Phó tổng thống Mỹ công du châu Á giữa lúc căng thẳng lên cao
Ngày 1/12, Phó tổng thống Mỹ Joe Biden đã chính thức lên đường công du châu Á. Trong khi hợp tác kinh tế Mỹ – Trung và các thỏa thuận thương mại là vấn đề trọng tâm, căng thẳng trên biển Hoa Đông mới đây dự kiến sẽ bao trùm tất cả.
Chuyên cơ chở ông Biden đã lăn bánh lúc 17 giờ 03 phút ngày hôm qua theo giờ địa phương, tức 22 giờ 03 phút GMT. Dự kiến phải tới 7/12 ông Biden mới trở lại Washington.
Ông Joe Biden sẽ đối mặt với nhiều thử thách trong chuyến công du châu Á
Theo thông báo của Nhà Trắng, trong chuyến thăm, ông Biden sẽ dừng chân tại Bắc Kinh và nêu bật “những vấn đề gây lo ngại, bao gồm cả căng thẳng trong khu vực”.
Rộng hơn, chuyến công du của vị Phó tổng thống Mỹ tới Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc được lên kế hoạch nhằm nhấn mạnh “sự hiện diện lâu dài của Washington với tư cách một cường quốc Thái Bình Dương…và khẳng định sự cam kết của mình đối với việc tái cân bằng chính sách ngoại giao của Mỹ hướng tới châu Á – Thái Bình Dương”, thông báo cho biết thêm.
Theo kênh DW của Đức, chuyến công du châu Á lần này của ông Biden ít nhất sẽ thú vị hơn, trong bối cảnh những căng thẳng trong khu vực ngày càng tăng liên quan đến một chuỗi đảo không có người ở mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư còn Tokyo gọi là Senkaku.
Trung Quốc đã chọn một thời điểm không mấy phù hợp để đơn phương tuyên bố thành lập vùng nhận diện phòng không trên các hòn đảo này, vốn vẫn do Nhật kiểm soát. Theo đó Bắc Kinh yêu cầu các hãng hàng không đi qua đây phải trình kế hoạch bay cho mình.
Đáp lại, hôm thứ Hai (25/11) vừa qua, Mỹ đã điều hai “pháo đài bay” B-52 tới khu vực không phận mà Trung Quốc tuyên bố là vùng nhận diện phòng không. Dù người phát ngôn Bộ quốc phòng Mỹ khẳng định đây là một phần của “hoạt động bay huấn luyện đã được lên kế hoạch từ lâu”, nó cũng khẳng định một cách rõ ràng sự quan tâm của Mỹ, và đồng thời là hành động thách thức một siêu cường đang lớn mạnh.
Thử thách vùng biển quốc tế
Để đáp lại động thái điều B-52 của Mỹ, hôm thứ Năm vừa qua, Trung Quốc đã điều chiến đấu cơ tới thị sát khu vực trên, trong khi truyền thông nước này khiến căng thẳng leo thang khi yêu cầu quân đội “phải có các biện pháp ứng phó kịp thời, không do dự”.
Video đang HOT
Căng thẳng trong khu vực liên quan đến chủ quyền biển đảo đang gia tăng
“Tôi không cho rằng chúng ta có thể xem nhẹ tầm quan trọng của vấn đề này”, Thomas Knig, một điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Hội đồng châu Âu về quan hệ đối ngoại khẳng định. “Lần đầu tiên Trung Quốc đã đối đầu với Mỹ trong khu vực. Trung Quốc đã nhận ra rằng giờ họ đã là một phần của cuộc chơi, và họ sẽ thử sức tại các vùng biển như họ từng làm trước đây”.
Knig tin rằng Bắc Kinh đã tính toán sai trong bước đi mới nhất. “Chắc chắn rằng họ đã không ngờ đến những phản ứng như thế này từ một chính quyền Washington vốn thường tỏ ra xã giao”, ông Konig nói.
“Tôi cũng thấy ngạc nhiên, bởi Mỹ trước đây thường nói rằng quần đảo Senkaku là vấn đề trong khu vực. Nhưng cá nhân tôi thì cho rằng Mỹ đã có bước đi đúng, bởi vùng nhận diện phòng không này có thể trở thành thách thức với các lợi ích của Mỹ trong khu vực. Nhưng cũng có thể với người khác thì phản ứng của Mỹ là vô trách nhiệm, bởi những máy bay đó có thể đã bị bắn hạ”.
Đối với Trung Quốc, chuyên gia này tin rằng: “Họ không thực sự hiểu rõ mình muốn gì khi thành lập vùng nhận diện phòng không đó. Còn tôi tin rằng nó đã tạo ra tác dụng ngược. Đó thực sự là một động thái thiếu chín chắn bởi nó quá quyết liệt”.
Nhưng những sự vụng về dường như là không thể tránh khỏi trong bối cảnh Trung Quốc mới chỉ vừa triển khai chính sách đối ngoại quyết đoán hơn. Knig nghĩ rằng những vụ việc như trên là dấu hiệu đầu tiên cho thấy sự thay đổi trong quá trình trở nên quyết đoán hơn của Trung Quốc.
Quan hệ đối tác trong nghi ngờ
Đằng sau tất cả những vấn đề trên là những mối quan tâm đã hồi sinh của Mỹ trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Những mối quan tâm đó càng trở nên phức tạp hơn khi Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản. Hay nói cách khác, bất kỳ căng thẳng nào giữa Trung Quốc và Nhật sẽ luôn khiến Mỹ bị kéo vào cuộc, và nó sẽ càng khiến sự hoài nghi giữa hai cường quốc tăng thêm.
“Trung Quốc vẫn đang tiếp tục hoài nghi rằng Mỹ đang bao vây họ, còn Mỹ thì nghi ngờ rằng mục tiêu cuối cùng của Trung Quốc là khu vực châu Á Thái Bình Dương”, chuyên gia về Trung Quốc Rod Wye, đến từ cơ quan nghiên cứu Chatham House của Anh cho biết.
Mặt khác, cả hai bên đều mong muốn duy trì mối quan hệ kinh tế tốt đẹp. Do đó, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc đôi khi có vẻ hơi kỳ cục. Dù sao Trung Quốc cũng đang có kế hoạch tham gia vào một cuộc tập trận lớn trên Thái Bình Dương, cùng hải quân Mỹ và các đồng minh của Mỹ trong khu vực vào năm 2014.
“Đó là một mối quan hệ mà cả hai bên đều thực sự không thể xác định rõ vị thế của mình là ở đâu”, Wye phân tích. “Căng thẳng giữa hai bên tiếp tục là bằng chứng cho thấy cần thêm những sự hứa hẹn, vì lợi ích của cả hai nước về kinh tế và quân sự – cũng như cách thức mà mối quan hệ cường quốc sẽ hình thành trong dài hạn. Hiện tại tình hình đang rất phức tạp và dễ biến động”.
Theo Dantri
Washington khuyên hàng không Mỹ tuân thủ vùng phòng không Trung Quốc
Chính quyền Obama ngày 29/11 đã khuyên các hãng hàng không thương mại tuân thủ yêu cầu của Trung Quốc về vùng nhận dạng phòng không mà nước này tự thiết lập ở biển Hoa Đông, dù Washington không công nhận nó.
Tờ New York Times đưa tin, chỉ ít giờ sau khi Trung Quốc điều các máy bay chiến đấu để thực thi vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Bắc Kinh tự lập ra hôm 23/11, chính quyền Obama đã quyết định khuyên các hãng hàng không dân sự tuân theo yêu cầu của Trung Quốc về việc thông báo trước kế hoạch bay.
Trong khi Mỹ vẫn "phớt lờ" Trung Quốc khi điều các máy bay quân sự vào khu vực mà không thông báo trước, giới chức chính phủ cho hay họ khuyên các máy bay dân sự làm vậy vì lo ngại về một sự đối đầu không lường trước được.
Mặc dù giới chức Mỹ nói rõ rằng Washington phải đối tuyên bố đơn phương của Bắc Kinh về ADIZ, lời khuyên đối với các hãng hàng không dân sự bay qua khu vực có thể được xem là một sự nhượng bộ đối với Trung Quốc.
"Chính phủ mong muốn các hãng hàng không Mỹ hoạt động ở nước ngoài sẽ tuân thủ các yêu cầu thông báo do các quốc gia nước ngoài đưa ra", Bộ ngoại giao Mỹ cho biết trong một tuyên bố, nói thêm rằng "điều đó không có nghĩa là chính phủ Mỹ chấp nhận các yêu cầu của Trung Quốc".
"Vì các lý do an toàn, chúng tôi khuyên họ tuân thủ việc thông báo, điều mà Cơ quan hàng không liên bang Mỹ (FAA) cũng luôn khuyên các hãng hàng không nên làm", một quan chức cấp cao giấu tên của chính quyền Mỹ nói thêm.
Tuyên bố trên phản ánh lo ngại của Washington rằng sự giằng co giữa hai bên có thể gây ra những hệ quả bất ngờ liên quan tới không chỉ các binh sĩ mà còn cả các dân thường vô tội.
Lời khuyên trên cũng cho thấy sự thay đổi lập trường so với 2 ngày trước, khi Bộ ngoại giao Mỹ khuyến cáo tất cả các hãng hàng không nước này cần áp dụng các biện pháp đảm bảo an toàn khi bay qua biển Hoa Đông, nhưng không nhắc tới chuyện khuyên họ tuân thủ các yêu cầu của Trung Quốc.
Trái với lập trường của Nhật
Quyết định trên của Washington trái ngược với tuyên bố của của chính phủ Nhật Bản hồi đầu tuần này, khi Tokyo yêu cầu các hãng hàng không ngừng tuân thủ các quy định của Trung Quốc. Nhật lo ngại rằng việc tuân thủ các quy định của Bắc Kinh có thể làm gia tăng tính hợp pháp do các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư bên dưới ADIZ.
Hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản là JAL và ANA sau đó đã tuyên bố "phớt" các quy định mà Bắc Kinh đưa ra đối với ADIZ.
Hôm nay 30/11, phản ứng về sự nhượng bộ của Mỹ, một quan chức Bộ ngoại giao Nhật nói: "Chúng tôi không bình luận về những điều mà các nước khác đang làm liên quan tới việc thông báo kế hoạch bay".
Hiện chưa rõ liệu chính quyền Obama có thông báo trước cho Nhật Bản, một đồng minh thân thiết trong khu vực, về quyết định của mình hay không.
Quyết định của Mỹ đã vấp phải sự chỉ trích từ một số quan chức. Stephen Yates, một cựu cố vấn về châu Á cho Dick Cheney thời ông này còn làm Phó tổng thống Mỹ, cho hay việc Mỹ có lập trường khác là một "động thái tồi tệ", có thể ảnh hưởng tới các đồng minh trong khu vực.
"Chúng ta nên hành động phù hợp với cách tiếp cận của họ", ông Yates nói.
Nhưng Strobe Talbott, cựu Thứ trưởng ngoại giao dưới thời Bill Clinton và giờ là chủ tịch Viện Brookings, cho rằng điều quan trọng là phải tránh rủi ro, trong khi vẫn giữ lập trường cứng rắn. "Cái chính là cần phải làm rõ ràng các tranh chấp lãnh thổ chỉ có thể được giải quyết thông qua ngoại giao, chứ không phải hành động đơn phương", ông nói.
Do các máy bay bay quá nhanh và ở cự ly gần, chính quyền Mỹ ngày càng lo ngại rằng một tai nạn hoặc một cuộc đối đầu không lường trước được có thể khiến tình hình ở nên vượt ra khỏi sự kiểm soát.
Một vụ va chạm trên không giữa một máy bay chiến đấu Trung Quốc và một máy bay do thám Mỹ ngoài khơi bờ biển Trung Quốc hồi năm 2001 đã khiến một phi công máy bay chiến đấu Trung Quốc thiệt mạng, và buộc máy bay do thám Mỹ phải hạ cánh khẩn cấp xuống đảo Hải Nam. Vụ việc đã gây ra một vụ căng thẳng ngoại giao giữa 2 nước cho tới khi Bắc Kinh thả các phi công Mỹ và gửi trả lại chiếc máy bay bị vỡ thành nhiều mảnh.
Theo Dantri
Bài học Vùng thông báo bay Hoàng Sa, nguy cơ "nhận diện PK" Biển Đông Thủ đoạn của TQ áp dụng nhìn bề ngoài thường mang tính chất kĩ thuật, thương mại mà họ vẫn làm trong lĩnh vực hàng không, địa chất, khí tượng....nhưng bản chất lại nhằm để giành lấy sự công nhận mặc nhiên hay vô tình của các tổ chức quốc tế, thậm chí là các nước có liên quan về cái gọi là...