Phong trào ‘Bốn không’ và những cô gái Hàn Quốc muốn độc thân tới chết
Tỷ lệ kết hôn, sinh con ở Hàn Quốc giảm mạnh và nhiều phụ nữ nước này đang ủng hộ phong trào Bốn không: không hẹn hò, không quan hệ tình dục, không kết hôn và không có con.
“Tôi là gái thẳng và tôi cũng không hứng thú với việc có mối quan hệ với đàn ông”, cô Bonnie Lee nói với AFP. Cô không quan tâm đến việc tìm bạn trai hay có một đám cưới cổ tích. Cô sẽ tự tìm hạnh phúc cho riêng mình.
Và cô Lee không phải là người phụ nữ Hàn Quốc duy nhất quyết định như vậy.
Phong trào Bốn không
Ngày càng nhiều phụ nữ Hàn Quốc từ chối làm theo các quy tắc gia trưởng cứng nhắc. Họ cũng thề sẽ không bao giờ kết hôn, có con hoặc thậm chí hẹn hò và quan hệ tình dục.
“Tôi luôn cảm thấy rằng là một người phụ nữ, kết hôn mang lại nhiều bất lợi hơn là lợi ích”, cô Lee, một chuyên gia 40 tuổi sống cùng chú chó của mình gần Seoul nói.
Một người phụ nữ đi siêu thị cùng con ở Seoul. Ảnh: Reuters.
Hiện tại, cô Lee đang ủng hộ phong trào nữ quyền cấp tiến tại Hàn Quốc, phong trào “Bốn không”: không hẹn hò, không quan hệ tình dục, không kết hôn và không nuôi dạy con cái.
Tỷ lệ kết hôn đang giảm mạnh ở Hàn Quốc. Phụ nữ Hàn Quốc phải làm việc, nuôi con và chăm sóc gia đình chồng với rất ít sự trợ giúp của nhà nước hoặc cộng đồng.
“Khi cưới nhau, công việc và kinh nghiệm trước đó của người phụ nữ không có ý nghĩa gì cả”, cô Lee, người có hai bằng thạc sĩ giải thích.
“Vì một số lý do nực cười, việc có học thức cao cũng trở thành một điểm trừ. Điều quan trọng nhất ở một người vợ tiềm năng là liệu bạn có khả năng chăm sóc chồng và gia đình chồng hay không”, cô Lee nói thêm.
Cô đã chứng kiến những người bạn có học thức của mình đạt được thành tựu trong công việc nhưng lại gặp khó khăn ở nhà sau khi có con.
Tẩy chay việc kết hôn và sinh con
Những khó khăn như vậy là chủ đề của một bộ phim đình đám gần đây “Kim Ji-young 1982″.
Bộ phim được làm dựa trên một cuốn tiểu thuyết ủng hộ nữ quyền gây tranh cãi. Nó nói về một người phụ nữ Hàn Quốc kết hôn, bỏ công việc của mình và cố gắng nuôi con với rất ít sự hỗ trợ.
Các nhà chức trách đã cố gắng thúc đẩy việc kết hôn bằng cách đưa ra chính sách ưu đãi cho cặp đôi mới cưới. Ảnh: Reuters.
Video đang HOT
Các khán giả nữ đã chấm bộ phim 9,5/10 sao. Ngược lại, nam giới đánh giá bộ phim chỉ ở mức 2.8.
Ngày càng nhiều phụ nữ phản đối những kỳ vọng truyền thống của xã hội do nam giới thống trị ở Hàn Quốc. Tại đây, những người vợ thường phải dành thời gian làm việc nhà lâu hơn bốn lần so với chồng họ.
Một thập kỷ trước, gần 47% phụ nữ Hàn Quốc độc thân và chưa từng kết hôn cho biết họ nghĩ rằng kết hôn là cần thiết.
Năm ngoái, con số đó đã giảm xuống còn 22,4%, trong khi số lượng các cặp vợ chồng chỉ còn 257.600 so với 434.900 vào năm 1996.
Không có dữ liệu chính thức về quy mô của phong trào Bốn không. Tuy nhiên, các thành viên của phong trào cho biết họ có ít nhất 4.000 người ủng hộ.
Trong khi đó, một kênh YouTube nữ quyền độc lập khác đăng tải những nội dung tẩy chay việc kết hôn và sinh con có tới hơn 100.000 người đăng ký.
Cô Lee cũng đã áp dụng một số nguyên tắc của phong trào “Escape the Corset”, một phong trào chống lại các tiêu chuẩn sắc đẹp nghiêm khắc của Hàn Quốc. Một số người theo phong trào này đã chia sẻ các đoạn phim quay lại cảnh họ đập phá đồ trang điểm của mình.
Những nhóm ủng hộ nữ quyền đang nổi lên trong bối cảnh họ tức giận về nạn quay lén tại Hàn Quốc và những vụ lạm dụng tình dục được phát hiện trong phong trào #MeToo trên toàn thế giới.
Và khi khi một chính trị gia nam cấp tiến thường tuyên bố ủng hộ nữ quyền bị kết án và bỏ tù vì cưỡng hiếp một nữ phụ tá vào năm ngoái, cô Lee đã không thể chịu được nữa.
Cô Lee nói: “Tôi nhận ra là một người phụ nữ, tôi không thể chấp nhận xã hội như vậy. Từ đó bất kỳ cuộc gặp gỡ nào với đàn ông, liên quan đến hôn nhân hoặc hẹn hò, trở nên vô nghĩa đối với tôi”.
Cô Yoon Ji-hye, một YouTuber 24 tuổi, cảm thấy phụ nữ Hàn Quốc thường được mong chờ sẽ là người “thụ động, trẻ con và vui vẻ”, cũng như hấp dẫn và đáng chinh phục.
Cô Yoon Ji-hye đưa ra một bức ảnh cũ của mình. Ảnh: AFP.
Cô Yoon hoàn toàn ủng hộ phong trào Escape the Corset. Cô cắt tóc ngắn và để mặt mộc, tránh xa ngành công nghiệp làm đẹp đang bùng nổ của đất nước này.
“Tôi từng dành hàng giờ để thành thạo các kỹ thuật trang điểm khi xem video trên YouTube và chi khoảng 200 USD cho các sản phẩm làm đẹp mỗi tháng”, cô Yoon, người đang sống cùng bố mẹ nhớ lại.
Người yêu cũ của cô “muốn” cô để tóc dài và không ủng hộ khuynh hướng nữ quyền của cô, cô Yoon nói.
Là một thành viên của phong trào Bốn không, cô Yoon không muốn hẹn hò hay quan hệ tình dục nữa. Cô giải thích: “Có những lựa chọn và cách khác để làm hài lòng chính mình”.
Cô Yoon tin rằng hầu hết đàn ông Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 đã xem các video quay lén hoặc phim khiêu dâm được đàn ông tung lên với mục đích trả thù người yêu cũ. Đây là một trong những lý do khiến cô không còn muốn gần gũi với đàn ông.
Tỷ suất sinh giảm mạnh
Phong trào Bốn không và Escape the Corset là những hình thức nữ quyền cấp tiến nhất ở Hàn Quốc, theo ông Shin Gi-wook, một nhà xã hội học tại Đại học Stanford ở Mỹ.
“Bốn việc: kết hôn, làm mẹ, hẹn hò và quan hệ tình dục thường đặt phụ nữ vào vị trí phụ thuộc vào đàn ông. Việc mặc áo ngực cũng tương tự, rằng phụ nữ cần phải tìm một số cách nhất định để làm hài lòng đàn ông”, ông nói với AFP.
Các tác động của các phong trào này mang đến rủi ro cho tình hình nhân khẩu học của Hàn Quốc.
Nhiều phụ nữ trẻ ở Hàn Quốc đang từ chối các vai trò truyền thống của phụ nữ, bao gồm cả việc làm mẹ. Ảnh: AFP.
Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc – số trẻ em mà một phụ nữ sinh ra – giảm xuống 0,98 vào năm 2018, thấp hơn rất nhiều so với mức 2,1 cần để giữ ổn định dân số.
Chính phủ Hàn Quốc dự đoán 55 triệu dân sẽ giảm xuống còn 39 triệu vào năm 2067. Lúc đó khi một nửa dân số của quốc gia này sẽ ở độ tuổi từ 62 trở lên.
Các nhà chức trách đã cố gắng thúc đẩy việc kết hôn bằng cách cung cấp các lợi ích về nhà ở cho cặp đôi mới cưới và các khoản vay thế chấp lãi suất thấp.
Nhưng đối với cô Lee, cô sẽ chỉ quan tâm tới nữ giới trong tương lai.
Cô khẳng định: “Ước mơ của tôi là xây dựng nhà ở cho những người phụ nữ có kế hoạch không bao giờ kết hôn”.
Như Trần
Theo news.zing.vn
Lắm tiền nhiều của, phụ nữ Nhật, Hàn vẫn lo nghĩ cho tương lai
Giàu có, tầng lớp phụ nữ thượng lưu ở Hàn Quốc và Nhật Bản vẫn lo ổn định tài chính dài hạn.
Zing.vn trích dịch bài đăng trên South China Morning Post, đề cập đến thói quen chi tiền vào các sản phẩm, dịch vụ đắt tiền của tầng lớp phụ nữ giàu có tại Hàn Quốc và Nhật Bản.
Phụ nữ thuộc tầng lớp giàu có tại Hàn Quốc và Nhật Bản thuộc tập khách hàng quan trọng mà các nhãn hàng cao cấp cần đầu tư để phục vụ và nắm bắt tâm lý, theo cuộc khảo sát được thực hiện bởi Agility Research.
Dựa trên các yếu tố về tính cách, sở thích, thói quen sử dụng phương tiện truyền thông xã hội, các thương hiệu yêu thích, điểm đến du lịch, kết quả khảo sát cho thấy phụ nữ Hàn Quốc, Nhật Bản đều "tự tin" về khoản mua sắm hàng xa xỉ, bỏ tiền cho những dịch vụ cao cấp, "sang chảnh", tận hưởng cuộc sống.
Nữ giới nhiều tiền tại Hàn Quốc thường chi mạnh tay cho việc sắm sửa quần áo hàng hiệu. Ảnh: Vogue.
Tuy nhiên, thói quen mua sắm ở nữ giới 2 nước lại chứng kiến nhiều khác biệt. Trong khi phụ nữ Nhật Bản thường mạnh tay chi cho đồng hồ cao cấp, sang trọng, phụ nữ Hàn Quốc thích sắm sửa quần áo đắt tiền.
Tại Hàn Quốc, phụ nữ có thói quen lên kế hoạch cẩn thận trước mỗi lần "rút ví" cho các mặt hàng có giá cả nghìn USD.
Sự trỗi dậy của mạng xã hội trong thập kỷ qua ảnh hưởng không nhỏ đến lối sống và thói quen tiêu dùng của phụ nữ xứ củ sâm.
50% nữ giới giàu có tại xứ kim chi sử dụng mạng xã hội để xem các bài đăng từ các thương hiệu xa xỉ, hoặc theo dõi người nổi tiếng đang mặc hoặc dùng sản phẩm nào.
Từ đó, họ trở thành khách hàng thân quen của một vài thương hiệu nhất định và thích được gọi là "những người tạo ra xu hướng".
Nghiên cứu cũng cho thấy phụ nữ Hàn chịu ảnh hưởng nhiều hơn từ mạng xã hội, với 26% số người mua một món đồ cao cấp bởi vì nó được người nổi tiếng quảng cáo trên mạng, so với 14% phụ nữ tại Nhật Bản.
Mặt khác, phái đẹp ở xứ kim chi có thói quen "khoe" rộng rãi các mặt hàng xa xỉ lên mạng, với 29% số người được hỏi cho biết họ thường xuyên đăng tải ảnh túi xách, quần áo hàng hiệu.
Đi du lịch, họ không ngần ngại chi bội tiền cho các chuyến đi nước ngoài, với các điểm đến ở phương Tây như Mỹ và Châu Âu là lựa chọn hàng đầu. Trong suốt kỳ nghỉ, phụ nữ Hàn thường có xu hướng "vung tay" mạnh hơn cho việc mua sắm.
Phụ nữ ở Hàn Quốc và Nhật Bản đều quan tâm đến việc ổn định tài chính lâu dài. Ảnh: Getty.
Ngược lại, phụ nữ Nhật Bản thích đi đầu xu hướng, bắt "trend" nên thường không trung thành với một nhãn hàng riêng biệt.
Không đặc biệt yêu thích thương hiệu nào, các cô gái thích chạy theo những thứ đang được đóng mác "thịnh hành" và mua sắm có phần thoải mái, "hứng lên thì mua".
Khác với phụ nữ Hàn, nữ giới Nhật Bản cập nhật tin tức mỗi ngày thông qua mạng xã hội.
Đi du lịch, họ cũng ưu tiên khám phá các địa điểm trong nước. Phụ nữ Nhật thích tham gia các chuyến tham quan thành phố hoặc các hoạt động mạo hiểm, ví dụ như lặn, bơi ngoài bãi biển.
Nữ giới ở đất nước mặt trời mọc chú trọng đầu tư vào tương lai, với 75% phụ nữ giàu có thường dựa vào sự giúp đỡ của các cố vấn tài chính.
Trong cuộc khảo sát của Agility Research, ngày nay, thế hệ phụ nữ giàu có tại Nhật Bản quan tâm đến việc "duy trì lối sống sau khi nghỉ hưu", trong khi phụ nữ Hàn Quốc đế ý nhiều hơn đến việc "tiết kiệm đáng kể thu nhập".
Nghiên cứu cho thấy các ưu tiên tài chính của phụ nữ giàu có ở cả hai quốc gia có nét tương đồng khi cả hai đều lo ngại về sự ổn định tài chính dài hạn.
Về quyền sở hữu tài sản, phụ nữ thượng lưu ở Hàn Quốc chủ yếu sở hữu nhà riêng, còn phụ nữ nhiều tiền tại Nhật Bản đẩy mạnh đầu tư vào bất động sản ở nước ngoài.
Theo Zing
Đàn ông Hàn 'không thể chấp nhận sếp mình là phụ nữ' Bị phân biệt đối xử, nhiều phụ nữ Hàn Quốc chọn tự do kinh doanh. Tuy nhiên, họ vẫn gặp phải sự dè dặt, không được coi trọng, thậm chí bị quấy rối bởi nam nhân viên. Zing.vn trích dịch bài đăng trên N ew York Times đề cập đến những khó khăn, bất công của phụ nữ Hàn Quốc khi làm việc...