Phong cách ‘nói trước, tính sau’ của Donald Trump
Chuyên gia nhận xét Trump là lãnh đạo có phong cách “nói trước, tính sau” khi ông thường xuyên đưa ra các tuyên bố gây sốc, khiến dư luận chú ý, sau đó mới tìm lý lẽ chứng minh cho phát ngôn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tươi cười trò chuyện trong buổi giao lưu với giới tài xế xe tải và giám đốc điều hành các ngành công nghiệp về vấn đề chăm sóc sức khỏe hôm 23/3. Ảnh: AP
Đối với Tổng thống Mỹ Donald Trump, suy tưởng thường đến trước thực tế, theo AP. Kể từ những ngày đầu chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đi theo một con đường rõ ràng: Đưa ra những tuyên bố gây tranh cãi, phản kháng trước các lời chỉ trích rồi chờ đợi những sự kiện mới xuất hiện để dùng chúng làm bằng chứng cho phát ngôn ban đầu.
Phong cách ấy một lần nữa được lặp lại tuần qua sau khi Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes tập hợp các phóng viên lại để thông báo ông phát hiện dấu hiệu cho thấy liên lạc bên trong bộ máy của Trump có thể bị tình báo Mỹ nghe lén.
“Tổng thống và những người khác thuộc nhóm chuyển giao quyền lực của ông xuất hiện trong các báo cáo tình báo”, AFP dẫn lời ông Nunes trả lời báo giới bên ngoài Nhà Trắng hôm 22/3, sau cuộc gặp với Trump.
Theo Nunes, thông tin về những liên lạc này được thu thập qua một chiến dịch giám sát, đã được tòa án cho phép, nhằm vào những người nghi là gián điệp nước ngoài. Tuy nhiên, chúng “có rất ít hoặc không có giá trị tình báo”. Cộng đồng tình báo Mỹ yêu cầu những thông tin vô tình thu thập phải bị hủy bỏ hoặc ẩn đi trong báo cáo. Nunes cho rằng những người có liên quan đến chiến dịch giám sát đã vi phạm quy tắc trên.
Tổng thống Mỹ trước đó tuyên bố người tiền nhiệm Barack Obama nghe lén điện thoại tại Tháp Trump trước khi cuộc bầu cử diễn ra. Ông nêu lên thông tin trên như một “thực tế” nhưng lại không đi kèm bằng chứng.
Đối với Trump, bình luận từ ông Nunes đến rất hợp thời điểm. “Điều đấy có nghĩa tôi đúng”, Tổng thống Mỹ nói với tạp chí Time trong một bài phỏng vấn đăng hôm 23/3.
Bỏ qua thực tế
Giai đoạn chạy đua vào Nhà Trắng, Trump được miêu tả như một ứng viên vận hành chiến dịch tranh cử “bỏ qua thực tế” khi ông không quan tâm tới các chi tiết của vấn đề hay nguồn thông tin đưa ra.
Thời điểm đó, Trump đã làm bùng lên một làn sóng giận dữ. Tại một cuộc vận động ở Alabama, ông cho biết đã xem đoạn ghi hình trên TV về vụ khủng bố 11/9 và “chứng kiến tại Jersey City, bang New Jersey, nơi hàng nghìn, hàng nghìn người reo hò, cổ vũ lúc tòa nhà đổ sập”.
Người ủng hộ, phóng viên cùng những người chỉ trích lúc bấy giờ lục tung mọi tờ báo, kho lưu trữ truyền hình để tìm kiếm bằng chứng cho những gì ông Trump nói. Cuối cùng, vài thông tin ít ỏi liên quan đến lời khẳng định của Trump cũng xuất hiện. Các cố vấn cho ông lập tức bám vào “phao cứu sinh” mới. Một bài viết của tờ Washington Post cho hay giới chức thực thi pháp luật ở New Jersey từng “bắt giữ và thẩm vấn một nhóm người bị cáo buộc có hành vi ăn mừng vụ tấn công, đồng thời tổ chức tiệc tùng trên mái nhà trong lúc xem tin tức về thảm họa phía bên kia sông”.
Video đang HOT
Không có chứng cứ củng cố cho lời cáo buộc trên. Cũng không có video cho thấy cảnh “hàng nghìn người” ăn mừng. Nhưng câu chuyện này vừa đủ để Trump và những người ủng hộ tuyên bố ông đúng ngay từ đầu.
“Tôi phải nói gì với bạn đây? Tôi thường đúng. Tôi là một người bản năng, tôi tình cờ còn là người biết cách mà cuộc sống vận hành”, Tổng thống Mỹ nói với tạp chí Time. “Tôi dự đoán nhiều thứ và chúng quả thực diễn ra chỉ sau đó một thời gian ngắn”.
Kịch bản này tiếp tục lặp lại hồi tháng trước, trong một buổi mít tinh ở Florida. Tổng thống Mỹ bình luận về chính sách nhập cư và người tị nạn của Thụy Điển.
“Hãy nhìn vào những gì Thụy Điển phải đối mặt tối qua”, ông nói. “Thụy Điển. Ai mà tin được chuyện đó chứ? Thụy Điển. Họ đón nhận lượng lớn người nhập cư và đang gặp phải vấn đề họ chưa bao giờ nghĩ có thể xảy ra”.
Phát ngôn của Tổng thống Mỹ khiến nhiều người không khỏi nghi ngờ bởi đêm đó không có bất kỳ sự việc nào diễn ra ở Thụy Điển. Những người Thụy Điển bối rối liền lên mạng xã hội Twitter châm biếm ông chủ Nhà Trắng. Nhưng ngay lập tức, Tổng thống Mỹ đã tìm được sự xác nhận mới khi một cuộc bạo loạn bùng phát tại một khu ngoại ô tập trung đông người nhập cư ở Stockholm.
“Tôi nói về Thụy Điển, tuy có đôi chút khác biệt nhưng hai ngày sau đấy, một cuộc bạo loạn lớn nổ ra, chính xác như những gì tôi nói. Tôi đã đúng”, ông nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Time.
Mặt khác, Tổng thống Mỹ đồng thời bác bỏ những ý kiến cho rằng ông đang làm tổn hại danh tiếng bộ máy chính quyền khi liên tục đưa ra các tuyên bố chưa kiểm chứng.
“Tôi dẫn lời những người được trọng vọng và nguồn tin từ các kênh truyền hình lớn”, Trump quả quyết, đồng thời lấy hình ảnh đám đông tập trung kín những cuộc mít tinh do ông tổ chức ở Nashville, Tennessee, Louisville hay Kentucky làm dẫn chứng. “Đất nước tin tưởng tôi”, ông khẳng định.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Những vai chính trong phiên điều trần đầu tiên Nga can thiệp bầu cử Mỹ
Phiên điều trần đầu tiên về nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ sắp diễn ra được dự đoán ẩn chứa nhiều bất ngờ có thể làm rung chuyển bộ máy chính quyền ở Washington.
Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ ngày 20/3 sẽ tổ chức phiên điều trần đầu tiên về nghi vấn Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Sự kiện mang ý nghĩa quan trọng bởi nó giúp xác định liệu tất cả những ồn ào xung quanh mối quan hệ giữa Tổng thống Donald Trump với nước Nga có đủ làm cơ sở để đưa cuộc điều tra vấn đề này đi xa hơn không. CNN điểm qua 4 gương mặt có tiếng nói quyết định mức độ nghiêm trọng của sự việc.
Giám đốc FBI James Comey
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey. Ảnh: Reuters
Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) James Comey hồi cuối tháng 10 năm ngoáigửi thư cho Quốc hội thông báo FBI sẽ điều tra một số thư điện tử rò rỉ vì nghi chúng có thể liên quan đến vụ bê bối bà Hillary Clinton sử dụng máy chủ cá nhân cho việc công khi còn làm ngoại trưởng, đúng lúc cuộc đua vào Nhà Trắng đang đến hồi nước rút.
Giới chuyên gia nhận định "bất ngờ tháng 10" ông Comey đem tới ít nhiều ảnh hưởng tới cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng, khiến bà Clinton thất thế. Tuy nhiên, theo CNN, ông Comey thực sự không đứng về phe nào.
Comey từng tỏ thái độ không hài lòng về đội ngũ nhân sự của Trump cũng như về việc Tổng thống Mỹ cáo buộc người tiền nhiệm Barack Obama ra lệnh cho FBI nghe lén Tháp Trump nhưng không đưa ra bằng chứng.
Giám đốc FBI dường như sẽ tái khẳng định lại ý kiến từ các lãnh đạo Thượng viện và tình báo Hạ viện rằng: những dòng thông điệp trên mạng xã hội Twitter của Tổng thống Trump là không có cơ sở.
Nhưng vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ liệu ông Comey có quyết định tiến hành một cuộc điều tra hình sự quanh nghi vấn đội ngũ của Trump thông đồng với Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ hay không. Nếu câu trả lời là có, chính trường Mỹ "chắc chắc sẽ lâm vào cơn chao đảo", bình luận viên Juliette Kayyem từ CNN nhận định.
Cựu quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates
Bà Sally Yates. Ảnh: Reuters
Trump hồi cuối tháng một sa thải quyền bộ trưởng tư pháp Sally Yates vì chống sắc lệnh cấm nhập cảnh đầu tiên do ông ban hành. Tuy nhiên, có lẽ dấu ấn mạnh mẽ nhất mà bà Yates tạo ra khi còn giữ cương vị quyền bộ trưởng chính là lời cảnh báo rằng ông Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ lúc bấy giờ, có thể bị mất chức vì mối quan hệ với Nga.
Ngày 14/2, ông Flynn tuyên bố từ chức vì bị nghi ngờ từng thảo luận về lệnh trừng phạt chống lại Moscow với đại sứ Nga tại Mỹ trước khi ông Trump nắm quyền tổng thống. Ông được cho là lừa dối các quan chức về cuộc đối thoại.
Yates sẽ nói gì với Nhà Trắng? Ngày 20/3, bà sẽ lên làm chứng và nhiều khả năng trả lời câu hỏi nhạy cảm này.
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Devin Nunes
Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes từng góp mặt trong đội ngũ chuyển giao quyền lực của Tổng thống Trump và vẫn giữ quan điểm cho rằng không có chuyện Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
"Tất cả những gì tôi nắm được cho tới sáng nay - không có bằng chứng về hành vi thông đồng", ông Nunes hôm qua nói với kênh truyền hình Fox News về mối liên hệ giữa Trump với Nga trong quãng thời gian ông chạy đua vào Nhà Trắng.
Dựa vào những phát ngôn và quan điểm ông Nunes thể hiện thời gian qua, Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện gần như chắc chắn là một tiếng nói đứng về phía Tổng thống Trump.
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn. Ảnh: Reuters
Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn là một trong những người liên quan nhiều nhất tới cuộc điều tra nhưng lại không có mặt trong phiên điều trần.
Flynn từng gây chú ý khi bị tố cáo nhận tiền bồi dưỡng từ kênh Russia Today để tham gia một buổi tiệc tại thủ đô Moscow, Nga, hồi năm ngoái. Trong buổi tiệc, ông ngồi chung bàn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Ông Michael Flynn cũng được cho là đã gọi nhiều cuộc điện thoại tới đại sứ Nga tại Mỹ Sergey Kislyak. Việc này diễn ra ngay trước ngày Tổng thống Obama đưa ra các biện pháp trừng phạt Nga, sau khi cáo buộc Moscow tổ chức tấn công mạng gây ảnh hưởng kết quả bầu cử tổng thống Mỹ.
Dù không hiện diện nhưng cái tên Michael Flynn chắc chắn sẽ được nhắc tới nhiều, Kayyem dự đoán.
Vũ Hoàng
Theo VNE
Tình báo Mỹ: Nga không can dự chiến dịch tranh cử của Trump Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ hôm qua tuyên bố không phát hiện bằng chứng cho thấy mối liên hệ giữa Nga với chiến dịch tranh cử hồi năm ngoái của ông Donald Trump. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ Devin Nunes. Ảnh: AP "Tất cả những gì tôi nắm được cho tới sáng nay - không...