Phòng ngộ độc thực phẩm mùa hè
Ngộ độc thực phẩm thường gia tăng vào dịp hè, nguyên nhân liên quan nhiều đến sử dụng thực phẩm bị ô nhiễm khuẩn độc.
Một ca cấp cứu bệnh nhân ngộ độc thức ăn – Ảnh: Ngọc Thắng
Trong các tuần gần đây, Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thường xuyên tiếp nhận các ca cấp cứu do ngộ độc thức ăn. Nhiều bệnh nhân nhập viện với biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, nôn, mất nước, mất điện giải, sốt.
Theo bác sĩ Nguyễn Đàm Chính, công tác tại Trung tâm chống độc, thì ngộ độc thức ăn hầu hết do nhiễm khuẩn trong thức ăn. Có hai nhóm ngộ độc, một là vi khuẩn gây tổn thương ruột, bệnh nhân có sốt, nhiễm trùng đường ruột. Hai là bệnh nhân có thể ngộ độc do vi khuẩn tiết ra độc tố gây độc, trong trường hợp này bệnh nhân không sốt nhưng bị nôn dữ dội, gây mất nước nặng.
Ngộ độc thức ăn do nhiễm vi khuẩn ngoài việc sử dụng kháng sinh cần được bù dịch chống mất nước. “Tuy nhiên, với bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp, việc bù nước cần được theo dõi sát sao vì bù dịch có thể làm tăng huyết áp, phù phổi”, bác sĩ Chính lưu ý.
Một bệnh nhân nam 47 tuổi (ở Hưng Yên) nhập viện trong tình trạng đau bụng, nôn, mất nước nhiều, được chẩn đoán là ngộ độc do độc tố của vi khuẩn. Bệnh nhân bị suy thận độ 3 do mất nhiều nước. “Việc bù nước với bệnh nhân bị ngộ độc thực phẩm có nôn nhiều, tiêu chảy nhiều cần đặc biệt chú trọng vì mất nước kèm theo đó là giảm lượng nước trong máu, từ đó làm giảm lượng máu được đưa đến các cơ quan trong cơ thể, gây tổn thương cho các cơ quan này do thiếu nguồn nuôi dưỡng. Cơ quan ảnh hưởng sớm, tổn thương sớm khi bệnh nhân bị mất nước do tiêu chảy là thận, khiến bệnh nhân suy thận. Trong trường hợp này, việc điều trị, bù nước kịp thời có thể giúp thận phục hồi”, bác sĩ Chính giải thích.
Ngoài ra, mất nước trong ngộ độc độc thức ăn (do nôn, tiêu chảy) làm giảm huyết áp, trụy mạch. Mất nước gây mất điện giải, trong đó có mất ka li có thể dẫn đến co cơ, thậm chí liệt cơ. Việc bù điện giải trong đó có bù ka li sẽ giúp khắc phục tình trạng này.
Bác sĩ Chính lưu ý, cần phòng ngừa ngộ độc thực phẩm bằng ăn chín, uống sôi, thực phẩm chín cần được bảo quản riêng biệt trong môi trường thoáng sạch, tránh ô nhiễm. Cần có thói quen rửa tay sạch bằng xà phòng trước khi ăn – đây là biện pháp hết sức đơn giản mà hiệu quả, giúp giảm nguy cơ gây ô nhiễm cho thực phẩm. Làm sạch tay trước khi ăn bằng nước rửa tay khô cũng có thể áp dụng nếu không sẵn nguồn nước sạch và xà phòng. Giữ vệ sinh ăn uống, vệ sinh tay trước khi ăn cần được duy trì khi đi du lịch, dã ngoại.
Vào mùa hè, mùa du lịch cũng là “mùa” của ngộ độc thức ăn ở trẻ nhỏ. Theo TS-BS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, những ngày này các cháu thường được “tháo khoán” cho ăn nhiều loại thức ăn dẫn đến rối loạn tiêu hóa. Thậm chí ăn thức ăn lạ có thể gây dị ứng, ngộ độc, nôn ói. Đáng ngại hơn, khi đi chơi, du lịch, việc chế biến không chu đáo như tại gia đình, vệ sinh khó đảm bảo, thức ăn dễ ô nhiễm làm tăng nguy cơ ngộ độc ở trẻ nhỏ. Khi trẻ nôn, tiêu chảy, cần lập tức được bù nước (dung dịch uống oresol). Trẻ bị nôn, tiêu chảy nhiều, tốc độ mất nước nhanh, cần sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế. Nguy hiểm của mất nước khi tiêu chảy là làm giảm khối lượng tuần hoàn, rối loạn điện giải, gây co giật, sốc, hôn mê, thậm chí tử vong do trụy tim mạch. “Trong gia đình, khi đi chơi xa nên mang theo oresol. Trẻ sốt cao, tiêu chảy rất cần thiết được bù nước (bằng uống oresol) kịp thời. Nhưng cần lưu ý pha đúng cách”, bác sĩ Dũng khuyến cáo.
Liên Châu
Theo TNO