Phối hợp cùng doanh nghiệp lên phương án thu hoạch, tiêu thụ nông sản
Tổ công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT đã và tiếp tục chỉ đạo các Sở NN&PTNT phối hợp với doanh nghiệp để có những phương án tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản.
Trước việc các địa phương phía Nam phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ khiến việc thu hoạch nông sản gặp nhiều khó khăn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ cho biết, Tổ công tác đã và tiếp tục chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp để có những phương án tổ chức thu hoạch, tiêu thụ nông sản đảm bảo mùa vụ và chất lượng sản phẩm.
Hoạt động mua bán rau quả tại chợ Nam Hà Nội. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, với vụ lúa Hè Thu đang thu hoạch rộ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất với các tỉnh, thành nên thành lập các tổ máy gặt liên hợp. Các tổ máy này sẽ hoạt động và được di chuyển đến các vùng thu hoạch, tránh việc phải huy động đông người để đảm bảo an toàn dịch bệnh.
Hiện nhiều thương lái, doanh nghiệp ngại di chuyển đi thu mua nông sản vì lo ngại dịch bệnh và chi phí tăng khi phải xét nghiệm. Với các đơn vị có liên kết, hợp tác trong sản xuất thì các doanh nghiệp vẫn sẵn sàng thu mua, chỉ các cánh đồng không có liên kết tiêu thụ thì sẽ gặp khó khăn về tiêu thụ. Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn họp với doanh nghiệp để thu mua, lưu trữ tại địa phương trong điều kiện di chuyển, vận chuyển khó khăn nhằm bảo thu mua cho nông dân. Các địa phương cần tạo điều kiện và tổ chức thu hoạch tập trung, giám sát, phân luồng phương tiện cơ giới hoạt động thu hoạch thuận lợi.
Với trái cây, điển hình như nhãn đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng lớn, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, nhu cầu doanh nghiệp xuất khẩu vẫn có. Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang cử các doanh nghiệp liên hệ với các nhà vườn để đẩy mạnh thu mua để xuất khẩu. Tổ công tác cũng liên hệ với các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khu vực miền Nam để hỗ trợ doanh nghiệp trong thu mua và lưu thông với các giải pháp cụ thể. Nhưng quan trọng là các sở phải chỉ ra được điểm tập kết nông sản vì không thể đi mua rải rác mua như trước đây.
“Đã có đơn vị đề xuất đưa quân đội vào hỗ trợ nông dân thu hoạch trái cây. Nhưng thực tế không thể được vì thu hoạch trái cây không giống như thu hoạch lúa. Trái cây xuất khẩu đòi hỏi kỹ năng thu hoạch mỗi loại sản phẩm khác nhau nên nếu nhân công không chuyên nghiệp thì sẽ rất dễ bị hư hỏng trong quá trình thu hoạch, không đảm bảo chất lượng sản phẩm”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Video đang HOT
Bởi vậy, để đảm bảo trong khâu thu hoạch, Tổ công tác đã chỉ đạo các Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp thu mua xuất khẩu thì vận động nhân công đi làm và đảm bảo các yêu cầu về phòng chống dịch bệnh.
Cây ăn trái thu hoạch theo mùa nên Tổ công tác đề nghị các tỉnh, thành phố cập nhật và tổng hợp tình hình tại các địa phương, hỗ trợ doanh nghiệp và nhà vườn tuân thủ quy định, tổ chức thu hoạch nhanh, gọn, kết nối tiêu thụ. Đồng thời, công bố thời gian, sản lượng, chủng loại thu hoạch để tham gia mạnh mẽ và thiết thực vào các diễn đàn kết nối cung cầu.
Về tình hình tiêu thụ nếp khó khăn, giá xuống thấp, ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, nếp tiêu khó khăn không hẳn do dịch COVID-19. Hàng năm, từ tháng 6 trở đi tiêu thụ nếp thường khó khăn và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thường xuyên khuyến cáo về việc sản xuất nếp trong vụ Hè Thu và Thu Đông.
Ông Lê Thanh Tùng cũng cho biết thêm, hiện xuất khẩu gạo cũng đang khó khăn do thay đổi thủ tục nhập khẩu một số quốc gia. Không chỉ Việt Nam thu hoạch Hè Thu, mà các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng thu hoạch lúa Hè Thu. Do đó, nhiều nhà nhập khẩu đang chờ đợi những thông tin từ sản xuất vụ này thì mới quyết định kế hoạch nhập khẩu.
Theo Tổ công tác, tại Sóc Trăng, hôm nay (27/7), giá một số loại nông sản như chanh, cam, nhãn giảm; bưởi hiện nay tiêu thụ ổn định. Tại Vĩnh Long, giá rau củ quả ổn định, giá khoai lang tím đã tăng nhẹ nhưng vẫn ở mức thấp; giá nhãn, mít Thái giảm nhẹ; giá thịt, cá, trứng có giảm nhẹ nhưng vẫn ổn định. Tình hình vận chuyển, lưu thông nông sản ở Vĩnh Long bình thường, không khó khăn.
Tại Đồng Nai, giá trái cây ổn định, riêng thanh long giảm sâu còn 4.000 đồng/kg; chôm chôm đang trong tình trạng khó tiêu thụ và cần hỗ trợ….
Theo Cục Trồng trọt, các tỉnh phía Nam có diện tích cây ăn quả ước đạt 693.000 ha, bằng 61% so cả nước; trong đó Đồng bằng sông Cửu Long là vùng cây ăn quả chủ lực, chiếm hơn 33% tổng diện tích cây ăn quả cả nước.
Trong 6 tháng cuối năm, các tỉnh phía Nam cung ứng ra thị trường với các loại trái cây chính như: xoài khoảng 190 nghìn tấn, bình quân mỗi tháng cung ứng 32 nghìn tấn; chuối 245 nghìn tấn, mỗi tháng cung ứng 41 nghìn tấn; thanh long 290 nghìn tấn, mỗi tháng cung ứng 48 nghìn tấn; sầu riêng 150 nghìn tấn, bình quân 25 nghìn tấn/tháng; chôm chôm sản lượng 60 nghìn tấn, bình quân 10 nghìn tấn/tháng; nhãn 120 nghìn tấn, bình quân 20 nghìn tấn/tháng….
Đẩy mạnh tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, việc lần đầu tiên nông sản Việt Nam xuất khẩu trên "sàn thương mại điện tử xuyên biên giới" do người Việt Nam vận hành đang cho thấy hướng đi đúng đắn với hàng loạt cơ hội.
Đoàn xe chở vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) xuất khẩu sang thị trường EU. Ảnh: TTXVN.
Cơ hội từ thương mại điện tử
Vụ thu hoạch vải thiều Bắc Giang năm nay vừa được mùa, vừa được giá, với tổng sản lượng tiêu thụ
đạt hơn 215.000 tấn (tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020). Giá bán luôn được duy trì ổn định từ đầu đến cuối vụ, bình quân đạt 19.800 đồng/kg, tổng doanh thu đạt khoảng 6.800 tỷ đồng. Trong đó, xuất khẩu đạt 89.300 tấn (chiếm 41,4% tổng sản lượng tiêu thụ).
Vải thiều được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường truyền thống Trung Quốc và EU, Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc... Có được kết quả này là nhờ sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ bằng phương thức bán hàng mới qua thương mại điện tử. Thực tế, thương mại điện tử chính là một trong những yếu tố giúp quả vải Bắc Giang vượt qua được những khó khăn về dịch bệnh.
Không chỉ vải thiều, mà các nông sản khác tại nhiều địa phương đã được đưa lên sàn thương mại điện tử và đem lại hiệu quả tích cực, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, năm 2021 là năm lần đầu tiên Bộ Công Thương triển khai chương trình hỗ trợ nông sản có sự tham gia của 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam cho sự kiện "vải thiều Bắc Giang" bao gồm: Sendo, Voso, Tiki, Postmart, Shopee và Lazada/Foodmap, bên cạnh sự đồng hành của các đơn vị chuyển phát và các kênh phân phối truyền thống như BigC, Vinmart.
Để đồng hành cùng người nông dân cũng như quảng bá trái cây Việt Nam, Bộ Công Thương đang tiếp tục phối hợp với các sàn thương mại điện tử tổ chức các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản thông qua "Gian hàng Việt trực tuyến quốc gia" với các sự kiện như: Ngày đặc sản Sơn La, Ngày hội xứ Dừa - Đặc sản Bến Tre, Phiên chợ nông sản Việt, Tuần nông sản Việt, đi chợ online... với hàng chục loại nông sản các vùng miền địa phương.
Từ nhà sản xuất đến tận tay người tiêu dùng quốc tế
Không chỉ với thị trường nội địa, Bộ Công Thương đã phối hợp với Viettel Post xuất khẩu hơn 3 tấn vải thiều Bắc Giang sang Đức trên nền tảng Voso Global. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu được nông sản tươi sang châu Âu trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới do người Việt Nam xây dựng và vận hành.
Theo ông Đặng Hoàng Hải, thương mại điện tử xuyên biên giới không những tạo cơ hội cho doanh nghiệp nâng cao doanh số bán hàng, mà qua đó còn tìm kiếm mô hình hoạt động kinh doanh linh
hoạt, tiết giảm chi phí, tối ưu nguồn lực để tiếp cận chuỗi cung ứng toàn cầu.
Bộ Công Thương đang hoàn thiện thêm các thủ tục cần thiết để có thể xuất khẩu thêm một số nông sản qua phương thức "thương mại điện tử xuyên biên giới" từ nhà sản xuất Việt Nam tới tận tay người tiêu dùng nước ngoài.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết: "Tới đây, không chỉ là 3 tấn vải thiều, mà sẽ là con số lớn hơn nhiều, không chỉ với vải thiều Bắc Giang, mà còn với nhiều loại trái cây đặc sản của Việt Nam đến tay người tiêu dùng quốc tế".
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, mặc dù đã làm tốt công tác đàm phán để cắt giảm thuế quan, tạo điều kiện tốt nhất cho hàng hóa tiếp cận các thị trường, song công tác đàm phán để được công nhận về quản lý chất lượng và quản lý an toàn thực phẩm còn hạn chế. Do vậy, nhiều mặt hàng dù đã
được nhiều thị trường giảm thuế về 0%, nhưng nông sản vẫn chưa thâm nhập được.
Bộ Công Thương khuyến cáo, để tiếp tục đưa được nhiều loại trái cây Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, nông dân cũng như doanh nghiệp nông nghiệp cần thực hiện nghiêm túc và tuân thủ chặt chẽ các quy định về truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm... trong toàn bộ chuỗi bảo quản, chế biến, để có sản phẩm nông sản xuất khẩu chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu.
Bên cạnh đó, hộ sản xuất, doanh nghiệp phân phối, xuất khẩu cần chủ động hợp tác, liên kết để tạo chuỗi cung ứng, hoàn thiện "chuỗi giá trị" từ sản xuất, nuôi trồng, chế biến và phân phối tới người tiêu dùng, bảo đảm chất lượng sản phẩm luôn ở mức tốt nhất, bảo đảm các tiêu chí mà các thị trường có nhu cầu nhập khẩu đưa ra.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiêu thụ nông sản và chính sách cho người lao động Dịch COVID-19 vẫn đang tác động tiêu cực tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của người dân, doanh nghiệp, nhất là tại các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam một số địa phương còn gặp khó khăn trong tiêu thụ nông sản hàng hóa, có nơi công nhân buộc phải nghỉ việc. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam...