Phó Tổng giám đốc Vietcombank Phạm Thanh Hà được bầu làm Chủ tịch VBMA
Tại phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ III, sau khi bầu Ban thường vụ, Ban chấp hành mới đã bầu ông Phạm Thanh Hà – Phó Tổng giám đốc Vietcombank làm Chủ tịch VBMA nhiệm kỳ III (2016 – 2019).
Ngày 26/10, tại Hà Nội, Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) đã tổ chức Đại hội nhiệm kỳ III (2016 – 2019). Tới dự Đại hội, về phía đại biểu cấp Bộ có ông Trần Văn Hiếu – Thứ trưởng Bộ Tài chính; bà Nguyễn Thị Hồng – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), cùng các ông/bà là lãnh đạo các vụ, cục thuộc Bộ tài chính, NHNN, Bộ Nội vụ.
Về phía VBMA có ông Quách Hùng Hiệp – Chủ tịch nhiệm kỳ II cùng đại diện các ngân hàng thương mại, các tổ chức tài chính là thành viên VBMA. Về phía Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) có ông Nghiêm Xuân Thành – Ủy viên BCH Đảng bộ Khối Doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT; ông Phạm Thanh Hà – Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch VBMA nhiệm kỳ II; Trưởng các phòng/ban thuộc khối vốn và Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS).
Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu đã đánh giá cao sự đóng góp của VBMA trong hoạt động đấu thầu trái phiếu Chính phủ ngày càng chuyên nghiệp và hiệu quả, góp phần quan trọng trong việc hoàn thành khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ để huy động vốn cho ngân sách Nhà nước. Khối lượng trái phiếu phát hành có sự tăng trưởng và phát triển qua các năm với sự cải thiện rõ rệt về kỳ hạn phát hành và chi phí huy động vốn của ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Thứ trưởng cũng chỉ đạo cần triển khai thực hiện các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu trong thời gian tới.
Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ: Tập trung xây dựng thị trường trái phiếu Chính phủ cả thị trường sơ cấp và thứ cấp; Tiếp tục điều hành thị trường theo nguyên tắc ổn định, bền vững, phù hợp với thông lệ quốc tế; Thực hiện tái cơ cấu danh mục nợ trái phiếu Chính phủ nhằm kéo dài kỳ hạn trái phiếu, giãn áp lực trả nợ cho ngân sách Nhà nước; Triển khai các sản phẩm trái phiếu Chính phủ mới để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư. Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 90/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu. Thực hiện các giải pháp để phát triển nhà đầu tư dài hạn, nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường trái phiếu.
Trong bài phát biểu của mình, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng rất quan tâm đến việc phát huy vai trò của Hiệp hội thị trường Trái phiếu Việt Nam trong sự phát triển chung của thị trường trái phiếu. NHNN đề nghị VBMA tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của NHNN để đề xuất các giải pháp phát triển của thị trường trái phiếu gắn kết chặt chẽ hơn với thị trường tiền tệ; phát triển các công cụ phái sinh; nghiên cứu, và phối hợp với các bộ, ngành để đề xuất các giải pháp đa dạng hóa các nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu qua đó giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng. Đồng thời, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng mong các hội viên của VBMA sẽ luôn đoàn kết, tham gia tích cực vào các hoạt động của Hiệp hội, xây dựng Hiệp hội hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thị trường trái phiếu Việt Nam.
Để ghi nhận đóng góp trong hoạt động của VBMA trong nhiệm kỳ vừa qua, Đại hội đã trao tặng Kỷ niệm chương và Giấy khen cho các thành viên và các cá nhân. Phần thảo luận của Đại hội khá sôi nổi khi nhận được nhiều ý kiến phát biểu đóng góp, xây dựng, chất vấn của các thành viên. Chủ tọa đã giải đáp thỏa đáng các thắc mắc, chất vấn của Đại hội.
Đại hội đã tiến hành bầu Ban chấp hành VBMA nhiệm kỳ III (2016 – 2019) gồm 23 thành viên. Tại phiên họp đầu tiên của nhiệm kỳ III, sau khi bầu Ban thường vụ, Ban chấp hành mới đã bầu ông Phạm Thanh Hà – Phó Tổng giám đốc Vietcombank làm Chủ tịch VBMA nhiệm kỳ III (2016 – 2019). Phát biểu tại Đại hội, tân Chủ tịch VBMA Phạm Thanh Hà đã nói lời cảm ơn tới toàn thể Ban chấp hành mới và Đại hội đã tín nhiệm. Tân Chủ tịch cũng hứa trước Đại hội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong nhiệm kỳ 2016 – 2019, đồng thời kêu gọi sự hợp tác tích cực và trách nhiệm hơn nữa từ các hội viên, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động cũng như vị thế của VBMA.
Video đang HOT
Theo Dantri
Góp vốn qua mạng internet: Hàng nghìn nạn nhân "sập bẫy" đa cấp
Huy động vốn qua mạng internet bằng cách lấy tiền của người góp vốn sau trả cho người góp vốn trước, chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng đã lừa đảo hàng nghìn khách hàng và chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.
Các đối tượng lừa đảo huy động vốn qua mạng internet theo kiểu đa cấp bị lực lượng công an bắt giữ
Mờ mắt vì lợi nhuận "khủng"
Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (SDCNC) Bộ Công an cho biết đang tạm giữ các đối tượng Nguyễn Thị Minh Phương (SN 1978), nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phương Thái An (Công ty Thái An), địa chỉ tại Khu phố 3, phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai; Phạm Thanh Toàn (SN 1971), nguyên Tổng giám đốc Công ty Thái An và Hồ Đình Phú (SN 1992, trú tại xã Phú Hội, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), nguyên Giám đốc kinh doanh Công ty Thái An để điều tra mở rộng về hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Theo điều tra của cơ quan công an, dưới sự điều hành của Nguyễn Thị Minh Phương, các đối tượng trên lập website hero8.org để kêu gọi khách hàng ở nhiều tỉnh - thành trong cả nước tham gia góp vốn vào công ty rồi hưởng "hoa hồng" giống như lãi suất "khủng", nhưng thực tế là hoạt động sử dụng tiền của người góp vốn sau trả cho người trước khi tham gia vào hệ thống. Chỉ trong một thời gian ngắn, các đối tượng Phương, Toàn và Phú đã lừa đảo hàng nghìn khách hàng qua hình thức huy động vốn lãi suất cao trái phép.
Cụ thể, các khách hàng tham gia vào hệ thống phải đầu tư 10.160.000 đồng và được cấp một mã gọi là ID. Trong đó, 2.160.000 đồng là tiền pin (một lệ phí tham gia do hệ thống đặt ra) và 8 triệu đồng đầu tư ban đầu gọi là PH. Theo mô hình giới thiệu, cứ 5 ngày, mỗi cá nhân tham gia một mã sẽ được nhận 2.200.000 đồng gọi là GH. Mỗi cá nhân được nhận tất cả 18 đợt. Do đó, theo tính toán, trong khoảng thời gian 5x18 = 90 ngày, nếu đầu tư 10.160.000 đồng thì khách hàng nhận được 2.200.000x18=39.600.000 đồng, tức lợi nhuận đầu tư ước tính khoảng 130%.
Trên cơ sở các tài liệu thu thập được, ngày 7-10, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm SDCNC phối hợp với Công an tỉnh Đồng Nai tiến hành bắt giữ các đối tượng trên. Tại cơ quan điều tra, bước đầu, các đối tượng khai nhận đã có 14.637 mã ID của thành viên kích hoạt tham gia thực tế, trong số 21.405 mã ID tham gia trong hệ thống.
Đáng chú ý, Công ty Thái An mới được thành lập từ đầu năm 2016 nhưng đã có hàng nghìn nạn nhân chuyển hơn 104 tỷ đồng vào tài khoản của Nguyễn Thị Minh Phương, 11 tỷ đồng vào tài khoản của Hồ Đình Phú và 15 tỷ đồng vào tài khoản của Phạm Thanh Toàn.
Bóng dáng của... đa cấp
Cũng với thủ đoạn tương tự, mới đây, Công an tỉnh Phú Thọ phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm SDCNC đã triệt phá vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức huy động vốn theo kiểu đa cấp. Cụ thể, vào khoảng tháng 7-2016, thông qua một số người quen, Trần Văn Hạnh (SN 1988, ở khu 4, xã Chu Hóa, TP Việt Trì, Phú Thọ) đã liên hệ mua tên miền "Gold.com" của Công ty Cổ phần và giải pháp công nghệ Vietnix (địa chỉ phường 2, quận Tân Bình, TP.HCM).
Hạnh đã liên hệ với Phạm Văn Trường (SN 1987, trú tại phường Cẩm Trung, TP Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh) để đặt hàng thiết kế website Gold 889.com hoạt động cho, nhận tiền theo hình thức đa cấp. Người tham gia chơi phải có tài khoản của Ngân hàng Vietcombank và được người "tuyến trên" giới thiệu, kích hoạt ID và cấp mã pin để đăng nhập.
Khi có ID, người chơi phải mua 2 pin của người trực tiếp giới thiệu với giá 150.000 đồng/pin để kích hoạt việc cho và nhận tiền. Sau khi chuyển 2,6 triệu đồng cho 4 ID đã chơi trước đó (gồm ID do website yêu cầu: 2 triệu đồng, cho các ID giới thiệu "tuyến trên" với các cấp độ: F3 là 300.000 đồng, F2 là 200.000 đồng và F1 là 100.000 đồng) người chơi được hứa hẹn sau 1-9 ngày sẽ nhận được số tiền 4 triệu đồng...
Tuy nhiên, bản chất của hình thức cho, nhận tiền trên website Gold 889.com là lấy tiền của người chơi sau trả cho người chơi trước, cứ 2 người chơi thì mới đủ tiền để trả cho 1 người. Khi số lượng người chơi quá đông thì các đối tượng sẽ chủ động đánh sập trang mạng trên để chiếm đoạt tiền của người chơi.
Ngày 3-10, Ban chuyên án đã phối hợp với Công an TP.HCM tiến hành thu thập dữ liệu của máy chủ đặt tại khu công nghiệp Tân Thuận Đông, ở quận 7, TP.HCM, đồng thời phối hợp với Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm SDCNC thuộc Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, Công an tỉnh Quảng Ninh đồng loạt thi hành lệnh bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở và nơi làm việc của các đối tượng chính trong chuyên án thuộc địa bàn 2 tỉnh Phú Thọ và Quảng Ninh.
Bước đầu Hạnh khai nhận đã từng tham gia và cũng đã mất khá nhiều tiền vào các trò chơi "ảo" trên mạng internet như: ABBA, Rich... Thấy việc thu lời từ các trò chơi trên khá dễ dàng nên Hạnh đã thông qua Nguyễn Ngọc Tuyên, (SN 1990, cùng xã Chu Hóa, TP. Việt Trì, Phú Thọ) liên hệ mua tên miền Gold.com, đồng thời lôi kéo nhiều người tại địa bàn các tỉnh Quảng Ninh và Phú Thọ tham gia.
Chỉ trong một thời gian ngắn đi vào hoạt động (từ ngày 20-8 đến 1-9) website Gold889.com do Trần Văn Hạnh cầm đầu đã lôi kéo được hơn 2.400 lượt người (ID) tham gia, với tổng số tiền luân chuyển trên 7 tỷ đồng. Ngày 1-9, Hạnh đã chỉ đạo đồng bọn chủ động đánh sập website này và xoá các dữ liệu trong ổ cứng máy chủ, đồng thời lập ra trang web mới mang tên NewGold889.com để tiếp tục lôi kéo người chơi nhằm chiếm đoạt tài sản.
Đừng "nắm dao đằng lưỡi"
Cần tránh xa việc góp vốn thông qua mạng internet hoặc thiết bị số, bởi rất khó xác định được người, tổ chức mà mình góp tiền.
Khi cần xác định, truy tìm người, tổ chức đã góp vốn để hưởng quyền lợi hay thu hồi vốn sẽ gặp khó khăn, hoặc sẽ không thực hiện được nếu không có sự trợ giúp của các chuyên gia về tin học và sự can thiệp của cơ quan chức năng. Thực tế, đã có một số vụ việc xảy ra, chỉ có cơ quan công an có chuyên môn, nghiệp vụ, có thiết bị chuyên ngành mới phát hiện được.
Hành vi lừa đảo trên mạng internet sẽ phải chịu chế tài hành chính hoặc chế tài hình sự. Cụ thể với chế tài hành chính sẽ xử lý theo quy định của Nghị định số 174 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến, tại điều 74: Sử dụng mạng nhằm chiếm đoạt tài sản. Hoặc áp dụng theo chế tài hình sự, nếu hành vi cấu thành tội lừa đảo theo Điều 226b Bộ luật Hình sự.
(Luật sư Nguyễn Anh Tuấn - Công ty luật TNHH Trường Lộc)
Theo Thanh Quang
An ninh thủ đô
Khởi tạo thị trường trái phiếu doanh nghiệp Báo cáo của Chính phủ trong phiên họp Thường vụ Quốc hội ngày 11/7/2016 đưa ra đánh giá, phát hành trái phiếu chính phủ diễn biến thuận lợi, 6 tháng đầu năm đạt 83% kế hoạch năm. Thực tế này sẽ làm giảm áp lực trong huy động trái phiếu chính phủ trong 6 tháng cuối năm, tạo điều kiện thuận lợi cho...