Phòng chống Covid – 19: “Không ngồi chờ, không có cơ chế xin cho”
Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều nay (2/3), về phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng nêu rõ, kinh tế có khó khăn, có thể tìm giải pháp hỗ trợ nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế.
Công việc này cần được đẩy với tốc độ cao hơn. Các tổ chức, cá nhân có liên quan cần lăn xả vào, cùng góp sức, không ngồi chờ, không có cơ chế xin cho.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp – Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thượng tướng Trần Đơn, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết, đến nay quân đội đã tiếp nhận 10.398 người, trong đó dừng cách ly khoảng 3.000 người. Quân đội chăm lo chu đáo người bị cách ly, từ ăn ở, mùng màn, chăn gối cũng như các vật dụng cho sinh hoạt thường ngày. “Khi họ hết cách ly, đi về thì chúng tôi đưa ra tận bến xe, bến tàu”, Thượng tướng Trần Đơn nói.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An cho biết, trong 2 tháng qua, sản xuất công nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 6,2%. Tuy nhiên, trước khó khăn về nguyên phụ liệu cho ngành sản xuất nếu dịch kéo dài, tất cả thương vụ của Bộ Công Thương tại các nước đang tập trung tìm nguồn nhập khẩu nguyên phụ liệu cũng như tìm thị trường xuất khẩu cho hàng Việt Nam.
Về sản xuất khẩu trang, ông Đặng Hoàng An cho biết, hiện chúng ta có trên 10 doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vải kháng khuẩn và đưa ra thị trường trên 11 triệu khẩu trang. Là một trong số cường quốc dệt may, năng lực sản xuất khẩu trang vải của chúng ta có thể đáp ứng nhu cầu cho 100 triệu dân. Chúng ta làm chủ hoàn toàn công nghệ sản xuất, xử lý kháng khuẩn, kháng nước cho khẩu trang.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia cho rằng, cần có sách lược mới để ứng phó tình hình mới khi thế giới có thêm các “điểm nóng” về dịch như Hàn Quốc, Italy, Iran. Công tác phòng chống dịch cần chuyển dần sang trạng thái mới, bên cạnh ngăn chặn lây nhiễm từ bên ngoài thì tích cực phòng ngừa lây nhiễm trong cộng đồng, nhất là khâu phát hiện bệnh.
Đánh giá cao sự đóng góp phòng chống dịch của các cấp, các ngành, các địa phương, kể cả các đại sứ ở nước ngoài, Thủ tướng cho biết, sáng nay, ông có xem lại các báo cáo về công tác này, trong đó có một báo cáo cách đây đúng 1 tháng, vào ngày 02/02, để “xem lại chủ trương của chúng ta như thế nào từ trước đến nay”. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta thực hiện mục tiêu kép là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế nhưng ưu tiên hàng đầu của Chính phủ là kiên quyết chống dịch để bảo vệ tính mạng, sức khỏe người dân. Kinh tế có khó khăn, có thể tìm giải pháp hỗ trợ nhưng tính mạng của người dân thì không thể thay thế. Chúng ta chấp nhận tiếp tục hy sinh lợi ích kinh tế trong ngắn hạn để bảo đảm an toàn cho người dân.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Video đang HOT
Thủ tướng cho biết, chúng ta đã chuẩn bị nhiều biện pháp cụ thể cách ly tại chỗ, cách ly tập trung, đã huy động nhiều lực lượng tham gia, trước hết là Quân đội Nhân dân Việt Nam. Những công việc này cần được đẩy với tốc độ cao hơn. Những khu vực cách ly tập trung cần phải phòng ngừa kỹ việc lây nhiễm chéo, cần trung tâm thông tin kết nối hiện đại, bổ sung một số trang thiết bị cần thiết, hạn chế việc di chuyển bệnh nhân, hỗ trợ bệnh nhân tại nơi bị bệnh, có thể chẩn đoán, điều trị từ xa, tạo niềm tin cho người dân an tâm khi có bệnh sẽ được chữa trị kịp thời.
“Không để dịch bệnh bùng phát lây lan, kiên quyết khoanh vùng, dập dịch”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Phương châm chống dịch của Chính phủ là khẩn trương, kiên quyết nhưng bình tĩnh, đúng mức, không chủ quan. Thông tin đến người dân, đến quốc tế minh bạch, chuẩn xác, công khai và kịp thời. Tinh thần chống dịch cũng như tinh thần ASEAN 36 (được tổ chức tại Việt Nam) là gắn kết và chủ động thích ứng, tinh thần đoàn kết trên dưới một lòng, sát sao kịp thời. Cần có những hướng dẫn rất cụ thể cho người dân chủ động phòng ngừa dịch. Ngành y tế phối hợp với truyền thông phải làm tốt, làm hiệu quả việc này. Từng người dân, từng địa phương, từng tổ chức, đơn vị phải chủ động ứng phó tốt nhất với những biện pháp thông thường chúng ta đang dùng hiện nay như rửa tay, tránh tụ tập đông người, dừng các hoạt động không cần thiết. Các tổ chức, cá nhân có liên quan cần lăn xả vào, cùng góp sức, không ngồi chờ, không có cơ chế xin cho.
Cho biết đến nay có gần 70 nước và vùng lãnh thổ có ca nhiễm, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục biện pháp cách ly và giao việc này cho quân đội đảm nhận và cần làm tốt hơn theo sự điều hành của Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19. Trong lúc chưa có phương tiện phát hiện sớm, đối với người nhiễm bệnh thì cách ly là phương pháp tốt nhất. Nếu chúng ta do dự trong việc này, sẽ vấp phải sai lầm nghiêm trọng trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của nhân dân. Thủ tướng lưu ý đối xử với người cách ly văn minh, chu đáo.
Cho rằng phải làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam làm hết sức mình để có một môi trường tốt nhất một cách lâu dài. Bộ Ngoại giao áp dụng đúng quy định pháp luật về chính sách visa với tinh thần là hạn chế tối đa người từ vùng dịch vào Việt Nam.
Theo danviet.vn
Quảng Ninh "cân não" với ngành du lịch trong dịch Covid-19
Năm 2020, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15,5 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu từ du lịch đạt 34.000 tỷ đồng. Trước tình hình dịch virus corona (Covid-19) vẫn diễn biến phức tạp, làm sao để đạt được những con số trên đang là bài toán "cân não" đối với ngành du lịch Quảng Ninh.
"Cú sốc" lớn đầu năm
Ngay sau khi có chỉ đạo của tỉnh về các biện pháp phòng, chống dịch virus corona (Covid-19), ngành Du lịch Quảng Ninh đã tạm dừng tổ chức các đoàn khách tới các tỉnh/ thành phố đang có dịch, có người nhiễm Covid-19 và không tổ chức đón khách du lịch từ vùng có dịch đến Việt Nam; tạm dừng việc đón khách qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái; chỉ đạo các cơ sở lưu trú, dịch vụ, tàu du lịch, điểm du lịch, bến tàu, điểm tham quan... thực hiện phun tiêu trùng khử độc.
Một số điểm tham quan luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất nhằm tăng cường phòng, chống dịch như: Trang bị khẩu trang cho toàn bộ nhân viên; bố trí khu vực, nước rửa tay sát khuẩn cho khách. Các khách sạn 4-5 sao, Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử, Công viên Sun World Hạ Long, cảng tàu khách du lịch... đều được trang bị thiết bị đo thân nhiệt cho khách.
Khách du lịch quốc tế đến Hạ Long đầu năm mới 2020. Ảnh: Nguyễn Quý
Bằng những biện pháp quyết liệt, tới nay, Quảng Ninh chưa có trường hợp nào bị nhiễm Covid-19.
Tuy nhiên, dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động du lịch của tỉnh Quảng Ninh. Bà Nguyễn Thị Bảo - Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Quảng Ninh cho hay, khách đến Quảng Ninh giảm đến 90%, mặc dù hiện nay, Quảng Ninh chưa phát hiện trường hợp nhiễm Covid-19 nào. Dịch vụ tham quan Hạ Long, cùng thời điểm này, năm trước đón 12.000 lượt người/ngày, nhưng hiện nay, con số này chỉ còn 3.000 lượt/ngày và có nguy cơ còn giảm nữa.
Trong quý I/2020, dự báo lượng khách du lịch đến Quảng Ninh sẽ sụt giảm nghiêm trọng. So với cùng kỳ, thị trường Trung Quốc và Đông Bắc Á giảm khoảng 80%; thị trường Tây Âu, Bắc Mỹ, Australia giảm ở mức gần 30%. Về khách nội địa, dự báo giảm tới 70%.
Trước những khó khăn này, ngành du lịch Quảng Ninh xác định phải tìm kiếm thị trường khách mới để bù cho lượng khách bị sụt giảm, nhất là tại thị trường Trung Quốc, Đông Bắc Á; tăng cường kích cầu, thu hút, quảng bá, xúc tiến du lịch. Đồng thời, ngành du lịch Quảng Ninh cũng xem giai đoạn khó khăn hiện nay là thời điểm để tái cơ cấu ngành; đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất của cơ sở lưu trú...
Nhiều điểm kinh doanh dịch vụ du lịch ở Quảng Ninh phải đóng cửa do vắng khách. Ảnh: Nguyễn Quý
Ngay trong buổi sáng 20/2, tại cuộc họp thảo luận giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020 do ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì, chủ đề về các giải pháp phản ứng nhanh, linh hoạt với với các "cú sốc" như dịch Covid-19 cũng được nhấn mạnh.
"Cân não" giải cứu ngành du lịch
Trên cơ sở dự thảo kế hoạch, các sở, ngành, địa phương của Quảng Ninh tập trung thảo luận, làm rõ hơn bức tranh môi trường kinh doanh của từng ngành, lĩnh vực, địa phương, nhất là trong giai đoạn bị ảnh hưởng của dịch Covid-19; đề xuất các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh trên địa bàn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng cũng tham gia ý kiến cụ thể đối với từng giải pháp trong kế hoạch hành động và các nhiệm vụ theo kế hoạch được phân công cho 33 sở, ngành, đơn vị và 13 địa phương thuộc tỉnh.
Yên Tử hiện là điểm đến an toàn. Du khách được đảm bảo các điều kiện phòng, chống dịch bệnh virus corona (Covid-19). Ảnh: Việt Hoa.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho rằng, bên cạnh việc phòng, chống dịch, Quảng Ninh phải đẩy mạnh các giải pháp thúc đẩy sản xuất kinh doanh; tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bối cảnh tình hình dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng hơn nữa của các sở, ban, ngành, địa phương. Do đó, mọi nội dung trong kế hoạch hành động phải được triển khai nhanh, quyết liệt và hiệu quả hơn.
Khẳng định dịch bệnh đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến du lịch và du lịch sẽ còn tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng sau dịch, nhiều giải pháp khắc phục hậu quả đang được ngành du lịch Quảng Ninh đề xuất như: Chung sức, phối hợp xây dựng các chiến dịch kích cầu ngay sau khi dịch kết thúc; chủ động xây dựng kế hoạch và dự kiến thời điểm tổ chức các hoạt động xúc tiến lại các thị trường du lịch quốc tế và nội địa, trong đó đặc biệt quan tâm thúc đẩy du lịch nội địa; tiếp tục đẩy mạnh hoạt động những thị trường du lịch quốc tế không nằm trong vùng dịch...
Đi đầu trong thực hiện kích cầu, ngày 19/2, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm chính thức triển khai chương trình giảm giá vé cáp treo lên Yên Tử. Theo đó, giảm giá vé cáp treo một chặng lên hoặc xuống còn 100.000 đồng; giá vé cáp treo khứ hồi 2 tuyến giảm từ 350.000 đồng/vé xuống 200.000 đồng/vé.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn đối với khách du lịch và tỉnh đang thực hiện tốt đồng thời 2 nhiệm vụ là vừa bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, du khách, vừa đảm bảo mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững. Ảnh: Nguyễn Quý
"Cùng với các hoạt động tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho du khách, việc giảm giá vé cáp treo lên Yên Tử cho du khách là động thái tích cực của Tùng Lâm để kịp thời hưởng ứng gói kích cầu du lịch của tỉnh hiện nay. Đồng thời, đây cũng là một trong nhiều giải pháp Tùng Lâm đang và sẽ thực hiện nhằm tăng cường nhịp độ hoạt động của mình, vốn đã bị suy giảm lớn do dịch bệnh Covid-19 gây ra, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay", Đại diện Công ty CP Phát triển Tùng Lâm cho biết.
Trước đó, tại cuộc họp ngày 15/2 giữa Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ninh và Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Ninh, đại diện các doanh nghiệp lữ hành về giải pháp phát triển du lịch và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký chỉ đạo ngành du lịch tỉnh cùng với việc thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, phải chuyển tải mạnh mẽ thông điệp Quảng Ninh là điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn du khách.
Ông Nguyễn Xuân Ký chỉ đạo, bằng những hành động cụ thể, tỉnh Quảng Ninh luôn thể hiện tinh thần đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các đơn vị kinh doanh du lịch hoạt động ổn định và phát triển, nhất là trước những thách thức, khó khăn trong lúc đang diễn ra dịch bệnh. Yêu cầu đặt ra hiện nay là phải phòng, chống dịch bệnh tốt và thay đổi cách tiếp cận tìm kiếm thị trường, quản trị kinh doanh để thu hút khách trở lại khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn.
"Thời điểm hiện nay, tỉnh vẫn tổ chức hoạt động du lịch bình thường đối với những du khách tới từ vùng không có dịch trong điều kiện áp dụng quy trình kiểm soát y tế chặt chẽ. Mặc dù, áp lực đang đặt ra với du lịch Quảng Ninh tại thời điểm này là không nhỏ, nhưng đây cũng là cơ hội để cộng đồng doanh nghiệp du lịch kiểm tra được "sức khỏe" của chính mình và nâng cao năng lực "ứng phó" trong mọi điều kiện", ông Nguyễn Xuân Ký nói.
Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh đề nghị doanh nghiệp cùng với chính quyền chuyển tải thông điệp mạnh mẽ tới du khách trong và ngoài nước về những nỗ lực của Quảng Ninh trong triển khai các biện pháp phòng, chống dịch.
Tới nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có trường hợp nào nhiễm virus corona (Covid-19). Quảng Ninh vẫn là điểm đến an toàn đối với khách du lịch và tỉnh đang thực hiện tốt đồng thời 2 nhiệm vụ là vừa bảo vệ an toàn sức khỏe cho người dân, du khách, vừa đảm bảo mục tiêu thúc đẩy phát triển bền vững.
Theo danviet.vn
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: 'Việt Nam là điểm đến an toàn' Thủ tướng khẳng định Việt Nam không chỉ là điểm đến an toàn vì những nỗ lực phòng chống dịch rất hiệu quả mà còn an toàn một cách tự nhiên nhờ vào điều kiện thời tiết sẽ sớm ấm áp trên cả nước. Thủ tướng Chính phủ phát biểu tại cuộc họp. Không vì chống dịch mà ngừng trệ sản xuất, kinh...