Phong tỏa cầu Thăng Long để khắc phục “tiếng bom”
Bắt đầu từ 15h chiều nay, 27/1, Công ty Hà Thái tổ chức phong tỏa 1 phần đường trên cầu Thăng Long, phân làn giao thông, phục vụ việc sửa chữa 2 khe co giãn – nguyên nhân gây ra những “tiếng bom” dội xuống khu dân cư suốt nhiều năm qua.
Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết về những tiếng động kinh hoàng “hành” khu dân cư số 10 phường Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị xử lý dứt điểm những “tiếng bom” này trước Tết Nguyên đán 2015.
Sau khi được thay mới, khe co giãn trên cầu Thăng Long sẽ không phát ra những tiếng động kinh hoàng mỗi khi có xe đi qua.
Ngày 27/1, trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Minh Khai – Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Quản lý đường sắt Hà Thái (Công ty Hà Thái) – cho biết, các đơn vị chức năng Bộ GTVT, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty Hà Thái đang gấp rút triển khai các phần việc cụ thể để tiến hành thi công đúng tiến độ mà Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu.
Video đang HOT
Ông Khai cho biết, sau khi nhận được chỉ đạo của Bộ GTVT, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã cho kiểm tra hiện trường cầu Thăng Long, cùng với Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan đưa ra các kết luận về tình trạng 2 khe co giãn bị hư hỏng trên cầu. Từ đó, các đơn vị đã thống nhất và đề xuất với Bộ GTVT sẽ thay mới hoàn toàn 2 khe co giãn trên.
Sau khi thống nhất, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam quyết định chọn đơn vị thi công hạng mục này là Công ty Cổ phần Cơ khí 4 và Xây dựng Thăng Long. Theo đó, công ty này cam kết chế tạo và lắp đặt khe co giãn tại các vị trí ON6 và OB6 của cầu Thăng Long trong vòng 21 ngày kể từ ngày có giấy phép thi công.
Theo ông Lê Minh Khai, Công ty Hà Thái đang khẩn trương xin cấp giấy phép xây dựng để triển khai các phương án phân luồng giao thông cho đơn vị thi công triển khai thay thế các khe con giãn. Bắt đầu từ 15h chiều nay, 27/1, đơn vị thi công sẽ tiến hành đục phá bê tông, tháo dỡ khe co giãn cũ. Công ty Hà Thái sẽ phong tỏa một phần đường trên cầu Thăng Long, phục vụ công tác thi công và vẫn đảm bảo cho các phương tiện lưu thông qua cầu.
“Phải tập trung toàn bộ nguồn lực để đáp ứng tiến độ Bộ trưởng Đinh La Thăng đề ra. Để thực hiện được điều này, chúng tôi sẽ cho thi công liên tục 3 ca. Thời gian thi công khoảng 20 ngày cả chế tạo và lắp đặt” – ông Khai nói.
Dự tính, kinh phí để thay mới 2 khe co giãn bị hư hỏng ở cầu Thăng Long là trên 5 tỷ đồng.
Theo Dantri
Xử lý dứt điểm "tiếng bom" trên cầu Thăng Long trước Tết
Sau khi báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết về những tiếng động kinh hoàng "hành" khu dân cư ở Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị xử lý dứt điểm những "tiếng bom" này trước Tết Nguyên đán 2015.
Ngày 16/1, báo điện tử Dân trí đăng tải bài viết "Những "tiếng bom" kinh hoàng dội xuống từ cầu Thăng Long", phản ánh tình trạng hàng nghìn hộ dân ở tổ dân phố số 10, phường Đông Ngạc, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, bị "hành" bởi những tiếng động kinh hoàng dội xuống từ cầu Thăng Long. Theo đó, do khe co giãn trên tầng 2 cầu Thăng Long bị hỏng, mỗi khi có phương tiện đi qua, các tấm thép va đập với nhau tạo thành những tiếng động lớn, dội xuống khu dân cư. Xe càng to, chạy càng nhanh thì tiếng động càng khủng khiếp, nhất là về ban đêm, khiến cuộc sống sinh hoạt của khu dân cư này bị ảnh hưởng rất lớn.
Khe co giãn trên cầu Thăng Long bị hư hỏng nên mỗi khi có xe đi qua, các khe co giãn này phát ra những tiếng động kinh hoàng, dội xuống khu dân cư.
Tiếp nhận những phản ánh của báo điện tử Dân trí, Bộ trưởng bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đã chỉ đạo các đơn vị, cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá nhanh tại hiện trường. Qua đó, Bộ GTVT xác định, cầu Thăng Long đã được đưa vào khai thác, sử dụng hơn 30 năm. Trong quá trình khai thác, kinh phí bảo trì hàng năm còn hạn chế nên các hạng mục cần đại tu sửa chữa lớn vẫn chưa được đáp ứng yêu cầu.
Hai khe co giãn kép trên phần cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 của đường ô tô cầu Thăng Long do Liên Xô (cũ) chế tạo đã cũ và hư hỏng lớn, chưa được đại tu, thay thế, dẫn đến hiện tượng gãy lò xo hình đĩa, đứt bu lông cường độ cao, bong, vỡ mối hàn tay hãm cốc, mòn và cong vênh các tấm thép. Mặc dù đã được đơn vị quản lý nhiều lần sửa chữa khẩn cấp nhưng các khe co giãn này vẫn xảy ra các đứt gãy, hư hỏng và đây là nguyên nhân gây ra những va đập mạnh ở khe co giãn khi có các phương tiện giao thông chạy qua. Đặc biệt, khi có các xe tải hạng nặng chạy qua, khe co giãn này đã phát ra những tiếng động lớn, ảnh hưởng đến khu dân cư sinh sống trong khu vực.
Qua xem xét đánh giá, hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 đường ô tô cầu Thăng Long nếu trên không thể tiếp tục sửa chữa do không có phụ kiện thay thế tương đương. Để đảm bảo an toàn cho các phương tiện tham gia giao thông và không ảnh hưởng đến dân cư sinh sống trong khu vực, Bộ GTVT giao cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị khẩn trương tiến hành thay thế đồng bộ hai khe co giãn trên cầu dẫn thuộc trụ ON6 và OB6 xong trước Tết Nguyên đán 2015.
Khánh Linh
Theo Dantri
Còn hàng trăm đường bộ giao đường sắt có nguy cơ gây tai nạn Sau 1 năm thực hiện quy chế phối hợp của Bộ GTVT và các tỉnh, thành trong việc đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại các điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt với đường bộ thì tình hình tai nạn giao thông giảm trên cả 3 tiêu chí. Ngày 10/1 tại Đà Nẵng, Bộ GTVT và UBND 34 tỉnh,...