Phó Vụ trưởng Thanh tra bị tố gian lận bằng cấp, thi tuyển
Theo đơn thư bạn đọc gửi đến các cơ quan báo chí và các cơ quan chức năng, Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương đã có quyết định kiểm tra bất thường đối với ông Lê Sỹ Bẩy, Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ 1 Thanh tra Chính phủ.
Trụ sở Thanh tra Chính phủ tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Theo nội dung đơn tố cáo và một số tài liệu cho biết, ông Lê Sỹ Bẩy, sinh năm 1966, quê tại Hoằng Đạt, Hoằng Hoá, Thanh Hoá, vốn là nhân viên Phòng Tài vụ của Công ty Thực nghiệm xây lắp Hà Nội trực thuộc Liên hiệp Khoa học sản xuất Hà Nội.
Năm 1991, ông Bẩy tốt nghiệp Cao đẳng Ngân hàng. Tháng 11/1992, ông Bẩy được tiếp nhận về cơ quan Thanh tra, hưởng lương chuyên viên hệ số 1,86 từ 1/4/1993, sau được nâng lương chuyên viên bậc 2, hệ số 2,1. Ngày 15/8/1994, Tổng thanh tra có quyết định số 707/QĐ chuyển ngạch cho ông Bẩy từ chuyên viên bậc 2, hệ số 2,1 sang Thanh tra viên bậc 2, hệ số 2,25. Năm 1996, ông Bẩy được nâng bậc lương từ Thanh tra viên bậc 2 lên bậc 3 và từ tháng 7/1999 tiếp tục được nâng lương lên bậc 4 hệ số 2,73 của ngạch Thanh tra viên chính.
Đối chiếu với Quyết định số 818-TTCP/VP ngày 21/10/1993 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ về việc ban hành tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch công chức ngành thanh tra Nhà nước thì quá trình chuyển công tác và thăng tiến nêu trên của ông Bẩy có nhiều dấu hiệu trái với quy định của pháp luật. Bởi lẽ, quyết định 818 ban hành từ tháng 10/1993 đã quy định rất rõ tiêu chuẩn trở thành thanh tra viên (Cấp 1- cấp thấp nhất trong ngạch thanh tra- PV) phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên, có trình độ lý luận chính trị trung cấp trở lên. Vậy mà thời điểm năm 1994, khi Tổng Thanh tra Chính phủ có quyết định số 707/QĐ chuyển ngạch cho ông Bẩy từ chuyên viên bậc 2, hệ số 2,1 sang Thanh tra viên bậc 2, ông Bẩy vẫn chưa tốt nghiệp đại học, chưa có bằng Trung cấp chính trị thì rõ ràng là chưa đủ tiêu chuẩn quy định.
Từ quyết định chưa đúng này đã tạo “bệ phóng” cho ông Bẩy tiếp tục leo cao. Ngoài sai phạm trong bổ nhiệm thanh tra viên thì Vụ Tổ chức cán bộ cũng trình Tổng thanh tra Chính phủ chuyển ngạch đồng thời nâng lương trong khi pháp luật nghiêm cấm việc điều chỉnh lương khi chuyển ngạch.
Không dừng lại ở đó, ông Bẩy còn có nhiều dấu hiệu bất thường trong việc kê khai bằng cấp để thi Thanh tra viên chính. Ông Bảy kê khai có đủ điều kiện để thi Thanh tra viên chính nhưng thực tế so với quy định tại Quyết định số 818-TTCP/VP ngày 21/10/1993 của Ban tổ chức cán bộ Chính phủ và Quy chế bổ nhiệm thanh tra viên do Tổng thanh tra ban hành thì ông Bẩy còn thiếu 4 điều kiện: Chưa tốt nghiệp đại học, chưa có trình độ lý luận trung cấp, chưa đủ thời gian thâm niên ngạch thanh tra viên tối thiểu là 9 năm (ông Bảy mới có hơn 6 năm) và thiếu 17 tháng lương (để hợp thức điều kiện về lương, Vụ tổ chức cán bộ đã “tính nhầm” để ông Bảy hưởng sai quy định 17 tháng lương).
Về việc này, năm 2010, Bí thư chi bộ kiêm Phó vụ trưởng Vụ 1 đã có ý kiến và Vụ Tổ chức cán bộ có lập đoàn kiểm tra nhưng do việc lập hồ sơ giả này được “hợp thức hoá” nên hồ sơ của ông Bẩy đã bị “phi tang”. Trong văn bản thông báo vào tháng 5/2010 do Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ soạn thảo chỉ ghi: “Do không còn lưu trữ hồ sơ thi thanh tra viên lên Thanh tra viên chính năm 2000 do đó chưa có đủ căn cứ để xác định lý do vì sao ông Bẩy vẫn được dự thi, nếu chưa đúng thì cá nhân, tổ chức nào chịu trách nhiệm…”.
Có thể nói đây là một kết luận xác minh khá… vô trách nhiệm khi không thể tìm ra trách nhiệm thuộc về “tổ chức, cá nhân nào” mà điều này Tổ xác minh hoàn toàn có thể yêu cầu ông Bẩy giải trình cũng như làm việc với các cán bộ liên quan để làm rõ.
Theo nội dung đơn tố cáo: Năm 2004, ông Bẩy khai tham gia học tập trung tại 2 trường là Đại học Ngân hàng hệ chuyên tu và Cao cấp lý luận chính trị (tập trung). Tuy nhiên, cũng trong năm 2004, ông Bẩy tham gia làm trưởng và phó của 4 đoàn thanh tra như: Trưởng đoàn thanh tra cảng cá các tỉnh phía Nam, Phó trưởng đoàn thanh tra việc quản lý và sử dụng đất tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó trưởng đoàn thanh tra tại Tổng công ty thuỷ sản đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh và Phó trưởng đoàn thanh tra đất đai tại các tỉnh miền Trung, Hà Nội, Hải Phòng với thời gian làm việc tại các đơn vị này kéo dài từ đầu năm 2004 đến tháng 3/2005.
Video đang HOT
Như vậy, ông Bẩy không thể cùng một lúc làm 3 việc như: Đi kiểm tra tại các tỉnh miền Trung, miền Nam và học tập trung ở hai trường tại Hà Nội. Nhưng điều kỳ lạ là ông Bẩy vẫn có đủ cả hai bằng tốt nghiệp của hai trường để nộp cho Vụ Tổ chức cán bộ để được thi Thanh tra viên cao cấp. Chính vì vậy ông Bẩy nhanh chóng thăng tiến.
Được biết, ngày 17/6/2013, Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ Khối các cơ quan Trung ương đã có Quyết định kiểm tra dấu hiệu vi phạm đối với đảng viên Lê Sĩ Bẩy, Phó vụ trưởng Vụ I Thanh tra Chính phủ. Nội dung kiểm tra bao gồm 3 vấn đề: kê khai giả mạo bằng cấp, việc nâng lương, bổ nhiệm chức vụ và bổ nhiệm thanh tra viên chính, thanh tra viên cao cấp; thiếu trung thực trong việc kê khai tài sản.
Báo Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trên.
Theo Dantri
Uỷ ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu kỷ luật một số cán bộ
Từ ngày 2 đến 11/7, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ thứ 20, trong đó đã xem xét, quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật đối với một số cán bộ.
Ông Ngô Văn Dụ - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì hội nghị
Từ ngày 2 đến 11/7/2013, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XI đã họp kỳ thứ 20. Đồng chí Ngô Văn Dụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Hội nghị.
Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thống nhất kết luận và giải quyết các nội dung sau:
I. Xem xét kết quả kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng đối với Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh: Bắc Kạn, Bắc Giang, Nam Định, Hà Tĩnh, Đăk Lăk, Long An và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương:
Về ưu điểm, Ban Thường vụ và Ủy ban Kiểm tra các đơn vị được kiểm tra đã tổ chức quán triệt, triển khai, tổ chức thực hiện nghiêm túc các nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn của Trung ương về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong Đảng, nhất là sau kiểm điểm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra đã thực hiện khá toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát. Các cuộc kiểm tra, giám sát tăng về số lượng, chất lượng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục; kịp thời xem xét, giải quyết tố cáo và xử lý những vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên. Việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng có nền nếp. Chú trọng quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn Ủy ban Kiểm tra các cấp, tổ chức bộ máy cơ quan Ủy ban Kiểm tra các cấp; xây dựng, củng cố cơ sở vất chất... đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Về hạn chế, khuyết điểm, một số nơi chưa thực hiện giám sát chuyên đề đối với đảng viên; chưa quan tâm đúng mức trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát; có cấp ủy chưa chủ trì tổ chức tổng kết công tác kiểm tra, giám sát. Việc giải quyết đơn thư tố cáo, khiếu nại có lúc, có việc còn chưa dứt điểm; có cuộc kiểm tra, giám sát nội dung dàn trải, chưa có trọng tâm, trọng điểm. Hiệu quả phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng còn hạn chế. Việc chủ động phát hiện, quyết định kiểm tra tổ chức đảng, đảng viên, cấp ủy viên cùng cấp khi có dấu hiệu vi phạm chưa đúng với tình hình vi phạm của tổ chức đảng, đảng viên hiện nay; có đơn vị chưa kiểm tra tài chính đối với cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp. Chất lượng, hiệu quả giám sát còn hạn chế; có trường hợp xử lý kỷ luật đảng viên chưa bảo đảm quy trình, chưa tương xứng với vi phạm...
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu các tổ chức đảng nói trên khắc phục những hạn chế, khuyết điểm, tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát theo quy định, tập trung vào những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh vi phạm. Các tổ chức đảng tăng cường kiểm tra, giám sát đảng viên và cấp ủy viên cùng cấp và đảng viên diện cấp ủy quản lý; đôn đốc, theo dõi việc thực hiện các kết luận kiểm tra, giám sát; quan tâm bồi dưỡng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ kiểm tra các cấp; đẩy mạnh tuyên truyền về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng...
II. Xem xét kết quả kiểm tra tài chính đảng đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Khánh Hòa, Nghệ An:
Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác tài chính, tài sản của Đảng; ban hành và chỉ đạo ban hành nhiều văn bản, quy định về quản lý tài chính, tài sản của Đảng bộ; chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức kiểm tra tài chính đảng, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị.
Tuy nhiên, trong chỉ đạo chưa thường xuyên, kịp thời cụ thể hóa cơ chế quản lý tài chính đảng; chưa có biện pháp quyết liệt chỉ đạo các cơ quan chức năng bảo đảm kinh phí hoạt động cho các tổ chức cơ sở đảng, nhất là cấp xã, phường; có trường hợp chưa thực hiện đúng quy định về cơ chế quản lý tài chính, tài sản đảng; chưa quan tâm đúng mức việc kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm quá trình triển khai các quy định về quản lý tài chính đảng... Các đơn vị được kiểm tra có khoản thu, chi chưa đúng chế độ.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An, Khánh Hòa rút kinh nghiệm về những khuyết điểm, hạn chế đã chỉ ra; chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy tăng cường kiểm tra, giám sát tài chính, nhất là đối với cơ quan tài chính cấp ủy cùng cấp. Cụ thể hóa, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về quản lý tài chính, tài sản đảng; thực hiện đầy đủ chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính trong các cơ quan khối đảng cấp tỉnh và huyện; nghiên cứu chuyển đổi mô hình, cơ chế hoạt động của Nhà khách Tỉnh ủy, Nhà in Báo Nghệ An; thực hiện đúng, đầy đủ các quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản đảng; xem xét, xử lý, chỉ đạo xử lý các khoản chi chưa đúng quy định.
III. Xem xét, kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng:
1.Ban cán sự đảng UBND tỉnh Sóc Trăng chậm xây dựng, bổ sung quy chế làm việc của Ban cán sự đảng UBND tỉnh sau mỗi nhiệm kỳ; tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy chưa kịp thời; lãnh đạo việc phân công nhiệm vụ còn chồng chéo. Trong việc chấp thuận chủ trương cho Công ty Satraco đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, khu du lịch gần chùa Dơi, Ban Cán sự đảng chưa lãnh đạo, chỉ đạo UBND tỉnh lập hồ sơ di tích theo quy định của Luật Di sản văn hóa; chưa xin ý kiến Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch và không báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy là vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy.
2. Đồng chí Nguyễn Trung Hiếu chưa chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh kịp thời xây dựng và bổ sung quy chế làm việc của Ban cán sự đảng và của UBND tỉnh; chưa tạo được sự thống nhất cao trong nội bộ UBND tỉnh; vi phạm Quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc cho chủ trương đầu tư dự án khu du lịch, nhà hàng, khách sạn gần chùa Dơi; thiếu kiểm tra, để xảy ra sai phạm trong việc thực hiện dự án, gây dự luận xấu; cho ý kiến về việc xử lý vi phạm khai thác cát trái phép không đúng thẩm quyền...
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh và đồng chí Nguyễn Trung Hiếu, những tổ chức, cá nhân có liên quan nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm về những khuyết điểm, vi phạm nêu trên.
IV. Xem xét, quyết định và đề nghị thi hành kỷ luật đối với các đảng viên:
1. Đồng chí Nguyễn Đình Nhương, nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy, nguyên Chủ tịch HĐND huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh: Từ năm 2003 - 2010, với trách nhiệm là Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện, đồng chí đã vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng đất, nhất là trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất; thiếu kiểm tra, đôn đốc để tình trạng vi phạm Luật Đất đai không được khắc phục; vi phạm trong công tác tổ chức cán bộ, quản lý tài chính, ngân sách huyện; buông lỏng công tác quản lý đầu tư xây dựng. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Đình Nhương theo thẩm quyền.
2. Đồng chí Đào Tấn Nguyên, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Phú Yên: Vi phạm phẩm chất, đạo đức, lối sống của người cán bộ lãnh đạo; thực hiện không đúng quy định về công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, vi phạm quy chế làm việc, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, gây dư luận không tốt tại địa phương. Ủy ban Kiểm tra Trung ương thống nhất đề nghị Ban Bí thư thi hành kỷ luật cách chức Tỉnh ủy viên đối với đồng chí Đào Tấn Nguyên.
3. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, xử lý kỷ luật đối với các đồng chí: Nguyễn Huy Dự, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ; Nguyễn Đức Đuyện, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ; Nguyễn Quang Sáng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Điện Biên, nguyên Chủ tịch UBND thành phố Điện Biên Phủ. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật 3 đồng chí bằng hình thức khiển trách, vì đã vi phạm trong quản lý, sử dụng đất đai.
4. Đồng chí Nguyễn Thành Tẩm, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh: Thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, quản lý, dẫn đến Ban quản lý dự án thành phố có những vi phạm trong thực hiện quy chế quản lý đẩu tư xây dựng cơ bản; vi phạm quy định trong việc quản lý tài chính. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khiển trách đối với đồng chí Nguyễn Thành Tẩm.
V. Xem xét, kết luận giải quyết tố cáo đối với các đảng viên là cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý:
1. Đồng chí Vũ Văn Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hải Dương: Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận, đơn tố cáo đồng chí Vũ Văn Sơn nghỉ ốm dài ngày năm 2008, vẫn được công nhận là đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ là có thật. Nội dung tố cáo "khai hồ sơ có 3 năm sinh (1957, 1958, 1959)", qua kiểm tra, hồ sơ cán bộ, đảng viên của đồng chí Vũ Văn Sơn có hai năm sinh (1958 và 1959). Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu đồng chí Vũ Văn Sơn nghiêm túc rút kinh nghiệm việc bỏ phiếu đề nghị xếp loại đảng viên đủ tư cách hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trong khi bản thân nghỉ công tác dài ngày trong năm. Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương chỉ đạo cơ quan tư pháp của tỉnh cùng đồng chí Vũ Văn Sơn thực hiện các thủ tục pháp lý để thống nhất một năm sinh trong hồ sơ của đồng chí theo quy định.
2. Đồng chí Hà Hùng Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Đơn tố cáo đồng chí Hà Hùng Cường ký quyết định bổ nhiệm 1 cán bộ thuộc cơ quan thi hành án dân sự tỉnh Bình Thuận theo đề nghị của Vụ Tổ chức cán bộ Tổng cục Thi hành án dân sự không đúng quy định là có cơ sở. Các nội dung khác không có cơ sở kết luận.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu đồng chí Hà Hùng Cường kiểm điểm rút kinh nghiệm trước Ban cán sự đảng; yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp chỉ đạo kiểm điểm nghiêm khắc, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan; lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp cấp có thẩm quyền miễn nhiệm chức vụ đối với trường hợp bổ nhiệm không đúng.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức kiểm điểm các đồng chí: Huỳnh Tấn Thành, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận; Võ Duy Quang, Tỉnh ủy viên, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Thuận, nguyên Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh do liên quan đến vụ việc trên. Quá trình kiểm điểm, nếu tổ chức, cá nhân có vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật thì phải áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm minh.
VI. Xem xét, cho ý kiến và kết luận giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng đối với các đảng viên:
Ủy ban Kiểm tra Trung ương thảo luận, cho ý kiến đối với báo cáo kết quả thẩm tra, xác minh của Đoàn giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng của Ban Bí thư đối với đồng chí Lương Thị Cẩm Sự, nguyên Đảng ủy viên, Phó Bí thư Chi bộ Hành chính, Điều dưỡng trưởng Khoa Sản, Bệnh viện đa khoa huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang. Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định xóa hình thức kỷ luật khiển trách đối với đồng chí Dương Thị Anh Tài, thuộc Đảng bộ Công an tỉnh Quảng Trị; giữ nguyên hình thức kỷ luật cách chức Bí thư Chi bộ đối với đồng chí Phạm Trọng Nhã, thuộc Đảng bộ xã Lộc Thuận, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
VII. Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thảo luận, quyết định ban hành hoặc lấy thêm ý kiến để ban hành một số văn bản nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng.
Theo Dantri
Mẹ Việt Nam anh hùng có thể chỉ ở độ tuổi... 30 Ông Tạ Văn Thiều-phó Cục trưởng Cục Người có công, Bộ LĐ,TB&XH cho biết: "Với Nghị định và Pháp lệnh ưu đãi với người có công hiện tại thì mẹ Việt Nam anh hùng có thể ở độ tuổi khoảng 30". Như vậy, quy định cộng điểm cho bà mẹ VNAH không phải là thiếu thực tế. Ông Thiều cũng khẳng định, Thông...