Phong tỏa đường Vườn Chuối, Nguyễn Thượng Hiền Q.3: Phố vắng, người thân cấp tập tìm cách tiếp tế
Hai tuyến đường đông dân cư tại Q.3 là Vườn Chuối, Nguyễn Thượng Hiền (P.4, TP.HCM) bị phong tỏa để phòng dịch Covid-19 vì trước đó qua tầm soát toàn dân phát hiện 37 trường hợp nghi nhiễm.
Mọi thứ bất ngờ khiến nhiều người dân mắc kẹt với nhiều thứ chưa kịp giải quyết: lương thực, thực phẩm, công việc… Cũng may đã có sự hướng dẫn của chính quyền.
Tại các chốt phong tỏa trên đường Vườn Chuối lực lượng chức năng trực chốt nghiêm ngặt, nhắc nhở người dân tuân thủ đúng quy định . ẢNH: CAO AN BIÊN
Nhiều người bối rối trước quy định tiếp tế nhu yếu phẩm từ ngoài vào trong. Nhưng với tinh thần ’sống chung với dịch’ người dân nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và lạc quan cho 21 ngày sắp tới.
Theo ghi nhận của Thanh Niên lúc 15 giờ chiều nay 2.7, đường Vườn Chuối và đường Nguyễn Thượng Hiền (giao hai đầu với đường Nguyễn Đình Chiểu và Điện Biên Phủ) đã được phong tỏa chốt chặn 2 đầu. Lực lượng bảo vệ dân phố, công an, dân quân tự vệ bảo vệ nghiêm ngặt phía trong hàng rào.
Khu vực Vườn Chuối, Nguyễn Thượng Hiền vắng lặng ngày phong tỏa vì Covid-19
Càng về chiều, việc tiếp tế, giao hàng hóa cho người bên trong khu vực phong tỏa càng đông. Phía trước mỗi hàng rào cách ly đều có dán thông báo hướng dẫn việc tiếp tế. Cụ thể, người dân trong khu vực cách ly ở yên tại nhà. Tất cả nhu yếu phẩm của người dân trong khu vực sẽ được tập kết tại chốt Vườn Chuối – Điện Biên Phủ và Nguyễn Đình Chiểu – Nguyễn Thượng Hiền.
Hàng hoá sẽ chuyển đến cho người dân trong các khung giờ sau 7 giờ, 11 giờ, 15 giờ và 19 giờ.
Người thân và shipper chờ giao hàng cho người bên trong khu phong tỏa tại chốt Vườn Chuối – Điện Biên Phủ chiều 2.7 . ẢNH: CAO AN BIÊN
Tuy nhiên trong ngày đầu tiên, cả người bên trong, bên ngoài và shipper còn khá bỡ ngỡ khiến cán bộ trực chốt liên tục giải thích, nhắc nhở để đảm bảo an toàn trong quá trình tiếp tế.
Tiếp tế ngay đầu chốt chặn
Khoảng 15 giờ, một shipper đứng phía trước chốt phong tỏa Vườn Chuối – Điện Biên Phủ bối rối không biết gửi đồ vào bên trong liền gọi điện thoại cho người nhận, nói: “Bây giờ ở chốt này tôi không có gửi hàng vào được, chị ra lấy giúp đi”. Đầu dây bên kia, một người phụ nữ đáp lại: “ Sao được, bây giờ ở nhà rồi chứ có được ra ngoài đâu”.
Bên trong khu phong tỏa tại chốt Nguyễn Đình Chiểu – Nguyễn Thượng Hiền. ẢNH: THANH KHƯƠNG
Sau khi nghe người phụ nữ nói, người này lập tức hỏi cán bộ trực chốt cách để gửi hàng vào trong thì được hướng dẫn đi đến chốt Vườn Chuối – Điện Biên Phủ, ghi rõ địa chỉ nhà của người nhận sẽ có cán bộ tình nguyện đến giao tận nơi. Người này nghe xong liền làm theo hướng dẫn, tuy nhiên shipper cũng tỏ ra ngao ngán: “Giao có đơn hàng mà gọi đi gọi lại hết 20.000 tiền điện thoại, chắc lỗ vốn quá”.
Trong khi đó, shipper Văn Trọng Hiếu (24 tuổi) vừa đến nơi thì tỏ vẻ bất ngờ vì nơi mình đến giao hàng là khu vực phong tỏa. Anh nói trước đó, khách không hề thông báo cho mình thông tin này. Sau khi gọi cho khách cũng như làm theo đúng hướng dẫn của cán bộ trực chốt để đưa hàng vào bên trong, người này nhanh chóng ra về.
“Ban đầu giật mình một tí, nhưng tôi cũng không quá lo lắng vì mình rất kỹ trong chuyện này, khẩu trang, nước rửa tay đủ hết. Bây giờ họ ở đó gặp khó, thì mình cũng nên hỗ trợ họ. Nếu biết trước giao cho người đang bị phong tỏa, tôi cũng đi”, anh Hiếu cười.
Nhiều người tỏ vẻ bối rối khi không biết phải giao hàng vào trong như thế nào khi người thân được yêu cầu ở yên tại nhà. ẢNH: CAO AN BIÊN
Chị Nguyễn Thị Hằng (44 tuổi, ngụ Q.3) ghi địa chỉ nhà em gái trong khu vực phong tỏa để lực lượng chức năng giao đến tận nơi. . ẢNH: CAO AN BIÊN
Chạy chiếc xe máy chất đầy nhu yếu phẩm đến tiếp tế cho em gái, chị Nguyễn Thị Hằng (44 tuổi, ngụ Q.3) bối rối dừng phía trước chốt Vườn Chuối – Điện Biên Phủ. Chị xuống xe hỏi lực lương chức năng: “Sao đưa vô trong đây cô?” thì liền được giải thích: “Chị ghi địa chỉ lên mấy giỏ đồ, rồi để lên bàn. Tình nguyện viên sẽ giao đến tận nhà theo khung giờ dán trên thông báo”.
Người này đọc kỹ thông báo, rồi khệ nệ xách từng túi thực phẩm vào khu vực có bóng râm ghi đến địa chỉ cần giao. Hoàn thành nhiệm vụ, người này gọi điện thông báo cho em của mình.
Một số người dù đã được lực lượng chức năng thông báo ở yên trong nhà. Vì quá lo lắng, họ vẫn ra phía trước chốt trực để nhận. Các cán bộ phải liên tục giải thích: “Các anh chị cảm phiền đi vô nhà giúp em, tới giờ là hàng hóa sẽ được giao đến tận nơi chứ đừng quá lo. Ai cũng tập trung ở đây thì còn gì là giãn cách”.
Nhiều người nghe xong cũng tuân thủ vào trong. Lát sau, một người phụ nữ tỏ vẻ bức xúc vì không được cán bộ cho nhận hàng, nói “Có mấy ký gạo à, đưa ra rồi rửa tay liền chứ có gì đâu mà bệnh tật ở đây”. Những người xung quanh thấy vậy liền nói: “Thôi thông cảm đi chị ơi, bây giờ dịch nguy hiểm biết đâu mà lần”. Người phụ nữ vẫn chần chờ phía trước khu vực phong tỏa một lúc lâu mới rời đi.
Các cán bộ hướng dẫn tận tình người dân cách giao nhận hàng hóa để đảm bảo an toàn, thực hiện đúng quy định. ẢNH: CAO AN BIÊN
Kẹt cũng chấp nhận
Khoảng 16 giờ, việc buôn bán tại các hàng quán bên ngoài khu phong tỏa vẫn diễn ra bình thường. Các quán ăn đều tuân thủ đúng quy định phòng dịch bán mang về. Đa số người dân đều tỏ ra bình tĩnh sau thông tin có 37 ca nghi nhiễm Covid-19 được phát hiện tại khu vực này.
Chị Như (19 tuổi), nhân viên của một quán nước nằm ở đối diện chốt phong tỏa đoạn giao giữa đường Nguyễn Đình Chiểu với đường Nguyễn Thượng Hiền cho biết sáng nay chị đến quán mới thấy phía bên kia dựng rào chắn, bên trong là công an, dân phòng canh gác. Mặc dù quán nước cách chốt phong tỏa chỉ vài bước chân nhưng cô gái này không tỏ ra lo lắng.
“Quán tôi chỉ bán mang về. Khách tới gọi món sau khi nhận được hóa đơn thanh toán sẽ được nhân viên hướng dẫn bỏ tiền vào trong rổ. Chúng tôi xịt khuẩn kỹ lưỡng rồi mới cầm tiền vào. Nước làm xong sẽ được đặt vào rổ và khách chỉ việc lấy mang đi”, cô gái này cho biết.
Bên trong khu phong tỏa tại chốt Nguyễn Đình Chiểu – Nguyễn Thượng Hiền. . ẢNH: THANH KHƯƠNG
Còn chú Lưu (50 tuổi), nhà cách chốt phong tỏa vài căn cho hay đã biết tin phong tỏa từ chiều hôm qua. Nhà ông bán gas, thường thì khách gọi đặt giao qua điện thoại, may mắn là mùa dịch cũng không bị ảnh hưởng nhiều. “Giờ căng dây phong tỏa hay F0 tới đâu thì hay tới đó. Bản thân cứ chuẩn bị tinh thần sẵn, “nó” tới thì đón thôi chứ đâu làm gì được”, ông lạc quan nói.
Chị Lê Thị Hồng Thủy (23 tuổi) chia sẻ: “Lúc về nhà thấy chặn 2 đường, tôi vô cùng hoảng sợ. Tôi chợt nghĩ thôi không vào nhà nữa, qua đâu ở ké. Nhưng nghĩ lại cứ bình tĩnh, chuyện đâu còn có đó, vì cộng đồng vì xã hội, ai ở đâu hãy ở yên đó, nên tôi vào nhà và thực hiện việc xét nghiệm”.
Công ty chị Thuỷ vẫn làm việc tại văn phòng. Chị đang xin chuyển qua làm việc online, nếu không được buộc phải nghỉ. Đồ ăn ở quê gửi lên vẫn còn, chị có thể cầm cự thêm một vài ngày nữa. Hiện tại, chị chưa nghe thông báo gì về việc hỗ trợ lương thực cho khu vực cách ly. Người thân của các gia đình bên trong mua rồi chuyển vào. “Đến lúc hết đồ ăn thì tôi nhờ bạn bè gửi qua giúp chứ biết sao giờ”, chị buồn nói.
Khu dân cư hai bên đường 1 bên giăng dây, 1 bên không. Người dân hầu hết ở trong nhà. .ẢNH: NVCC
Theo chị Thủy, những con hẻm nhỏ thông giữa hai tuyến đường cũng đang được lực lượng chức năng rào chắn lại. Tuy nhiên, việc này phải thực hiện chặt chẽ. Hẻm ở đây nhỏ và nhiều, xe máy chỉ qua được 1 chiếc.
ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị UBND TP.HCM tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho sinh viên
ĐH Quốc gia TP.HCM đang có kế hoạch đề nghị UBND TP.HCM xem xét hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 cho sinh viên trong thời gian tới.
Cán bộ, giảng viên ĐH Quốc gia TP.HCM tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 1 . ẢnhT.P.
Tiêm cho sinh viên có hộ khẩu thường trú hoặc đang tạm trú tại TP.HCM, Dĩ An (Bình Dương)
Ngày 2.7, các trường thành viên ĐH Quốc gia TP.HCM (ĐHQG TP.HCM) có thông báo khẩn về việc cung cấp thông tin sinh viên ngoại trú với người học có hộ khẩu thường trú và đang tạm trú tại TP.HCM, Dĩ An (Bình Dương) liên quan đến kế hoạch tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo thông báo này, sinh viên các trường thành viên được đề nghị thực hiện khai báo khi có hộ khẩu thường trú tại TP.HCM và hiện đang tạm trú tại TP.HCM, TP.Dĩ An (Bình Dương) không về quê được vì dịch Covid-19. Sinh viên cần cần thực hiện khai báo trước 16 giờ ngày 6.7.
Việc thực hiện khai báo này nhằm thực hiện chủ trương của TP.HCM và đảm bảo quyền lợi sinh viên, đồng thời thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban giám đốc ĐHQG TP.HCM về việc đề nghị UBND TP.HCM xem xét hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 cho sinh viên ĐH này.
Trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên , một cán bộ ĐHQG TP.HCM, cho biết: "Tính toàn bộ hệ thống, ĐHQG TP.HCM có gần 75.000 sinh viên chỉ riêng bậc ĐH. Dựa trên số liệu thống kê của các đơn vị thành viên, ĐHQG TP.HCM sẽ làm công văn cụ thể gửi UBND TP.HCM".
"Trước mắt, ĐHQG TP.HCM đề nghị hỗ trợ tiêm vắc xin Covid-19 cho sinh viên có hộ khẩu thường trú hoặc đang tạm trú tại TP.HCM, Dĩ An (Bình Dương). Giai đoạn tiếp theo dự kiến sẽ tiêm vắc xin cho sinh viên các địa phương khác khi sinh viên quay trở lại TP.HCM", cán bộ ĐHQG TP.HCM lưu ý.
Nhiều sinh viên đang kẹt tại ký túc xá
Sinh viên các đơn vị thuộc ĐHQG TP.HCM đã nghỉ học tập trung tại trường ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 5. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, nhiều sinh viên vẫn đang "mắc kẹt" tại các ký túc xá do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Chẳng hạn, Ký túc xá Bách khoa (Q.10, TP.HCM) hiện có khoảng 1.000 sinh viên nội trú, Ký túc xã 135B Trần Hưng Đạo của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM cũng có hơn 160 sinh viên. Trường ĐH Kinh tế-luật cũng có có 23 sinh viên đang ở tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM khu B, trong đó có 18 sinh viên Lào...
Cùng với ĐHQG TP.HCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch cũng đã có đề nghị với Sở Y tế TP.HCM tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho hơn 900 sinh viên năm cuối các ngành y.
Trước đó, từ ngày 24.6, Sở Y tế TP.HCM phối hợp các cơ sở y tế trên địa bàn đã tiêm vắc xin Covid-19 cho cán bộ, giảng viên và người lao động của một số trường thành viên ĐHQG TP.HCM.
Trong số hơn 5.000 người thuộc hệ thống ĐHQG TP.HCM (chưa tính Trường ĐH An Giang), đã có khoảng 3.000 người được tiêm chủng đợt đầu. Đó là 600 cán bộ sắp tới tham gia công tác thi tốt nghiệp THPT, đội ngũ tham gia tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực đợt 2, cán bộ nhân viên làm công tác phục vụ có mức độ tiếp xúc nhiều trong công việc, nhân viên hành chính và giảng viên...
Bộ Y tế công bố 3 ca tử vong liên quan đến Covid-19 Chiều tối 2/7, Bộ Y tế cho biết 3 ca tử vong liên quan đến Covid-19 số 82, 83 và 84 đều là bệnh nhân nam, cao tuổi, trong đó một bệnh nhân ở Bắc Ninh, hai trường hợp còn lại ở TPHCM. Theo Tiểu ban điều trị Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, ca tử vong thứ 82 là...