Phòng, chống dịch không ảnh hưởng nhiều đến tiến độ chọn SGK
Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, các trường phải công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ 5 tháng.
Ông Nguyễn Kiên Cường – Hiệu trưởng trường Tiểu học Sóc Đăng (Đoan Hùng, Phú Thọ) – cho biết: Trong thời gian học sinh tạm nghỉ vì phòng chống dịch Covid-19, cán bộ, giáo viên, nhân viên vẫn có mặt tại trường để thực hiện công tác vệ sinh phòng, chống dịch bệnh; hỗ trợ học sinh học tại nhà và sinh hoạt chuyên môn. Do đó, công tác phòng, chống dịch không làm ảnh hưởng nhiều đến tiến độ lựa chọn sách giáo khoa (SGK).
Cán bộ, giáo viên trường Tiểu học Sóc Đăng nghiên cứu, thảo luận chọn SGK.
Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, các trường phải công bố công khai danh mục SGK được lựa chọn để sử dụng và niêm yết tại cơ sở trước khi bắt đầu năm học mới ít nhất từ 5 tháng. Nắm được lộ trình đó, theo ông Nguyễn Kiên Cường, trường Tiểu học Sóc Đăng đã yêu cầu tất cả giáo viên chủ động đọc và tham khảo các bộ sách đã được Bộ GD & ĐT phê duyệt.
Tổ chuyên môn của trường tổ chức nghiên cứu, thảo luận và đánh giá SGK các môn học thuộc chuyên môn phụ trách theo tiêu chí lựa chọn SGK. Giáo viên bỏ phiếu kín lựa chọn một đầu SGK cho mỗi môn học thuộc phạm vi đánh giá, lựa chọn của tổ chuyên môn. Tổ chuyên môn báo cáo Hội đồng danh mục SGK được lựa chọn, sắp xếp theo thứ tự số phiếu đồng ý lựa chọn từ cao xuống thấp. Danh mục SGK được lựa chọn có chữ ký của tổ trưởng tổ chuyên môn và các giáo viên trong tổ chuyên môn.
“Trường đã ra quyết định thành lập Hội đồng lựa chọn sách gồm 11 thành viên. Trong đó, Hiệu trưởng là chủ tịch Hội đồng, Hiệu phó là phó chủ tịch Hội đồng, Tổ trưởng chuyên môn là thư ký, các uỷ viên là giáo viên phụ trách các môn học,1 thành viên là đại diện cho cha mẹ học sinh của nhà trường. Các thành viên còn lại là giáo viên dạy các môn học hoặc hoạt động giáo dục có SGK được lựa chọn” – ông Nguyễn Kiên Cường cho hay.
Nói thêm về quy trình chọn SGK, ông Nguyễn Kiên Cường cho biết: Hội đồng họp, thảo luận, đánh giá SGK trên cơ sở danh mục SGK do các tổ chuyên môn đề xuất lựa chọn theo các nguyên tắc quy định tại hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và tiêu chí lựa chọn SGK.
Hội đồng bỏ phiếu kín lựa chọn SGK. SGK được lựa chọn phải được trên 1/2 (một phần hai) số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn. Trường hợp SGK không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn, Hội đồng thảo luận, phân tích các SGK với các tiêu chí lựa chọn SGK và bỏ phiếu lựa chọn lại.
Sau lần bỏ phiếu thứ hai, nếu vẫn không được trên 1/2 số thành viên của Hội đồng bỏ phiếu đồng ý lựa chọn thì Hội đồng quyết định lựa chọn SGK có số phiếu đồng ý cao nhất trong danh mục SGK do tổ chuyên môn báo cáo theo quy định. Hội đồng tổng hợp kết quả lựa chọn SGK thành biên bản, có chữ ký của Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên tham dự.
Video đang HOT
Dù theo quy định, lựa chọn sách thuộc quyền của cơ sở giáo dục, nhưng ông Nguyễn Kiên Cường cũng cho biết, nhà trường mong muốn chọn được một bộ sách chung của tỉnh. Điều đó tạo điều kiện thuận lợi nhất trong việc chỉ đạo, tập huấn cho giáo viên cũng như trao đổi chuyên môn giữa các trường trong huyện, trong tỉnh.
Hải Bình
Theo giaoducthoidai
Phân hóa như... chọn sách giáo khoa mới
Để tránh lãng phí, tăng cường khai thác sách giáo khoa cũ, không gì hơn các trường trong tỉnh có chung một bộ sách giáo khoa lớp 1 ngay trong năm học 2020-2021
Bên cạnh dịch viêm phổi cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra (Covid-19), việc chọn sách giáo khoa lớp 1 cho năm học 2020-2021 đang nhận được sự quan tâm của thầy cô giáo được phân dạy khối 1 nói riêng và giáo viên tiểu học nói chung.
Có nhiều lo ngại việc tác động của quyền lực... đến chọn sách giáo khoa, chọn vì quan hệ, chọn vì gợi ý... của cấp trên..
Khi tâm thế chọn sách vì phù hợp với mình và học trò, phù hợp thực tế giáo dục địa phương, đã có sự phân hóa lớn trong kết quả chọn sách của các trường hiện nay.
Người viết lấy số liệu tổng hợp của một địa phương, vì lý do tế nhị nên không có tên địa phương, tên sách giáo khoa, chỉ có tên bộ sách viết tắt.
Bảng tổng hợp kết quả chọn sách giáo khoa lớp 1 của một số trường tiểu học (Ảnh do tác giả cung cấp)
Trong cùng địa phương, có điều kiện kinh tế xã hội khá tương đồng, cơ sở vật chất rất tốt; đều chọn sách theo tiêu chí của địa phương quy định, thế nhưng kết quả không hề giống nhau.
Kết quả chọn sách nói lên không có sự tác động của "thế lực" nào lên các hội đồng chọn sách; không có trường nào chọn các đầu sách cùng một bộ; không có trường nào giống nhau hoàn toàn.
Kết quả chọn sách phân hóa như vậy có thuận lợi gì?
Thuận lợi đầu tiên phải nói đến là bộ sách được chọn phù hợp với giáo viên sẽ dạy lớp 1, học sinh và điều kiện cụ thể của trường học.
Kết quả chọn sách giáo khoa kịp thời để thông báo cho phụ huynh, học sinh chuẩn bị cho năm học mới.
Kết quả chọn sách phân hóa cũng thể hiện tính dân chủ của quá trình chọn sách, không bị ai tác động hay điều khiển.
Kết quả chọn sách phân hóa như vậy có khó khăn gì?
Năm học 2021-2022, mỗi tỉnh sẽ chọn 1 bộ sách giáo khoa chung, tất nhiên sẽ dẫn đến khả năng sách khoa năm 2020-2021 không trùng với bộ sách mới, chắc chắn sẽ xảy ra sự lãng phí.
Bộ sách năm học 2021-2022 sẽ khó lòng thỏa mãn, phù hợp với tất cả giáo viên và học sinh các trường trong tỉnh.
Giải pháp nào tránh lãng phí, đáp ứng nhiều nhất cho giáo viên, học sinh?
Để tránh lãng phí, tăng cường khai thác sách giáo khoa cũ, không gì hơn các trường trong tỉnh có chung một bộ sách giáo khoa lớp 1 ngay trong năm học 2020-2021.
Bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2020-2021 cũng là bộ sách lớp 1 năm học 2021-2022.
Muốn vậy phải có sự đồng thuận cao nhất của giáo viên, hội đồng chọn sách trong các trường học hiện nay.
Để làm được điều này, Sở Giáo dục và Đào tạo cần thống kê kết quả chọn sách lớp 1 của các trường trên toàn tỉnh; lấy kết quả chung nhất của cả tỉnh về mỗi đầu sách dựa trên lựa chọn nhiều nhất của các trường tiểu học trong tỉnh làm bộ sách lớp 1 của tỉnh vào năm học 2021-2022.
Vì năm học 2021-2022 tỉnh cũng phải chọn 1 bộ sách lớp 1 chung, làm như thế vừa giảm công tác phải chọn lựa sách giáo khoa lớp 1, vừa khai thác tận dụng được trí tuệ tập thể của rất nhiều giáo viên trong địa phương trong chọn sách giáo khoa.
Thông báo kết quả chọn lựa bộ sách giáo khoa lớp 1 năm học 2021-2022 đến từng trường, đề nghị các trường tham khảo; nghiên cứu lại bộ sách 2021-2022 đã được chọn lựa; nếu vẫn phù hợp với trường mình thì chọn lựa, trên cơ sở tuyệt đối tôn trọng quyết định chọn sách của trường học.
Nếu giáo viên, nhà trường thấy chưa phù hợp với mình nhưng khắc phục được, nên chọn bộ sách chung này, vì học trò, vì phụ huynh.
Năm học 2021-2022 khi tiến hành chọn sách giáo khoa theo luật giáo dục mới, hội đồng chọn sách của tỉnh chỉ phải chọn sách giáo khoa lớp 2.
Làm như thế sẽ giảm thiểu tối đa sự lãng phí sách năm học 2020-2021; kết quả chọn sách giáo khoa 2021-2022 đáp ứng tiêu chí phù hợp với giáo viên trên địa phương nhiều nhất.
Sơn Quang Huyến
Theo giaoduc.net
Thứ trưởng Bộ Y tế: 'Tôn trọng quyết định cho học sinh nghỉ học của địa phương' Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tùy theo tình hình dịch bệnh Covid-19 của địa phương mà đưa ra quyết định cho học sinh nghỉ học. Ông Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế - Ảnh: Nguyên Vũ Chiều 21.2, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư...