Phong cảnh thung lũng Mai Châu (Hòa Bình)
Khi lên đến đỉnh đèo, không ai qua đây là không dừng lại ngắm cảnh. Huyện lỵ Mai Châu xinh đẹp hiện ra dưới tầm mắt du khách: một thung lũng xanh rờn cây lá, đồng lúa và những nếp nhà sàn đều tăm tắp như xếp hàng chào đón khách.
Từ Hà Nội đi 70km đến thị xã Hoà Bình. Đi tiếp 60km nữa đến Mai Châu. Ở đoạn đường thứ hai này bạn sẽ vượt qua dốc Cun dài 15km. Gọi là dốc nhưng không phải một lần lên dốc là xong, thực ra đây là một đèo cao, có lúc tưởng như ôtô đang đi vào một biển mây.
Nhà sàn ở đây cao ráo, sạch sẽ. Sàn nhà cách mặt đất khoảng 1,5m bằng những cột gỗ chắc chắn. Khách đến nhà xin mời múc nước rửa chân trước khi bước lên cầu thang. Sàn nhà bằng tre hoặc bương. Mái nhà lợp lá gồi hoặc lá mây. Các cửa sổ trong nhà có kích thước khá lớn để đón gió mát và cũng là nơi để chủ nhà treo các giò hoa phong lan, lồng chim cảnh.
Một khung dệt vải thổ cẩm được đặt cạnh một ô cửa sổ. Đây là nơi làm việc của cô con gái lớn. Người con trai hỏi vợ chỉ cần nhìn lên giá xếp chăn đệm gối sạch sẽ với những màu sắc hoa văn trang trí là biết được sự chăm chỉ và tài nữ công của người vợ tương lai. Còn cô gái, muốn biết về người con trai sắp làm chồng mình thì hãy nhìn lên các cột nhà, nếu thấy vô số vảy cá to và nhất là nhiều đuôi cá dán lên cột thì hãy yên tâm là người con trai trong nhà này lao động giỏi, bắt được nhiều cá.
Video đang HOT
Bạn là khách, sẽ được ông chủ nhà trải chiếu hoa mời ngồi, rồi bày ra giữa chiếu một vò rượu cần bằng nếp cẩm. Còn bà chủ nổi lửa đồ xôi trong cái chõ cao lênh khênh của người Thái. Nhìn qua cửa sổ bạn sẽ thấy ở dưới đất có một ao cá nhỏ hình vuông sát chân cột nhà, những con cá đang bơi lặn ăn mồi trong nước ao trong vắt. Ông chủ sẽ dành cho bạn quyền chỉ vào con cá nào, ông sẽ bắt đúng con đó cho vào nồi cháo cá.
Một đêm nghỉ lại ở nhà sàn Mai Châu, bạn sẽ được xem múa, hát, nghe nhạc cồng chiêng.
Thăm hang động Đầm Đa, Hòa Bình
Tỉnh Hoà Bình vốn nổi tiếng với các địa danh du lịch như Mai Châu, công trình thuỷ điện sông Đà, suối nước khoáng Kim Bôi...
Tuy nhiên, vẫn còn một địa danh có phong cảnh thiên nhiên kỳ thú cùng những di tích lịch sử lâu đời vẫn chưa được nhiều người biết tới - khu thắng cảnh Đầm Đa.
Đầm Đa là tên gọi chung của một quần thể các đền chùa, hang động ở xã Phú Lão, huyện Lạc Thuỷ, tỉnh Hoà Bình. Đầm Đa mở hội vào mồng 4 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Mặc dù vẫn còn là một cái tên "hơi là lạ" trong ngành du lịch nhưng Đầm Đa lại là một điểm đến thường xuyên mỗi độ xuân về đối với những phật tử ở địa phương và ở các vùng lân cận.
Đầm Đa, còn được gọi là cụm di tích chùa Tiên, đã được Nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hoá. Đây đồng thời cũng là một di chỉ khảo cổ cấp quốc gia với nhiều dấu tích của người Việt cổ ở động Tiên, hang Hồ (động Người xưa).
Quanh đây bao gồm các đền chùa như đền Trình (hay còn gọi là Quán Trình), đền Mẫu, chùa Tiên... thờ những nhân vật trong truyền thuyết như Mẫu Âu Cơ, Mẫu Long, Quan Hoàng Bảy, Quan Hoàng Mười, Cô Chín, Tam Toà Thánh Mẫu...Tới Đầm Đa, du khách có cơ hội tìm hiểu về tín ngưỡng thờ Mẫu - tín ngưỡng bản địa từ xa xưa.
Ngoài những giá trị về văn hoá - lịch sử, Đầm Đa còn là một vùng đất có nhiều hang động thiên nhiên mang vẻ đẹp tuyệt mỹ. Động Tam Toà, động Thuỷ Tiên, động Cung Tiên, động Hoàng Mười, động Cô Chín... thật khó có thể kể hết tên các hang động đã được phát hiện tại nơi đây. Cửa vào các hang động này hầu hết đều nằm ở lưng chừng các núi gần kề nhau, nên du khách phải trải qua một hành trình leo núi hơi vất vả nhưng khá thú vị để tới thăm từng nơi.
Những khối thạch nhũ trong các hang động ở Đầm Đa như những dòng thác đang tuôn chảy, khơi dậy trong trái tim lữ khách xúc cảm ngỡ ngàng đến kinh ngạc bởi nét đẹp kỳ vĩ mà tinh tế.
Huyền ảo hang Mỏ Luông Mai Châu (Hòa Bình) Cách không xa trung tâm thị trấn Mai Châu, nằm sát quốc lộ 15 nhìn về phí bản Lác, Pom Coọng là hang Mỏ Luông: Tên gọi cũ là hang Bó Luông, tiếng Thái Bó Luông có nghĩa là mạch nước lớn. Đó là mạch nước bắt nguồn từ trong lòng dãy núi Pù Khà. Mạch nước này chảy ra cánh đồng phía...