Phó Thủ tướng yêu cầu tìm nguyên nhân hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình “tụt” xuống sông
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây Dựng, Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân sạt lở và ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng như nhà ở, giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.
Hôm nay (31/7), Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác đã đi kiểm tra thực địa và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Hoà Bình về sự cố hàng chục ngôi nhà ở địa phương này bất ngờ bị sụt lún xuống dòng sông Đà. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu tổ chức ngay đoàn công tác để đánh giá toàn diện tình hình sạt lở tại Hoà Bình; bảo vệ hiện trường, khẩn trương di dời người dân khỏi khu vực nguy hiểm.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cùng đoàn công tác làm việc tại Hòa Bình.
Hoà Bình đề nghị hỗ trợ khẩn cấp gần 400 tỷ đồng
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình Nguyễn Văn Quang – thông tin: Tại khu vực tổ 26 phường Đồng Tiến, thành phố Hòa Bình vào hồi 18h ngảy 30/7/2018 đã xảy ra hiện tượng sạt lở bờ sông trên diện rộng làm nhà của 29 hộ dân (28 hộ có nhà xây, 1 hộ có đất trống) bị thiệt hại và đổ xuống lòng sông Đà. Trong đó, 9 hộ với 22 nhân khẩu bị sập nhà hoàn toàn; 10 hộ (27 nhân khẩu) bị sập nửa nhà; 9 hộ (17 nhân khẩu) nhà bị rạn nứt to có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào.
Trước những diễn biến phức tạp của mưa lũ, tại khu vực xóm Máy Giấy, xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn, chính quyền địa phương đã di dời 4 hộ dân với 10 nhân khẩu đến nơi an toàn; hiện đang tiếp tục theo dõi và di dời tiếp 3 hộ dân phía ta luy dương. Đồng thời, thường xuyên cử lực lượng theo dõi, ứng trực, cắt cử lực lượng công an, dân quân tự vệ cảnh giới cấm toàn bộ phương tiện và người dân vào khu vực nguy hiểm. Tại khu vực tổ 25-26 phường Đồng Tiến, thành phố Hoà Bình đã tổ chức di dời an toàn 35 hộ dân đến nơi ở tạm; tổ chức lực lượng công an, quân đội đảm bảo an toàn, an ninh tại khu vực sạt lở, điều tiết giao thông.
Tại cuộc họp, Hoà Bình đề nghị Trung ương hỗ trợ khẩn cấp gần 400 tỷ đồng để khắc phục ngay những thiệt hại nguy hiểm do mưa lũ gây ra.
Video đang HOT
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường khẳng định, tỉnh Hoà Bình cần phối hợp với các Bộ, ngành trung ương tổ chức rà soát lại toàn bộ cung sạt lở, từ đó có kiến nghị tổng thể, khắc phục khẩn cấp khi thiên tai tiếp tục tàn phá, gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
“Ngày mai, Bộ NN&PTNT sẽ cử một thứ trưởng cùng với các chuyên gia, nhà khoa học lên để cùng với tỉnh Hoà Bình đánh giá lại toàn diện”, Bộ trưởng nói.
Kỷ luật lãnh đạo lơ là, thiếu trách nhiệm với người dân trong mưa lũ
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chia sẻ những khó khăn, mất mát, gửi lời thăm hỏi đến các hộ dân bị thiệt hại nặng nề do đợt mưa lũ vừa qua. Trong những ngày tới, diễn biến mưa lũ vẫn còn rất phức tạp, do đó Phó Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, phải rất chủ động để ứng phó với diễn biến của mưa lũ.
“Phải tiếp tục đảm bảo an toàn tuyệt đối về tính mạng cho người dân. Lãnh đạo tỉnh, các cơ quan chức năng rà soát lại tất cả các vị trí có thể nguy hiểm để có kế hoạch di dời dân, không để người dân còn ở hoặc quay lại các công trình nguy hiểm”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo địa phương phải đảm bảo ổn định cuộc sống cho người dân phải đi sơ tán. Yêu cầu đặt ra là người dân phải có chỗ ở ổn định, địa phương chủ động hỗ trợ những nhu yếu phẩm cần thiết, tuyệt đối không để hộ dân nào thiếu chỗ ở, lương thực, thuốc men. Vai trò của lãnh đạo cơ sở là đặc biệt quan trọng, xem xét kỷ luật những lãnh đạo cơ sở lơ là, thiếu trách nhiệm với người dân trong mưa lũ.
Hàng chục ngôi nhà ở Hòa Bình bất ngờ bị sụt lún xuống sông Đà.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu sớm tìm quỹ đất phù hợp để quy hoạch, phát triển hạ tầng, hỗ trợ người dân bị sạt lở có thể sớm xây dựng lại nhà ở.
“Các lực lượng chức năng cũng phải tập trung khắc phục sự cố, chuẩn bị các phương án để ứng phó với mọi tình huống xấu có thể xảy ra. Phải kiểm tra lại tất cả các phương án ứng phó, đặc biệt về phương tiện, thiết bị, phương án chỉ huy, huy động lực lượng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Xây Dựng, Bộ GTVT đánh giá nguyên nhân sạt lở và ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng, giao thông, trước mắt điều tra các vị trí nguy hiểm cũng như đánh giá toàn tuyến để đề ra các giải pháp khắc phục, kiến nghị với địa phương bố trí lại dân cư. “Ngay sau cuộc họp này các Bộ phải cử đoàn công tác để khẩn trương điều tra nguyên nhân, đề xuất giải pháp xử lý khẩn cấp”, Phó Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh.
Về các kiến nghị của địa phương, Phó Thủ tướng đề nghị Uỷ ban phòng, chống lụt bão Trung ương tổng hợp, xác định rõ những nội dung cần hỗ trợ khẩn cấp và trong trung hạn để có giải pháp xử lý phù hợp.
Hoàng Dũng
Theo Danviet
Mỗi năm tai nạn giao thông "xoá sổ 1 xã"
Dù đã có nhiều nỗ lực kéo giảm số người chết và bị thương nhưng tình trạng tai nạn giao thông được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định là vẫn rất nghiêm trọng và năm 2017, hơn 8.000 người đã chết vì tai nạn giao thông, tương đương với việc "xoá sổ 1 xã".
Phát biểu kết luận tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Bộ GTVT, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng để giải quyết bài toán tai nạn giao thông thì phải xử lý nhiều yếu tố một cách đồng bộ. Theo thống kê, từ ngày 16.12.2016 đến 15.12.2017, cả nước xảy ra 20.080 vụ TNGT, làm chết 8.279 người, làm bị thương 17.040 người. Dù có giảm cả 3 tiêu chí nhưng việc hơn 8.000 người chết 1 năm tương đương với việc "xoá sổ 1 xã, 10 năm bằng 1 tỉnh". Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành giao thông tiếp tục có giải pháp triệt để nhằm hạn chế hơn nữa số nạn nhân vì TNGT.
Bên cạnh vấn đề TNGT, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập còn tồn tại của ngành giao thông như công tác hoàn thiện thể chế còn chậm thiếu đồng bộ, chất lượng nghị định, thông tư còn chưa phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn và là nút thắt ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội, vấn đề chất lượng quy hoạch ngành chưa cao. Phó Thủ tướng nhận định chất lượng các dự án, đặc biệt là các dự án BOT còn chưa tốt nên bộ phải nghiêm túc xem xét lại chất lượng các dự án.
Việc khai thác các dự án BOT còn nhiều bất cập gây bức xúc cho xã hội khiến nhiều nơi thành điểm nóng ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng tới nền kinh tế.
Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT rà soát, tháo gỡ các rào cản, nhất là những chính sách để huy động các nguồn lực xã hội, đầu tư hạ tầng, đặc biệt là chính sách về đầu tư theo hình thức hợp tác công tư, rà soát lại các dự án quan trọng đang dở dang.
Bộ được yêu cầu khẩn trương triển khai công tác chuẩn bị để sớm đầu tư các dự án quan trọng quốc gia như tuyến cao tốc Bắc - Nam, sớm hoàn thành cơ chế đặc thù, hoàn thiện quá trình chuẩn bị đầu tư, trong đó có việc tổ chức lựa chọn nhà thầu bằng hình thức đấu thầu rộng rãi, công khai, minh bạch, hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi CHK quốc tế Long Thành để có thể sớm khởi công, đưa vào khai thác năm 2025, đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, mở rộng nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, làm kỹ, làm rõ những khúc mắc mà người dân đang băn khoăn...
Ngoài ra, Bộ cần tiếp tục tập trung xử lý bất cập trong các dự án BOT, tiếp tục rà soát tổng thể, đồng bộ các dự án BOT, xác định rõ vốn đầu tư phù hợp với pháp luật và thực tiễn, xác định được giá đảm bảo lợi ích của người dân, nhà đầu tư, nhà nước.
KH
Theo Laodong
Không chỉ định thầu trong đầu tư tuyến cao tốc Bắc - Nam Kết luận cuộc họp về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 sáng 11/1, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh yêu cầu không chỉ định mà đấu thầu rộng rãi, công khai,...