Phòng tiêm chủng ăn bớt vaccine: Lập đường dây nóng mới
Trong diễn biến khắc phục sự cố và siết chặt quy trình tiêm chủng sau vụ việc phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa, Hà Nội) bị phát hiện ăn bớt vaccine tiêm cho trẻ, ngày 10-5, Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng và tăng cường bác sĩ tại các điểm tiêm chủng để tư vấn tiêm chủng cho người dân.
Sau khi tiêm vaccine cho trẻ, các bậc phụ huynh cần kiểm tra lọ vaccine và giữ lại hộp
Chưa phát hiện có sai phạm hệ thống
Video đang HOT
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội cho biết, hiện nay qua rà soát quy trình tiêm chủng ở phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh cũng như 2 phòng tiêm chủng khác thuộc quản lý của Trung tâm, vẫn chưa phát hiện bằng chứng cho thấy hành vi ăn bớt vaccine của nhân viên phòng tiêm là có tính hệ thống. Một mặt, việc xuất vaccine đều có kiểm kê hàng ngày nên muốn biết nhân viên tiêm chủng có gian lận vaccine hay không thì chỉ cần kiểm tra đầu buổi, cuối buổi xem số vaccine được xuất ra có khớp với số đã tiêm hay không. Nói cách khác, đầu ngày, tại mỗi điểm tiêm vaccine đều có nhân viên kiểm kê số vaccine phát ra, đến cuối ngày lại thống kê số vaccine đã dùng, từ đó sẽ ra số vaccine còn lại, số trẻ đã được tiêm vaccine trong ngày, số tiền, số ticke phát, vì các vỏ lọ vaccine đã tiêm đều phải cho vào túi, lưu giữ trong vòng 14 ngày. Hiện tại, TTYTDP Hà Nội đã cho kiểm tra ở phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh và thấy các số liệu này khớp nhau.
Liên quan đến nghi vấn việc ăn bớt vaccine nói trên là hành vi có chủ ý, ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, đến thời điểm này, qua kiểm tra, rà soát TTYTDP vẫn chưa phát hiện bằng chứng cho thấy đây là việc cố tình bớt xén. Mỗi lọ vaccine là một liều đơn, khi tiêm cho trẻ phải là lọ nguyên. Vaccine tiêm cho trẻ được bảo quản theo dây chuyền lạnh ở nhiệt độ 2-8 độ C, về nguyên tắc lọ vaccine đã mở để tiêm cho trẻ này thì tuyệt đối không được sử dụng tiếp để tiêm cho trẻ khác. Với quy trình tiêm chủng chặt chẽ như thế nên việc tái sử dụng vaccine thừa cho trẻ khác là rất khó xảy ra. Theo Giám đốc TTYTDP Hà Nội, do tại Trung tâm chưa phát hiện trường hợp sai phạm về lỗi này nên hiện không thể đánh giá được chính xác mức độ tác hại nếu sử dụng vaccine thừa để tiêm cho trẻ khác là thế nào.
Tuy vậy, một số bác sĩ nhi khoa, chuyên gia về tiêm chủng đều cho rằng, nếu sử dụng vaccine dư thừa ở lọ vaccine đã mở để tiêm cho trẻ khác thì sẽ vô cùng nguy hiểm, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – BV Bạch Mai, nếu sử dụng lại lượng vaccine dư thừa trong lọ để tiêm cho trẻ khác thì nguy hiểm ở chỗ vaccine được tiêm bị thiếu hoặc thừa liều theo quy định, trong trường hợp dồn vaccine dư thừa từ nhiều lọ khác nhau thì chất lượng vaccine đó không phải là một khối thống nhất, không đảm bảo an toàn tuyệt đối như lấy ra từ một lọ. Mặt khác, vaccine khi đã mở lọ, lấy ra thì phải tiêm ngay, nếu là lượng vaccine dư thừa đã được mở nắp nhưng để ngoài môi trường thì sẽ gây hỏng thuốc, không còn tác dụng bảo vệ.
Chịu trách nhiệm về chất lượng tiêm chủng
Đúng như đã hứa khi trả lời báo chí chiều 9-5, ngay trong ngày 10-5, TTYTDP Hà Nội đã thiết lập đường dây nóng mới số điện thoại 0439035688 để phục vụ riêng cho việc tiếp nhận phản ánh liên quan đến vụ việc gian lận vaccine tại phòng tiêm chủng thuộc Trung tâm. Đồng thời, TTYTDP Hà Nội cũng tăng cường thêm 3 bác sĩ tại 3 phòng tiêm chủng thuộc quản lý của Trung tâm để làm nhiệm vụ trực điện thoại, tư vấn cho khách hàng. Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, tất cả những trẻ đã tiêm phòng tại phòng tiêm chủng của Trung tâm nếu thấy lo lắng, không an tâm thì có thể gọi đến đường dây nóng của Trung tâm để được tư vấn, hướng dẫn và giải thích cặn kẽ. Với những trẻ đã được tiêm phòng mà vẫn mắc bệnh đã tiêm phòng, nếu liên quan đến việc tiêm chủng tại TTYTDP Hà Nội thì Trung tâm sẽ chịu trách nhiệm.
Đại diện TTYTDP Hà Nội cũng chia sẻ, người dân khi đưa trẻ đi tiêm chủng, sau khi tiêm có thể yêu cầu nhân viên tiêm chủng cho mang vỏ hộp vaccine về giữ, còn vỏ lọ vaccine thì có thể yêu cầu được xem nhưng phải đưa lại để nhân viên phòng tiêm chủng lưu trong vòng 14 ngày theo quy định của Bộ Y tế. Kêu gọi mọi người hãy cùng giám sát việc thực hiện quy trình tiêm chủng của nhân viên y tế khi đi tiêm chủng, song các chuyên gia dịch tễ cũng khuyến cáo người dân cần lưu ý là có một số loại vaccine mà nhà sản xuất luôn đóng dư lượng vaccine trong lọ so với liều tiêm, chẳng hạn như vaccine phòng ung thư cổ tử cung… Do đó, nếu thấy nhân viên tiêm chủng không rút hết thuốc trong lọ thì trước hết cần hỏi, đề nghị nhân viên đó giải thích lý do chứ không nên vội vàng quy chụp đó là hành vi “ăn chặn” vaccine.
Theo ANTD
Đình chỉ công tác tiêm chủng của bác sĩ sai phạm
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Việt Cường - Chánh Thanh tra Sở Y tế và ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc TTYTDP Hà Nội, tại buổi trao đổi với báo chí chiều 9-5, xung quanh vụ việc phòng tiêm chủng 70 Nguyễn Chí Thanh bị tố ăn bớt vaccine của khách.
- PV: Bác sĩ tiêm chủng ăn bớt vaccine tiêm cho trẻ khiến dư luận lo lắng và phẫn nộ. TTYTDP có xác nhận vụ việc này?
- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Vụ việc mà anh Dương Thái Lam phản ánh là đúng sự thật. Ngày 19-4, ngay sau khi nhận được thông tin anh Lam phản ánh, dù là ngày nghỉ (thứ bảy) song tôi cùng đại diện Thanh tra Sở Y tế đã lập tức tổ chức họp, làm việc với anh Lam và phòng tiêm chủng, cán bộ tiêm chủng bị tố có sai phạm. Tại buổi làm việc, bác sĩ Bùi Thị Phương Hoa - cán bộ tiêm chủng cho con anh Lam đã thừa nhận việc thực hiện không đúng quy trình tiêm chủng, có thể lấy thiếu liều lượng tiêm phòng cho cháu.
- Vậy TTYTDP Hà Nội xử lý thế nào với cán bộ có sai phạm?
- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Sau buổi làm việc với anh Lam, ngay tối 19-4 chúng tôi tiếp tục họp để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm. Chúng tôi đã tạm dừng phân công công tác tiêm chủng với bà Hoa - là nhân viên để xảy ra thiếu sót, sai phạm về quy trình tiêm chủng đến hết năm 2013. Trước mắt bà Hoa tạm nghỉ để làm tường trình vụ việc. Cùng đó sẽ hạ bậc thi đua trong tháng 4: xếp loại C, các tháng còn lại cho đến hết năm 2013 xếp loại B.
- Anh Lam phát hiện có đến 3 vỏ lọ vaccine đều còn dư thừa lượng vaccine sau khi đã tiêm. Vậy đây có phải là hành vi cố tình "ăn chặn" vaccine và liệu vaccine còn dư đó sẽ được tiêm cho trẻ khác?
- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Chúng tôi đã yêu cầu Khoa Kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm - đơn vị quản lý phòng tiêm chủng rà soát lại toàn bộ quy trình tiêm chủng, xác định xem đây chỉ là hiện tượng hay là vi phạm có tính hệ thống, là cố ý hay vô ý. Hiện tại, theo giám sát, rà soát quy trình của Khoa này vẫn chưa phát hiện có sai sót liên quan đến hệ thống, cũng chưa có bằng chứng cho thấy đó là hành vi "cố tình" ăn chặn. Khả năng dùng các loại vaccine dư thừa, không lấy hết trong các lọ đã tiêm cho trẻ trước để dồn lại và tiêm cho những trẻ sau là rất khó vì theo quy trình mỗi trẻ sẽ được tiêm một lọ vaccine riêng biệt.
Về 3 lọ vaccine đều còn dư vaccine như anh Lam phản ánh, ngoài lọ tiêm cho con anh Lam thì 2 vỏ lọ còn lại là loại vaccine khác (1 lọ là vaccine phòng dại, 1 lọ phòng uốn ván), không phải vaccine pentaxim. Còn việc tại sao bác sĩ không đưa vỏ lọ vaccine đã tiêm cho khách hay vứt vào thùng rác thì theo quy định của Bộ Y tế, phải giữ lại vỏ lọ và vỏ bơm kim tiêm vaccine để lưu trong vòng 14 ngày.
- Bà Hoa lý giải việc không hút hết vaccine trong lọ để tiêm cho cháu Phong (con anh Lam) là vì hôm đó sức khỏe bà không tốt. Liệu đây có phải là lý do?
- Ông Nguyễn Việt Cường: Chúng tôi không xem xét, đánh giá và xử lý vụ việc trên các lý do mà căn cứ trên diễn biến và tính chất của sự việc đã xảy ra. Nếu hôm đó bác sĩ Hoa không khỏe thì phải báo cáo để bố trí người khác tiêm chủng thay chứ không coi đó là lý do dẫn đến tiêm sai quy trình được.
- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Chúng tôi sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình, đánh giá lại năng lực của từng cán bộ phòng tiêm chủng, làm rõ sai phạm và trách nhiệm của từng người liên quan dẫn đến sai phạm trong quy trình tiêm chủng, từ đó sẽ đề xuất hình thức xử lý nghiêm khắc, sai đến đâu xử lý đến đó.
- Tiêm vaccine không đủ liều như vậy liệu có tác hại cho sức khỏe của trẻ, có đảm bảo tính miễn dịch không?
- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Với cháu Phong, chúng tôi đã cử 1 bác sĩ theo dõi sức khỏe của cháu và hẹn gia đình cháu sau 1 tháng sẽ đưa cháu đi kiểm tra xem đã có đủ kháng thể phòng bệnh hay không. Hiện tại chúng tôi cũng chưa liên hệ được với đơn vị nào kiểm tra, đánh giá kháng thể của vaccine pentaxim nếu bị tiêm không đủ liều, vì đây là vaccine "5 trong 1" nên phải đánh giá từng kháng thể một. Còn về nguyên tắc, tiêm vaccine phải đủ liều mới có tác dụng phòng bệnh.
- Sau sự việc này, những gia đình có trẻ đã tiêm chủng ở TTYTDP, đặc biệt là những trẻ tiêm cùng ngày với cháu Phong rất lo lắng. TTYTDP sẽ khắc phục như thế nào?
- Ông Nguyễn Nhật Cảm: Ngay trong sáng nay (10-5), chúng tôi sẽ thành lập bộ phận thường trực, đường dây nóng để tiếp nhận toàn bộ phản ánh của khách hàng liên quan đến vụ việc này, tư vấn và hướng dẫn cho họ. Bình quân mỗi ngày tại điểm tiêm chủng của TTYTDP Hà Nội có khoảng 100-200 trẻ đến tiêm. Hiện tại ở tất cả các điểm tiêm chủng đều công khai 3 số điện thoại đường dây nóng. Tôi cũng kêu gọi mọi người đưa trẻ đi tiêm chủng cùng giám sát quy trình tiêm chủng, yêu cầu nhân viên tiêm chủng cho xem vỏ lọ vaccine, nếu có vấn đề gì cần liên hệ ngay đến đường dây nóng.
Theo ANTD
Vụ 'ăn cắp' vắc xin: Đình chỉ y tá sai phạm Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã nhanh chóng vào cuộc làm rõ và đôn đốc lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội kỷ luật những người liên quan và báo cáo cụ thể với Sở Y tế Hà Nội. Liên quan đến phản ánh của anh Dương Thái Lam (SN 1984, trú tại Tích Sơn, Vĩnh Phúc) về...