Phòng dịch H7N9: Chặn gia cầm, đo thân nhiệt người
Ngày 20/2, trao đổi với PV Tiền Phong sau chuyến thị sát phòng chống dịch cúm gia cầm ở một số tỉnh biên giới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám nói rằng, ngoài gác dịch ở gia cầm lậu, cần tăng kiểm soát virus H7N9 trên người, hàng hóa qua biên giới từ Trung Quốc.
Ông Tám cho biết, qua khảo sát thực tế ở các điểm nóng gà lậu trước đây là Quảng Ninh, Lạng Sơn, việc kiểm soát gia cầm và sản phẩm gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc thực hiện khá tốt. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, vì nguy cơ lây nhiễm virus H7N9 vào nước ta rất lớn. Virus H7N9 khác với H5N1 là không biểu hiện triệu chứng lâm sàng trên gia cầm. Hơn nữa, virus H5N1 xuất hiện chủ yếu ở vịt, hộ chăn nuôi, còn virus H7N9 xuất hiện chủ yếu trên đàn gà, chợ gia cầm sống và đặc biệt là chưa có vaccine.
Thưa ông, nguy cơ xâm nhiễm virus H7N9 vào Việt Nam là rất lớn, chúng ta cần ưu tiên thực hiện biện pháp cấp bách gì?
Các địa phương khẩn trương xây dựng ban hành ngay kế hoạch hành động của Ban chỉ đạo T.Ư về phòng chống dịch cúm gia cầm, với 4 tình huống xảy ra. Trong đó, địa phương phải sẵn sàng phương tiện, con người, cơ sở vật chất để ứng phó khi có virus H7N9. Hiện chúng ta chưa xuất hiện virus H7N9.
Ở các tỉnh biên giới phía Bắc, trừ Lào Cai, còn lại vẫn chưa có cúm gia cầm H5N1. Cùng việc ngăn chặn tuyệt đối gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu, cần kiểm soát chặt virus H7N9 từ khách và hàng hóa xuất, nhập từ Trung Quốc. Tăng thêm sử dụng máy đo thân nhiệt ở các cửa khẩu. Các địa phương phải thực hiện ngay tháng vệ sinh tiêu độc, khử trùng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám. Ảnh: P.A
Việt Nam phối hợp thế nào với các tổ chức quốc tế trong việc phòng chống H7N9?
Thời gian qua, nhiều tổ chức như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO)… phối hợp, hỗ trợ Việt Nam rất lớn trong việc phòng chống dịch cúm gia cầm. Hiện các tổ chức trên hỗ trợ Việt Nam tăng cường lấy mẫu gia cầm, nhất là khu vực biên giới xét nghiệm về virus H7N9. Tới đây, họ cũng giúp ta cả về kỹ thuật, kinh phí, diễn tập… phòng chống dịch bệnh.
Video đang HOT
Trước thông tin dồn dập về dịch cúm gia cầm, sức tiêu thụ gia cầm đang giảm, người dân e ngại vì sợ dịch?
Đầu năm nay, có thuận lợi là năm 2013, chúng ta kiểm soát được nhập lậu gia cầm biên giới và dịch bệnh. Do vậy, dịp Tết vừa rồi, trong lúc Trung Quốc có dịch, cấm một số chợ buôn bán gia cầm, chúng ta ăn Tết không có cúm. Từ đó, nguồn cung thực phẩm trong nước được khôi phục, tăng cường.
Ở Trung Quốc, do có dịch cúm H7N9, nên giá gia cầm giảm. Hiện chúng ta đang lo lây nhiễm H7N9, nên phải công khai thông tin cho người dân, để họ chủ động phòng chống dịch bệnh, trong đó cúm A/H7N9. Tuy nhiên, người dân cũng không nên quá hoang mang, các sản phẩm gia cầm sạch, có nguồn gốc vẫn sử dụng bình thường.
Có giải pháp nào giúp ngành chăn nuôi trong trước thoát sức ép gia cầm nhập từ Trung Quốc?
Việc này, ngoài kiểm soát tốt ở biên giới, cần nắm bắt và có sự cam kết với các đầu nậu tập kết hàng lậu. Cùng đó, ngành chăn nuôi trong nước phải được tổ chức làm sao giảm giá thành, không dịch bệnh, để nguồn cung trong nước dồi dào, đó là biện pháp bền vững. Tới đây, chúng ta sẽ hướng sang buôn bán nông sản với Trung Quốc qua con đường chính ngạch là chính, đồng thời kiểm soát tiểu ngạch, biên mậu để đi vào nề nếp hơn. Năm 2014, Bộ NN&PTNT phê duyệt dự án, cung cấp cho các tỉnh biên giới 2 lò ấp và trứng gia cầm, giúp người dân địa phương khôi phục giống gốc địa phương, tăng cường giống chất lượng tại chỗ.
Cảm ơn ông.
Chiều 20/2, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có 67 ổ dịch cúm gia cầm tại 17 tỉnh, thành phố gồm: Đắk Lắk, Long An, Kon Tum, Tây Ninh, Cà Mau, Khánh Hoà, Quảng Ngãi, Nam Định, Phú Yên, Lào Cai, Bà Rịa-Vũng Tàu, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Cần Thơ, Vĩnh Long và Thanh Hóa. Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết là 62.000 con, số gia cầm tiêu hủy là gần 85.000 con. Tại Thanh Hóa, dịch xảy ra tại xã Anh Sơn và Tân Trường của huyện Tĩnh Gia, số gia cầm bị tiêu hủy là trên 700 con. Tỉnh này đã công bố có dịch. Sáng 20/2, tại thành phố Lạng Sơn, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống cúm gia cầm tổ chức họp bàn với 13 tỉnh miền núi phía Bắc.
Theo Phạm Anh (Tiền Phong)
Lập lều gác dịch tại vành đai biên giới
Trước nguy cơ nhiễm virus cúm H7N9 từ Trung Quốc, Lạng Sơn lập 24 lều bạt gác tại các điểm nóng buôn lậu gia cầm, lên kế hoạch thành lập bệnh viện dã chiến, phòng khi có virus H7N9 xuất hiện tại tỉnh này.
Nguy cơ tiềm ẩn
Hôm qua, 19/2, có mặt tại điểm nóng buôn lậu gia cầm gần khu vực cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn), PV Tiền Phong thấy cảnh thưa vắng. Một lều bạt của lực lượng biên phòng dựng ngay cạnh lối mòn giáp biên, nơi trước đây gà lậu Trung Quốc hay "bay" qua.
Ông Hoàng Văn Hà, Chỉ huy trưởng Trạm kiểm soát biên phòng Chi Ma cho biết, trước và sau dịp Tết, gần như việc buôn lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm không còn.
Theo ông Hà, trước đây, các loại gà, vịt, ngỗng, nhất là gà giống nhập qua lối mở này rất nhiều. "Năm ngoái, đợt Trung Quốc có dịch, họ đẩy gia cầm sang ta. Trong đó chủ yếu là gà choai 1 tuần tuổi, giá 3.000-3.500 đồng/con, nhập về nội địa giá 7-8 nghìn đồng/con, lãi lớn nên người lấy hàng nhiều"- ông Hà nói.
Đi kiểm tra khu vực cửa khẩu Chi Ma, nơi có hàng nghìn người Trung Quốc qua lại mỗi ngày, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám băn khoăn: "Việc buôn bán, nhập lậu gia cầm các anh báo cáo cần kiểm soát chặt rồi, thế người kiểm tra sao, vì virus H7N9 không chỉ có trên đàn gà, có thể ở người, hàng hóa, môi trường".
Ông Vi Đình Diêm, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Lạng Sơn cho biết, ở cửa khẩu Chi Ma không có máy đo thân nhiệt. Lượng khách Trung Quốc qua lại khu vực này khoảng 2.000 người/ngày, chủ yếu là qua thăm thân, nhận hàng, chỉ hoạt động khu vực gần biên giới, không đi sâu vào nội địa.
Thứ trưởng Vũ Văn Tám (ngoài cùng bên phải) kiểm tra tại điểm nóng buôn lậu gia cầm khu vực Bãi Danh. Ảnh: Văn Bang
Theo ông Tám, nguy cơ virus H7N9 vào nước ta qua Lạng Sơn rất lớn vì đường biên dài hơn 230 km, không được chủ quan. Trong khi đó, tỉnh Quảng Tây, nơi giáp với 4 tỉnh biên giới Việt Nam đã có người chết vì H7N9. Do đó, Lạng Sơn cần tăng cường lấy mẫu phân tích để kiểm soát virus H7N9.
Tại khu vực Hang Dơi (gần cửa khẩu Cốc Nam) và Kéo Khan, Bãi Danh, ở thị trấn Đồng Đăng (huyện Cao Lộc) cũng được dựng các lều gác. Theo ông Diêm, hiện toàn tỉnh lập 24 lều bạt tại các đường mòn, lối mở, chốt chặn 24/24 giờ tại các khu vực trọng điểm khu vực cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam, Hữu Nghị và Chi Ma. Cơ quan chức năng Lạng Sơn đã vận động, răn đe 2 đầu nậu ở Chi Ma và 4 đầu nậu buôn lậu gia cầm ở khu vực Đồng Đăng họ đã dừng hoạt động.
Lên phương án lập bệnh viện dã chiến
Theo bà Lê Thị Thanh Nhàn, Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn, kết quả của các chương trình giám sát cho thấy, hiện ở tỉnh này chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm H5N1, cũng như virus H7N9.
Theo bà, ở các chợ đầu mối, hiện đang tăng phun thuốc tiêu độc khử trùng lên 2 lần/ngày; nghiêm cấm, và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu, kể cả hàng tặng của người dân hai bên biên giới.
Lạng Sơn có 3 cửa khẩu được trang bị máy đo thân nhiệt là Hữu Nghị, Tân Thanh và Cốc Nam. Dự kiến tuần tới, tỉnh sẽ lắp thêm một máy ở cửa khẩu Hữu Nghị. Đây là loại máy có thể đo được khoảng cách 35 m, độ chênh lệch 0,5 độ.
Theo Sở Y tế Lạng Sơn, hơn 1 triệu khách qua lại biên giới trong năm qua ở tỉnh này, nhưng chỉ phát hiện một trường hợp nghi ngờ, qua kiểm tra là do viêm phổi.
Lạng Sơn đã chuẩn bị 2 khu cách ly và điều trị tuyến tỉnh, một tại phòng khám Đa khoa khu vực Đồng Đăng với 15 giường bệnh (tình huống chưa có virus H7N9) và 50 giường (khi xuất hiện virus H7N9 trên người), và một khu tại khoa Truyền nhiễm tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Ngoài ra, tỉnh xây dựng kế hoạch thiết lập một bệnh viện dã chiến tuyến II, III quy mô 70-100 giường bệnh, nếu phát hiện virus H7N9 trên gia cầm và cả người. Tỉnh bố trí 30 xe ô tô, 26 máy thở và một số máy X-quang di động, hàng chục máy theo dõi bệnh nhân, máy tạo ô xy... và cơ số thuốc điều trị triệu chứng, dịch truyền.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Lý Vinh Quang cho biết: Trước tình hình dịch cúm gia cầm đang diễn biến rất phức tạp, với sự xuất hiện của nhiều chủng vi rút khác nhau trên cả người và động vật, xảy ra ở nhiều nước, trong đó có Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh Lạng Sơn ban hành văn bản số 114/UBND-KTN đốc thúc các sở, ban, ngành liên quan, lãnh đạo các huyện, TP khẩn trương thực hiện 5 nhiệm vụ chính yếu. Trong đó, tập trung triển khai thực hiện "Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu trái phép"; giám sát chặt chẽ tình hình dịch, bệnh và tăng cường công tác kiểm dịch, xử lý triệt để việc vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật nhập lậu, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y. Nguyễn Duy Chiến
Theo Phạm Anh (Tiền Phong)
Dịch cúm A/H7N9 không đơn giản "Cúm A/H7N9 chưa xuất hiện Việt Nam nhưng tôi đánh giá dịch cúm này không đơn giản", ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định. Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết, theo thông tin từ Cơ quan đầu mối Y tế quốc tế của Tổ chức Y tế thế giới, ngày 12/02, Trung Quốc đã ghi...