Phòng bệnh cúm gia cầm lây sang người
Tính đến 16-2-2020, theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cả nước có 16 ổ dịch cúm gia cầm. Trong đó, 14 ổ dịch do H5N6 và 2 ổ dịch do H5N1 tại các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An và Trà Vinh. Tổng số gia cầm chết, tiêu hủy trên 55.000 con. Do vậy, các địa phương cần chủ động phòng dịch.
Người dân nuôi vịt cần cẩn thận phòng, bệnh cúm gia cầm.
TP Cần Thơ hiện chưa xảy ra bệnh cúm gia cầm. Tuy nhiên, trong điều kiện giao thương, đi lại thuận tiện như hiện nay, người dân cần cảnh giác với bệnh này. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm cúm A (H5N1) lên đến 50%. Riêng với bệnh cúm A (H5N6), mới ghi nhận 1 trường hợp tử vong tại Trung Quốc.
Bệnh cúm A (H5N1) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus cúm A (H5N1) từ gia cầm lây sang người. Bệnh diễn biến nặng, tiến triển nhanh, không đáp ứng với các phương pháp điều trị thông thường và có tỷ lệ tử vong cao. Bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc-xin phòng bệnh cho người. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp; qua tiếp xúc trực tiếp với gia cầm, phân gia cầm, sản phẩm từ gia cầm, vật dụng, môi trường bị nhiễm mầm bệnh; qua ăn thịt, sản phẩm gia cầm chưa được nấu chín.
Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm A (H5N6) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do virus cúm thuộc nhóm A/H5N6 gây ra. Bệnh có tốc độ lây lan rất nhanh làm chết hàng loạt gia cầm ở nhiều loài khác nhau, như: gà, vịt, chim cút… Đặc biệt, bệnh cúm gia cầm H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong. Tại Việt Nam, chủng virus cúm này được phát hiện trên đàn gia cầm từ vài năm trước.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Cần Thơ (CDC Cần Thơ), mấy năm gần đây, thành phố không ghi nhận ca nhiễm cúm A (H5N1) trên người. Tuy nhiên, nhưng vẫn có nguy cơ bệnh cúm A (H5N1) trên gia cầm lây lan từ gia cầm sang người. Theo bác sĩ Trần Văn Tuấn, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm – Kiểm dịch y tế quốc tế, CDC Cần Thơ, khi phát hiện gia cầm có biểu hiện cúm, chết, người dân cần báo ngay với lực lượng thú y.
Cán bộ thú y sẽ lấy mẫu, gởi xét nghiệm để biết gia cầm chết do nguyên nhân gì. Khi kết quả dương tính, cán bộ thú y sẽ tiêu độc, khử trùng, tiêu hủy gia cầm chết… Ngành y tế xuống hộ gia đình xem có ai bị bệnh ho, sốt… lập danh sách người trực tiếp và gián tiếp tiếp xúc với gia cầm để theo dõi sức khỏe.
Video đang HOT
Nếu có biểu hiện, kịp thời đưa đến cơ sở y tế cách ly, điều trị, lấy mẫu xét nghiệm (gởi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh) theo quy định. Song song đó, ngành y tế mời hộ dân ở xung quanh đến tuyên truyền, phát tờ rơi, phun thuốc trong bán kính 200m. CDC Cần Thơ cũng tham mưu Sở Y tế có công văn chỉ đạo phòng, chống bệnh cúm A (H5N1), cúm A (H5N6) trên địa bàn.
Để chủ động phòng chống bệnh cúm A(H5N1), cúm A(H5N6), bác sĩ Trần Văn Tuấn khuyến cáo người dân: Không ăn tiết canh, không ăn gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết, không rõ nguồn gốc; không quăng xác gia cầm và động vật bị chết xuống sông, kênh, rạch; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và các sản phẩm từ gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; chỉ sử dụng thịt và các sản phẩm từ gia cầm rõ nguồn gốc và được nấu chín kỹ.
Người chăn nuôi gia cầm vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng cho gia cầm theo hướng dẫn của cơ quan thú y. Khi phát hiện gia cầm ốm, chết, phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương, cơ quan thú y, trạm y tế xã, phường. Khi có biểu hiện như: sốt, ho, đau ngực, khó thở và có tiền sử tiếp xúc với gia cầm bị bệnh (nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, ăn thịt gia cầm bị bệnh…), tiếp xúc gần với người bệnh nghi ngờ, có thể hoặc đã xác định mắc bệnh… phải đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Bộ Y tế chỉ đạo ngành y tế địa phương cần chú ý giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh trên người, đặc biệt nơi có ổ dịch cúm gia cầm. Với trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính hoặc viêm phổi nặng, có tiền sử tiếp xúc với gia cầm ốm chết thì cần lưu ý lấy mẫu bệnh phẩm gửi xét nghiệm.
Từ năm 2003-2019, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận tổng cộng 861 trường hợp bệnh nhân nhiễm cúm A/H5N1 trên thế giới, trong đó 455 người tử vong. Từ năm 2004-2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 (50,4%) người chết vì mắc bệnh cúm A/H5N1.
Bài, ảnh: H.HOA
Theo baocantho
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm
Từ đầu tháng 1-2020 đến nay, Việt Nam đã có 10 ổ dịch cúm gia cầm (CGC) do chủng virus A/H5N6, còn trên thế giới đã ghi nhận các ổ dịch bệnh CGC tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Trong điều kiện thời tiết nóng ẩm, mưa phùn như hiện nay, nguy cơ lây lan và bùng phát dịch bệnh CGC và các dịch bệnh khác trên gia súc, gia cầm là rất lớn, nếu không có các biện pháp phòng chống ngay từ bây giờ.
Lựa chọn sản phẩm gia cầm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để giảm thiểu rủi ro lây nhiễm CGC. Ảnh: Bích Nguyên
5 tỉnh, thành phố có ổ dịch cúm gia cầm
Theo báo cáo của Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu năm đến nay, cả nước có 10 ổ dịch CGC do chủng virus A/H5N6 gây ra, buộc phải tiêu hủy 43.202 con gia cầm tại 5 tỉnh, thành phố: Bắc Ninh, Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.
Trong đó, tại tỉnh Quảng Ninh, dịch CGC A/H5N6 xảy ra tại 1 hộ chăn nuôi thuộc xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Tổng số gia cầm mắc bệnh và tiêu hủy 3.000 con. Tại thành phố Hà Nội, từ ngày 3-2 phát sinh ổ dịch tại 4 hộ chăn nuôi tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Hơn 6.800 con gia cầm đã chết và được tiêu hủy hoàn toàn. Như vậy, tính đến ngày 14-2, cả nước có 9 ổ dịch CGC A/H5N6 chưa qua 21 ngày.
Trên thế giới, các ổ dịch bệnh CGC xảy ra tại 11 quốc gia và vùng lãnh thổ. Cụ thể, chủng virus cúm A/H5N1 xảy ra tại Ấn Độ, Trung Quốc; cúm A/H5N6 tại Nigeria, Trung Quốc và cúm A/H5N8 tại Cộng hòa Séc, Đức, Hungary, Ba Lan, Romania, Slovakia... Theo Cục Thú y, nguy cơ bệnh lây lan giữa các nước rất cao.
Ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y nhận định, hiện nay, bệnh CGC tại Việt Nam đã được kiểm soát tốt, kịp thời, dịch bệnh không xảy ra ở diện rộng. Các ổ dịch CGC xuất hiện rải rác, mỗi tỉnh xuất hiện ở 1 - 2 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có gia cầm chưa tiêm phòng vaccine.
Theo dõi, giám sát của Cục Thú y cũng cho thấy, từ năm 2018 đến nay, tại Việt Nam ghi nhận virus gây bệnh CGC thuộc nhánh H5N1 2.3.2.1c (chủ yếu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long) và H5N6 2.3.4.4h, 2.3.4.4f, 2.3.4.4g (phân bố tại nhiều vùng trong cả nước). Phân tích các đặc tính sinh học phân tử cho thấy, không có sự biến đổi lớn, có tính đặc hiệu với thụ thể bám trên gia cầm.
Đến nay, tại Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp người mắc bệnh do chủng virus cúm A/H5N6 và A/H7N9, tuy nhiên, nguy cơ virus cúm A/H7N9 và một số chủng virus khác như A/H5N2, A/H5N8 xâm nhiễm là rất cao.
Theo đánh giá của Cục Thú y, hiện nay, tổng đàn gia cầm cả nước rất lớn (467 triệu con); điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ tăng cao hơn so với bình thường. Trong khi đó, việc tổ chức tiêm vaccine CGC cho đàn gia cầm đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương, nhất là đối với chăn nuôi gia cầm nông hộ. Do đó, nguy cơ dịch bệnh CGC lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt trong điều kiện dịch Covid-19 gây ra...
Tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng trên cả nước
Để chủ động phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm một cách kịp thời, hiệu quả, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho rằng, các bộ, ngành cùng với chính quyền địa phương cần tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định của Luật Thú y. Đồng thời, hướng dẫn người dân tái đàn chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Bởi trong bối cảnh hiện nay, đó là biện pháp tốt nhất để phòng, chống các loại dịch bệnh.
Theo ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi gắn với chính sách hỗ trợ chăn nuôi đối với những cơ sở an toàn dịch và vùng an toàn dịch để đảm bảo an toàn dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.
Triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh CGC và các bệnh trên đàn gia súc năm 2020, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, với quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ thì việc đảm bảo an toàn sinh học không triệt để, không ai dám khẳng định dịch tả lợn châu Phi không quay trở lại. Trong khi đó, năm nay nhuận hai tháng 4, nền nhiệt lạnh, mưa mù nhiều. Đây là điều kiện tối đa cho các loại virus như lở mồm long móng, dịch tả phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu các địa phương đặc biệt chú ý phát hiện sớm và thực hiện xử lý ngay các ổ dịch CGC, không để ảnh hưởng đến những nơi sản xuất an toàn. Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động hợp tác quốc tế để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và giải pháp phòng, chống dịch bệnh; khẩn trương tổ chức giám sát, cảnh báo dịch bệnh kịp thời. Cùng với đó, tăng cường giám sát chặt chẽ việc buôn bán gia cầm và các sản phẩm gia cầm, động vật khác; xử lý nghiêm trường hợp vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu qua biên giới; tổ chức vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường tại các vùng trọng điểm, vùng nguy cơ cao để tiêu diệt các loại mầm bệnh...
Xuân Hương
Theo bienphong.com
Infographics - Dịch cúm gia cầm A/H5N6 xuất hiện tại 5 tỉnh, thành phố của Việt Nam Cục Thú Y cho biết, từ đầu năm 2020 đến nay, cả nước có 10 ổ dịch cúm gia cầm do chủng virus A/H5N6 gây ra. Lê Hải Theo phapluatplus