Phong trào bài vaccine đe dọa nỗ lực chống Covid-19
Thế giới có thể đợi rất lâu nữa mới có vaccine ngừa nCoV, nhưng lại phải đối mặt với mối đe dọa hiện hữu là phong trào phản đối vaccine.
Từ một phong trào nhỏ lẻ, chống vaccine ở Mỹ đã trở thành hoạt động có tổ chức trong những năm gần đây. Mục tiêu của họ giờ đây là vaccine Covid-19, được giới dịch tễ học xem như “chìa khóa” của cuộc chiến với đại dịch.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về phong trào chống vaccine cảnh báo sức ảnh hưởng và lan tỏa của phong trào này có thể khiến người Mỹ không sẵn lòng tiếp nhận vaccine Covid-19. Cảnh báo này hoàn toàn có cơ sở.
Đầu tháng 5, khảo sát của hai nhà khoa học Kristin Lunz Trujillo và Matt Motta, đến từ Đại học Minnesota và Đại học bang Oklahoma, chỉ ra 23% người Mỹ không muốn tiêm vaccine Covid-19. Kết quả thăm dò của công ty Morning Consult cho biết 14% người được hỏi không có ý định tiêm vaccine và 22% người khác đang phân vân. Theo khảo sát mới của trung tâm AP-NORC, chỉ một nửa người Mỹ nói sẽ tiêm vaccine ngừa nCoV.
Khi Mỹ ghi nhận gần 1,8 triệu ca nhiễm và hơn 104.500 ca tử vong, việc nhiều người đồng loạt phản đối vaccine có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng. Vào thời điểm cần vaccine nhất, những người phản đối lại càng thúc đẩy phong trào của họ, đặc biệt là trên mạng xã hội và trong các cuộc biểu tình đòi mở cửa đất nước.
Nhóm chống vaccine từng tham gia nhiều cuộc biểu tình phản đối lệnh phong tỏa trên khắp nước Mỹ. Họ lan truyền các thuyết âm mưu, từ tiêm chủng có thể có gây bệnh cho trẻ em đến Bill Gates dùng vaccine để gắn chíp theo dõi dân số thế giới.
Adam Gabbatt, bình luận viên của Telegraph, nhận định các hành động của Tổng thống Donald Trump “xóa nhòa ranh giới giữa thực tế và viễn tưởng” cũng như thái độ hoài nghi khoa học, không tin vào chính các cố vấn của ông cũng góp phần thúc đẩy quan điểm phản đối vaccine ở Mỹ.
Một người giơ bảng phản đối tiêm chủng bắt buộc trong cuộc biểu tình đòi mở cửa ở bang Virginia, hôm 22/4. Ảnh : PA.
Giới chuyên gia tin rằng mạng xã hội đã trở thành “công cụ” hiệu quả cho phong trào bài vaccine. Quan điểm vaccine gây bệnh tự kỷ cho trẻ em được những người phản đối vaccine đăng rất nhiều trên Facebook, bên cạnh thuyết âm mưu rằng chính phủ và công ty dược phẩm hợp tác kiếm tiền bằng chương trình tiêm chủng.
Tuy nhiên, giống biểu tình phản đối phong tỏa, chống vaccine có vẻ không đơn thuần là hành động tự phát của những người bình thường.
Video đang HOT
Facebook cũng xuất hiện nhiều quảng cáo trả tiền mang thông điệp chống vaccine của hai tổ chức lớn, gồm Stop Mandatory Vaccination (Ngừng tiêm chủng bắt buộc) và Children’s Health Defense (Bảo vệ Sức khỏe Trẻ em), do Robert F Kennedy Jr, con trai cựu thượng nghị sĩ Robert F Kennedy, người nổi tiếng chống vaccine, dẫn dắt.
Joe Pierre, giáo sư tâm thần học tại Đại học California, Los Angeles, nói rằng niềm tin vào thuyết âm mưu có liên quan tới các vấn đề tâm lý. “Một trong số đó là nhu cầu trở nên đặc biệt. Người theo đuổi thuyết âm mưu có cảm giác rằng họ biết sự thật bí mật mà nhiều người khác không biết. Điều này khiến họ thấy mình trở nên đặc biệt”, ông nói.
Nhận thấy khả năng vaccine Covid-19 sắp phát triển thành công, hai nhà hoạt động chống vaccine Stephanie Lind và Alana Newman đã tổ chức “Hội nghị thượng đỉnh Sức khỏe Tự do” hồi tháng 4 và mời nhiều diễn giả tham dự theo hình thức trực tuyến.
Danh sách diễn giả có sự góp mặt của bác sĩ người Anh Andrew Wakefield, người đã bị tước giấy phép y khoa vì công bố nghiên cứu không chính xác cho rằng vaccine rubella, quai bị và sởi có liên quan tới bệnh tự kỷ. Dù vậy, Wakefield vẫn được xem là tiếng nói uy tín của phong trào chống vaccine.
Cũng như Wakefield, Judy Mikovits, từng là nhà nghiên cứu khoa học trước khi trở thành nhà hoạt động phản đối vaccine. Bà Mikovits đã bị cộng đồng khoa học tẩy chay nhưng nổi tiếng, nhờ bộ phim tài liệu sai lệch có tên Plandemia, phát hành đầu tháng 5 và được hàng triệu người xem.
Mikovits, người từng tuyên bố đeo khẩu trang làm nCoV bị “kích hoạt”, được mời phát biểu tại hội nghị trực tuyến của phong trào chống vaccine trên.
Phong trào chống vaccine không chỉ xuất hiện ở Mỹ. Nhiều báo cáo công bố tuần qua cho thấy làn sóng phản đối vaccine cũng gia tăng ở Đức và Australia. Số ca nhiễm sởi ở châu Âu tăng gấp ba lần năm 2018, với khoảng 83.000 ca. Nhiều người cho rằng đó là hậu quả của chống vaccine.
Tuy nhiên, Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn hơn đối với người chống vaccine trên toàn cầu. “Mỹ là xã hội có tiếng nói và họ có thể tiếp cận tới nhiều phương tiện truyền bá thông tin trên toàn cầu. Mọi cuộc thảo luận ở Mỹ đều được cả thế giới lắng nghe”, tiến sĩ Saad Omer, nhà dịch tễ học từ Đại học Yale, nói.
Các chuyên gia nhận định tập trung thuyết phục nhóm người mới bén rễ vào phong trào chống vaccine là giải pháp hiệu quả để ngăn cản làn sóng này phát triển mạnh hơn.
“Cha mẹ hoàn toàn có quyền lo ngại và hỏi ý kiến bác sĩ về việc sử dụng vaccine cho con cái họ”, tiến sĩ Omar nói. Do đó, ông cho rằng nhân viên y tế không nên tỏ ra khinh miệt thái độ hoài nghi của họ và nên trả lời mọi thắc mắc đó một cách tôn trọng.
“Liệu việc cha mẹ mắng nhiếc có khiến con cái họ trở nên ngoan ngoãn hơn hay không? Tôi nghĩ cách làm đó không bao giờ hiệu quả”, ông nói thêm.
Hơn nửa dân Mỹ đồng ý tiêm vaccine nCoV
Kết quả khảo sát của Associated Press (AP-NORC) cho thấy khoảng 60% dân Mỹ xác nhận sẽ tiêm vaccine nCoV khi hoàn thiện.
Số liệu thu thập từ cuộc khảo sát do AP-NORC thực hiện ngày 27/5 trên toàn lãnh thổ Mỹ, được xem là khá thấp so với dự đoán của nhiều chuyên gia. Những người xác nhận sẽ tiêm vaccine Covid-19 chỉ đồng ý khi các nhà khoa học làm việc cật lực để tìm ra loại vaccine thành công và phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho họ.
Trong khi đó, 31% số người tham gia khảo sát cho biết họ vẫn chưa chắc chắn về quyết định tiêm vaccine. Những người còn lại xác nhận sẽ không tiêm dù vaccine cho Covid-19 có hoàn thiện hay không.
Các chuyên gia đã lo lắng về những rủi ro có thể xảy ra nếu lời hứa về "300 triệu liều vaccine nCoV sẽ có vào tháng 1/2021" của Tổng thống Mỹ Donald Trump không thành hiện thực. Hiện tại vẫn chưa có bất cứ điều gì chắc chắn rằng một loại vaccine giúp nhân loại phòng SARS-CoV-2 sẽ hoàn thiện trong vài tháng tới. Và kết quả khảo sát cho thấy một bộ phận công chúng thực sự hoài nghi về những nghiên cứu vaccine gần đây trên thế giới.
"Nguy cơ đến từ việc nghiên cứu và điều chế vaccine nhanh chóng thế này là không hề nhỏ. Đó là lý do vì sao tôi không đặt kỳ vọng vào vaccine vào thời điểm này bởi để làm được điều đó, chúng ta cần phải có một cơ sở dữ liệu khổng lồ để đảm bảo mức độ an toàn của chúng. Tốt nhất vẫn nên hứa ít, làm nhiều", Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt cho biết.
Những người dân Mỹ tham gia khảo sát cho biết họ sẽ tiêm vaccine nCoV khi nó hoàn thiện, tuy nhiên vẫn lo lắng về mức độ an toàn nếu quá trình nghiên cứu diễn ra quá nhanh chóng. Ảnh: AP.
Thống kê từ cuộc khảo sát của AP-NORC ghi nhận 7 trong số 10 người đồng ý tiêm vaccine cho biết họ muốn tiêm, song vẫn lo lắng về sự an toàn. "Tôi không nằm trong nhóm phản đối tiêm vaccine nhưng việc nhiều người nói rằng vaccine Covid-19 có thể hoàn thiện trong một hoặc hai năm tới khiến tôi lo sợ. Có khả năng vaccine này chưa được thử nghiệm trên người đủ rộng và các tác dụng phụ vẫn chưa được chứng minh kỹ càng do áp lực về thời gian", bà Melanie Dries (56 tuổi) sống tại Colorado, Mỹ, chia sẻ. Dù lo lắng nhưng nhóm này vẫn đồng tình với quan điểm cuộc sống sẽ không trở lại bình thường nếu không có vaccine.
Tiến sĩ Francis Collins, người chỉ đạo Viện Y tế Quốc gia (NIH), khẳng định an toàn là ưu tiên hàng đầu trong phát triển vaccine. NIH đang lên kế hoạch tổng thể về việc thử nghiệm các "ứng viên" vaccine Covid-19 tiềm năng trên hàng chục nghìn người, để chứng minh hiệu quả và mức độ an toàn của chúng.
"Chúng tôi không muốn mọi người nghĩ rằng các bước nghiên cứu, thử nghiệm vaccine bị lược bớt để đảm bảo áp lực thời gian vì đó là một sai lầm lớn. Tình trạng cấp bách hiện tại là nỗ lực thúc đẩy để chúng tôi cố gắng đạt được hiệu quả trong thời gian sớm nhất, song điều đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi phải hy sinh sự nghiêm ngặt trong khâu kiểm tra, thử nghiệm vaccine. Nguy cơ lớn nhất chúng ta có thể đối mặt trong thời gian tới chính là đẩy nhanh tiến độ thử nghiệm loại vaccine có thể gây một số tác dụng phụ", Collins nói với Associated Press vào đầu tháng 5.
Vaccine thử nghiệm tại Viện Y tế Quốc gia, Mỹ. Ảnh: Reuters.
Những người xác nhận muốn tiêm vaccine trong cuộc khảo sát AP-NORC cho biết lý do hàng đầu khiến họ đồng ý là vì muốn bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng. "Tôi chắc chắn sẽ tiêm vaccine ngay khi nó hoàn thiện. Là một người bố của hai đứa con, tôi nghĩ tôi có nghĩa vụ bảo vệ gia đình khỏi Covid-19 và điều đó mang ý nghĩa quan trọng với gia đình tôi", anh Brandon Grimes (35 tuổi) ở Texas, chia sẻ.
Grimes đã chủ động đi hỏi nhiều gia đình trong khu vực và cả những người đồng nghiệp của mình về quyết định tiêm vaccine khi nó hoàn thiện. Đa số đều thể hiện sự sẵn sàng và mong đợi được tiêm để giảm thiểu rủi ro trong công việc.
SARS-CoV-2 nguy hiểm nhất đối với người lớn tuổi và người mắc bệnh mãn tính như tiểu đường hoặc bệnh tim. Cuộc thăm dò cho thấy 67% người từ 60 tuổi trở lên xác nhận họ sẽ tiêm vaccine, 40% còn lại là những người ở độ tuổi trẻ hơn.
Vì khả năng tiếp cận các cơ sở y tế khác biệt mà số người có nguy cơ tử vong vì Covid-19 cao hơn, trong đó có người Mỹ gốc Tây Ban Nha và Mỹ gốc Phi. Tuy nhiên, kết quả cuộc khảo sát lại cho thấy chỉ khoảng 25% người Mỹ gốc Phi và 37% người gốc Tây Ban Nha sẽ tiêm vaccine.
Trong số những người không muốn tiêm vaccine, khoảng 4 trên 10 người nói rằng họ lo ngại về nguy cơ nhiễm Covid-19 khi tiêm vaccine. Thực tế, hầu hết các "ứng viên" hàng đầu đang thử nghiệm hiện nay đều không chứa virus SARS-CoV-2, đồng nghĩa với việc người tiếp nhận sẽ không bị nhiễm thông qua vaccine. Mặt khác, 3 trên 10 người cho biết họ sẽ không tiêm vaccine, không phải lo sợ độ an toàn hay chúng không hiệu quả, mà với lý do họ không sợ bị nhiễm bệnh.
Vaccine trong giai đoạn thử nghiệm tại Cơ sở sản xuất chế phẩm sinh học ở Oxford, Anh. Ảnh: Reuters.
Mặt khác, 20% số người dân Mỹ thể hiện sự mong đợi và tin tưởng vào lời hứa sẽ có vaccine kịp vào cuối năm nay. Hầu hết những người còn lại cho rằng quá trình này có thể kéo dài đến năm sau.
Hiện thế giới đã có gần 6 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 362.000 ca tử vong. Riêng tại Mỹ đã có hơn 1,7 triệu người nhiễm và trên 103.000 người tử vong. Các chuyên gia dự đoán con số này sẽ vẫn tiếp tục tăng lên.
Dù đến nay nhiều người mắc Covid-19 có triệu chứng nhẹ và đã hồi phục, các bác sĩ vẫn phát hiện ra SARS-CoV-2 gây ra nhiều tác hại tiềm ẩn khác đến sức khỏe con người. Loại virus này không chỉ gây viêm phổi mà còn dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như đông máu, tổn thương tim, thận và phát hiện mới nhất khiến nhiều người lo sợ - phản ứng viêm - thứ đe dọa tính mạng những đứa trẻ nhiễm nCoV.
EU phát động chiến dịch gây quỹ mới phòng chống Covid-19 EU hôm 28/5 phát động chiến dịch gây quỹ toàn cầu mới nhằm tài trợ cho sự phát triển và phân phối vaccine trên toàn thế giới chống Covid-19. Chiến dịch cũng chú trọng đảm bảo sự công bằng giữa các nước trên thế giới. Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Milan, Italy. Ảnh: Reuters. Chủ tịch Ủy ban...