạc trong nhà phòng khi cấp thiết. Thậm chí, có trường hợp cực đoan đến mức cất giữ 300 chiếc túi nylon mua sắm.
Bà Yamashita cho rằng việc tích trữ vật chất chính là nguyên nhân khiến nhiều người Nhật không cảm thấy hạnh phúc và rũ bỏ những đồ vật hữu hình sẽ giúp họ thoát khỏi những ràng buộc vô hình.
Ít hơn là nhiều hơn
Giỏ đồ chơi của cô bé Ei đặt trên sàn nhà. Ảnh: Washington Post
“Năm con gái tôi mới ra đời, nhà cửa lúc nào cũng lộn xộn. Tôi chỉ muốn nhà mình trông gọn gàng như các ngôi nhà in trên tạp chí. Thế là tôi vứt bớt đồ đạc đi và thực sự cảm thấy thích cảm giác tự do sau đó”, anh Numahata nói.
Sau khi dọn dẹp nhà cửa, Numahata pha cho vợ một cốc cà phê. Cô thưởng thức nó trong một căn phòng trống trơn và bất giác cảm thấy vị cà phê rõ ràng hơn bao giờ hết. Theo Numahata, vợ anh thấy cà phê ngon hơn là bởi vì lúc đó cả môi trường sống và tâm trí của hai vợ chồng đã được dọn dẹp thông thoáng.
Từ khi chọn cách sống tối giản, Numahata đi lại nhẹ nhàng hơn và từ tốn hơn. Gia đình anh đi chơi bên ngoài nhiều hơn. Con gái Ei cũng bắt đầu tập theo thói quen của cha mẹ. Dù mới 4 tuổi, cô bé đã biết tự dọn dẹp.
“Tất nhiên khi con bé lớn lên, nó sẽ muốn nhiều thứ hơn”, Numahata nói. “Khi chúng tôi mua đồ chơi cho con, chúng tôi chỉ mua những món nho nhỏ để nhét vừa cái rổ ở nhà”. Những món mà Ei không còn chơi nữa, gia đình sẽ mang tặng.
“Chúng tôi cho đi nhiều thứ mà không cảm thấy luyến tiếc. Mọi người cứ hỏi tại sao chúng tôi lại đem cho những món quà tặng như thế và nghĩ rằng việc làm đó thật lạ lùng. Nhưng đó chỉ là cách sống của chúng tôi mà thôi”, Numahata tâm sự.
Theo anh Numahata, vì có ít đồ chơi nên Ei thường tự nghĩ ra cách làm cô bé vui, điều đó giúp trí tưởng tượng của bé phát triển hơn.
Bạn bè đến chơi lúc đầu thường thắc mắc vì sao nhà cửa trống trơn, nhưng sau đó nhanh chóng cảm thấy thoải mái trong không gian ít đồ đạc. “Làm trống chiếc ấm để rót nước vào, trở nên trống rỗng để đạt được toàn vẹn”, Numahata trích dẫn một câu nói của Lão Tử để giải thích cảm giác dễ chịu đó.
An Hồng
Theo VNE
Võ sĩ Sumo dọa trẻ con khóc thét ở Nhật Bản
Người Nhật tin rằng những đứa trẻ càng khóc to trong lễ hội Sumo thì càng khỏe mạnh, tự tin và lớn nhanh.
Hơn 100 trẻ sơ sinh đã tham dự Lễ hội võ sĩ Sumo dọa trẻ con khóc tại đền thờ Kamegaike Hachimangu, Tokyo, Nhật Bản, Channel News Asia đưa tin.
Tại lễ hội diễn ra hôm 14/5, các võ sĩ Sumo bế những đứa trẻ trên tay và dọa chúng khóc càng to càng tốt. Các nhà nghiên cứu văn hóa Nhật Bản cho biết, lễ hội này bắt đầu từ thời kỳ Edo (1603-1867) và đã tồn tại hơn 400 năm.
"Con trai tôi khóc ngay từ đầu, làm tôi cảm thấy thương cháu", Tomoyo Watanabe, mẹ của một em bé tham gia lễ hội, nói với AFP. "Tôi vừa nhìn con khóc vừa cầu nguyện cho cháu lớn lên khỏe mạnh".
"Người ta tin rằng tiếng khóc của bọn trẻ con có thể xua đuổi quỷ dữ và bảo vệ những đứa trẻ sơ sinh khỏi những điều xấu", nhà sư Hiroyuki Negishi cho biết.
Các võ sĩ Sumo dùng mọi cách làm trẻ khóc, như lắc nhẹ, làm mặt xấu và kể cả gào to.
Lễ hội này được tổ chức ở nhiều nơi khắp đất nước Nhật Bản. Mỗi vùng miền lại có phong tục riêng. Có nơi người dân tin rằng đứa trẻ khóc đầu tiên là đứa bé khỏe nhất. Ngược lại, ở nơi khác, người ta tin rằng đứa bé khóc đầu tiên lại là đứa yếu nhất.
Trước tiên, cha mẹ hoặc ông bà sẽ bế các bé đứng trước ban thờ Shinto để sư thầy làm lễ tẩy uế. Sau đó, những đứa trẻ sơ sinh được chia theo cặp. Và mỗi lượt, các võ sĩ Sumo sẽ bế hai bé lên võ đài để thi xem bé nào khóc trước.
An Hồng
Ảnh: EPA, Reuters, AFP
Theo VNE
4 người Nhật đối mặt án tử vì cáo buộc do thám Trung Quốc Các công dân Nhật Bản bị lực lượng an ninh Trung Quốc bắt giữ năm 2015 đối mặt với án tử do bị cáo buộc do thám một căn cứ hải quân của nước này. Camera an ninh và hình ảnh diễn lại cho thấy hoạt động gián điệp của bị cáo người Nhật. Ảnh: Sina. 4 người Nhật đã bị nhà chức...