Phong bì làm hư cô, hại học trò
“ Ngày nhà giáo, một bộ phận giáo viên vì thiếu bản lĩnh mới đi nhận phong bì, quà cáp đắt tiền. Thậm chí, gợi ý phụ huynh biếu xén, phong bì… điều này gây ảnh hưởng xấu đến học trò”- TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học – Tâm lý giáo dục Hà Nội chia sẻ.
Phong bì cho… gọn
Nhằm “ghi điểm” trong mắt giáo viên, dịp 20/11 ở các thành phố lớn, nhiều gia đình sẵn sàng mua quà đắt tiền, phong bì “dày” mong con em mình được cô quan tâm hơn, tránh bị trù dập. Loay hoay trong việc chọn quà gì tặng cô giáo chủ nhiệm của con gái đang học lớp 1, chị Nguyễn Hương Thủy (Định Công, Hà Nội) chia sẻ: “Thú thực, đến giờ tôi cũng đang phân vân trong chuyện mua tặng quà nào cho cô thì hợp lý. Nhưng nhất định phải là loại quà “độc”, có giá trị để cô dùng nó và nhớ tới con mình”.
Để tránh “đau đầu” mua quà, nhiều phụ huynh chọn cách biếu phong bì. Phụ huynh Trần Đức Hòa (đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thấy “đi” phong bì bây giờ là khá phổ biến. Chứ mua quà, bánh kẹo, hoa quả thì những ngày này chắc gì cô đã dùng đến. Tặng phong bì cô vừa tăng thu nhập, lại sử dụng được theo ý muốn, vẹn cả đôi đường”.
(Ảnh minh họa)
Không chỉ ngoài đời, “Phong bì tặng cô” còn là đề tài “ nóng hổi” trên một số diễn đàn Internet. Tại diễn đàn lamchalame, có rất nhiều ý kiến bàn luận về vấn đề này. Nickname Thuytranthu lo lắng: “Chuẩn bị 20/11 rồi, con học mẫu giáo lớp có tới 3 cô, mất gần nửa tháng lương rồi”. Còn nickname Me_VuMinh chia sẻ: “Các cô giáo ở trường con mình… vật chất lắm. Chẳng biết mua gì nên cứ để phong bì, để tiền các cô thích mua gì thì mua”.
Thậm chí, giáo viên cũng “đi” phong bì đồng nghiệp. Nickname Hoaanh2408 tâm sự: “Mình cũng là giáo viên, ngày 20/11 nhiều nhất là hoa và vài món quà nhỏ của học trò tặng chứ chẳng khi nào có phong bì. Mọi người ai cũng làm phong bì, nên mình đành phải đi, không lại sợ con mình thiệt”.
Tỉnh táo để từ chối
Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm không khỏi cảm thấy đau xót trước thực trạng nét đẹp truyền thống tôn sư, trọng đạo của dân tộc đang ngày càng mai một, biến tấu bởi “văn hóa phong bì”.
TS. Lâm cho biết: “Ngày nhà giáo, không phải do giáo viên nghĩ ra để nhận quà từ phụ huynh, đây là một ngày ý nghĩa giống như các ngày lễ, tết xưa kia phụ huynh đến nhà thầy với một chút quà dù nhỏ, trân trọng người thầy. Ngày nay, một bộ phận giáo viên vì thiếu bản lĩnh mới đi nhận phong bì, quà cáp đắt tiền. Thậm chí, gợi ý phụ huynh biếu xén, phong bì…”.
“Không phải giáo viên nào cũng đánh mất phẩm chất, vẫn còn nhiều trường hợp nhà giáo không bao giờ nhận quà, thậm chí còn “cấm cửa” phụ huynh đến nhà dịp 20/11… Vấn đề ở đây là cách ứng xử, không thể từ chối mọi thành ý, nhưng phải tỉnh táo để đưa ra quyết định từ chối những món quà cao hơn giới hạn giữa tình cảm và vật chất. Nghề giáo viên không giàu có, hay giàu lên nhờ ngày 20/11, nhưng mỗi giáo viên hãy là tấm gương sáng để học sinh noi theo” – TS Lâm chia sẻ.
Theo Quang Huy
Video đang HOT
Gia đình & Xã hội
Bà giáo già dạy chữ miễn phí, nuôi chị gái mù lòa
Đưa bàn tay run run, bà giáo gần 70 tuổi đỡ cô bé liệt hai chân ngồi ngay ngắn lên ghế, rồi quay sang nhắc cậu học trò đang nghịch cuối lớp về chỗ. Chỉ vài tháng các em nhỏ hoặc người 50, 60 tuổi đã biết đọc, biết viết.
13h30, không cần tiếng trống, tiếng kẻng, lũ trẻ trong bộ quần áo cũ mèm, nhem nhuốc ở làng biển Diêm Phố, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) lại cắp sách đến lớp học tình thương. Ở góc sâu nhất của căn phòng, bà giáo già có làn da sạm đen vì nắng và gió biển đã ngồi đợi sẵn.
Bà nheo đôi mắt hiền lướt nhanh điểm danh đám học trò. Đưa bàn tay run run, bà giáo đỡ cô bé liệt hai chân ngồi ngay ngắn lên ghế, rồi quay sang nhắc cậu học trò lên 10 đang ngọ nguậy nghịch kiến càng phía cuối lớp về chỗ. Khi lũ trẻ đã ngồi ngay ngắn, bà giáo bắt đầu buổi học...
Bà ân cần nắn từng nét chữ, nết người cho học trò. Ảnh: Lê Hoàng.
Nhiều năm nay, bà Nguyễn Thị Thông được biết đến như một "chiến sĩ tiên phong" trong phong trào "diệt giặc dốt" ở làng biển Diêm Phố. Dù đã gần 70 tuổi, nhưng ngày ngày bà Thông vẫn miệt mài dạy chữ cho những đứa trẻ khuyết tật, con nhà nghèo. Trong số học trò của bà còn có cả những người đã sang tuổi U50, U60...
Vốn yêu thích nghề "gõ đầu trẻ" nên khi vừa học hết lớp 7, cô Thông xung phong dạy lớp vỡ lòng cho đám trẻ trong thôn. Làm "cô giáo làng" hơn một năm, lãnh đạo địa phương thấy cô yêu nghề lại có kiến thức nên đã động viên đi học thêm nghiệp vụ sư phạm. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp trung học sư phạm, cô được điều về quê dạy cấp 1 (nay là tiểu học).
Cũng từ đấy, năm nào cô cũng đạt giáo viên dạy giỏi. Mấy năm nỗ lực, cô được bổ nhiệm làm Hiệu phó trường cấp 1 Đa Lộc, rồi Hiệu phó trường cấp 1 Đông Minh (Đông Sơn). Năm 1987, cô quay về trường cấp 1 Ngư Lộc 2, nhận chức Hiệu trưởng.
Sau 35 năm cống hiến cho ngành giáo dục, tháng 9/2001, cô giáo già nghỉ hưu, sống độc thân cùng với người chị gái mù lòa. Trăn trở trước lũ trẻ nghèo sớm rơi vào cảnh thất học, cô quyết định mở lớp học tình thương miễn phí.
Tâm sự về việc "vác tù và hàng tổng", bà giáo già chia sẻ, làng biển Diêm Phố vốn nghèo đói, lam lũ suốt bao đời. Người dân quanh năm đầu tắt mặt tối vươn khơi bám biển nhưng hiểm nguy luôn rình rập, đói nghèo bủa vây.
"Tôi còn nhớ như in cảnh tang tóc, tiêu điều của dân làng sau cơn bão dữ năm 1996. Mùa mưa năm đó, một cơn bão lớn ập về làng, biết bao gia đình tan nát, vợ mất chồng, con mất cha... kéo theo những đứa trẻ nghỉ học hàng loạt để ra biển mò cua, đánh lưới lao động kiếm tiền phụ gia đình. Cũng kể từ đó tôi ấp ủ ước mơ xóa mù chữ cho những mảnh đời bất hạnh...", bà Thông nói.
Nghỉ hưu chính là thời gian để bà giáo nghèo thực hiện tâm nguyện còn dang dở. Vài tháng sau khi nghỉ chế độ, bà bắt đầu lặn lội đến từng thôn xóm, từng gia đình để vận động phụ huynh cho con đến học chữ. Tháng 2/2002, lớp học tình thương miễn phí được khai giảng ngay tại căn nhà hai gian của bà với 16 em, đứa 8 tuổi, đứa 13 tuổi, cũng có người 22 tuổi...
Không chỉ dạy trẻ em nghèo, khuyết tật, cô Thông còn mở nhiều lớp bình dân học vụ để xóa mù cho người dân làng biển thất học. Ảnh: Lê Hoàng.
Lớp học những ngày đầu đối diện với rất nhiều khó khăn. Bà Thông nghĩ đủ cách xoay sở để các em có được một lớp học "hợp chuẩn". "Đêm trước ngày khai giảng, tôi cặm cụi tháo những cánh cửa gỗ kê làm bàn, nhặt những tấm ván mỏng làm bảng... Thấy học trò đến đăng ký rất đông, lớp học không đủ chỗ ngồi, cả đêm mất ngủ suy tính tìm địa điểm, tôi quyết định tận dụng con ngõ nhỏ vào nhà để làm lớp học", bà Thông nhớ lại.
Lớp học trong con ngõ nhỏ mái lợp bằng những tấm phên cũ nát, mưa dột tứ bề, nắng rọi xuyên khắp nơi, nhưng ngày ngày vẫn vang lên tiếng lũ trẻ học bài, tiếng bà giáo già ân cần giảng giải. Học sinh đều rất nghèo, có đứa mồ côi nên bà phải trích cả phần lương hưu của mình mua sách vở, đồ dùng học tập.
Dù được dạy chữ miễn phí nhưng nhiều trẻ lớn tuổi vẫn tự ti, mặc cảm... bà Thông không tiếc thời gian, công sức khuyên các con chuyên cần tới lớp. Sau mỗi buổi dạy, dân làng Diêm Phố lại thấy bà giáo đội nón rách, manh áo bạc phếch cuốc bộ khắp làng trên xóm dưới tìm những trẻ em lang thang, tàn tật "mời" đến lớp.
Em nào đột nhiên nghỉ học đến buổi thứ hai, không kể sớm tối, bà Thông liền tìm đến tận nhà thăm hỏi động viên. Nhắc đến kỷ niệm với học trò nghèo, bà Thông nhớ, có lần đang dạy, một cháu bị tụt huyết áp vì đói lả, bà phải cõng tới trạm xá cấp cứu. Sau buổi học, đến thăm gia đình mới biết mẹ cháu bị ốm liệt giường nên cơm ăn bữa đói bữa no. Hôm sau bà liền lên báo cáo với UBND xin cứu trợ gạo khẩn cấp để cháu được tiếp tục đến lớp.
Vốn có nhiều năm kinh nghiệm nên phương pháp dạy học của bà Thông rất sinh động, dễ hiểu. Đối với học sinh yếu bà chủ động dạy kèm hoặc phân công cho em khá kèm thêm nên các cháu tiến bộ rất nhanh. Có em chỉ học một năm đã xong chương trình của hai, ba lớp... Ngoài việc dạy chữ, chỉ bảo tận tâm, bà Thông còn coi bọn trẻ như con.
Học sinh đặc biệt Nguyễn Thị Thùy (9 tuổi, thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc) bị liệt hai chân từ khi mới lọt lòng. Nhiều năm nằm viện nên cháu không được đi học đúng tuổi. Nghe tin gia đình gửi Thùy sang trường mầm non nhưng bị bạn bè trêu nên bé không dám đến lớp, bà Thông đến nhà xung phong nhận dạy chữ cho em. Bà cho biết sẽ dạy Thùy đuổi chương trình lớp 1 và lớp 2 trong một năm để sang năm chuyển thẳng cháu lên lớp 3.
"Con yêu mẹ Thông lắm. Con sẽ chăm chỉ học thật tốt để không làm mẹ buồn. Sau này lớn, con muốn làm cô giáo để dạy chữ cho các em nhỏ như mẹ Thông bây giờ...", bé Thùy thủ thỉ.
Gương mặt ngây thơ và ước mơ trong sáng của con gái khiến chị Bùi Thị Tới (mẹ Thùy) ngồi kế bên rơm rớm nước mắt. Chị Tới cho biết, mới mấy tháng theo học nhưng cô bé tiến bộ rất nhanh, giờ đã biết đọc, viết thành thạo. "Gia đình tôi ơn cô Thông suốt đời. Cháu nói đi học rất vui vì cô giáo rất thương các con", chị Tới kể.
Học trò của bà có nhiều người đã bước sang tuổi 50, 60. Ảnh: Lê Hoàng.
Lớp học tình thương còn có nhiều học sinh thiểu năng trí tuệ khiến chặng đường "ươm chữ" của bà gặp khá nhiều chông gai. Bé Nguyễn Văn Dương (10 tuổi) đi học mấy năm mà chỉ biết mặt chữ, cứ học xong lại quên ngay. Bà cho rằng, với những học sinh này phải thật kiên trì, nếu không sẽ như công dã tràng xe cát vậy.
Tuy nhiên, điều bà Thông thấy buồn nhất là không phải dạy bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm mà nhiều trò không chịu học, cứ suốt ngày mải chơi, bỏ lớp. "Nhiều lúc phát khóc vì những đứa ngỗ ngược, tôi định bỏ lớp về nghỉ dưỡng già nhưng đêm về nghĩ lại thấy không đành lòng để lũ trẻ lớn lên không có chữ", bà tâm sự.
Sau nhiều năm dạy học tạm bợ ở con ngõ, địa phương tạo điều kiện cho bà Thông mượn nhà văn hóa thôn để duy trì một lớp tình thương và một lớp xóa mù chữ cho người lớn tuổi. Hơn 10 năm dạy học miễn phí, đã có hàng trăm em nhỏ và người lớn được bà dạy chữ. Năm 2012, bà Thông dạy hai lớp với gần 20 học sinh. Đã có nhiều em nhờ đó mà có đủ kiến thức để thi vào các trường chính quy, nhiều em trưởng thành giờ đã là nhà buôn, thợ máy giỏi...
Trong lớp học xóa mù chữ của bà Thông, có cả những cặp vợ chồng, có người đã lên ông, lên bà. Bà Nguyễn Thị Mon (58 tuổi), một trong những học viên lớn tuổi nhất cho biết, bao năm nay bà day dứt vì đời không có nửa chữ cắn đôi. Mỗi khi ra đường thấy mình quá thiệt thòi, rồi mỗi lần vay vốn ngân hàng không biết ký cứ phải dùng tay điểm chỉ. Xưa kia gia đình nghèo, bố mất sớm, mẹ chạy chợ không đủ ăn nên không có cơ hội đến trường. Đầu năm, được chồng và con cháu động viên, dù đã sắp sang tuổi 60, bà vẫn quyết ghi danh xin "tấm chữ".
"Ban đầu cũng ngại lắm, vì đầu đã bạc rồi mà mới đi học lớp vỡ lòng, nhưng giờ quen rồi thấy vui lắm. Ngoài giờ lên lớp, tôi còn nhờ cháu nội, cháu ngoại dạy thêm", bà Mon tâm sự và cho biết từ khi biết chữ, suốt ngày bà cứ ôm cuốn sách rồi ê a tập đọc, đánh vần. "Mới học ba tháng mà tôi đã đọc thông, viết thạo rồi. Nhờ ơn cô Thông, giờ ra đường biết đọc biển báo, ký giấy vay vốn chứ không phải điểm chỉ nữa", bà Mon khoe.
Ở lớp học bình dân này còn có vợ chồng anh Đặng Văn Bắc, chị Nguyễn Thị Hiệu, đều gần 50 tuổi. Vì là học sinh nam duy nhất nên anh Bắc được bầu làm lớp trưởng, chị Hiệu được bầu làm quản ca. "Vài tháng nay, mấy đứa con cứ động viên, hai vợ chồng bỏ hết công việc quyết học bằng được cái chữ. Tối đến lớp, đêm về hai vợ chồng lại cùng các con tập đánh vần khiến căn nhà luôn đầy ắp tiếng cười. Mới học vài tháng thôi nhưng tôi đã biết đọc báo, đọc chữ trên tivi rồi", anh Bắc tự hào và cho biết xưa bố anh mất sớm, gia đình nghèo khó lại đông anh em nên không được đi học.
Dù mang đến nhiều niềm vui, hạnh phúc cho những mảnh đời bất hạnh nhưng bà Thông cũng có những nỗi buồn riêng. Sau mỗi tối lên lớp, bà lại thức một mình bên ánh đèn khuya miệt mài soạn giáo án cho buổi học ngày mai. Nói về gia đình riêng, đôi mắt đượm buồn, bà bảo hạnh phúc lớn nhất của người phụ nữ là có một tổ ấm, có người chồng để nương tựa, có những đứa con để vỗ về, nhưng điều đó đã không đến với bà. Hơn 60 năm nay bà vẫn một mình lẻ bóng...
Đêm đêm, bà giáo lại một mình bên căn phòng vắng soạn giáo án cho buổi lên lớp ngày mai. Ảnh: Lê Hoàng.
Người chị gái mù sống cùng bà Thông kể: "Ngày còn xuân sắc, nhiều người dạm hỏi, xin được cưới về làm dâu, nhưng vì gia đình khó khăn, hai chị lớn lấy chồng sớm, chỉ còn chị ba mù lòa, bố mẹ già yếu không người chăm sóc nên "nó cứ khất lần người ta, năm này sang năm khác, đến hết cả tuổi xuân. Tình duyên bỏ ngỏ, nó ở vậy chăm sóc bố mẹ và tôi".
Nghe chị gái nói vậy, bà Thông gạt ngang bằng nụ cười hóm hỉnh: "Không có con riêng nhưng tôi có hàng ngàn đứa con đấy... Tôi còn khỏe, mắt còn sáng và còn những người cần chữ thì tôi còn dạy học, còn... có con".
Nói về cô giáo Thông, ông Nguyễn Văn Ngữ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc cho biết, do là xã thuần ngư, bao đời gắn với nghề chài lưới, lênh đênh trên biển nên số người thất học, mù chữ chiếm tỷ lệ khá cao. Hơn chục năm nay, nhờ có cô Thông, hàng trăm học sinh nghèo, khuyết tật, nhiều người lớn tuổi đã được biết chữ.
"Chính tấm gương sáng của Nhà giáo ưu tú Nguyễn Thị Thông đã khơi dậy truyền thống và phong trào hiếu học ở địa phương. Mấy năm nay, xã quyết định dành riêng một phòng ở khu nhà Trung tâm học tập cộng đồng để cô Thông tiếp tục thực hiện tâm nguyện. Lớp học tình thương của cô Thông nhiều năm nay đã trở thành địa chỉ đỏ cho những người nghèo hiếu học", ông Ngữ cho biết thêm.
Theo VNE
20/11 lại nghĩ về tôn sư trọng đạo thời nay Tháng 9 vừa qua, tháng 11 đã tới. Những phụ huynh hay lo xa thì ngay từ ngày toàn dân đưa trẻ đến trường, đã nhẩm tính trong đầu xem nên chọn quà gì tặng cô (thầy) ngày 20/11. Đại đa số (chắc vậy) đều tặc lưỡi "đi phong bì" cho tiện cả đôi đường. Hai trong Một Có một câu cửa miệng...