Phóng sự Đức về nỗi đau da cam được đề cử Emmy 2016
Phóng sự dài 28 phút 31 giây của Philipp Abresch (Đức) mang tên Long Thanh will lachen (Long Thành muốn cười) vừa được đề cử giải Emmy hạng mục tác phẩm truyền hình tin tức và thời sự quốc tế năm 2016.
Tác giả Philipp Abresch và cậu bé Long Thành
Là một trong danh sách 8 đề cử cho hạng mục giải thưởng danh giá này, phóng sự kể về những nạn nhân Việt Nam bị nhiễm chất độc da cam của quân đội Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam và những hậu quả từ chất độc da cam người Việt Nam phải gánh chịu, như trường hợp cậu bé Long Thành, 15 tuổi.
Hai anh em nhà Long Thành bị dị tật bẩm sinh do người cha bị nhiễm chất độc da cam và hầu như hai anh em không thể tự làm gì. Tuy nhiên cậu bé Long Thành vẫn gắng vươn lên sống đầy nghị lực.
Để có những thước phim chân thực nhất, đoàn làm phim đã gặp gỡ trực tiếp các nạn nhân, chứng kiến nỗi đau mà họ đang phải trải qua từng ngày, từng giờ, đồng thời tới cả Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) để tận mắt thấy được những hình hài dị dạng không được may mắn làm người.
Theo phóng sự, chiến tranh đã lùi xa hơn 40 năm, nhưng hiện vẫn còn 3 triệu người Việt Nam phải mang trong mình những hậu quả từ chất độc da cam và 150.000 đứa trẻ sinh ra bị dị tật nặng nề.
Phóng sự mang đến các thông tin về việc Việt Nam đã kêu gọi sự hỗ trợ để xoa dịu nỗi đau da cam, song cho tới nay, chính quyền Mỹ vẫn nghi ngờ, bác bỏ hoặc phủ nhận trách nhiệm.
Video đang HOT
Tác giả Philipp Abresch trong một số lần tác nghiệp Ảnh: Daserste.de
Long Thành muốn cười thực sự là lời sẻ chia với nỗi đau da cam mà các gia đình Việt Nam đang phải gánh chịu sau chiến tranh. Tác giả Philipp Abresch là trưởng đại diện kênh ARD của Đức tại Singapore và phóng sự trên từng được phát sóng trên kênh ARD một năm trước.
Giải Emmy là giải thưởng cao quý nhất của công nghiệp truyền hình và thường được xem là giải Oscar của thể loại truyền hình. Giải thưởng đã góp phần phát triển công nghiệp truyền hình lớn mạnh, kể cả các chương trình giải trí, tin tức, tài liệu hay thể thao. Tác phẩm đoạt giải sẽ được công bố ở New York (Mỹ) vào ngày 21.9 tới.
Philipp Abresch cũng không tin nổi việc phim phóng sự mình được đề cử. “Điều này là thật sao, thật hạnh phúc và xin cám ơn đã đề cử phim chúng tôi vào mùa giải năm nay. Long Thành thực sự là một cậu bé truyền cảm hứng. Xin chân thành cám ơn những lời nhận xét về câu chuyện Việt Nam của chúng tôi”, Philipp Abresch nói.
Theo Thanh Niên
55 năm nỗi đau da cam ở Việt Nam
Bị liệt nửa người, vẹo cột sống bẩm sinh do nhiễm chất độc hóa học từ người cha, nhưng bà Phạm Thị Nhí ở Quảng Nam luôn ước mơ có mái ấm gia đình rộn tiếng cười với những đứa con khỏe mạnh.
Lớn lên trong mặc cảm, tự ti vì bị dị tật bẩm sinh, bà Nhí (50 tuổi, xã Tam Lộc, huyện Tam Kỳ) từng khóc cạn nước mắt, nhiều lúc muốn buông xuôi mặc số phận. Nhưng nhờ có tình yêu thương của gia đình và cộng đồng xã hội, bà cùng nhiều nạn nhân khác đã ngẩng cao đầu để sống. "Sống vì quyền được sống, quyền được làm người và mưu cầu hạnh phúc", bà Nhí chia sẻ tại lễ kỷ niệm 55 thảm họa da cam ở Việt Nam ngày 10/8.
Trong bà luôn bừng cháy khát vọng sống và ước mơ bình dị. "Tôi ước ao được cùng các bạn trang lứa chạy nhảy chơi đùa, nhảy múa hát ca. Tôi mơ được trở thành cô giáo, có một mái ấm gia đình luôn rộn tiếng cười của những đứa con khỏe mạnh.Nhưng giấc mơ chỉ là giấc mơ", bà Nhí nói.
Chiến tranh đã qua lâu, bà Nhí và rất nhiều nạn nhân chất độc da cam khác luôn tâm niệm khép lại quá khứ, hướng tới tương lai, nhưng không có nghĩa là phía Mỹ quên đi trách nhiệm khi đã dùng chất độc hóa học gây ra thảm họa kinh hoàng cho dân tộc Việt. "Chúng tôi muốn có sự phán xét công bằng, công minh của công lý, lương tri và lẽ phải, trả lại sự thanh thản cho kiếp người phải chết tức tưởi, những thân phận đang bị dày vò, sống dở chết dở bởi hậu quả chất độc da cam", bà Nhí nhấn mạnh.
Bà cũng mong nhận được nhiều sự giúp đỡ hơn nữa từ xã hội và quốc tế, để con cháu nạn nhân được tiếp sức đến trường, để không còn những bước đi khập khiễng nơi gầm cầu, xó chợ nhọc nhằn kiếm sống, không còn những giọt nước mắt lăn dài tuyệt vọng khi đi kiếm việc làm nuôi sống bản thân.
"Chúng tôi muốn được mãi mãi sống trong hòa bình để dựng xây đất nước, mọi người trên trái đất đều sống bình đẳng, thân thiện bên nhau", bà Nhí nói.
Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi vào quá khứ hơn 40 năm nhưng di chứng chất độc da cam vẫn ảnh hưởng đến những em bé mới chào đời, những thế hệ thứ hai, thứ ba của nhiều gia đình. Ảnh: Reuters.
Bà Phạm Thị Nhí là một trong 3 triệu nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam cần tình thương, sự đồng cảm và sẻ chia của cộng đồng. Theo thống kê của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA), từ năm 1961 đến 1971, quân đội Mỹ đã phun rải 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam, chứa ít nhất 366 kg dioxin xuống gần 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam.
"Chất độc đó làm 4,8 triệu người Việt bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân", thượng tướng Nguyễn Văn Rinh, Chủ tịch VAVA cho biết và nhắc lại sự kiện 10/8/1961 lần đầu tiên Mỹ rải "chất diệt cỏ" hay "chất khai quang". Đây cũng là ngày mở đầu cuộc chiến tranh hóa học có quy mô lớn nhất, dài nhất và gây hậu quả thảm khốc nhất trong lịch sự loài người.
Theo tướng Rinh, chất độc dioxin khiến nạn nhân mắc nhiều bệnh hiểm nghèo. Họ bị tước mất quyền con người cơ bản nhất, trước hết là quyền sống và quyền mưu cầu hạnh phúc. Phụ nữ bị mất quyền làm mẹ và rất nhiều trẻ em ra đời bị dị dạng, dị tật bẩm sinh do dioxin. Đặc biệt, dioxin còn gây tác hại đến hệ di truyền và thực tế Việt Nam đã xuất hiện nạn nhân ở thế hệ thứ tư.
"Chúng tôi xin lỗi. Chúng tôi xin lỗi vì những thiệt hại và tàn phá khủng khiếp đã gây ra cho người dân và đất nước của các bạn", bà Susan Schnall - cựu chiến binh của Hải quân Mỹ, hiện là thành viên ban lãnh đạo Hội cựu chiến binh chống chiến tranh Việt Nam nói. Bà hứa cố gắng khắc phục hậu quả của cuộc chiến tranh, làm sạch vùng đất bị ô nhiễm do Mỹ để lại và chữa lành vết thương cho con người.
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ nỗi đau mà những nạn nhân đã và đang trải qua do chất độc da cam, đồng thời đề nghị các bộ ngành Trung ương, địa phương chỉ đạo giải quyết hậu quả chất độc da cam. Đây vừa là vấn đề cấp bách, vừa lâu dài, là lương tâm và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Địa phương cần giúp đỡ người dân bị phơi nhiễm, nhất là vùng sâu, kiên trì đòi công lý.
Nhân dịp này, Chủ tịch nước kêu gọi người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế tiếp tục cuộc đồng hành nhân ái, vì hòa bình, công lý, cùng chung tay góp sức xoa dịu nỗi đau da cam.
Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam phát động Chương trình nhắn tin "Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam" lần thứ 8 qua Cổng thông tin nhân đạo quốc gia 1400 từ ngày 10/8 đến hết 30/9/ 2016. Mỗi tin nhắn ủng hộ 18.000 đồng.
5 năm qua, Chương trình nhắn tin vì nạn nhân chất độc da cam đã nhận được trên 900.000 tin nhắn ủng hộ, tương đương với số tiền hơn 17 tỷ đồng và được dành để giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam.
Phạm Hương
Theo VNE
Tiếp tục đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam "Cuộc chiến" đòi công lý cho nạn nhân chất độc da cam đã kéo dài 12 năm vẫn chưa ngã ngũ. Nhân 55 năm Ngày vì nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (10.8), PV Báo NTNN đã có cuộc trao đổi với Thượng tướng Nguyễn Văn Rinh - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Thượng tướng...