Phong cách ngôn từ gây sốc của Putin
Lời nói “Thổ Nhĩ Kỳ liếm một chỗ nào đó của Mỹ” của Tổng thống Putin là một trong những phát ngôn gây sốc của ông, khiến một số người tán thưởng trong khi số khác kinh ngạc.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Reuters
Đó là một “khoảnh khắc Putin” kinh điển. Trong hội trường lớn với hơn 1.000 phóng viên, ông Puitin tổ chức cuộc họp báo cuối năm vào ngày 17/12, phát sóng trực tiếp trên tất cả kênh truyền hình lớn và các trang web Nga.
Một phóng viên đặt câu hỏi về Thổ Nhĩ Kỳ, và tại sao nước này lại bắn hạ một máy bay chiến đấu của Nga hồi tháng 11.
Tổng thống Putin vẫn còn tức giận. Ông nói rằng: “Nếu bất cứ ai trong giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ quyết định liếm một chỗ nào đó của Mỹ, thì tôi không biết họ làm vậy có đúng đắn không. Tôi cũng không biết liệu người Mỹ có cần điều đó hay không”.
Một số phóng viên Nga đã cười và vỗ tay, nhà báo nước ngoài có vẻ sửng sốt trước câu nói của nhà lãnh đạo.
Video đang HOT
Theo CNN, ông Vladimir Putin thường có phát ngôn thẳn thắn, thậm chí gây sốc. Công chúng lần đầu tiên biết điều đó vào tháng 9/1999, khi ông giữ chức thủ tướng. Nga vào thời điểm đó hứng chịu một số vụ đánh bom khủng bố vào các tòa nhà chung cư. Thề sẽ trả thù, ông Putin tuyên bố: “Chúng tôi sẽ đuổi theo những kẻ khủng bố ở khắp mọi nơi”. ông nói. ” Xin lỗi tôi phải nói thẳng như thế này, điều đó có nghĩa là nếu chúng tôi bắt chúng trong nhà vệ sinh, chúng tôi sẽ xả chúng đi trong bồn cầu”.
Phát ngôn đanh thép này gây sốc với nhiều người Nga. Họ chưa bao giờ nghe thấy bất cứ điều gì như thế từ những nhà lãnh đạo trước đây. Nhưng nó đã thúc đẩy tinh thần họ; cho họ thấy rằng một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, cứng rắn, sẽ chiến đấu để bảo vệ họ.
Vài tháng sau đó, ông Putin trở thành tổng thống Nga. Phong cách ngôn ngữ của ông vẫn không thay đổi. Tại một cuộc họp thượng đỉnh năm 2002, ông Putin nói rằng phiến quân Chechnya muốn giết tất cả người không theo Hồi giáo và thành lập một nhà nước Hồi giáo ở Nga.
Một phóng viên Pháp hỏi Putin về việc binh sĩ Nga sử dụng vũ khí hạng nặng với thường dân trong cuộc chiến ở Chechnya. Ông Putin đáp rằng: “Nếu anh muốn trở thành một phần tử Hồi giáo cực đoan và muốn được cắt bao quy đầu, tôi mời anh đến Moscow”.
“Chúng tôi là một quốc gia đa tín ngưỡng và chúng tôi có các chuyên gia về việc đó. Tôi khuyên anh làm phẫu thuật để không có gì mọc trở lại”, ông nói thêm. Tục nam giới cắt bao quy đầu được người Hồi giáo thực hành nhiều hơn bất kỳ nhóm tôn giáo nào khác. Phần lớn người Chechnya theo đạo Hồi.
Người phiên dịch ấp úng giải thích lời nói của Putin. “Ờ…ờ…ờ đến Moscow”, một dịch giả khác nhảy vào: “Nếu anh muốn cắt bao quy đầu, thì chào mừng anh, tất cả mọi người đều được dung nạp ở Moscow”. Các phiên dịch viên đều không dịch câu sau.
Michele Berdy, một cây bút của Moscow Times, đã theo dõi phong cách ngôn từ của ông Putin trong nhiều năm qua. Bà cho rằng “đó là cách để thể hiện ông ấy gần gũi, giống như một người hàng xóm”.
“Tôi luôn nghĩ rằng đó là cách để thể hiện ‘Này, chúng ta cũng giống nhau thôi, chúng ta đều ngồi chơi, nốc cạn bia, nói chuyện về cuộc sống”, bà nói thêm.
Tổng thống Nga thỉnh thoảng cũng dùng những ngôn ngữ mang tính địa phương, đôi khi làm khó người dịch.
Năm 2000, trong cuộc ông trò chuyện với cựu thủ tướng Anh Tony Blair tại St Petersburg, ông nói về thái độ xúc phạm của người Chechnya với người Nga, và minh họa điều này bằng một khẩu hiệu trong một trại quân Chechnya. “Phía trên chúng ta là Allah, bên dưới là dê” là những gì người phiên dịch đã dịch câu nói của Putin. Tuy nhiên, một bài báo trên Moscow Times giải thích rằng, từ “dê” ở đây phải được hiểu là “tên khốn” hay thậm chí còn có ý mạnh hơn, nhưng người phiên dịch đã quá cẩn trọng.
“Tôi nghĩ rằng người phiên dịch hiểu ý nhưng không biết diễn giải thế nào”, Berdy nhận xét.
Nhiều phát ngôn gây sốc của Putin được đưa ra trong cơn tức giận, càng giúp ông củng cố hình ảnh mạnh mẽ.
“Nó càng làm tăng thêm hình ảnh người đàn ông mạnh mẽ, được những người đàn ông khác hâm mộ. Nó bao gồm cả việc chỉ trích, chế giễu người khác”, Berdy nói. “Giống như câu nói Thổ Nhĩ Kỳ liếm Mỹ. Ông ấy đã chế giễu hai nước này”.
Cách sử dụng ngôn từ có phần thô của ông Putin không làm vừa lòng giới trí thức Nga. Họ đề cao tiếng Nga chuẩn, có tính văn chương. Nhưng ông Putin, khi không đưa ra những câu nói gây bất ngờ, thì thật sự nói tiếng Nga rất đúng chuẩn mực.
“Đó là lý do tại sao tôi luôn cho rằng việc ông ấy đưa ra những câu nói như vậy là có chủ ý”, Michele Berdy nói.
Nhiều người Nga không hề coi trọng việc “lựa lời nói để không làm mất lòng nhau”, một số người Nga còn nhạo báng người phương Tây là quá nhút nhát khi làm vậy.
Đối với hầu hết các chính trị gia Mỹ hay châu Âu, họ sẽ bị phản đối ngay nếu có những phát ngôn như ông Putin. Nhưng ở Nga, nó lại là một phần trong sức hấp dẫn chính trị của Putin. Sau cùng thì, chẳng ai có thể không hiểu cách giải thích ngắn gọn về luật pháp mà ông đưa ra năm 2003.
“Tất cả mọi người phải hiểu rằng, các anh luôn phải tuân thủ pháp luật, chứ không phải đợi đến khi họ tóm lấy ‘một nơi nào đó’ của các anh”.
Phương Vũ
Theo VNE