Phòng chống dịch bệnh TCM: Cần có sự vào cuộc của liên ngành
Ngày 20/11, Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng tại TP HCM.
Rửa tay bằng xà phòng, nhắc trẻ giữ vệ sinh là một biện pháp hữu hiệu để phòng tránh bệnh tay chân miệng. Ảnh: TT.
Bộ Y tế đã tổ chức Hội nghị tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng (TCM) ngày 20/11 tại TP HCM nhằm thảo luận, trao đổi kinh nghiệm để giảm số ca mắc, tử vong do bệnh gây ra trên toàn quốc. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Bệnh TCM có xu hướng giảm
Theo Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng Nguyễn Văn Bình, năm 2011, bệnh TCM diễn biến phức tạp tại một số nước trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 4 trong số 10 nước có số ca mắc TCM cao nhất thế giới.
Từ đầu năm đến nay, cả nước có 90.189 trường hợp mắc TCM tại 63 địa phương trong đó có 153 trường hợp tử vong tại 28 tỉnh, thành phố; tỷ lệ mắc/100.000 dân là 100,8. Theo biểu đồ diễn biến tình hình dịch TCM từ tháng 1 đến tháng 11/2011, dịch đã đạt đỉnh cao nhất vào tháng 9 và đang có xu hướng giảm vào tháng 10, tháng 11. Dự đoán số mắc mới trong tháng 11 có thể giảm hơn so với tháng 10/2011.
Miền Nam là khu vực có số mắc cao nhất: 58.171 trường hợp, kế tiếp là miền Bắc ghi nhận 14.067 trường hợp mắc. Về tử vong, khu vực miền Nam ghi nhận số trường hợp tử vong cao nhất là 131 trường hợp. Các tỉnh Quảng Ngãi, Đồng Tháp, Bà Rịa- Vũng Tàu có tỉ lệ mắc/100.000 dân cao nhất. Tỷ lệ chết/100.000 dân cao nhất cả nước là các tỉnh Đồng Nai, Bạc Liêu, Ninh Thuận. Trong đó Ninh Thuận đã công bố dịch trên toàn quốc, hiện đang đứng đầu cả nước về tỷ lệ chết/mắc.
Dự báo trong tháng 11 và 12 dịch tiếp tục giảm tuy nhiên có nguy cơ duy trì số mắc và tử vong vì bệnh không có vaccine phòng ngừa, không có thuốc đặc hiệu; bệnh có nhiều týp virus gây bệnh, tỷ lệ EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn. Tỷ lệ người lớn mang trùng cao cũng là nguồn lây nhiễm bệnh cho trẻ em, người chăm sóc trẻ áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh thấp. Đáng kể là một số nơi chưa nhận được sự quan tâm đúng mức của các cấp chính quyền.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng lãnh đạo Bộ Y tế chủ trì Hội nghị bàn biện pháp chống dịch tay chân miệng.
Video đang HOT
Khó khăn
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã phát biểu, ngành y tế đã rất nỗ lực để giảm tỷ lệ mắc và tử vong do TCM. Tuy nhiên để chống dịch hiệu quả cần có quyết tâm của cả hệ thống chính trị.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, năm 2011, tỷ lệ mắc và tử vong cao gấp 10 lần năm 2010. Tình hình bệnh dịch đang cấp bách, TCM tử vong cao gấp đôi so với sốt xuất huyết vì vậy rất đáng để quan tâm. Theo Phó Thủ tướng, công việc sắp tới phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đặc biệt có các nội dung cha mẹ phải biết, đó là đối tượng nguy cơ là trẻ dưới 5 tuổi, đường lây lan là tiêu hóa vì vậy cần ăn sạch, uống sạch, chân tay phải sạch; tuyên truyền phải đúng địa chỉ.
PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho biết, nguyên nhân khiến dịch gia tăng số người mắc là vì một số địa phương chưa nhận thức rõ vai trò trách nhiệm trong việc phối hợp liên ngành trong công tác phòng chống dịch. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân và trung tâm y tế. “Nhiều địa phương mật độ dân số cao, điều kiện vệ sinh môi trường chưa tốt, thiếu nước sạch nên công tác phòng chống dịch còn gặp nhiều khó khăn”, ông Hiển hay.
BS. Tăng Chí Thượng, Giám đốc BV Nhi Đồng 1, TP HCM cho biết, BV hiện vẫn quá tải dữ dội, mỗi ngày tiếp nhận 100 ca mới, số ca nặng tăng cao, có giai đoạn không đủ giường bệnh, thiết bị điều trị. Theo BS. Tăng Chí Thượng, số ca bệnh sẽ giảm tử vong nếu mở rộng mạng lưới điều trị tay chân miệng; thành thạo lưu đồ xử trí, sớm hình thành các đơn nguyên hồi sức cấp cứu bệnh TCM.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng về công tác chỉ đạo, UBND các tỉnh cần kiện toàn lại công tác phòng chống dịch. Các tỉnh dựa vào Nghị định 64 về công bố dịch và công bố hết dịch để áp dụng. Trong năm nay dịch TCM đã xảy ra ở nước ta với tỉ lệ lớn nhất từ trước đến nay, rất cần có sự vào cuộc liên ngành và cộng đồng.
“Trước mắt Bộ Y tế sẽ hỗ trợ kinh phí cho Cục Khám chữa bệnh xây dựng 3 trung tâm chuyên về chữa bệnh như sốt xuất huyết trước kia là BV Nhi đồng1, Nhi đồng 2 và BV Bệnh Nhiệt Đới. Tham mưu UBND tỉnh mua máy monitor trong điều trị bệnh; mở thêm các lớp cho điều dưỡng nhất là các tỉnh có số mắc và tử vong cao về TCM”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho hay.
Sáng 19/11, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến tỉnh Ninh Thuận chứng kiến lễ phát động chiến dịch rửa tay với xà phòng, nhằm chống dịch TCM. Bộ trưởng cũng đã đi kiểm tra tình hình điều trị bệnh tại BVĐK Ninh Thuận.
Theo Bộ trưởng, dịch TCM lan rộng nên việc phát động chiến dịch rửa tay với xà phòng là vấn đề cấp bách, nhằm chuyển tải thông tin tuyên truyền đến từng hộ dân để nâng cao nhận thức về việc chăm sóc con trẻ, bảo đảm sức khỏe, môi trường.
Trước đó, Bộ Y tế đã có cử nhiều đoàn công tác vào Ninh Thuận để làm việc với địa phương về công tác điều trị chống dịch TCM hiệu quả.
Theo Gia Đình & Xã Hội
Dịch bệnh tay chân miệng: Áp lực đang dồn về thành phố
Các ca bệnh tay chân miệng (TCM) từ các tỉnh đang dồn về những TP lớn, khiến các nơi này có nguy cơ trở thành những ổ dịch.
Bệnh nhân từ tỉnh chiếm 80-90%
Bệnh nhi TCM các tỉnh dồn về quá đông khiến khoa Nhiễm - BV Nhi đồng 1 (TP.HCM) luôn quá tải
Mặc dù tổng số ca mắc bệnh TCM tại TPHCM có chựng lại so với những tháng cao điểm (từ tháng 8 trở về trước), nhưng lượng bệnh nhi TCM điều trị nội trú tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) không hề giảm. Khoa Nhiễm của BV này vẫn quá tải như lúc cao điểm, với bình quân luôn có hơn 150 bệnh nhi TCM nằm viện. Nguyên nhân là do bệnh nhi từ các tỉnh đổ dồn về.
Theo bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1: "Những tuần qua, tình hình điều trị, chăm sóc bệnh TCM ở khoa vẫn "căng" như trước, có hôm bệnh nhi ở các tỉnh đổ dồn về quá nhiều, chiếm hơn 80% riêng các ca nặng thì chiếm khoảng 90% trong số các ca nặng nằm viện". "Các tỉnh có bệnh TCM chuyển lên nhiều gồm: Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu... Có hôm một xe ở Cà Mau lên chuyển theo 4-5 bệnh nhi cùng lúc", BS Khanh nói. Còn tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2 (TP.HCM) những ngày qua số trẻ mắc TCM nằm viện dao động từ 110 - 130 ca, trong đó bệnh nhi từ các tỉnh luôn chiếm từ 50 - 60% số trẻ nằm viện.
"Một khi bệnh nhi tay chân miệng dồn về TP quá đông, các y, bác sĩ bệnh viện TP làm việc quá tải, điều đó dễ dẫn đến nguy cơ sai sót, mà sai sót có khi phải trả giá bằng mạng sống", một BS của BV tuyến trên TPHCM
Theo các BS, sở dĩ bệnh nhi dồn về TP nhiều là do thời gian gần đây bệnh TCM tấn công nhiều tại các tỉnh, BV tuyến tỉnh thiếu người, thiếu trang thiết bị điều trị các ca bệnh nặng, người nhà lo lắng tự chuyển lên...
Bên cạnh đó, còn có những trẻ mắc TCM nặng cần phải dùng đến thuốc trị là gammaglobuline, bình quân tốn khoảng 15-20 triệu đồng/bệnh nhi, có ca nặng lên đến 40-50 triệu đồng, nhưng bệnh nhi ở các tỉnh không được bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả tiền sử dụng thuốc này, cho dù là trẻ dưới 6 tuổi. Vì thế, nhiều BV tuyến dưới chuyển bệnh nhi TCM lên TPHCM (trẻ dưới 6 tuổi ở TP.HCM thì được BHYT chi trả tiền thuốc gammaglobuline). Nhiều BS bức xúc: nếu BHYT không chi trả thì Nhà nước, cụ thể là UBND các địa phương phải xem xét chi trả cho trẻ, vì trẻ dưới 6 tuổi phải được miễn phí. Chi phí điều trị gammaglobuline quá cao, nếu các địa phương không hỗ trợ chi trả sẽ rất khó khăn cho các trẻ gia đình nghèo chưa kể với những ca nặng, nếu chuyển đi sẽ nguy hiểm cho sức khỏe bệnh nhi. BS Trương Hữu Khanh cho biết, nếu trẻ mắc TCM từ độ 2B trở lên (cao nhất là độ 4) cần phải điều trị bằng gammaglobuline. Trong số bệnh nhi mắc TCM nhập BV Nhi đồng 1 có khoảng 10% cần dùng đến gammaglobuline.
Nguy cơ lây lan ra cộng đồng
Trước tình trạng lượng bệnh TCM các tỉnh dồn về TP quá đông, BS Nguyễn Đắc Thọ, Phó giám đốc TT Y tế dự phòng (TTYTDP) TPHCM cảnh báo: "So với lúc cao điểm, với hơn 500 ca mắc TCM/tuần, hiện TPHCM còn trên dưới 300 ca mắc/tuần. Tuy nhiên, TP đang bị áp lực do bệnh TCM từ các tỉnh đổ về rất đông. Điều này sẽ là nguy cơ làm lây lan trở lại bệnh TCM tại TP".
Triệu chứng bệnh không còn điển hình Các bác sĩ khuyến cáo, triệu chứng bệnh TCM gần đây có nhiều ca không thể hiện điển hình (rõ bệnh), nhưng diễn tiến nặng rất nhanh, các BS phòng mạch không chuyên dễ chẩn đoán nhầm, bỏ sót làm bệnh nguy hiểm thêm. Trẻ cần được tái khám ngay khi có dấu hiệu nặng: sốt cao, thở bất thường, quấy khóc liên tục, khó ngủ (trằn trọc, giật mình, hốt hoảng, chới với, ngủ gà), hoặc ngủ li bì run giật tay chân, nôn ói nhiều. Với trẻ lớn hơn có thêm các biểu hiện: yếu chi, đi lại loạng choạng, yếu liệt tay chân, da nổi bông bong tróc. Ngay cả với trường hợp nhẹ cũng cần được theo dõi kỹ...
TS. BS Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc TTYTDP TPHCM phân tích sâu thêm: "Lo ngại của các BS về bệnh TCM lây lan, khiến TP là nơi hứng chịu ổ dịch là có cơ sở. Khi bệnh nhi từ các tỉnh đổ dồn về TP quá đông, sẽ có nguy cơ lây lan bệnh TCM từ BV ra cộng đồng bệnh nhi ở khoa này lây cho khoa khác, người lớn và bệnh nhi cùng ăn uống ở căn-tin, đi nhà vệ sinh chung ở BV cũng dễ bị lây lan người nhà bệnh nhi ở tỉnh lên, tạm trú, nghỉ ngơi tại nhà người thân ở TP cũng sẽ làm lây lan mầm bệnh ra cộng đồng". Tuần trước, bệnh nhi N.K 28 tháng tuổi (nhà ở Q.11, TPHCM) ban đầu vào một BV nhi điều trị một bệnh khác, sau đó về bệnh trở nặng đưa lại vào BV thì được chẩn đoán mắc TCM, do bệnh quá nặng bé đã tử vong . Với ca này, có BS nghĩ đến không loại trừ yếu tố có thể bé bị lây lan mầm bệnh TCM ở lần vào viện trước đó.
Theo ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (thuộc Bảo hiểm xã hội VN): Thuốc gammaglobuline trong danh mục được BHYT thanh toán, nhưng theo quy định của Bộ Y tế, thuốc chỉ sử dụng cho BV hạng 1 và BV hạng 2. Trong trường hợp xét thấy cần thiết, Bộ Y tế có thể xem xét ra một "cơ chế riêng" để BV chưa nằm trong hạng được sử dụng thuốc này cho bệnh nhi mắc TCM có chỉ định. Tuy nhiên, việc đưa ra "cơ chế riêng" này cần cân nhắc vì sử dụng thuốc còn liên quan đến năng lực chuyên môn, vì thuốc nào cũng có thể gây nên những phản ứng không mong muốn mà với thuốc tiêm truyền thì nguy cơ này càng cao hơn. Như vậy tốt nhất với trẻ TCM nặng nên được chuyển lên tuyến điều trị có năng lực chuyên môn phù hợp để đảm bảo cho trẻ được chữa trị trong điều kiện tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, theo các BS, việc sử dụng thuốc gammaglobuline không có gì khó cả, ngành y tế cần linh động, điều chỉnh, tập huấn để các BV tuyến dưới có thể dùng nó khi cần thiết trong lúc dịch bệnh đang xảy ra nhiều. Vì, với những ca nặng, nếu BV tuyến dưới có khả năng, có thuốc men điều trị không phải chuyển trẻ đi là rất có lợi cho sức khỏe bệnh nhi.
Theo Thanh Tùng - Liên Châu
Thanh niên
80% số trẻ mắc tay chân miệng thuộc nhóm trẻ chưa đến trường Một điều tra của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh trên 100 trẻ mắc tay chân miệng có xét nghiệm dương tính tại 5 tỉnh, thành phố cho thấy tỷ lệ trẻ ở nhà bị tay chân miệng là gần 80%, trong khi ở nhóm đi học chỉ là 20%. Thông tin trên được ông Trần Đức Long, Vụ trưởng Vụ Pháp chế...