‘Phóng thích’ tù nhân xưa và nay
Thời nào cũng vậy, tội phạm hiếp dâm (đặc biệt mang tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em), trộm cướp và đặc biệt tội phạm can án giết người đều nằm trong danh sách không được xét đặc xá tha tù trước thời hạn.
Ngược về quá khứ tìm hiểu việc “ phóng thích” tù nhân của triều vua xưa gần 2 thế kỷ trước để rồi ghi nhận nhiều câu chuyện, những nét tương đồng lẫn khác biệt giữa xưa và nay…
Theo trích đoạn trong Bộ Hình của triều Nguyễn giai đoạn vua Gia Long lập quốc, các tội phạm vào thập ác, giết người, trộm cắp, đốt nhà, đào mả, cướp lấy nhân khẩu của người khác, bắt người đem bán, dụ dỗ đàn bà – con gái và trẻ con người ta, chủ mưu sai kẻ khác giết người, biết người ấy có tội mà dung túng… đều không được tha dịp ân xá.
Tội thập ác được nhắc đến ở đây gồm các tội mưu phản, tội mưu đại nghịch (phá hủy lăng tẩm, cung miếu của nhà vua), tội mưu bạn (phản nước), tội ác nghịch (đánh và mưu giết ông bà, cha mẹ của mình hoặc chồng (vợ), tội bất đạo (giết 3 người trong một nhà), tội đại bất kính (ăn trộm đồ dùng của vua hoặc nơi đại tự), tội bất hiếu, tội bất mục (mưu giết và bán người họ hàng), tội bất nghĩa (giết quan viên, giết thầy dạy học, lấy chồng khác khi có tang chồng…) và tội nổi loạn (gian dâm với đàn bà con gái trong họ và thông dâm với nàng hầu của cha).
Theo quy định lúc bấy giờ của thiên tử, tù phạm mắc hết thảy các tội trên – những tội mà họ chủ tâm, cố ý làm đều không được tha khi gặp được ân xá. Những người vì lỡ lầm mà gây nên tội thì sẽ được tha tội khi có dịp ân xá. Với những trường hợp không nằm trong danh sách ân xá (nay là đặc xá) thì chỉ khi có xá thư của vua mới được tha tội hoặc giảm tội…
Thời Nguyễn, việc ân xá thường được diễn ra nhân dịp vua lên ngôi. Sử triều Nguyễn chép, Gia Long năm thứ 1 (1802), vua có Chiếu ban ơn rằng: Phàm các tù phải đồ (tội đồ, bắt làm nô lệ cho biết nhục với mức phạt thấp nhất là đồ 1 năm đánh 60 trượng, cao nhất đồ 3 năm phạt đánh 100 trượng) mới hay cũ, không kể là đã hay chưa xử tội, đều khoan tha cho tất cả. Duy có những tội giết người và kẻ cầm đầu bọn ăn cướp thì không được dự vào lệ ân xá này.
Năm 1820, ngay khi lên ngôi báu tiếp nối từ di chiếu của vua cha là Hoàng đế Gia Long, vua Minh Mạng cũng có Chiếu ban Dụ ân xá cho tù phạm: “Kể từ lúc mờ sáng ngày mồng 1 tháng Giêng trở về trước, phàm những người can tội quân, lưu (không nỡ giết chết, đem đánh đòn và đày phương xa) dù đã hay chưa kết án đều tha cho cả. Về tội xử tử có bao nhiêu người, giao cho Bộ Hình tra xét lại tội danh nặng, nhẹ thế nào tâu lên xin chỉ khoan giảm”…
Bên cạnh việc nối ngôi, các vua triều Nguyễn còn ban ơn ân xá cho tù phạm nhân những dịp khánh điển to lớn như mừng thọ Hoàng thái hậu (mừng thọ mẹ vua), nhận tin thắng trận hay khi đất nước liên tục gặp thiên tai.
Các vua đầu triều Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị ngày trước cũng có những chiếu cố, cho ân xá một số tù phạm lẽ ra phải xử tội chết. Điển hình là việc Vua Thiệu Trị chuẩn tờ tâu tha cho một nữ tử tội can án giết người vào năm Thiệu Trị thứ 4 (1844).
Trong chỉ dụ, vua Thiệu Trị ghi: “Nguyễn Thị Tú nguyên trước can án giết người phải xử tử, trước đây sai dụ được tên ăn cướp ra thú, kể cũng hơi biết sợ hãi, hối lỗi. Nay cha mẹ thị ấy già, ốm, không có người chăm nuôi, tình cũng đáng thương, gia ơn cho được tha ngay, nhưng phải già hiệu một tháng (đóng gông), phạt xuy 100 roi (vừa đánh vừa răn cho biết tội), lại phải nộp 20 lạng bạc cấp cho gia thuộc kẻ bị chết để làm tiền nuôi sống”.
Video đang HOT
Để tránh việc ân xá tha tội chết cho tử tội bị lạm dụng, trong dụ, vua Thiệu Trị lưu ý với triều thần: “Việc này lòng ta thương tình mà định tội, mà đặt ra hình phạt. Từ nay trở đi, những án nào mà tình, lý không giống như thế thì không được viện dụ này mà làm lệ”.
Luận về chuyện ân xá xưa lẫn nay, mới thấy thời nào cũng vậy, thấy rằng tội phạm hiếp dâm (đặc biệt mang tính chất loạn luân, hiếp dâm trẻ em), trộm cướp và đặc biệt là tội phạm can án giết người đều nằm trong danh sách không được xét đặc xá tha tù trước thời hạn.
Phạm nhân tại Trại giam An Phước.
Theo thiếu tướng Hồ Thanh Đình (Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp Bộ Công an), mục đích của việc ân xá suy cho cùng là tạo cơ hội để những người từng lỡ lầm được cơ hội hoàn lương, sống có ích.
Theo quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2013, đối tượng được xét đặc xá là người bị kết án tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại các trại giam hay trại tạm giam do Bộ Công an cùng Bộ Quốc phòng quản lý. Điều kiện để được đề nghị đặc xá là chấp hành tốt nội quy trại giam, chấp hành án phạt tù ít nhất 1/3 thời gian đối với hình phạt tù có thời hạn và ít nhất 14 năm đối với hình phạt tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn…
Phạm nhân lập được công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù như cứu người, cứu tài sản của Nhà nước, công dân trong thiên tai, hỏa hoạn… có giá trị từ 30 triệu đồng trở lên; hoặc nếu là con đẻ, con nuôi của Bà mẹ Việt Nam anh hùng… là những yếu tố để được xem xét đề nghị đặc xá.
Tướng Đình cho biết không xét đặc xá cho người đồng thời phạm 2 tội như giết người và cướp tài sản, giết người và hiếp dâm, giết người và hiếp dâm trẻ em, cướp tài sản và hiếp dâm trẻ em, giết người có tổ chức, hiếp dâm có tính loạn luân, cướp tài sản có sử dụng vũ khí, cướp tài sản và trộm cắp có tổ chức hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…
Thực tế cho thấy công tác đặc xá ở Việt Nam thường được triển khai nhân dịp Quốc khánh 2/9 (có năm đặc xá vào dịp 30/4 hay tết Nguyên đán), người phạm các trọng tội cướp – hiếp – giết hay nghiện ma túy được xét duyệt rất kỹ. Với những trường hợp gây trọng án, cơ hội để được lọt vào danh sách được tha tù trước thời hạn chỉ là con số không.
Theo An ninh thế giới
Ngày về của 9x giả cảnh sát tham gia vụ cướp gần tỷ
Nam thanh niên từng nhập vai cảnh sát tham gia vụ cướp gần một tỷ nói, sau khi được đặc xá sẽ về nơi yên nghỉ của mẹ để thắp nén nhang tạ lỗi, bởi khi bà mất, anh ta đang ở tù thụ án.
Một ngày trước khi quyết định đặc xá được thông báo xuống các trại giam trên cả nước, phạm nhân ở trại giam Vĩnh Quang (Bộ công an) vẫn cần mẫn làm việc như bao ngày bình thường.
Ngồi trong hội trường lớn, Trần Quốc Anh (22 tuổi ở quận Kiến An, Hải Phòng) chia sẻ, từ khi nhận được thông báo có tên trong diện đặc xá, tâm trạng anh ta buồn vui lẫn lộn. "Khó tả lắm anh ạ. Nhưng em đã đặt quyết tâm cho mình rồi là làm sao phải nhanh chóng hòa nhập cùng xã hội, không để làm bố phải khổ thêm", nam phạm nhân phạm tội khi mới 16 tuổi chia sẻ.
Quốc Anh kể, bố từng là lái xe, mẹ làm ở một bệnh viện nên kinh tế gia đình cũng không thuộc dạng khó khăn. Song do mải chơi nên học hết lớp 9 đã phải nghỉ học.
Quốc Anh chia sẻ trước ngày được thả tự do. Ảnh: Hà Anh.
Cuối năm 2006, sau gần một năm vào Sài Gòn chơi, Quốc Anh quay về Hải Phòng. Từ những mối quan hệ, khuya ngày 23/7/2007, anh ta nhận được điện thoại của Cao Văn Giang (25 tuổi, công tác ở công an huyện Tiên Lãng) rủ đi chặn chiếc xe ôtô của bọn buôn lậu chở hàng động vật quý hiếm nhằm chiếm đoạt tài sản. "Lúc đó em còn trẻ nên chẳng suy nghĩ được nhiều. Nghĩ anh Giang là công an còn dám đi cướp thì mình có gì phải sợ, vì thế em đã nghe theo", Quốc Anh nói.
Theo kế hoạch, tối đó, Giang, Quốc Anh, Vũ Anh Đức (20 tuổi) và Mai Thăng Long (bạn của Giang) hẹn gặp nhau ở khu vực trạm thu phí giao thông đường 10 thuộc xã Quang Trung, huyện An Lão. Đến đoạn đường thưa người, Giang yêu cầu Quốc Anh và Long mặc quần áo giả làm công an. Riêng Đức có nhiệm vụ quay đầu xe tạo thuận lợi cho đồng bọn nhanh chân trốn thoát.
2h ngày 24/7, thấy chiếc xe ôtô trong tầm ngắm, Giang mặc quần áo cảnh sát đeo hàm thượng úy, cầm gậy gỗ cùng đồng bọn phóng lên chặn đầu. Trong lúc Quốc Anh tiến tới lôi lái xe xuống khống chế để lấy chiếc điện thoại, Long và Giang dùng còng số 8 khóa tay anh Thú (người ngồi ở ghế phụ) vào cánh cửa xe để khống chế lấy chiếc cặp có khóa số (bên trong có 550 triệu đồng cùng 20.000 USD). Do hoảng sợ, lái xe bỏ chạy vào trong làng cầu cứu. Đây cũng là khoảng thời gian nhóm cướp nhanh chóng rút khỏi hiện trường.
Nhà chức trách cho biết, số tiền cướp được Giang chia cho Đức và Quốc Anh hơn 30 triệu đồng, người báo tin vụ việc Giang cho hưởng 150 triệu đồng. Ngoài ra, số tiền cướp được kẻ chủ mưu mang một phần đi trả nợ và mua xe máy...
Sau một ngày gây án, Giang bị cơ quan công an bắt. Khoản tiền 20.000 USD cùng 230 triệu đồng đã được thu hồi.
Kể về thời điểm gây án, Quốc Anh bảo lúc đó anh ta mới ngoài 16 tuổi nên "mặt còn non choẹt". Tuy nhiên thời điểm cướp do trời tối nên nạn nhân không phát hiện được.
Khi có được khoản tiền, Quốc Anh xuống Quảng Ninh lẩn trốn. Hơn một tháng sau, được gia đình động viên hắn ra đầu thú và khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Hơn một năm sau, 3 tên trong nhóm bị TAND Hải Phòng đưa ra xét xử về tội Cướp tài sản.
Đánh giá vụ án là đặc biệt nghiêm trọng, hành vi phạm tội của các bị cáo gây tâm lý hoang mang trong quần chúng nhân dân khi; bị cáo lợi dụng danh Công an tổ chức cho đồng bọn mặc quần áo công an để chặn xe ô tô chiếm đoạt tài sản gây bức xúc và giảm uy tín của lực lượng công an trên mặt trận phòng chống tội phạm nên chủ tọa tuyên phạt bị cáo Giang và Đức cùng 20 năm tù, Quốc Anh 12 năm tù.
Hơn chục ngày sau phiên sơ thẩm, Quốc Anh đã nộp đơn kháng cáo. Chủ tọa phiên phúc thẩm Đinh Thị Lý nhìn nhận hành vi phạm tội của bị cáo này thể hiện sự táo bạo và liều lĩnh. Quốc Anh là người thực hành tích cực soi đèn cho Giang để lục tìm tài sản, dùng tiền cướp được để ăn tiêu trong thời gian bỏ trốn nên cần phải xử bị cáo mức hình phạt thật nghiêm khắc để cải tạo giáo dục bị cáo và đấu tranh phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, trong vụ án này, bị cáo là người ít tuổi nhất, phạm tội khi chưa thành niên và do sự rủ rê, lôi kéo của Đức và Giang. Sau khi ra đầu thú, bị cáo đã khai thành khẩn hành vi phạm tội đã thực hiện, thực hiện với vai trò đồng phạm giúp sức. Xét mức 12 năm cấp sơ thẩm tuyên có phần nghiêm khắc nên HĐXX chấp nhận kháng cáo và giảm xuống còn 10 năm về tội Cướp tài sản.
Kể về những ngày đầu mới chấp hành án phạt tù, Quốc Anh bảo cũng khóc và mất ngủ nhiều. Bố mẹ và chị gái liên tục phải thay nhau đến động viên cải tạo cho tốt để sớm được trở về sum họp cùng gia đình.
Theo lời kể, dịp giáp Tết 2011, do mắc phải căn bệnh hiểm nghèo, mẹ của phạm nhân nàyđã mất. Hơn nửa tháng sau, Quốc Anh mới hay tin dữ. "Lúc nghe người nhà thông báo em cứ nghĩ họ đùa vì trước đó một tháng mẹ vẫn còn lên thăm và động viên. Tuy nhiên do phát hiện bệnh quá muộn nên không thể cứu chữa", đôi mắt phạm nhân ngân ngấn khi nói về người sinh thành ra mình.
Cũng kể từ đó đến nay, biết nhà neo người nên nam phạm nhân dặn dò bố không phải lên thăm mình. Ngày đặc xá, người thân các phạm nhân sẽ tấp nập lên đón con em mình, Quốc Anh bảo anh ta sẽ tự bắt xe về nhà. "Em chưa biết mình sẽ phải làm và học gì trong thời gian tới nhưng chắc chắn khi ra xã hội sẽ phấn đấu thành người tốt, không vi phạm pháp luật. Và điều làm đầu tiên sẽ đến bên mộ mẹ để tạ lỗi...", tù nhân trẻ nói.
Theo Tri thức
Hơn 15.500 phạm nhân được đặc xá hôm nay Sáng nay, Văn phòng Chủ tịch nước công bố quyết định tha tù trước thời hạn cho gần 15.500 người đang chấp hành án và hơn 70 trường hợp hoãn chấp hành hình phạt. Ảnh minh họa Theo ông Giang Sơn (Phó chủ nhiệm Văn phòng chủ tịch nước), dịp Quốc khánh năm nay, ngoài các trường hợp trên còn có 5 người...